Nghệ thuật

15 tác phẩm Nghệ thuật Thực địa quan trọng, từ “hồ nước muối” đến “cánh đồng sét”

Oct 09, 2021 | By Art Republik

Thời kỳ hoàng kim của Nghệ thuật Thực địa nhiều khả năng rơi vào khoảng thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ XX. Đó cũng là lúc các nghệ sĩ say mê khám phá các vùng sa mạc Tây Mỹ và bắt đầu vẽ hình, kẻ đường lên mặt đất.

“Double Negative” (1969), nghệ sĩ Michael Heizer. Nguồn: hayesbuchanan.com

Khi giới nghệ sĩ bắt đầu vươn ra ngoài giới hạn của bảo tàng và phòng tranh để tiến vào không gian mở, tiên phong phong trào mà ta gọi là Nghệ thuật Thực địa (Land Art), họ dấn bước vào thế giới không còn rào cản, tràn đầy cảm hứng với vô vàn chất liệu thiên nhiên để sử dụng. Không còn bao quanh bởi bốn bức tường trắng, xung quanh họ không gian trải dài, đường chân trời xa tít mù tắp. Không còn sơn dầu hay nhựa epoxy, chất liệu của họ giờ trở thành đất và đá.

Với lịch sử đã được vài trăm năm và có lẽ cả nghìn năm, thời kỳ hoàng kim của Nghệ thuật Thực địa nhiều khả năng rơi vào giữa thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, cũng là lúc các họa sĩ khám phá các vùng sa mạc Tây Mỹ và bắt đầu vẽ hình rồi kẻ đường lên mặt đất. Một phần động lực là để sáng tạo vượt khỏi lề lối của thị trường nghệ thuật đang ngày càng thương mại hóa, và phần khác là để tạo nên những tác phẩm bí ẩn không thể bị vật thể hóa. Song mỗi tác phẩm đều mang một tham vọng khác nhau – rồi tất cả đều truy về sự trân trọng trong khoảng thời gian chiêm nghiệm dài đằng đẵng cùng cảm giác phiêu lưu bao trùm.

Dưới đây là 15 tác phẩm thể hiện tinh thần Nghệ thuật Thực địa khi phong trào phát triển và lan rộng.

1. Robert Smithson, “Spiral Jetty” (1970)

Tác phẩm Thực Địa ấn tượng nhất trong thập niên 70 thuộc về “Spiral Jetty”, đây là một vòng xoáy điêu khắc có kích thước lên đến 1500 feet [tương đương 457 mét], được xếp bởi hơn 6000 tấn đá ba-zan xoáy vào lòng hồ nước muối Utah.

“Spiral Jetty” (1970), nghệ sĩ Robert Smithson. Nguồn: holtsmithsonfoundation.org

Chính hồ nước muối rộng lớn ấy đã thu hút Robert Smithson từ ngày ông biết rằng lòng nước vi sinh đó có thể “đỏ như súp cà chua”, và chơi đùa với những quy mô lớn trở thành sở thích của ông. “Kích cỡ định hình vật thể, nhưng quy mô sẽ định hình nghệ thuật,” ông viết. “Nếu định hình vết nứt trên tường theo quy mô mà không phải kích cỡ, nó có thể trở thành Hẻm núi lớn (Grand Canyon). Một căn phòng có thể chịu được sự giãn nở của cả Hệ mặt trời”. Suốt nhiều thập niên, tác phẩm điêu khắc cứ ẩn lại hiện, chìm lại nổi, nằm dưới mặt nước hoặc dạt tựa lên bờ theo nhịp hồ giãn nở. Nhưng tác phẩm vẫn nằm đúng chỗ và trở thành điểm tham quan du lịch, cách thành phố Salt Lake [bang Utah, Mỹ] hai giờ lái xe.

2. Michelle Stuart, “Niagara Gorge Path Relocated” (1975)

Hoành tráng nhưng mong manh – giống như rất nhiều tác phẩm Thực địa khác chỉ tồn tại trong một quãng ghi chép của lịch sử – tác phẩm “Niagara Gorge Path Relocated” của Michelle Stuart là một cuộn giấy dài 460 feet [tương đương 140 mét] được trải dài xuống hẻm núi được gọi là “vị trí nguyên thủy của thác Niagara từ 12.000 năm trước khi sông băng vẫn còn tồn tại”, theo như ghi chép trong cuốn sách “Sculptural Objects: Journeys In & Out of the Studio” của Stuart.

“Niagara Gorge Path Relocated” (1975), nghệ sĩ Michelle Stuart. Nguồn: Artnews.com

Vị trí nguyên thủy đó giờ đây nằm ở Lewiston (New York) – cách vị trí hiện tại của thác Niagara chừng 7 dặm; cũng là ngôi nhà Artpark, địa danh quan trọng với người yêu Nghệ thuật Thực địa, nơi đã ghi dấu nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ như Agnes Denes và Nanacy Holt, cũng như dinh thự tưởng nhớ Robert Smithson (sau cái chết thương tâm trong vụ tai nạn máy bay năm 1973, trong khi đang làm một dự án Nghệ thuật Thực địa khác tại Texas).

3. Michael Heizer, “Circular Surface Planar Displacement Drawing” (1970)

Có người vẽ bằng bút chì. Có người khác – như một Michael Heizer thời kỳ đỉnh cao với vẻ cao bồi hoang dã, da ngăm ngăm, đẹp trai và đăm chiêu – vẽ bằng vết bánh xe khi cưỡi xe máy dọc theo những lòng hồ sa mạc khô cằn. Đó là công cụ ông đã chọn để tạo nên “Circular Surface Planar Displacement”, một series những đường tròn hằn sâu trên mặt đất với kích thước lên đến 900×500 feet [tương đương 247×152 mét].

“Circular Surface Planar Displacement Drawing” (1970), nghệ sĩ Michael Heizer. Nguồn: are.na

Các bức họa bị mờ đi theo thời gian, nhưng huyền thoại tạo nên nó mãi tồn tại trong di sản của người nghệ sĩ với biên sử kỹ năng quái xế thần sầu. Như Heizer từng chia sẻ về tuổi thơ của mình với tạp chí New York Times Magazine vào năm 2005: “Tôi không có nhiều bạn. Tôi không phải dân thể thao, cũng không có tính đồng đội. Môn thể thao duy nhất tôi yêu thích là lái mô-tô, và bạn phải lái một mình thôi”.

4. Walter De Maria, “Yellow Painting/The Color Men Choose When They Attack the Earth” (1968)

Một trong những tác phẩm gây hiếu kỳ khi xuất hiện sớm tại triển lãm “Earthworks” ở Dwan Gallery (New York) là tác phẩm “Painting” của Walter De Maria (tên gốc trước khi bị thay đổi), họa một tấm huy chương bạc khắc dòng chữ “The Color Men Choose When They Attack the Earth” (Người da màu chọn lúc tấn công Trái Đất) trên nền vải toan lớn được sơn màu vàng sáng.

“Yellow Painting/The Color Men Choose When They Attack the Earth” (1968), nghệ sĩ Walter De Maria. Nguồn: Greg.org

Walter De Maria đã chọn bức tranh tham gia một triển lãm Nghệ thuật Thực địa như một trò đùa (“một hành động đối nghịch phô trương”, theo lời của Suzaan Boettger trong cuốn sách “Earthworks: Art and the Landscape of the Sixties” của cô), màu sắc mà ông sử dụng gợi lên sắc vàng quen thuộc của máy móc và xe kéo hiệu Caterpillar – những phương tiện người ta dùng để lấn sâu vào thế giới tự nhiên.

5. Maya Lin, “Storm King Wavefield” (2007-2008)

Cánh đồng sóng nước cuộn trào được tạo trên đất và cỏ là một cảnh tượng siêu thực tại Trung tâm Nghệ thuật Storm King ở Upstate New York, với diện tích lên đến 500 mẫu Anh [khoảng 202 hecta] phía trên thung lũng sông Hudson thơ mộng, là để dành hoàn toàn cho đa chủng các công trình điêu khắc khổng lồ.

“Storm King Wavefield” (2007-2008), nghệ sĩ Maya Lin. Nguồn: Artnews.com

Công trình này có liên quan tới hai trường sóng tương tự khác (tại Ann Arbor, Michigan và Miami, Florida), nhưng công trình này là lớn nhất, với bảy đợt sóng dài 400 feet [tương đương 122 mét] trải từ bên này sang bên kia, rồi nâng lên hạ xuống các đợt cao từ 10 đến 15 feet [3 – 4.5 mét]. Phải nói rằng cảm giác được bước đi giữa những đợt sóng – hay có thể nói là cưỡi sóng – thật kỳ vĩ.

6. Andy Goldsworthy, “Kelp thrown into a grey, overcast sky”, Biển Drakes, California (2013)

Andy Goldsworthy đã thực hiện rất nhiều công trình trên thực địa (giống như Maya Lin bên trên, ông cũng đã có dải tường đá nổi tiếng tại Trung tâm Nghệ thuật Storm King, bao quanh các rặng cây và dẫn xuống một cái ao). Trong tác phẩm của ông luôn có nét thanh lịch và tối giản đặc biệt, gợi lên trong những bức ảnh có những cọng rong biển ném lên không trung và ngưng lại ở trạng thái uốn lượn, cong cong trong không gian tĩnh. Nó chỉ ra rằng tảo bẹ, gió và lực hấp dẫn có thể cùng vẽ lên những đường nét gợi tả kích thích, chẳng thua kém gì những hoạ viên thực thụ nào.

“Kelp thrown into a grey, overcast sky”, Biển Drakes, California (2013), nghệ sĩ Andy Goldsworthy. Nguồn: Artnews.com

7. Richard Long, “Dusty Boots Line” (1988)

Richard Long sáng tạo cùng bùn và đá – và đi bộ nữa. Tác phẩm đầu tay mang tính biểu tượng từ những năm 1960 ghi dấu đường cỏ tạo nên bởi bàn chân người nghệ sĩ, và để làm “Dusty Boots Line”, ông đạp sỏi đá dạt ra để làm đường mòn giữa sa mạc Sahara, giữa một không gian mà ông đã sáng tạo hiệu quả trong chuyến đi năm 1988.

“Dusty Boots Line” (1988), Richard Long. Nguồn: richardlong.org

Như Long chia sẻ trong một dịp hồi tưởng tại London, “Làm nghệ thuật chỉ từ việc đi bộ, hay để lại những dấu vết phù du ở đây đó, là một quyền tự do của tôi. Tôi có thể làm nghệ thuật một cách rất đơn giản, được nâng tầm trên quy mô hàng dặm trong không gian”.

8. Michael Heizer, “Double Negative” (1969)

Một trong những tác phẩm Thực Địa nên thơ và hấp dẫn nhất phải kể đến “Double Negative”, một công trình hoành tráng đặt tâm điểm ở nơi cách Las Vegas 80 dặm về phương Bắc. Để thực hiện công trình cần đến cả một khu đất diện tích một dăm vuông, sở hữu bởi nhà bảo trợ kinh doanh nghệ thuật Virginia Dwan (dù không biết mục đích sử dụng của mẫu đất khi mua nó với giá 27,000 đô-la rồi nghe nói phải trả thêm 40,000 đô-la nữa để xây dựng).

“Double Negative” (1969), nghệ sĩ Michael Heizer. Nguồn: hayesbuchanan.com

Heizer đào thêm được 240,000 tấn đất ở hai bên vực thẳm, để chia đôi thành một không gian trống ở giữa. “Nó gọi là siêu hình học,” Heizer giải thích trong bộ phim tài liệu năm 2015, “Troublemakers: The Story of Land Art”. Cũng trong phim này anh nói rõ hơn về chủ nghĩa Nghệ thuật Thực địa, “Bạn không thể trao đổi hàng hóa với nó. Bạn cũng không thể bỏ nó vào túi. Nếu chiến tranh xảy ra thì cũng không di dời nó đi được. Nó chẳng có giá trị gì cả. Nói thực ra, nó là một nghĩa vụ”.

9. Druga Grupa, “Giewont” (1970)

Những cáo buộc về suy đồi bản ngã hay thói cuồng dâm không hề hiếm gặp trong thời kỳ trỗi dậy của Nghệ thuật Thực địa, và tập thể nhóm nghệ sĩ người Ba Lan Druga Grupa đã gửi gắm cảm xúc của mình vào một kiệt tác kỳ quặc đến khác thường: một tác phẩm Thực địa đầy tham vọng và được ghi chép tỉ mỉ song lại là giả tạo.

Nhóm nghệ sĩ Druga Grupa dưới chân núi Giewont, năm 1970. Từ trái qua: Lesław Janicki, Wacław Janicki, Jacek Maria Stokłosa. Nguồn: wyborcza.pl

Kế hoạch của họ là điêu khắc đỉnh Giewont, một đỉnh trong dãy núi Tatra ở Ba Lan, đã có cả đề xuất, ý tưởng và biểu đồ cụ thể để thực hiện công trình này (ví dụ như cắt phạm vào Lâu đài Wawel từ thế kỷ XIV ở Krakow). Nhưng như nhà phê bình nghệ thuật Martyna Nowicka thắc mắc tại một danh mục triển lãm dành cho Druga Grupa, trong ngữ cảnh đầy những “chế giễu và bịp bợm”, đặt câu hỏi với nhóm: “Nghe như kiểu các anh muốn tạo ra một chú thích điên rồ trong lịch sử nghệ thuật trình diễn của Ba Lan?”. Thật thế, đúng là vậy đó.

10. Bill Beckley, “Washington’s Crossing” (1969)

Chơi đùa với sự thực rằng các tác phẩm Thực Địa quá xa xôi và chỉ được chiêm ngưỡng qua ảnh và tư liệu, Bill Beckley đã xây dựng một loại cầu nối giữa Nghệ thuật Thực địa và cái gọi là “nghệ thuật tường thuật”, một phong cách tư duy khái niệm toàn thể mà trong đó câu chuyện truyền tải là điều tối quan trọng.

“Washington’s Crossing” (1969), nghệ sĩ Bill Beckley. Chữ viết tay: “On March 20, 1969 I went to “Washington’s Crossing” on the Delaware River And spilled white latex paint behind me as I walked from west to east across the river. I began at 1PM and reached the other side at 2:10PM. The river was 5 foot 6 inches (deep) at center and very cold”. Nguồn: bill-beckley.com

Năm 1969 ông đến địa điểm lịch sử nơi George Washington đã vượt sông Delaware nổi tiếng trong Cuộc Cách mạng Mỹ, và lặp lại hành động sử sách ấy với vết sơn trắng theo sau. Song trong ghi chép của mình ông lại nói thế này, “Khi tôi đi, dòng chảy đã cuốn tôi xuống dưới, tôi không chỉ mất đi lớp sơn mà còn cả chiếc máy ảnh tôi dùng để ghi lại tác phẩm. Sau đó tôi nhận ra rằng, tất cả những gì mình còn lại, chỉ là một câu chuyện.” (Một sự thật thú vị, bởi điều đó diễn ra ngay sau khi Beckley vừa chụp xong bức ảnh chính ông đội bộ tóc giả trắng và mặc trang phục thời Washington – “bức tự sướng đầu tiên mà cũng là cuối cùng của tôi” – theo lời ông kể).

11. Charles Ross, “Star Axis” (1971 – nay)

Tác phẩm “Star Axis” của Charles Ross là một đài quan sát và công trình kiến trúc được sắp đặt theo nguyên tắc chiêm tinh ở New Mexico, nơi các ngôi sao thắp sáng màn trời đêm vô tận.

“Star Axis” (1971 – nay), Charles Ross. Nguồn: Artnews.com

Ross đã làm việc với ánh sáng theo nhiều cách khác nhau (từ công trình sử dụng nguyên lý quang phổ và “chất đốt mặt trời” – một cách để đốt cháy vật liệu bằng cách tập trung ánh sáng qua lăng kính) và trong nhiều thập kỷ, ông đã xây dựng nên một kiệt tác khổng lồ cao đến 11 tầng. Khi được mở cửa cho công chúng (dự kiến năm 2022), các đường hầm và căn buồng khác nhau sẽ phô bày những liên kết vũ trụ nhất định – như vậy “người xem có thể đi qua các lớp thời gian thiên thể, trực tiếp nhìn thấy chu kỳ chuyển động 26,000 năm, sự dịch chuyển của Trái Đất thẳng hàng với các vì sao”.

12. Dennis Oppenheim, “Annual Rings” (1968)

“Annual Rings”, tác phẩm mà Dennis Oppenheim đã vẽ nên từ một loạt đường tròn đồng tâm thành một lớp băng bao phủ trên đường thủy, dựa trên khái niệm về thời gian trong cỏ cây trên bông tuyết. Cùng nguyên lý rằng mỗi vòng tròn tuyết thể hiện một vòng tuổi của cây, người nghệ sĩ đã “phóng đại mô hình phát triển của cây, và bằng cách dọn tuyết làm đường, cũng chuyển đổi những dòng thuỷ lưu đóng băng chia cắt nước Mỹ và Canada cả về địa lý và múi giờ”, theo như mô tả của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan giải thích.

“Annual Rings” (1968), nghệ sĩ Dennis Oppenheim. Nguồn: classified.substack.com

Bằng cách chơi đùa với ranh giới giữa không gian và thời gian, bảo tàng Met nhận xét Oppenheim là “đủ cởi mở để đặt câu hỏi về các giá trị tương đối của hệ thống quy luật định hình cuộc sống của ta”. Hoặc như chính nghệ sĩ đã nói trong số tạp chí Avalanche năm đó, “Hãy giả sử rằng nghệ thuật đã tự rũ bỏ giai đoạn thủ công và giờ đang quan tâm hơn tới vị trí, chất liệu và suy đoán”.

13. Nancy Holt, “Up and Under” (1987-1998)

Nancy Holt chính là nhà sáng tạo đứng sau một loạt tác phẩm Nghệ thuật Thực địa (bao gồm cả “Sun Tunnels” nổi tiếng ở vùng tây bắc Utah). Tại một mỏ cát cũ ở Phần Lan, Nancy Holt đã tạo nên “Up and Under”, tác phẩm là một loạt các đường hầm cổ chai chìm trong cỏ, được căn chỉnh theo chòm sao Bắc Đẩu.

“Up and Under” (1987-1998), nghệ sĩ Nancy Holt. Nguồn: Artnews.com

Các hồ nước phản chiếu cả bầu trời bên trên, và sự tụ họp của các địa điểm khác nhau xung quanh Phần Lan phỏng dựng trong lòng đất. Như được gợi ý trên trang web của quỹ Holt/Smithson (bà Holt kết hôn cùng Robert Smithson, người đứng sau tác phẩm “Spiral Jetty” nổi tiếng): “Địa hình chín muồi đem đến cho tác phẩm một trải nghiệm đa cảm và những suy ngẫm về chánh niệm”.

14. Donald Judd, “15 Works in Concrete” (1980-1984)

So với rất nhiều tác phẩm điêu khắc thuộc trường phái Tối giản của Donald Judd được định nghĩa bởi các phép đo tỉ mỉ và chế tạo tinh xảo; thì “15 Works in Concrete” lại khá thô mộc và lộn xộn.

Những khối hộp lớn (với độ cao và số đo được tính toán, sắp xếp rất tỉ mỉ và chắc chắn) được đặt giữa mênh mông hoang dã ngoài Marfa (Texas), với những bụi sa mạc khô cằn và thỏ nhảy nhót khắp nơi. Chúng cũng không khác gì một tấm giấy bạc trong số 100 tác phẩm không tên – sạch sẽ bóng bẩy – mà Judd lưu trữ trong nhà máy sản xuất nhôm ở kho pháo gần đó.

“15 Works in Concrete” (1980-1984), nghệ sĩ Donald Judd. Nguồn: chinati.org

“15 Works” được bắt đầu với nhiều vốn đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ Dia Art (cũng là tổ chức quỹ đã đầu tư và giám sát cho các dự án Thực Địa khác như “The Lightning Field” của Walter De Maria hay “Spiral Jetty” của Robert Smithson từ những năm 1999). Như Marianne Stockebrand đã viết trong một bài luận về tham vọng lớn của Judd ở Marfa, “Cả Dia và Judd đều có chung những lý tưởng gốc gác từ thời kỳ Phục Hưng, những lý tưởng mà họ đều không ngần ngại tự mình đo lường, dù ở cấp độ từ thiện hay nghệ thuật”.

15. Walter De Maria, “The Lightning Field” (1977)

Tác phẩm Nghệ thuật Thực địa kỳ vĩ nhất thảy là “The Lightning Field”, một tác phẩm sắp đặt gồm 400 thanh bạc thẳng đứng trên mặt phẳng rộng lớn của sa mạc, bao quanh bởi dãy núi của vùng New Mexico.

Nơi đây đem đến một trải nghiệm đa giác quan mạnh mẽ đối với những ai ở lại qua đêm (cần đăng ký trước, để được trú trong một cabin đủ chứa 6 du khách. Và mọi thứ sẽ thay đổi theo dòng chảy thời gian trong khung cảnh tĩnh lặng mà năng động, sự dao động của ánh sáng mặt trời khiến những cột bạc tưởng như vô hình rồi lại bị thiêu đốt trong ánh lửa vàng cam.

“The Lightning Field” (1977), nghệ sĩ Walter De Maria. Nguồn: Artnews.com

Dù người tham gia có được chứng kiến cảnh tượng sét đánh hay không, cũng không làm giảm trải nghiệm diệu kỳ ở nơi đó, và việc trở lại thế giới sau khi trải nghiệm kết thúc có thể thay đổi cả một con người. Như Walter De Maria đã giải thích: “Sự cô lập là bản chất của Nghệ thuật Thực địa”. Nhưng sự hòa hợp cũng như vậy, với tất cả sự vật và mọi sự đồng loại trong môi trường, mà ngay cả người chú tâm nhất trong số chúng ta cũng mất cả đời để tìm hiểu và trân trọng thêm lần nữa.

 

Nguồn: Artnews

Tác giả: Andy Battaglia

Chuyển ngữ: Vân Nguyễn


 
Back to top