ART & LIFE

Tim Knowles – Nghệ sỹ, cây, lá và gió

Oct 03, 2021 | By Xu

“Cộng tác” cùng thiên nhiên để “sản xuất” các tác phẩm/dự án nghệ thuật, với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị, hệ thống và cơ chế tự thiết kế, Tim Knowles đôi khi làm việc như một kỹ sư, hoặc một nhà khoa học, hơn là một nghệ sỹ. 

Tim Knowles là một nghệ sỹ người Anh, sinh năm 1969, sống và làm việc ở London. Knowles được biết đến nhiều nhất với việc trực quan/hiển thị một cái gì đó-từ tự nhiên, và không/khó có thể nhìn thấy-qua thiết kế. 

Nghệ sỹ làm việc trên nhiều phương tiện truyền thông, từ nhiếp ảnh đến video, vẽ, điêu khắc và sắp đặt. Anh sáng tạo, thiết kế có kế hoạch, định hướng và lập quy trình tỉ mỉ, đôi khi giống như một kỹ sư, hay một nhà khoa học. Các dự án/tác phẩm của Knowles là một loạt các đề tài được nghiên cứu và thực nghiệm, tạo ra các bản vẽ vật lý dựa trên các yếu tố, điều kiện chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, và được anh trình bày lại thành các tác phẩm sắp đặt, điêu khắc chứa đựng nhiều hàm ý – nhưng thường không tiết lộ hay mô tả cặn kẽ. 

Dự án “Tree Drawings”. Nguồn: timknowles.co.uk

Dự án “Tree Drawings”. Nguồn: timknowles.co.uk

Từ khoảng năm 2005, Knowles bắt đầu thực hiện dự án “Tree Drawings” với các chủ đề khác nhau, cho ra đời một series các bản vẽ, được tạo ra bằng cách gắn bút vẽ vào đầu những cành cây, dưới ảnh hưởng của gió, mỗi bức tranh là độc nhất và thể hiện phần nào đặc tính của từng loại cây. 

Trong đó, chủ đề “Weeping Willow on circular panel” (tạm dịch: Liễu Rủ trên tấm ván tròn) được thực hiện với 100 cây bút mực gắn trên cành Liễu Rủ (Weeping Willow hay còn gọi là Salix Babylonica) tạo ra một bức vẽ lớn trên tấm ván tròn bằng giấy có đường kính 5.1m (vốn được ghép từ 10 mảnh, mỗi mảnh có kích thước  2340 x 1600 x 33mm). Bức tranh do cây Liễu “sáng tác” vào ngày 24.08.2005. Một chủ đề khác cũng thuộc dự án “Tree Drawings” có tên “Scots Pine on Easel #1” (tạm dịch: Thông Scoland trên giá vẽ #1), thực hiện vào năm 2006. Hay các đề tài ứng dụng toạ độ trên Google Maps “Tree, Scots Pine at”, cộng tác với The Thank You Project, thực hiện vào năm 2012, tại khu rừng Black Down ở vùng Tây Nam của London. 

Năm 2009, Knowles đã gắn một chong chóng gió trông như hình cánh diều lên một chiếc mũ bảo hiểm và theo đà của gió ở bất cứ nơi nào nó dẫn tới, ghi lại trải nghiệm bằng một loạt ảnh phơi sáng lâu (long-exposure) được đặt tên là ““Wanderlust” (Lang Thang). Các dự án có thể ví von là cuốn theo chiều gió này được Knowles phát triển và kết hợp đa dạng trong nhiều năm, chẳng hạn như “Windbarbs” (Ngạnh Gió) và “Windwalks” (Gió đi bộ).

Một đột phá khác của Knowles là sự ra đời của “Recorded Delivery” (tạm dịch: Giao Hàng Được Ghi Lại) vào năm 2011. Để tạo bộ sưu tập video và hình ảnh này, Knowles đã gắn máy ảnh và thiết bị GPS vào một gói hàng, sau đó ghi lại hơn 20 giờ hành trình của gói hàng thông qua hệ thống bưu điện của Vương quốc Anh. 

Ảnh chụp tác phẩm sắp đặt “And what, for example, am I now seeing?” (tạm dịch: Và, ví dụ, tôi đang nhìn thấy gì vậy?), tại Galleria Continua, Les Moulins, Paris (Pháp), 04.2017 – 06.2017. Nguồn: timknowles.co.uk

Ảnh chụp tác phẩm sắp đặt “And what, for example, am I now seeing?” (tạm dịch: Và, ví dụ, tôi đang nhìn thấy gì vậy?), tại Galleria Continua, Les Moulins, Paris (Pháp), 04.2017 – 06.2017. Nguồn: timknowles.co.uk

Tree Drawings

Theo nghệ sỹ, các tác phẩm trong dự án “Tree Drawings” là một phần của thực tiễn rộng lớn, trong đó Knowles sử dụng các bộ máy, thiết bị, cơ chế hoặc các hệ thống, yếu tố ngoài tầm kiểm soát của anh, từ đó “tạo cơ hội cho việc sản xuất tác phẩm nghệ thuật”. Các tác phẩm trong dự án “Tree Drawings” do một loạt cây và gió “vẽ” nên, hầu hết được thực hiện ở các khu vực Borrowdale và Buttermere, thuộc Quận Hồ (Lake District) của nước Anh.

Tim Knowles đã cột các cây bút mà nghệ sỹ thường dùng để phác thảo vào các cành cây, sau đó đặt các tờ giấy sao cho chuyển động tự nhiên của cây cối – cũng như những khoảnh khắc tĩnh lặng – đều được khắc hoạ lại. Thành quả là các bức vẽ trừu tượng trông như đang diễn đạt “nội tâm” của cây, lá và gió. Mỗi bức tranh là duy nhất. Chúng tiết lộ một điều gì đó về bản chất, đặc tính và “kỹ năng” khác biệt của những cái cây, những cành lá khi đón nhận những làn gió. Đường nét uyển chuyển, nhún nhảy, phiêu lưu của cây Sồi. Sự tinh tế, chấm, chạm, thăm dò của nhánh Thông. Hay những vết cào xước, khô, cứng, rối loạn của Táo Gai.

Nói về “Tree Drawings” với Cabinet Magazine (số mùa Đông, 2007 – 2008), nghệ sỹ cho biết, quy trình là chìa khoá cho công việc của anh, mỗi bản vẽ của cây đều đi kèm với ảnh chụp, video và các tài liệu, kế hoạch về vị trí, cách thức thực hiện. 

Dự án “Tree Drawings”, chủ đề “Oak on easel # 1” (tạm dịch: Cây Sồi với giá vẽ #1), tại sông Stonethwaite Beck, đảo Smithymire Island, Cumbria (Anh). Thực hiện vào ngày 01.07.2005. Nguồn: timknowles.co.uk

Tranh vẽ của Sồi, chủ đề “Oak on easel # 1” (tạm dịch: Cây Sồi với giá vẽ #1), tại sông Stonethwaite Beck, đảo Smithymire Island, Cumbria (Anh), thuộc dự án “Tree Drawings”. Thực hiện vào ngày 01.07.2005. Nguồn: timknowles.co.uk

Dự án “Tree Drawings”, chủ đề “Weeping Willow on circular panel” (tạm dịch: Liễu Rủ trên tấm ván tròn). Thực hiện vào năm 2005. Nguồn: timknowles.co.uk

Liễu Rủ đang vẽ, một phần của chủ đề “Weeping Willow on circular panel” (tạm dịch: Liễu Rủ trên tấm ván tròn), dự án “Tree Drawings”, thực hiện vào năm 2005. Nguồn: timknowles.co.uk

Ảnh chụp tác phẩm sắp đặt Drawing Making: Making Drawing at the Drawing Room tại London (năm 2014), bao gồm 10 mảnh từ tấm ván tròn của “Weeping Willow on circular panel” (2005). Nguồn: timknowles.co.uk

Trong bài viết “The Mise en Scène of Post-Human Thinking” (tạm dịch: Mise en Scène [1] của tư duy Hậu-Nhân), đăng trên tạp chí Parse, chủ đề “Human” ( issue 12) [2], tác giả Maaike Bleeker liên hệ và diễn giải về thực hành nghệ thuật “Tree Drawings” của Tim Knowles với thuật ngữ “Mise en Scène”, rằng: “Những bức vẽ sẽ không tồn tại nếu không có nghệ sỹ Tim Knowles. Đúng. Tuy nhiên, để giải đáp “những bức vẽ này có ý nghĩa gì” (what the drawings are), vấn đề không chỉ xoay quanh các hành động và ý định của Knowles, cũng không phải anh ấy nắm quyền kiểm soát toàn bộ để khiến các bức vẽ sẽ trông như thế nào. Cần phải kể đến những cái cây. Và cây cối không có khả năng vẽ nếu không có gió, do đó, còn phụ thuộc vào một hệ thống thời tiết lớn hơn nữa, chính là khí hậu. Thêm nữa, cách thức gió tương tác với cây cối cũng phụ thuộc vào cấu tạo của môi trường xung quanh chúng…” 

Dự án “Tree Drawings”. Nguồn: expo63.tumblr.com

Nếu xét đến việc “vẽ vời” của cây cối trong “Tree Drawings”, có vẻ như hệ sinh thái đã giúp cây cối có khả năng “vẽ tranh” – mà thực tế chúng không thể làm được. Hệ sinh thái kỳ diệu đã hỗ trợ cành cây nhánh lá trong việc tạo ra những thứ trông giống như các biểu hiện nghệ thuật. Trong trường hợp một bức vẽ do nghệ sỹ con người thực hiện, người xem thường có thể hoặc có cách để hiểu, vì tựu trung, nghệ sỹ con người sử dụng nét vẽ để thể hiện bản thân, để truyền đạt một cái gì đó hoặc đại diện cho một cái gì đó. Nhưng với “Tree Drawings”, liệu người xem có hiểu được bức tranh với quan niệm rằng những cái cây cũng có cảm hứng nghệ thuật, và chúng muốn thể hiện điều gì đó khi được trao cho bút, mực, giấy, màu…? 

Rốt cuộc, tác nhân nghệ thuật trong “Tree Drawings” phụ thuộc vào ai/cái gì? Khi mà, cây không thể “vẽ” nếu không có gió, gió là một phần trong sự vận hành vĩ đại của hệ sinh thái bao gồm chính nó, cùng với khí hậu, đất, đá, nước, cây, lá,…và cả nghệ sỹ, Tim Knowles, người cung cấp giấy, bút, mực, màu, giá vẽ, ý tưởng, suy niệm,… 

Dự án “Tree Drawings”. Nguồn: expo63.tumblr.com

Thực tế, nghệ sỹ không diễn đạt luận điểm hay triết lý bằng ngôn ngữ, mà bằng hình thức diễn đạt tư liệu. Anh nghiên cứu, thực hành, quan sát, quay, chụp, cân đối, lưu trữ, trình bày, sắp đặt…Tác phẩm/dự án của Tim Knowles gợi lên những điều gì đó – nhiều hơn một ý tưởng, một quá trình thể nghiệm hay một sự truy vấn – mà những điều đó có thể coi là trung gian dẫn truyền, kích hoạt và phân tán suy nghĩ của người xem.

Hơn hết, con người cũng là một phần của hệ sinh thái vĩ đại, bản thân mỗi người gắn bó mật thiết với khả năng đáp ứng của môi trường [tự nhiên] xung quanh. Và theo Maaike Bleeker: điều này không phải là mới, cũng không phải là nguyên lý tồn tại duy nhất trong “thời đại công nghệ ngày nay” [3]; và các nhà lý thuyết của Chủ Nghĩa Hậu Nhân Loại cho rằng mối gắn bó mật thiết này đã bị che khuất bởi một lịch sử huy hoàng của “tư duy lấy con người làm trung tâm”. 

“Larch (4 pen) on Easel #1” (Thông, giá vẽ và 4 cây bút), tại làng The How, thung lũng Borrowdale, Cumbria (Anh), thực hiện vào năm 2005. Nguồn: cabinetmagazine.org

Tranh vẽ của Thông, “Larch (4 pen) on Easel #1”, mực trên giấy, tại làng The How, thung lũng Borrowdale, Cumbria (Anh), thực hiện vào năm 2005. Nguồn: cabinetmagazine.org

Dự án “Tree Drawings”, chủ đề “Dragon Spruce” (tạm dịch: Vân Sam Rồng, hay còn gọi là Chinese Spruce (Vân Sam Trung Hoa), tên khoa học là Picea Asperata), thực hiện vào năm 2012. Nguồn: timknowles.co.uk

Vân Sam “vẽ” bằng bút mực trên giấy, thực hiện vào năm 2012. Nguồn: timknowles.co.uk

Tác phẩm sắp đặt, gồm ảnh chụp và các bản vẽ của cây Vân Sam, tại Bakala Gallery, Boston (Mỹ) vào năm 2012. Nguồn: timknowles.co.uk

Windwalk 

Windwalk là một series các chuyến đi bộ được dẫn hướng bởi gió, bằng cách sử dụng một loạt các cơ chế gồm chong chóng gió, ghi lại hành trình bằng camera và “vẽ” bằng GPS.

Chủ đề “Mass Windwalk” (tạm dịch: Gió Đi Bộ Đại Chúng), được tiến hành bằng cách 50 cộng tác viên đồng khởi hành từ quảng trường Taylor ở Sydney (Úc) và đi bộ theo hướng dẫn của gió trong 1 giờ đồng hồ. Họ nhanh chóng phân tán khắp thành phố và các tuyến đường của họ được ghi lại trực tiếp qua ứng dụng điện thoại, từ đó tạo ra một bức vẽ trực tiếp “thuận theo chiều gió”. Tác phẩm/dự án “Mass Windwalk” được thực hiện vào ngày 21.04.2013, với sự hợp tác giữa một uỷ ban của thành phố Sydney và NAS Gallery. 

Các cộng tác viên thực hiện “Mass Windwalk” bằng cách di chuyển theo hướng dẫn của các làn gió ở thành phố Sydney. Nguồn: timknowles.co.uk

Mũ bảo hiểm được lắp đặt chong chóng gió trông như hình cánh diều, camera và thiết bị định vị GPS, được sử dụng cho tác phẩm mang chủ đề “Five walks from Charing Cross”, dự án “Windwalk’, thực hiện vào năm 2008. Nguồn: timknowles.co.uk

Tác phẩm “vẽ” bằng GPS, lưu trữ trên giấy (1200x 1200 mm), một phần của dự án “Windwalk”, đề tài “Five walks from Charing Cross” (năm 2008). Nguồn: timknowles.co.uk

WTWB

WTWB là dự án đang được nghệ sỹ phát triển nhằm tạo ra một loại tàu tự hành, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của hướng gió. Sau đó, im Knowles sẽ thực hiện một hành trình từ trung tâm của một cái hồ lớn, không chèo lái, thay vào đó hoàn toàn dựa vào sức gió cho đến khi tới được bờ. Dự án này ban đầu được trình bày ở dạng bản phác thảo ý tưởng, cùng với các kế hoạch và mô hình thu nhỏ. 

Theo như nghệ sỹ mô tả, WTWB Prototype V2 có tỷ lệ 2/3 so với nguyên mẫu của con tàu, hoạt động như một tác phẩm điêu khác, một tác phẩm theo đúng nghĩa của nó, một biểu hiện vật lý của khái niệm trôi dạt, được điều khiển bởi các ngoại lực mà người ta không thể kiểm soát. Đây cũng được anh xem như một phương tiện tiềm năng, dành cho một chuyến đi không xác định thời gian và điểm đến. 

Chuyến du hành đầu tiên, “WTWB PV2 – Maiden Voyage”, tại vườn Hestercombe Gardens, năm 2017. Nguồn: timknowles.co.uk

WTWB PV2 – Sắp đặt, tại Hestercombe House Gallery, năm 2017. Nguồn: timknowles.co.uk

Chú thích:

[1] Mise en scène (tạm dịch: dàn cảnh), là một thuật ngữ trong nghệ thuật sân khấu (theater art), mô tả theo nghĩa rộng là sự sắp xếp/thiết kế tất cả các nguồn lực của biểu diễn sân khấu: trang trí, ánh sáng, âm nhạc, diễn viên và sự diễn xuất. Theo tác giả Maaike Bleeker, “do đó, Mise en scène có thể được sử dụng như một thuật ngữ trong phương pháp phân tích, nhằm dẫn dắt sự chú ý vào các đặc điểm cụ thể trong cách sắp xếp/dàn cảnh của một buổi biểu diễn chính thức trên sân khấu”. Và thuật ngữ này cũng có thể dùng để mô tả các thực hành [nghệ thuật] có cách bố trí, dàn xếp bối cảnh tương tự, chẳng hạn như “sắp đặt” và “đạo diễn”. Tác giả cho biết thêm, thực hành đặt mọi thứ và con người lên sân khấu có nguồn gốc lâu đời như chính rạp hát, nhưng chỉ khoảng năm 1820 , các thuật ngữ mise en scène và metteur en scène (tạm dịch: đạo diễn) đã bắt đầu được áp dụng theo cách chúng ta sử dụng chúng hiện nay.   

[2] Parse 2019, “Human” ( issue 12, thu 2020): theo mô tả của tạp chí, “Parse là một nền tảng nghiên cứu xuất bản cam kết chuyển động qua lại giữa phân tích và sáng tạo, giữa ý nghĩa và phân tích ý nghĩa, giữa cấu trúc và tái cấu trúc). Issue 12 đàm luận về chủ đề “Nhân Loại”, mời gọi những đóng góp để “tái tưởng tượng, tái tạo, phơi bày và mở rộng các ý niệm mặt-đối-mặt (vis-à-vis) của nhân loại về phi-nhân, bất-nhân, phụ-nhân, hậu-nhân và vô-nhân đạo.

[3] Trong bài viết “The Mise en Scène of Post-Human Thinking”, tác giả Maaike Bleeker cũng liên hệ đến cách mà nhà lý thuyết truyền thông Mark B.N. Hansen giới thiệu thuật ngữ Mise en scène, trong bối cảnh thảo luận về sự phát triển công nghệ trong thời đại ngày nay, và cách sự phát triển này đối mặt với chúng ta, trong tình huống mà công nghệ không còn có thể được hiểu như “một bộ công cụ được sử dụng bởi con người”, và thay vào đó, công nghệ đã trở thành “một hệ sinh thái mà trong đó có sự tham gia của con người”.

 

Thực hiện: Xu


 
Back to top