Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Nhật Thực” trong những phận người của Phương Quốc Trí

Jan 14, 2022 | By Art Republik

Loạt tác phẩm “Nhật Thực” (2016 – 2018) của Phương Quốc Trí trong sự kiện triển lãm tổ chức bởi Lavelle Library đã đón nhận nhiều lời khen tặng của giới văn – nghệ sỹ. Đây cũng là triển lãm mở màn cho chuỗi hoạt động “Imaginary Series” của Lavelle Library.

Với sứ mệnh đưa nghệ thuật vào cuộc sống, Lavelle Library tự hào ra mắt chương trình “Imaginary Series” nhằm tôn vinh những tài năng nghệ thuật trẻ cũng như những nghệ sỹ đã thành danh, và đưa những tác phẩm mới nhất đến với công chúng. Lavelle Library muốn trở thành cầu nối giữa nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật, tạo cơ hội cho các tác phẩm dễ dàng tiếp cận với công chúng cũng như giúp các nghệ sỹ có một không gian để chia sẻ niềm đam mê và thành quả sáng tạo của mình.

Trong khuôn khổ chương trình, mỗi tháng Lavelle Library sẽ tổ chức các hoạt động nghệ thuật đa dạng và phong phú như triển lãm hội hoạ, điêu khắc, sắp đặt, nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn như múa, biểu diễn âm nhạc, ca hát, chiếu phim, trình diễn thời trang và ra mắt sách… “Imaginary Series” hy vọng sẽ trở thành điểm mới tại Việt Nam cho các nghệ sỹ cũng như những tâm hồn yêu nghệ thuật. Một nơi mà những người nghệ sỹ sẽ được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin từ những người đam mê nghệ thuật và yêu thích các tác phẩm của mình, để nghệ sỹ tiếp tục tạo ra các giá trị nghệ thuật tốt đẹp cho cuộc sống. Mở đầu cho series này chính là buổi triển lãm tác phẩm và tôn vinh hoạ sỹ tài danh Phương Quốc Trí.

Trong loạt tranh “Nhật Thực” (2016 – 2018), Phương Quốc Trí (sn. 1976, Phan Rang) đã hé mở cho khán giả yêu nghệ thuật một góc nhìn mới về thế giới nghệ thuật của anh mà từ trước đến nay ít người được biết tới. Là một nghệ sỹ hoàn toàn không qua bất kì đào tạo bài bản và trường lớp nào, Phương Quốc Trí đã ngay lập tức tạo được tiếng vang và sớm xây dựng phong cách nghệ thuật của riêng mình ngay từ những năm 2000.

“Tôi chọn cái gam màu vàng, cái màu của cát, màu của đất. Đất, cát – bụi trần, chính là sự nuôi dưỡng, và cũng là nơi ta trở về” – Phương Quốc Trí

Trước đây, với loạt tranh chân dung các thiếu nữ trẻ với tông màu monochrome vừa thấp thoáng một hương vị hoài cổ vừa mang tinh thần của đời sống hiện đại, Phương Quốc Trí đã tạo nên tên tuổi của mình trong các triển lãm nghệ thuật cả trong nước và quốc tế. Trong khi những chân dung thời đó tìm đến Cái Đẹp – Sự Mê Đắm trước những rung cảm bất kì từ một ánh mắt, biểu cảm, đặc điểm của một chân dung, thì giờ đây, với “Nhật Thực”, Phương Quốc Trí lại tìm đến một cách tiếp cận mới về Cái Xấu – Hay cái thường được cho là đối nghịch với Cái Đẹp – sự mơ hồ để đặt lên những câu hỏi Cái Đẹp, Sự tồn tại và Thế giới.

“Để hiểu thế giới này, người ta đôi lúc phải quay lưng lại với nó” – Albert Camus, Thần thoại về Sisyphus.

Nhật thực là hiện tượng tự nhiên khi Mặt Trăng (một biểu tượng của Âm tính) che khuất một phần hay hoàn toàn Mặt Trời (một biểu tượng của Dương tính). Hiện tượng này đã từng gây nhiều nỗi sợ cho người dân thời cổ đại, khi Mặt Trời giữa ban ngày bị đột ngột biến mất và mang đến bóng tối trong khoảnh khắc. Nhật thực vì vậy dường như chứa đầy những ẩn dụ tinh tế về thế giới nội tâm và tinh thần. Đối với Phương Quốc Trí, “Nhật Thực” là một cuộc thử nghiệm trong chốc lát nhằm thoát khỏi phong cách quá đỗi quen thuộc trước đó của anh.

“Nhật Thực” là cuộc tìm kiếm và ngợi ca bóng tối trong cả thế giới hiện thực và siêu hình để nhào nặn ra những câu chuyện, nhân vật, hành vi, biểu cảm mới. Chỉ trong 15 tác phẩm với những tên gọi chỉ là những con số bất kì, Phương Quốc Trí dường như đã tạo nên một câu chuyện bí ẩn với những nhân vật và những thế giới quan, đồng thời tạo ra những tưởng tượng về muôn vàn những khả thể khác nhau.

 “Cái đẹp, ở một khía cạnh nào đó, thật nhàm chán. Ngay cả khi khái niệm của nó đã thay đổi qua các thời đại… một vật thể đẹp vẫn luôn phải tuân theo những quy tắc nhất định…” – Umberto Eco

Ở tác phẩm số 0118, hình dáng một sự riêng tư ấp ủ của hai sinh linh vừa có thể là một ẩn dụ cho sự ra đời, nâng niu cũng như chăm bẵm của một bào thai. Trong khi đó tác phẩm 0418 vừa có thể có cách đọc như sự ra đời của một sinh linh vừa như phản chiếu cho sự mong manh yếu đuối của con người. Khi đau đớn, tuyệt vọng, cô đơn, theo phản ứng từ thai nhi người ta co mình lại để ôm ấp chính mình, để tìm về cảm giác ấm áp trong vòng tay mẹ thuở ban đầu.

Cùng lúc đó sự trần trụi và một mình trong tác phẩm 0518 lại mang một ánh sáng êm dịu và cứu rỗi – của vầng hào quang ở trên, nơi có thể là thiên đàng – giải thoát – là vòng xoay vần của vũ trụ và thế giới. Để đến tác phẩm 0817, một cơ thể đỡ một cơ thể nhỏ bé hơn như trong một trạng thái biến chuyển đầy mạnh mẽ.

Tuy đầy những băn khoăn, trầm tư trong thế giới nội tâm phức tạp và mâu thuẫn này, Tình yêu vẫn luôn tồn tại, như trong tác phẩm số 0916, hình hài của hai người hoà quyện lẫn nhau có thể trong một cơn say, một cuộc yêu đương, một nỗi tuyệt vọng nhưng vẫn gờn gợn một sự xa cách, một nỗi buồn man mác. Chẳng phải ngay cả trong tình yêu con người vẫn rất xa nhau? Chẳng phải trong chính những ước vọng được hiểu và sự tuyệt vọng khi hai thế giới không thể hoà hợp chỉ càng thể hiện rõ thân phận của con người là cô đơn và duy nhất trên thế gian này.

Và rồi duy nhất chân dung tự hoạ tác giả và chân dung một người phụ nữ vô danh là hai tác phẩm chính diện mà người ta có thể nhận biết được đặc điểm nhận dạng. Tông màu đen trầm và xử lý ánh sáng trong series này còn gợi đến cách sử dụng ánh sáng vàng trong tranh cổ điển thời Phục Hưng, nơi mà chỉ có ánh sáng từ một nguồn phản chiếu xuống những thân phận này.

Nhà văn người Ý, Umberto Eco đã từng viết trong cuốn Luận bàn về cái xấu: “Cái đẹp, ở một khía cạnh nào đó, thật nhàm chán. Ngay cả khi khái niệm của nó đã thay đổi qua các thời đại… một vật thể đẹp vẫn luôn phải tuân theo những quy tắc nhất định. Một chiếc mũi đẹp không nên dài hơn hoặc ngắn hơn, ngược lại, một chiếc mũi xấu có thể dài bằng mũi của Pinocchio, hoặc to bằng vòi voi, hoặc như mỏ đại bàng, và vì vậy sự xấu xí là không thể đoán trước, và nó tạo nên một loạt những khả năng vô hạn. Cái đẹp là hữu hạn, cái xấu là vô hạn cũng giống như Thượng đế vậy”.

Đối với quan niệm của Umberto Eco, cái xấu và cái đẹp cổ điển có những hạn chế nhất định nhưng trong thế giới đương đại ngày nay, những khái niệm này liên tục bị thách thức. Hành trình tìm kiếm những góc khuất và thử nghiệm những cái mới luôn là một con đường khó khăn và chông gai, nhưng là nghệ sỹ, việc không ngừng thách thức, thử sức với các giới hạn khác nhau của chính mình là con đường để họ tìm đến sự đổi mới và sáng tạo không ngừng.

“Nhật Thực” hy vọng sẽ là cánh cửa mở ra nhiều sự nhận thức và cảm nhận về thẩm mỹ mới cho khán giả, cũng như sẽ là một bước ngoặt mới để mở ra những sáng tác riêng tư hơn nữa của Phương Quốc Trí trong tương lai. Cũng chính như hiện tượng Nhật Thực của Mẹ Thiên Nhiên chỉ trong một khoảnh khắc nhưng cũng để lại dấu ấn trong kí ức của người xem.

 “Nhật Thực chính là sự che khuất, sự u ám, hay chính là sự mất mát. Nó hiện diện trong những phận người, như một cái chốn lưu đày và xa lạ” – Phương Quốc Trí

Bài: Đỗ Tường Linh

Ảnh: Lavelle Library

* Triển lãm “Nhật Thực” (2016 – 2018) của hoạ sỹ Phương Quốc Trí, diễn ra từ 22 đến 29 tháng 12 năm 2021, tại Lavelle Library, là một phần trong khuôn khổ chương trình “Imaginery Series” – do diễn viên, nghệ sỹ múa Đỗ Thị Hải Yến và chồng là Calvin Lâm cùng khởi xướng (cả hai vốn là chủ nhà hàng Lavelle Library, đồng thời là các nhà sưu tầm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật Đông Dương và nghệ thuật đương đại), nhằm tôn vinh những nghệ sỹ trẻ tài năng và những nghệ sỹ đã thành danh, với mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đời thường của đại chúng.


 
Back to top