Nghệ thuật, động vật và con người – Chúng ta thật là giống loài bạo lực “có đạo đức”?
Có 3 trường hợp chính trong cuộc tranh luận đạo đức này: một là động vật đã chết, xác của chúng bị/được nghệ sỹ khai thác; hai là động vật bị giết để phục vụ cho việc “sáng tác”; cuối cùng là động vật bị giết hại tàn nhẫn nhân danh “ý niệm nghệ thuật”.
Nhiều nghệ sỹ đã gây dựng sự nghiệp nghệ thuật đầy tai tiếng khi sử dụng động vật để tạo ra tác phẩm. Không chỉ là vật liệu có nguồn gốc động vật, đó có thể là xác động vật hoặc bộ phận của động vật chết, tệ hơn nữa, một số nghệ sỹ hành hạ động vật sống để thể hiện “tài năng sáng tạo” của họ dưới danh nghĩa “nghệ thuật”. Đối với đại chúng, kiểu “nghệ thuật” như thế đã bỏ qua mọi nguyên tắc đạo đức, và thành công của những người nghệ sỹ dựa trên “phẩm vị nghệ thuật giá trị cao” đó lại càng châm biếm cho phẩm giá của một con người.
Khi nghệ thuật Avant-garde đi quá xa?
Năm 1977, một nghệ sỹ 25 tuổi ở New York tên là Tom Otterness đã nhận nuôi một con chó từ một trại động vật ở Golden (Colorado, Mỹ). Ông ký hợp đồng và hứa hẹn sẽ trở thành một người chủ nuôi có trách nhiệm, nhưng cùng năm đó, Otterness trói con chó vào một cái cây và bắn nó đến chết.
Otterness đã ghi lại toàn bộ cuộc hành hình bằng máy quay phim và đặt tên là “Shot Dog Film”. Bộ phim tàn nhẫn này sau đó được chiếu tại một rạp hát ở Quảng Trường Thời Đại. Và vào sáng Giáng Sinh năm 1978, “Shot Dog Film” được phát trên kênh truyền hình cáp Manhattan, dẫn đến một làn sóng phản đối dữ dội và kêu gọi truy tố Otterness. Theo mục Artfile trên tờ The Breeze (Thứ sáu, 29.02.1980, vol.57, tr.11) “Shot Dog Film” đã bị ai đó sắp xếp phát sóng trên truyền hình cáp Manhattan thay vì chương trình bình thường dành cho trẻ em.
Cho đến tận bây giờ, câu hỏi là: Tại sao?
Năm 2000, Marco Evaristti, một nghệ sỹ người Chile, đã trưng bày một tác phẩm nhằm mục đích thử nghiệm xã hội. Triển lãm “Eye go Black” của Marco Evaristti tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Trapholt ở Kolding (Đan Mạch), bao gồm một chiếc bàn với mười chiếc máy xay sinh tố đã cắm điện sẵn có chứa những con cá vàng sống, và một bức ảnh lớn chụp một người đàn ông bị bịt mắt với chiếc quần quân đội bị tụt xuống bắp chân. Công chúng được phép gây ra cái chết của con cá bằng cách nhấn nút. Một số con cá vàng đã bị giết, Evaristti và giám đốc bảo tàng là Peter Meyers bị buộc tội tàn ác với động vật nhưng sau đó được tha bổng vì “không gây ra đau khổ kéo dài“.
Năm 2012, gần 9000 con bướm đã chết để “phục vụ” cho buổi trình diễn “In and Out of Love” của nghệ sỹ người Anh, Damien Hirst, tại Tate Modern ở London. Những con côn trùng màu sắc rực rỡ này bị mắc kẹt trong hai căn phòng không có cửa sổ, chúng bay rối loạn về mọi hướng, tạo ra một nguồn năng lượng điên cuồng. Trong điều kiện “nuôi nhốt” và bị ép buộc “làm nghệ thuật” như vậy, mỗi ngày có hàng chục con bướm chết đi và các căn phòng cần phải “bổ sung” đến 400 con mỗi tuần.
Và nhiều trường phái nghệ thuật khác.
Nghệ thuật “phơi bày” đạo đức giả
Tháng 10 năm 2012, truyền thông đưa tin về một buổi quay tại toà thị chính Antwerp (Bỉ) cho bộ phim nghệ thuật sắp ra mắt của Jan Fabre. Để phục vụ cho cảnh phim, những con mèo sống liên tục bị ném vào không trung, cách mặt đất vài mét và rơi xuống bậc thềm cầu thang có lót đệm. Chủ tịch điều hành phúc lợi động vật, Luc Bungeneers, cho biết ông đang họp thì nghe thấy tiếng mèo kêu thét. “Thật kinh hoàng, chúng tôi thấy những con mèo đang bị tấn công nhân danh nghệ thuật. Và điều kinh hoàng đó đã diễn ra trong vài giờ“.
Việc quay phim cuối cùng đã bị huỷ bỏ vì sự phản đối của chính những người trong đoàn phim. Mặc dù vào cuối ngày hôm đó, nghệ sỹ Fabre đã tuyên bố rằng tất cả các con mèo đều ở trong tình trạng khoẻ mạnh, ông vẫn nhận về khoảng 20.000 email chỉ trích. Fabre thậm chí còn bị tấn công đến 7 lần bởi những người đàn ông mang gậy khi ông chạy bộ trong công viên, và ông phải ngủ ở mỗi địa điểm khác nhau mỗi đêm.
Đến tháng 10 năm 2016, Fabre tiếp tục gây ra sự phẫn nộ trong công chúng. Theo rt.com, đây là một cuộc triển lãm có chủ ý khiêu khích. Những con vật đã chết và bị nhồi bông, sắp đặt trong những tư thế và bối cảnh kỳ lạ bên cạnh những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới ở Bảo Tàng Hermitage của nhà nước Nga. Con chó nhồi bông với chiếc mũ party bị treo cùng những dải ruy băng rũ xuống từ trần nhà, một con thiên nga trắng như bị tóm lấy bởi một bộ xương đã cháy đen, một con mèo bị đóng đinh, và những con cú ngồi trước những bức tranh cung điện đáng kính…
Một sự kiện triển lãm tại một địa điểm uy tín hàng đầu đã gây ra sự phẫn nộ dữ dội từ những người theo chủ nghĩa truyền thống và các nhà hoạt động vì quyền động vật. Một chiến dịch phản đối kèm theo hashtag #позорэрмитажу, và “Shame on you, Hermitage” đã nổi lên. Bảo Tàng Hermitage buộc phải tổ chức một cuộc họp báo để giải thích, tuy nhiên từ chối dừng triển lãm, do đó “triển lãm thú nhồi bông” của Fabre vẫn kéo dài đến tháng 4 năm 2017. Nghệ sỹ Fabre tuyên bố rằng những con vật được sử dụng thực ra đã bị người khác giết hoặc chết bỏ xác trên đường. Ông bác bỏ cáo buộc của những người chỉ trích ông là tàn ác và bạo lực.
“Lời kêu gọi bảo vệ động vật là đúng đắn, và chúng tôi đã đánh thức mọi người và để họ thảo luận về chủ đề này” – Mikhail Piotrovsky.
Giám tuyển của triển lãm giải thích rằng nghệ sỹ Jan Fabre “sử dụng các tác phẩm của mình để suy đoán một cách rõ ràng và hữu hình về sự sống và cái chết, những biến đổi về thể chất và xã hội, cũng như về sự ảo tưởng tàn nhẫn và khôn ngoan có ở cả động vật và con người”.
Giám đốc của Bảo Tàng Hermitage, Mikhail Piotrovsky, nhấn mạnh rằng cuộc triển lãm nhằm thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng những người gièm pha nó đã hoàn toàn hiểu sai thông điệp của việc trưng bày 200 tác phẩm. Ông nói: “Lời kêu gọi bảo vệ động vật là đúng đắn, và chúng tôi đã đánh thức mọi người và để họ thảo luận về chủ đề này. Jan Fabre nói với chúng tôi rằng những người bảo rằng họ yêu thương động vật sẽ ném chúng ra ngoài, và sau đó chúng chết dưới những bánh xe ô tô chạy qua trên đường“.
Dmitry Ozerkov, người quản lý bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại tại Hermitage và uỷ thác cuộc trưng bày, nói rằng “điều này cho thấy sự đạo đức giả trong thái độ của con người đối với động vật“, và thực tế, mục đích triển lãm như thế này cũng từng được thực hiện với quy mô ít tham vọng hơn vào năm 2008 ở Bảo Tàng Louvre. Chúng ta dễ dàng phẫn nộ với triển lãm của Jan Fabre, nhưng đúng như Dmitry Ozerkov nói: “Chúng ta bảo vệ chó và mèo, nhưng ăn thịt. Chúng ta nói rằng nghệ thuật thực sự là những bức tranh sơn dầu, nhưng hãy để ý đến những chiếc cọ vẽ xem, chúng cũng được làm từ lông động vật“.
Bất chấp những lời kêu gọi công khai và kiến nghị trực tuyến, Bộ Văn Hoá Nga – thực tế vẫn đứng về phía của Bảo Tàng Hermitage trong cuộc tranh luận – nói rằng đó là đơn vị do nhà nước tài trợ, nằm trong Winter Palace và là nơi cư trú của các Sa Hoàng trước đây, họ [bảo tàng] “độc lập và tự do lựa chọn phương hướng nghệ thuật của riêng mình“, và vì thế “họ không cần nhận được sự chấp thuận của Bộ Văn Hoá để được tổ chức chương trình“.
Nghệ thuật “tái chế” xác động vật
Iris Schieferstein, nữ nghệ sỹ suýt bị tống vào tù và bị chỉ trích như “một loại Frankenstein” vì những tác phẩm nghệ thuật bằng “vật liệu động vật” của cô ấy. Thực tế, cô không trực tiếp gây ra cái chết của con vật, nhưng các tác phẩm của cô dễ khiến người xem cảm thấy sốc và kinh hãi.
Schieferstein bắt đầu tạo ra các tác phẩm bằng xác và bộ phận của động vật chết từ khoảng cuối những năm 1990. Đầu những năm 2000, tác phẩm của cô đã được trưng bày thông qua một số triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở Berlin, Vienna và Budapest. Những sự kiện triển lãm xôn xao dư luận của cô trở thành “mồi ngon” của giới báo chí.
Vào năm 2002, văn phòng công tố Berlin đã thực hiện các thủ tục sơ bộ nhằm tố cáo cô vi phạm luật. Nhưng cuối cùng, văn phòng công tố đã huỷ bỏ vụ khởi tố sau khi “tất cả những động vật không phù hợp” phải được thay thế dưới sự giám sát của các nhân viên thực thi pháp luật.
Bất chấp nguy cơ vào tù, Iris Schieferstein không từ bỏ con đường nghệ thuật của cô. Có điều, nữ nghệ sỹ chỉ có thể sử dụng những con vật “được phép”, tức là những con vật đã bị săn bắn, giết mổ hoặc những thú cưng đã chết – theo cách được chấp nhận bởi các cơ quan chức năng.
Từ năm 2005, Schieferstein bắt đầu tạo ra những đôi giày độc đáo và tiếp tục gây sốc bằng trí tưởng tượng vô biên của cô. Hình ảnh những đôi giày của Iris Schieferstein lan truyền đi khắp thế giới Internet. Lady Gaga và Marina Abramović là một trong những người hâm mộ của Iris Schieferstein. Còn các nhà hoạt động vì quyền động vật thì phẫn nộ, họ khủng bố và đe doạ cô qua email.
Chia sẻ với giới truyền thông, Schieferstein cho biết bản thân cô không mang những đôi giày đó, nhưng cô đã đụng chạm vào một sự thật rằng những người tạo ra cuộc tranh cãi thực sự là hơi đạo đức giả.
Trong bài báo của mình, biên tập viên Bridgette Raes của en.paperblog.com viết: “Như thể chúng ta không thấy có vấn đề gì khi lựa chọn một miếng thịt bò hoặc một con gà quay nguyên con ở cửa hàng thực phẩm, chúng ta không thấy có vấn đề gì khi mua giày, túi xách và bất kỳ món đồ nào làm từ các loại da bò, lợn, rắn, đà điểu, thằn lằn và nhiều loài khác. Tuy nhiên, lần sau, khi mà chúng ta nghĩ lại về những thức ăn hoặc giày, dép được làm từ động vật đó, chúng ta sẽ thấy rùng mình”.
Theo Bridgette Raes, trước khi một ai đó chỉ trích nghệ sỹ về cách sáng tạo của họ, chẳng hạn như với Schieferstein, thì cần nhớ lại lần cuối cùng họ ăn một chiếc bánh hamburger hay chiếc túi xách mà bản thân đang mang, chúng có nguồn gốc từ con vật nào.
Nghệ thuật “dắt mũi” truyền thông
Tháng 8 năm 2007, nghệ sỹ người Costa Rica, Guillermo Vargas Jiménez (còn được gọi là Habacuc), đã “triển lãm” một con chó gầy trơ xương trong phòng trưng bày Códice ở Managua, Nicaragua. Tác phẩm có tên “Exposición N° 1”, bao gồm việc đốt 175 mẩu crack cocaine (ma tuý đá), một ounce cần sa trong khi các bài hát trong album Sandinista (của ban nhạc punk rock The Clash) được phát ngược, một con chó hốc hác bị trói vào tường bằng một sợi dây dài, và một dòng chữ “Eres Lo Que Lees” (có nghĩa “You are what you read” trong tiếng Anh) được viết trên tường bằng thức ăn cho chó. Theo Habacuc, tác phẩm bao gồm yếu tố thứ năm là: truyền thông.
Tác phẩm “Exposición N° 1” của Habacuc càng thu hút sự tranh cãi khi có thông tin cho rằng con chó đã bị bỏ đói để thể hiện đúng ý tưởng nghệ thuật của nghệ sỹ. Thời điểm đó, các bức ảnh của cuộc triển lãm lan truyền trên internet thông qua các blog, email và các nguồn không xác định khác, cho thấy con chó bị trói vào tường trong một căn phòng đầy người qua lại. Không có dấu hiệu về vị trí hoặc thời gian để chắc rằng các bức ảnh được chụp ở nơi triển lãm, cũng như không có thông tin về người đã chụp chúng.
Trước sự phẫn nộ của công chúng, nghệ sỹ Habacuc chỉ trích mọi người là “đạo đức giả” vì vốn dĩ “không ai quan tâm đến những con chó trên đường phố“. Đã có một cuộc nổi dậy. Một bản kiến nghị trên internet đã thu thập được hơn 4 triệu chữ ký nhằm ngăn cản Habacuc tham gia Bienal Centroamericana năm 2008 ở Honduras. Nghệ sỹ Habacuc tỏ ra tán thành và tuyên bố rằng anh cũng đã ký vào bản kiến nghị đó.
Juanita Bermúdez, giám đốc phòng trưng bày Códiec, nói rằng trước khi trốn thoát, con chó được cho ăn thường xuyên và chỉ bị trói trong khoảng ba giờ đồng hồ một ngày. Bản thân Habacuc từ chối bình luận về số phận của con chó, nhưng lưu ý rằng không ai cố gắng giải thoát con chó, hay cho nó thức ăn, hoặc gọi cảnh sát, hay làm bất cứ điều gì cho con chó.
Habacuc nói rằng cuộc triển lãm và những tranh cãi xung quanh làm nổi bật thói đạo đức giả của mọi người bởi vì không ai quan tâm đến những con chó hoang chết đói trên đường phố. Trong một cuộc phỏng vấn với eltiempo.com (2008), Habacuc giải thích rằng anh lấy cảm hứng từ cái chết của Natividad Canda, một kẻ nghiện ngập người Nicaragua, người đã bị giết bởi hai con chó giống Rottweiler ở tỉnh Cartogo của Costa Rica; trong sự kiện đó, các phương tiện truyền thông nhốn nháo quay phim và đưa tin trước sự chứng kiến của cảnh sát, nhân viên cứu hoả và nhân viên an ninh.
Khi tiến hành thăm dò, Hiệp Hội Nhân Đạo Hoa Kỳ (HSUS) được cho biết rằng con chó vốn đã ở trong tình trạng gần như chết đói khi bị bắt, và nó đã trốn thoát sau một ngày nuôi nhốt; tuy nhiên, HSUS cũng lên án gay gắt việc sử dụng động vật sống trong các cuộc triển lãm như thế. Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Thế Giới (WSPA) cũng đã điều tra cuộc triển lãm này. WSPA nhận thấy các thông tin liên quan không được nhất quán, và đã gặp gỡ các nhà tài trợ của Honduras Bienal để đảm bảo rằng không có động vật nào bị lạm dụng tại triển lãm năm 2008 ở quốc gia đó.
“Chắc chắn cảnh đó là một phần của bối cảnh. Đó là bối cảnh của thời đại và là bối cảnh mà tôi đã ở đó” – Tom Otterness.
Vào tháng 12 năm 2013, Habacuc giới thiệu tác phẩm “Axioma” của mình trong một phòng trưng bày ở Heredia, Costa Rica. Nghệ sỹ cho biết đã được tặng một chú chó khoẻ mạnh (tên là Axioma) và hứa sẽ bắt đầu viết blog, mỗi ngày đăng một bức ảnh về chú chó này cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử ở Costa Rica vào tháng 2 năm 2014. Trên blog, các bức ảnh cho thấy tác động của thời gian trôi qua đối với con chó và xen kẽ là hình ảnh của “huyền thoại” xã hội Costa Rica (“huyền thoại” được phơi bày trong báo cáo chính thức về tình trạng của quốc gia).
Habacuc đã bị buộc tội lên kế hoạch ghi lại cảnh con chó chết đói. Tổ chức phúc lợi động vật Asesoría Legal Animal đã đăng một trong những bức ảnh lên Facebook, yêu cầu giúp đỡ trong việc ngăn chặn Habacuc. Trong cuộc tranh cãi sau đó, blog của Habacuc đã bị gỡ xuống, và Cơ Quan Thú Y Quốc Gia Costa Rica đã tiến hành điều tra vụ việc, họ tìm thấy con chó trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Habacuc giải thích rằng anh đã tìm thấy con chó trên đường phố vào năm 2010 và đã ghi lại sự hồi phục của nó theo thời gian. Ý tưởng điên rồ của nghệ sỹ là tải lên các bức ảnh về sự hồi phục của con chó theo thứ tự ngược lại. Habacuc mô tả phản ứng của công chúng đối với tác phẩm của mình là điển hình của một thế giới mà mọi người “hình thành ý kiến dù không nắm được thông tin” (form opinions without besing informed).
Câu hỏi đạo đức
Tiếp theo, Phần cuối: Đạo đức đối với động vật “trên và dưới” danh nghĩa nghệ thuật.
Đạo đức nghệ thuật đối với động vật là gì? Nếu những hành động tàn ác đối với chó và mèo – những loài vật chia sẻ cuộc sống hàng ngày với chúng ta, tạo ra sự phẫn nộ tức thì, dữ dội hơn nhiều so với khi những hành vi tương tự được thực hiện với những loài động vật khác – vốn bị coi là kém thông minh hoặc thiếu nhạy cảm hơn, thì sự phẫn nộ của công chúng đối với từng tác phẩm nghệ thuật động vật khác nhau có công bằng không? Như thế nào là nghệ thuật và phi nghệ thuật khi phơi bày đạo đức giả của con người? Liệu có tổn tại “đạo đức nghệ thuật giả” ? Nghệ thuật Avant-garde đã “bạo lực ẩn dụ” với khán giả như thế nào? Và, có hay không công lý cho động vật trong nghệ thuật?