ART & CULTURE

8 bài học sâu sắc từ nhà sưu tập nghệ thuật suốt gần 40 năm Richard Hoon

Jun 06, 2021 | By Trang Ps

Gần bốn thập niên sưu tầm nghệ thuật và lan tỏa tình yêu đó trở thành lối sống gia đình, doanh nhân Singapore Richard Hoon đã cởi mở chia sẻ về hành trình sưu tập của mình và đưa ra lời khuyên hữu ích cho bất cứ ai có mong muốn dấn thân vào con đường thi vị và phiêu lưu này.

Khi nhắc đến “nhà sưu tầm nghệ thuật”, điều ngay lập tức xuất hiện trong đầu chúng ta là hình ảnh về về một quý ông/quý bà có giá trị tài sản ròng cao trong trang phục sang trọng cùng lối sống tinh tế. Tuy nhiên, là một nhà sưu tập nghệ thuật, bạn phải yêu thích nghệ thuật trước tiên. Còn bức tranh tổng quan và chi tiết về nhân vật sưu tầm ấy như thế nào, thì mỗi người một vẻ.

Bước sang tuổi 59, ông Richard Hoon gây ấn tượng gần gũi với nụ cười ấm áp và thân thiện. Khi được hỏi về những gì có thể đóng góp trực tiếp cho nền nghệ thuật Singapore, nhà sưu tầm này nửa đùa nửa thật chia sẻ rằng nếu bỏ phí đỗ xe tại phòng trưng bày Gillman Barracks, chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách thăm quan hơn.

Ngôi nhà 4 tầng của ông nổi bật với những tác phẩm nghệ thuật đa dạng. Ở bên phải, ông khéo léo sử dụng gờ cửa sổ như một điểm trưng bày nghệ thuật lý thú.

Richard Hoon là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty săn đầu người quốc tế  I Search Worldwide, ngoài ra, ông cũng là chủ tịch doanh nghiệp cho vay Validus Capital. Hoon bắt đầu bộ sưu tập nghệ thuật vào năm 22 tuổi, với bản in của nghệ sĩ đương đại người Mỹ Michael Heizer. Sau khi kết hôn và có ba cô con gái, sưu tầm nghệ thuật đã trở thành hoạt động gia đình.

Khi còn nhỏ, những đứa con của Hoon thường ghét nghệ thuật. Chúng liên tục phản đối: “Không! Không phải là một phòng trưng bày nghệ thuật nữa!” Thế mà lớn lên, chúng bắt đầu yêu thích. “Đến bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng đi cùng nhau” – ông Hoon chia sẻ.

Tác phẩm điêu khắc bằng thép không gỉ của một nghệ sĩ người Pháp. Với tiêu đề Bisou, tiếng Pháp là “nụ hôn”, tác phẩm khắc họa hình ảnh người mẹ nghiêng về phía trước như chiếc nôi cho đứa con của mình. Ảnh: ArtHop.

Giống như việc kệ sách phản ánh cá tính chủ sở hữu, bộ sưu tập cũng vậy. Bộ sưu tập của Hoon bao gồm các tác phẩm điêu khắc vui nhộn có thể chạm và di chuyển xung quanh, chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc bong bóng mọc ngược khi bị đẩy hay điêu khắc sumo màu đỏ tươi sặc sỡ có thiết kế trục để di chuyển và xoay vòng.

Chúng tôi vừa có một chuyến tham quan bộ sưu tập phong phú của ông Hoon tại nhà, và lắng nghe từ ông những lời khuyên sâu sắc về nghệ thuật sưu tầm.

1/ Hãy mua những gì mà bạn yêu thích

Dạo quanh căn nhà, bạn sẽ ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng “công trình” đồ sộ phản ánh các giai đoạn lịch sử khác nhau (từ thế kỷ 17 đến hiện đại). Trong phòng ăn có đặt tác phẩm điêu khắc cổ điển người Khmer do nghệ sĩ Singapore Donna Ong thực hiện.

Hoon có tình yêu sâu sắc với nghệ thuật siêu thực đến nỗi ông đã mua bốn tác phẩm của Roberto Matta mà không trực tiếp nhìn thấy chúng. Hoon chia sẻ: “Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày mới. Một trong số những tác phẩm này đã được chúng tôi giữ hơn 30 năm. Nó giống như một cuốn sách kinh điển, và bạn có thể tiếp tục đọc lại mà không bao giờ cảm thấy buồn chán.”

Tác phẩm Starry Starry Night của Delia Prvacki, được trưng bày trong một hồ bơi nhỏ có cửa sổ cho phép du khách nhìn thấy tác phẩm từ các góc độ khác nhau. Ảnh: ArtHop.

2/ Bằng cách mua tác phẩm nghệ thuật, bạn ủng hộ tác phẩm của một người nghệ sĩ và thậm chí có được tình bạn vô giá

Lần đầu tiên bắt đầu trưng bày tác phẩm trong ngôi nhà mới của mình, ông Hoon đã cẩn thận tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ về những vị trí đặt để phù hợp. Xu hướng mua nghệ thuật khiến ông có cơ hội ủng hộ các nghệ sĩ mới nổi, nhiều người trong số họ đã chứng kiến giá tác phẩm của mình tăng gấp ba, nhưng quan trọng hơn, ấy là tình bạn lâu dài giữa nhà sưu tập và nghệ sĩ.

3/ Đừng để những vấn đề có thể giải quyết níu giữ bạn lại

“Có một tác phẩm nghệ thuật tôi muốn mua nhưng lại tốn kém chi phí vận chuyển quá nhiều, hơn 50% giá trị tác phẩm. Nhưng nó cứ quanh quẩn trong đầu tôi hoài và không bao giờ chịu rời đi. Năm năm sau, tôi tình cờ gặp lại bộ sưu tập ấy lần nữa và phát hiện tác phẩm kia vẫn còn. Tôi vô cùng yêu nó. Dù việc vận chuyển vẫn còn là một mối lo ngại nhưng tôi đã yêu cầu họ gỡ nó ra khỏi khung, cuộn lại và cho vào hộp. Tôi đã tự mang tác phẩm ấy về nhà.”

4/ Bộ sưu tập ảnh hưởng đến bạn và gia đình bạn

Với nhiều tác phẩm nghệ thuật, tôi đã hỏi ý kiến vợ mình để đưa ra quyết định cuối cùng. Đó là một khoản đầu tư lớn và tôi tin vào nhận xét của cô ấy.

Mặc dù nghệ thuật là niềm vui cá nhân tuyệt vời cho chính nhà sưu tập nhưng việc mua và treo nó cuối cùng vẫn sẽ ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, vì vậy, sẽ là khôn ngoan hơn nếu bạn có thể chia sẻ niềm vui sở hữu với người thân.

Hoon chụp cùng Toroki Red

5/ Đừng đánh giá tác phẩm từ cái nhìn đầu tiên mà hãy nhìn xa hơn về thông điệp của người nghệ sĩ

Khi Hoon đưa chúng tôi đến bộ ba tác phẩm của Ronald Ventura, những bức tượng kỳ quặc và có phần bệnh hoạn khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Tuy nhiên, Hoon lại hoàn toàn khiến chúng tôi tâm phục khẩu phục khi chia sẻ về cách mà tác phẩm đại diện cho sự phù phiếm của con người trong việc theo đuổi những hình dạng lý tưởng mà xã hội đang quan tâm. Tất cả những phù phiếm đó đều dẫn đến cái chết cuối cùng, và sẽ xuất hiện dưới dạng dây leo nổi lên từ bàn tay biểu trưng cho sự sống còn của tinh thần và linh hồn.

“Tôi nghĩ nghệ thuật là cách bạn hiểu nó. Nếu trái tim bạn tối đen thì nghệ thuật sẽ phản chiếu bóng tối, nếu là ánh sáng, nó sẽ phản chiếu ánh sáng. Vậy thôi. Có một câu nói rằng, một căn phòng chứa đầy nghệ thuật là căn phòng chứa đầy nghĩ suy. Tác phẩm nghệ thuật dẫn bạn đến những tưởng tượng và kích thích quá trình tư duy sáng tạo,” Hoon chia sẻ.

6. Khi tác phẩm nghệ thuật trở thành một phần của bộ sưu tập, chúng trở thành một phần con người bạn

Trong khi hầu hết mọi người chọn ngắm nhìn khung cảnh đẹp vào buổi sáng thì Hoon chọn một con rắn điêu khắc bằng đồng. Ông bị cuốn hút vào sự nháy bén của tác phẩm mà không có lý do chính đáng nào. Hồi xưa, có người bạn và mục sư ghé thăm, Hoon chia sẻ tác phẩm điêu khắc này và nhớ lại một sự kiện trong Kinh Thánh, khi Chúa hướng dẫn Moses tạo ra con rắn bằng đồng và đặt nó trên cây cột, từ đó, người bị rắn cắn nhìn vào sẽ được chữa lành.

Sau cuộc trò chuyện này, Hoon chia sẻ với chúng tôi rằng ông đã thoải mái ra sao khi chiêm ngưỡng tác phẩm ấy và nó cũng là biểu tượng Đức tin Kito của ông.

7/ Khi nghệ thuật trở thành một phần của bạn, nó sẽ chia sẻ về con người bạn trước toàn bộ du khách ghé thăm

Ngoài công việc hàng ngày, Hoon còn là chủ tịch Center of Fathering, tổ chức từ thiện tin rằng một người cha là điều cần thiết cho sự phát triển thành công của đứa trẻ. Trong cuộc phỏng vấn trước đó, ông cũng chia sẻ về nhiệm vụ xã hội lớn hơn của gia đình ông là xóa bỏ tình trạng không cha, và khuyến khích những người cha tham gia nhiều hơn vào quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ.

Cận cảnh một tác phẩm điêu khắc của Lee Hyo Moon. Ảnh: ArtHop.

Chủ đề này được mô tả nhiều trong bộ sưu tập nghệ thuật của ông, ví dụ như tác phẩm điêu khắc hình người đan nối thành một ngôi sao của Lee Hyo Moon. Khái niệm tương tự cũng được bắt gặp trong tác phẩm điêu khắc bằng thiếc gồm 6 hình vẽ lộn xộn với nhau, màu sắc và kết cấu các hình kim loại thay đổi như một tổng thể gắn kết với thời gian.

8/ Cuối cùng, hãy vui vẻ với nghệ thuật

Trong suốt chuyến thăm, Hoon thể hiện niềm say mê và hạnh phúc khi được chia sẻ bộ sưu tập của mình. Những tác phẩm này không những mang lại niềm vui cho ông mà còn là các thành viên trong gia đình ông.

Ông đã mua bộ điêu khắc sumo tại Hội chợ Affordable Art Fair năm 2010, không có lý do cụ thể nào ngoài việc nó khiến ông mỉm cười.

Các tác phẩm điêu khắc sumo được thực hiện bởi bộ đôi nghệ sĩ Artheline – nhà thiết kế người Pháp Arnaud Nazare-Aga và người vợ Philippines Adeline. Ảnh: ArtHop.

Với một nhà sưu tập nghệ thuật đầy say mê, sẽ không có ích gì khi chạy theo thương hiệu hay giá trị đầu tư, mà là mua cái gì đó khiến bạn thích nhìn đi nhìn lại trong thời gian dài.

Chuyển ngữ: Trang Ps I Nguồn: arthop.co


 
Back to top