Nghệ thuật

Ariel Phạm – Các tác phẩm đương đại cần sự thử thách của thời gian!

May 31, 2022 | By Ton Binh

LUXUO đã có buổi trò chuyện với nhà sưu tập trẻ Ariel Phạm về câu chuyện sưu tập nghệ thuật và quan niệm cái đẹp trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Ariel Phạm, chụp cùng tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang.

Câu chuyện sưu tập nghệ thuật của chị bắt đầu như thế nào?

Tôi nghĩ xuất phát điểm nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ bản tính hướng đến chân-thiện-mỹ. Cách yêu cái đẹp nói chung. Hồi bé cũng như bao người, tôi mê tranh của các danh hoạ kinh điển qua sách báo phim ảnh: Van Gogh, Monet, Matisse. Lớn lên ra nước ngoài học tập làm việc thì năng đi bảo tàng, triển lãm.

Trong thời gian công tác tại bộ phận Private Banking ngân hàng Barclays, tôi tham gia nhiều giao dịch thu mua tác phẩm nghệ thuật giữa khách hàng giàu có và các nhà đấu giá lớn ở London. Họ sưu tập như một truyền thống văn hoá, một sự đầu tư vào đam mê, một cách để lại cho đời sau di sản riêng tư nhất. Tôi đồng cảm với cái nhìn đó. Năm 2014 sau khi có sự ổn định tài chính nhất định, tôi về nước và bắt đầu theo đuổi con đường sưu tập.

Chị có thể cho biết những khó khăn ở giai đoạn khi bắt đầu sưu tập (loại bỏ những yếu tố liên quan đến tài chính)?

Theo tôi, bỏ qua yếu tố tài chính là gạt đi mối lo âu lớn nhất rồi. Khi mới bắt đầu, tôi chủ yếu giao dịch qua phòng tranh ruột, mua những thứ gần gũi và có liên hệ mật thiết với bản thân. 95% là các tác phẩm đương đại điểm qua một hai cố hoạ sĩ. Tôi thích nhiều phong cách, quan tâm nhiều cái tên.

Dần dà tôi ý thức được rằng sưu tập bản năng, cảm tính và thiếu định hướng quá sẽ cản trở đường dài, khi tôi muốn đưa bộ sưu tập ra công chúng. Thưởng thức nghệ thuật với con mắt mơ màng, nhưng sưu tập tác phẩm thì nên có tư duy chiến lược mạch lạc từ đầu, cho dù ngân sách của ta thế nào. Khó khăn lớn nhất ngoài tài chính luôn là tính kỷ luật và thái độ trách nhiệm trong việc sưu tập.

Tự hoạ, Lý Trần Quỳnh Giang, 2015.

Hiện tại, rất nhiều các tác phẩm đương đại đi vượt qua các nguyên tắc về bố cục, về ý tưởng về thị giác… Loại bỏ các yếu tố về cảm tính, làm sao chúng ta có thể xác định cái đẹp trong đó?

Trích lời của ông chủ tạp chí Art Forum, Charles Guarino thì: “Về nghệ thuật đương đại, 95% là chuyện tào lao”. Nghệ thuật là thế giới của cái nhìn chủ quan, nhất là trong bối cảnh đương đại và kỷ nguyên số, chất liệu và cách thực hành mới liên tục xuất hiện, thách thức, xô đổ mọi quy tắc chuẩn mực. Sự rủi ro khi theo đuổi một thứ đang trải qua thử thách thời gian (thay vì những thời kỳ đã được số đông công nhận) khiến người sưu tập đương đại đối diện nhiều giai đoạn khủng hoảng: nghi ngờ thứ mình sưu tập là nông cạn, xu thời, thị trường nghệ thuật là trò đùa, nghệ sĩ là kẻ lừa đảo.

Nếu tác phẩm đương đại là những sáng tác của con người ở thời đại này, dành cho những con người của thời đại này, kể những câu chuyện của thời đại này – thì cách tốt nhất để tìm thấy vẻ đẹp đương đại chính là nỗ lực hiểu bản thân và hiểu về thời đại ta đang sống. Tư duy thẩm mỹ luôn đến từ vốn sống dày dặn.

Anna Park, bìa đĩa than When we all fall asleep, where do we go? – Billie Eilish, 2021 (bìa trái). Loie Hollowell, bìa đĩa than The fame monster – Lady Gaga, 2021 (bìa phải).

Tức là vẫn chưa có một định nghĩa về cái đẹp chuẩn cho nghệ thuật đương đại?

Cái đẹp chuẩn là một khái niệm mơ hồ, đầy tính tương đối và luôn biến đổi, nhất là khi đặt trong bối cảnh thời đại. Khác với thế hệ cha ông, thanh niên ngày nay như những cỗ máy tính hàng ngày dung nạp xử lý một khối lượng dữ liệu phức tạp khổng lồ. Cách ta suy nghĩ và tương tác với thế giới xê dịch từng ngày. Các tác phẩm đương đại do đó cũng tiến hoá muôn hình vạn trạng để tương tác với ta.

Tôi nghĩ vẻ đẹp đương đại là vẻ đẹp thách thức, khiến ta phải tư duy suy tưởng, vươn ra khỏi giới hạn vật lý và tâm lý của chính mình. Tác phẩm đương đại đẹp là một người bạn tinh thần tốt.

Nếu anh là chiếc bóng đèn thì có thể anh cong, Lê Quốc Thành, 2016.

Vậy chị có gợi ý, lời khuyên gì cho người mới bước chân vào nghề sưu tập?

Dù bạn sưu tập nghệ thuật như một thú chơi hay coi sưu tập như một công việc, thì nhất thiết đều phải có tình yêu. Đừng nhìn nghệ thuật như món hàng đầu tư sinh lời, vì bạn sẽ sớm thất vọng. Cũng đừng nhìn nghệ thuật như món phụ kiện xa xỉ thể hiện đẳng cấp tinh hoa, vì bạn sẽ sớm phát chán.

Cần đi-nghe-nhìn-trải nghiệm, chuẩn bị tài chính và định hướng thu mua, xây dựng quan hệ với phòng tranh ruột, sớm tìm kiếm một giám tuyển/tư vấn riêng, giao hảo với các nghệ sĩ và đến thăm xưởng làm việc của họ. Nếu có dịp ra nước ngoài hãy đi các hội chợ triển lãm quốc tế (Art Basel Hong Kong, Art Stage Singapore, Frieze London, Venice Biennale…) Follow các nhân vật, tổ chức, ấn phẩm nghệ thuật trong và ngoài nước trên Instagram, Facebook, Twitter… Và cuối cùng: chỉ nên mua sau khi nhìn tận mắt tác phẩm.

Ngôi đền của nỗi nhớ, Nguyễn Sơn, 2022.

Về mặt kiến thức, chị có gợi ý gì cho độc giả về các nguồn tra cứu để tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật đương đại không?

Tôi điểm tạm vài đầu sách đủ cả kiến thức chính thống và độ hấp dẫn sinh động. Để bồi đắp kiến thức thẩm mỹ chung là cuốn “The Book of Symbols” (nhà xuất bản Taschen). Để thâm nhập quang cảnh nghệ thuật đương đại thế giới: “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” (Sarah Thornton, bản dịch anh Nguyễn Như Huy – người đầu tiên dịch thuật ngữ curator thành “giám tuyển”).

Để hiểu thêm về nghệ thuật và nghệ sĩ đương đại nước nhà: “Song hành với nghệ thuật”, “Nghệ thuật & Tài năng” của chị Đào Mai Trang. Trên mạng xã hội, hãy theo dõi những tiếng nói sôi nổi đầy tính thời sự ngành như facebook của anh Ace Lê, giám tuyển, tổng biên tập Art Republik.

Nghe nói, chị đang có dự định mở ra một không gian nghệ thuật đương đại mang tên The Outpost? Tại sao chị lại đặt cái tên như vậy?

The Outpost là một suy tư của cá nhân tôi về nhân loại trong kỷ nguyên số. Viễn cảnh hậu tận thế máy móc xâm chiếm loài người. “Outpost” là thuật ngữ quân sự chỉ một tiền đồn, tiền trạm mang trong mình di sản từ hậu phương – những thực hành truyền thống, đóng quân nơi đường biên ranh giới, chủ động đối đầu với những chất liệu sáng tác của tương lai: in 3D, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường, trải nghiệm toàn nhập…

Không gian The Outpost.

Cuối cùng, trong thế giới nghệ thuật đương đại chúng ta không thể bỏ qua những khái niệm như Metaverse và NFT, chị quan niệm thế nào về vấn đề này?

Cũng như kinh doanh đa cấp, có nhiều sự hiểu nhầm xoay quanh hai khái niệm NFT và metaverse. Tính chất của NFT, “non-fungible token” là tài sản số “độc nhất, mãi mãi, không thể bị thay đổi” trong vũ trụ ảo metaverse và đó là cái cớ tại sao chúng đắt. Nhưng tính chất này không nói lên đầy đủ khả năng và giá trị của các tác phẩm số.

Nghệ thuật số ứng dụng công nghệ để tạo ra các trải nghiệm toàn nhập (immersive experience) thách thức mọi giác quan và giới hạn vật lý tâm lý tổng thể của con người. Đó là câu chuyện có giá trị vượt lên trên tính sở hữu, tính độc bản và tính bất biến. Như nghệ sĩ Oanh Phi Phi đã nói với tôi, đừng coi NFT như một chứng nhận sở hữu điện tử, hãy coi đó là một kỷ vật của sự trân trọng ta dành cho nghệ sĩ – “a token of appreciation” mà thôi.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ với LUXUO!

Không gian The Outpost.

Tiệp Nguyễn
Ariel Phạm, nhà sưu tập trẻ, bảo trợ nghệ thuật và founder của The Outpost, một không gian nghệ thuật sắp mở cửa tại Hà Nội sẽ có những chia sẻ trong buổi đàm thoại tại Hà Nội với tựa đề “Sưu tập nghệ thuật: Các hướng tiếp cận mới”.
Thời gian: 14h00 – 17h00, Chủ Nhật, 05/06/2022
Địa điểm: nest by AIA
Tầng 4 Tòa nhà International Centre, 17 Ngô Quyền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


 
Back to top