Nghệ thuật

Beeple, crypto-art và 69 triệu USD: Vì nghệ thuật xin đừng nhầm lẫn

Apr 02, 2021 | By Tam Tam

Quá sốc, khi 69 triệu USD dành cho instagram feeds của Beeple (Mike Winkelmann) được dán lại thành 01 ảnh jpeg mang tên Everydays được bán thông qua Christie’s.

Mạng xã hội nổi sóng khi có một món đồ khó hiểu đạt giá trị lớn mà ở đây cốt lõi là nghệ thuật, đánh trúng tâm lý của một số người Việt. Họ cho ra đời hàng loạt những suy diễn và thuyết âm mưu về đầu cơ, kèm theo đó sự so sánh Beeple với Marcel Duchamp hay Maurizio Cattelan từ cái sự hiểu mà ở đây là hiểu nhầm về nghệ thuật.

Sự so sánh này hoàn toàn sai lầm vì một bên hoàn toàn thuần về đầu tư tài chính có sự tác động rất lớn từ công nghệ NFT (non-fungible token) và một bên là thuần nghệ thuật. Xin đừng nhầm lẫn vì mọi thứ bán ra bởi Christie’s không phải tất cả đều là nghệ thuật!

Hiểu về NFT và cách Beeple tận dụng công nghệ này.

Chiến dịch đấu giá của họa sĩ digital Hashmask thu về khoảng 100 ETH (Ethereum) tương đương 10 triệu đô

Để cho dễ hiểu về non-fungible token, lấy ví dụ chiếc xe máy bạn mới mua được gắn một mã số riêng để phân biệt chiếc xe của bạn, chịu sự quản lý tập trung của nhà nước. Thì những đồng tiền ảo (token) được gọi là non-fungible vì chúng không thể thay thế và không bị chia nhỏ ra như coin. ETH trong ví tôi cũng giống y chang ETH trong ví anh, có thể khác nhau về số lượng. Tức là một NFT là độc nhất và được xác minh bởi chính người tạo ra nó khi được đưa lên blockchain, quản lý bởi mỗi cá nhân ẩn danh và không bị sự chi phối bởi bất cứ chính quyền nào.

Beeple, có thể gọi anh là họa sĩ đồ họa nhưng trong thế giới nghệ thuật “truyền thống”, anh không ai biết cả đã tận dụng độ quý hiếm mặc định của NFT để tạo ra giá trị thật cho 5000 files jpeg do anh vẽ mỗi ngày trong vòng 13 năm. Và 5000 files này đều có những phiên bản nft riêng ước tính lên gần hàng trăm triệu đô la. Bởi lẽ, bản chất của việc sưu tầm nằm ở sở thích và cảm quan thẩm mỹ mỗi cá nhân và việc flip – bán tháo trên blockchain dễ như trở bàn tay.

Chưa có một đồng coin nào có thể tạo lợi nhuận kỷ lục 100% trong 3 ngày được flip như NFT bức tranh “Trump” từ Hashmasks. Sự khan hiếm của các NFT độc lạ có tiềm năng tăng giá không tưởng.Công nghệ blockchain cho phép thú sưu tầm 4.0 giờ đây minh bạch và thuận tiện hơn. Bạn có thể truy xuất nguồn gốc, xác nhận chủ nhân bức tranh trị giá cả tỷ đồng chỉ với vài cú click chuột đơn giản. Thậm chí lịch sử giao dịch của nó đều được ghi lại trên chuỗi. Yếu tố hàng giả hàng nhái bị loại bỏ hoàn toàn. Việc token hóa các tài sản trên chuỗi mở ra khả năng lưu trữ an toàn, bảo mật và hiệu quả hơn so với thú sưu tầm đồ truyền thống. Bằng chứng là các nhà đấu giá danh tiếng như Christie’s đã nổ phát súng đầu tiên với chính Beeple.

Beeple, crypto-art và 69 triệu USD: Vì nghệ thuật xin đừng nhầm lẫn

Màn marketing 69 triệu đô giữa sự giằng co giữa Christie’s và Beeple

Chiến thắng của Beeple nhưng Christie’s cũng nắm kiểm soát

Chúng ta phải thừa nhận Christie’s là nhà đấu giá uy tín bậc nhất thế giới khi đã thực hiện những phi vụ tầm cỡ như Salvator Mundi được cho là của Leonardo da Vinci nhưng chính họ mong muốn đi đầu trong việc bán mọi thứ có liên quan “nghệ thuật” và làm chủ cuộc chơi sưu tập thế hệ mới với NFT. Beeple cũng rất cần sự thừa nhận rằng, anh là một nghệ sĩ đích thực chứ không phải gã họa sĩ đồ họa vô danh nào đó trên Instagram. Cái bắt tay win-win đã mang về kết quả như đã biết.

Giờ đây, Beeple bước vào hàng ngũ nghệ sĩ đắt giá nhất còn sống còn Christie’s đã khiến hàng loạt gallery nhà đấu giá khác xắn tay áo nhảy vào cuộc chơi NFT này. Damien Hirst đang vẽ ra một serie NFT có tên The Currency. Almine Rech bắt đầu có mặt trên platform Nifty Gateway. Gallery KÖNIG cũng đã tham gia cuộc chơi này một thời gian và đã có 01 phòng triển lãm ảo trên app store. Hằng hà sa số các cuộc thảo luật của các nhà hoạt động nghệ thuật curators, advisors liên quan đến NFT diễn ra liên tục không có điểm dừng, tất cả đều sẵn sang cho thời đại kinh doanh mới.

Nhưng có một điểm mà Artnet đã phân tích ra khá hay khi Beeple phải thực hiện giao dịch cho Christie’s cùng người mua thông qua Markersplace, đối tác giao dịch mã hóa của nhà đấu giá này. Điều này cho thấy sự đi ngược lại với tính phi tập trung hóa của blockchain để loại bỏ người trung gian mà ở đây là Christie’s.

Beeple tự hào rằng nhờ vào NFT nghệ thuật của mình được thừa nhận dù thừa sức có-thể-tự-bán NFT Eveydays nhưng Christie’s vẫn đang cho thấy vị trí quan trọng của “người gác cổng”. Giờ đây, việc các gallery thiết lập một “hợp đồng thông minh” giữa ba phía hoàn toàn có thể dễ dàng như cách Christie’s làm. Tận dụng các lợi thế ưu việt về tính minh bạch của NFT thì những bên thứ ba đại diện cũng sẽ họ tối ưu hóa lợi nhuận cho nghệ sĩ khi đến tay các người chủ sở hữu cuối cùng.

Nhà đấu giá cũng có thể muốn ngầm khẳng định rằng nếu anh muốn được sự thừa nhận trong nghệ thuật anh vẫn phải cần có những “người gác cổng” đích thực giữ những tiêu chuẩn của hệ thống nghệ thuật tạo hình đã phát triển song song với sự tiến của loài người. Không phải cứ file jpeg đắt giá nào cũng đều là nghệ thuật và một bảo tàng chỉ toàn những file jpeg là điều nực cười.

Ngoài ra, nếu nhà đầu tư muốn flip cho NFT Everydays khả năng là rất khó khi việc mua bán thực sự nằm trong tầm kiểm soát của Christie’s thay vì Beeple. Thật khó chấp nhận khi một tác phẩm nghệ thuật triệu đô lại bị flip chỉ trong vòng vài ngày. Giao dịch tiếp theo sẽ bắt buộc phải thực hiện trên chính platform do Christie’s đã thống nhất và tiền thu được cắt về cho Christie’s rồi mới đến Beeple. Có thể xem là một nước đi khôn ngoan để bảo vệ cộng đồng những người làm kinh tế nghệ thuật trước cuộc xâm lăng của các file “jpeg”.

Yves Klein, đứng trước triển lãm “Le Vide”, tại phòng trưng bày Iris Clert, Paris, 1958

Vậy Beeple có thật sự làm nghệ thuật và bạn cần thật sự quan tâm điều gì?

Đừng nhầm lẫn với Marchel Duchamp hay Maurizio Cattelan khi cố so sánh việc xác thực bằng NFT với cách 2 nghệ sĩ kia định nghĩa về nghệ thuật thông qua cách thực hành đã từ lâu, Beeple chỉ đơn thuần là vẽ digital các tác phẩm của mình. Các công cụ của anh bao gồm là Illustrator, Cinema 4D hoàn toàn được rộng rãi bởi cái họa sĩ digital và cuối cùng là NFT.

Chúng ta đều bị cái giá đắt làm cho mờ mắt mà không dành một chút thời gian đi xem các tác phẩm cận được dán vào. Nhiều hình ảnh vẽ bởi Beeple lúc đầu được cho là phân biệt chủng tộc, bài ngoại quốc, mang nhiều màu sắc chính trị và kém phần tinh tế về hình thức. Với những tác phẩm hiện tại, các hình ảnh sắc nét nhưng vẫn dựa trên chủ đề khoa học viễn tưởng, siêu thực và chính trị. Không có quá nhiều chiều sâu thẩm mỹ ở đây. Thậm chí người chủ sở hữu tác phẩm, danh xưng, Metakovan, một đầu tư chuyên về NFT và tiền ảo còn thừa nhận, còn thậm chí không xem hết cả tác phẩm trong Everydays.

File jpeg hay dòng code 69 triệu đô cũng không phải là trường hợp đầu tiên của một thứ vô nghĩa chơi với “kinh tế nghệ thuật” mà phải nhìn về Yves Klein với tác phẩm “Le vide” (khoảng trống), năm 1958. Ông để không phòng trưng bày ngoại trừ một chiếc tủ lớn, sơn mọi bề mặt màu trắng, và sau đó tổ chức một quy trình vào cửa công phu cho đêm khai mạc: cửa sổ phòng trưng bày sơn màu xanh lam, và một tấm rèm màu xanh lam chuẩn IKB (International Klein Blue) được treo ở sảnh vào, đi cùng với các người gác cổng cộng hòa và các ly cocktail màu xanh.

Nhiều nhà sử học nghệ thuật phân tích rằng, Yves Klein được đánh giá cao là một nghệ sĩ thu hút, có khả năng nắm bắt tâm lý con người, đã vận dụng 4 kỹ thuật tâm lý học: source credibility (nguồn gốc đáng tin cậy – có thể hiểu nôm na là gốc độc chuyên gia), halo effect (hiệu ứng hào qua – đại diện cho sức ảnh hưởng tại thời điểm hiện tại), latitude of acceptance (vĩ độ của sự thừa nhận – củng cố sự chấp nhận của cộng đồng nghệ thuật thời bấy giờ), self persuasion (tự thuyết phục – cá nhân tự nhận thức mạnh hơn được thuyết phục trực tiếp, như lời hùng biện của Klein, khiến người nhận phải liên tục xem xét lại thông tin để hiểu nó, sự lặp lại này tạo nên sự quen thuộc, điều này cuối cùng tạo ra một liên kết tích cực với chủ thể, do đó góp phần vào việc cá nhân chấp nhận thông điệp).

Séc chứng nhận tác phẩm của Klein, 1959

Kết quả The Void tạo một hàng dài 3000 người xếp hàng đêm mở màn, và nhận được nhiều sự đồng thuận với trải nghiệm này của báo chí Pháp. Ở đây hoàn toàn là một sự thành công theo một hướng tâm lý học, trải nghiệm tâm linh và nghệ thuật được tạo ra từ sự xâu chuỗi thuyết phục hay nôm na là hệ thống marketing đầy sức thuyết phục của Yves Klein. Màn cuối của chuỗi này chính là việc bán tác phẩm Zone de Sensibilité Picturale Immatérielle (Vùng cảm nhận hình ảnh phi vật chất) vào năm 1959. Bộ ảnh ghi lại việc trình diễn bán các tài liệu về quyền sở hữu không gian trống của The Void (Khu bất tử), dưới hình thức séc xác thực, đổi lấy vàng. Ngoài ra, tác phẩm còn có thể được hoàn thành trong một nghi lễ phức tạp, trong đó người mua sẽ đốt séc, và Klein sẽ ném một nửa số vàng xuống sông Seine dưới sự hiện diện của một nhà phê bình nghệ thuật hoặc nhà phân phối nổi tiếng, một giám đốc bảo tàng nghệ thuật và ít nhất hai nhân chứng.

 

Còn trong trường hợp của Beeple, sức thuyết phục của các tác phẩm ở đây chỉ đơn thuần là sự xác nhận bởi công nghệ, vẫn chỉ là một hình ảnh phẳng và không có bất trải nghiệm gì về mặt vật lý con người. Thành công về giá mang tính cá nhân đơn lẻ mặc dù anh đã bán được nhiều nft đơn lẻ khác từ trước đây. Chắc chắn có nhiều họa sĩ 3D làm tốt hơn Beeple nhưng không ai tận dụng được NFT tốt hơn anh. Và mọi suy diễn đến đầu cơ tài chính sẽ rất sai lầm vì giá trị giao dịch ở đây là hoàn toàn bằng coin ethereum (eth) chỉ được quy đổi ra đô la để cho đại chúng dễ hình dung.

Nhìn chung, Beeple tạo ra một lối đi cho những người muốn thử sức đầu tư hoặc tạo ra cơ sở đầu tư dưới dạng mới trong thời đại 4.0. Và rõ ràng nếu ngày xưa, các nhà phát hành game khiến bạn bỏ tiền để mua các vật phẩm cho nhân vật của mình, thì giờ đây những món đồ ảo kia sẽ mang giá trị đầu tư siêu lợi nhuận cho bạn nếu bạn chấp nhận và hiểu cách chơi này. Còn nếu trên danh nghĩa là nghệ thuật, xin đừng nhầm lẫn và trong lúc chờ những nft đến từ những người nghệ sĩ thực thụ, hãy mua nghệ thuật theo cách truyền thống hậu đại dịch.

Bài: Tam Tam 


 
Back to top