ART & LIFE

Chỉ số định giá nghệ thuật Times-Sotheby’s đã thay đổi thị trường như thế nào?

Apr 21, 2020 | By Stephanie Nguyen

Năm 1967, Geraldine Norman được giao nhiệm vụ lãnh đạo một cuộc hợp tác biên tập giữa Thời báo Luân Đôn và Sotheby’s. Lần đầu tiên, dự án đã mang đến khái niệm đầu tư vào nghệ thuật.

Andy Warhol trong tác phẩm “Ethel Scull 36 Times” (1963) sử dụng mực in trên lụa và acrylic trên vải lanh, được trưng bày tại Bảo tàng Whitney về Nghệ thuật Mỹ ở New York.

Sotheby’s và hiện tượng đấu giá nghệ thuật

Peter Wilson chủ trì buổi bán Goldschmidt tại Sotheby’s ngày 15/10/1958. Để tăng sự kịch tính lên tối đa, Wilson đã giới hạn cho chỉ bảy lô ưu tiên, với các khách mời như Kirk Douglas, Somerset Maugham và Lady Churchill. Giá trị được trả cho một bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng những năm 1950 đã thu hút sự chú ý của báo chí và lượng lớn người mua mới. Ảnh: Sotheby’s

Peter Wilson, chủ tịch lúc bấy giờ của Sotheby’s, từng tự tin tuyên bố trong lần xuất hiện năm 1966 trên chương trình Money Programme của đài BBC: “Các tác phẩm nghệ thuật đã được chứng minh là khoản đầu tư tốt nhất, hơn cả phần lớn cổ phiếu và trái phiếu trong ba mươi năm qua.” Wilson đã làm sống dậy hình ảnh mờ nhạt trước đây của thương mại nghệ thuật nhờ những nỗ lực tiếp thị khéo léo, những mối quan hệ với người nổi tiếng và các thương vụ kinh doanh với lãi cao ngất ngưởng. Các cuộc đấu giá của Sotheby’s trở thành một hiện tượng.

Sau chiến tranh, Wilson quyết tâm đưa những nhà giàu mới nổi vào cuộc chơi. Ông thuyết phục các doanh nhân và nhân viên ngân hàng rằng sưu tầm tranh không còn là thú vui độc quyền mà có thể trở thành khoản đầu tư chắc chắn với sự gia tăng nhanh chóng của thị trường tranh Ấn tượng những năm 1950. Thừa hưởng một bức tranh Ấn tượng là một gia tài với giá cao gấp nhiều lần lúc mua. Một ý tưởng tuyệt vời được đóng gói nhanh gọn, đầy hấp dẫn.

Tuy nhiên, tiểu thuyết L’œuvre xuất bản năm 1886 của Émile Zola đã nhắc đến đầu tư nghệ thuật trước cả Wilson. Nhân vật Naudet sinh sống từ thế kỷ XIX được cho là người đầu tiên mua bán tranh như mua cổ phiếu ở Paris. Anh bán cho khách hàng một bức tranh với giá 5.000 franc, và sau đó mười hai tháng sẽ mua lại với giá 6.000 franc nếu khách hàng không muốn tác phẩm đó nữa. Tuy nhiên, khi anh quay lại, khách hàng không những không muốn bán mà lại còn mua thêm một bức với giá 8.000 franc. Naudet làm điều này bằng cách tiếp tục đẩy giá với khoảng chín hay mười bức tranh của cùng một tác giả cho các khách hàng khác, cứ thế, tranh biến thành một tài sản ảo khiến cho các nhân viên ngân hàng đau đầu.

Tác giả “Émile Zola” trong tranh sơn dầu, Musée d’Orsay, Paris.

Cách tiếp cận của Naudet là ví dụ điển hình cho hiện tượng “đầu cơ” ngày nay trong đấu giá. Trong phòng trưng bày Rogues của Philip Hook có một không gian dành riêng cho Paul Durand-Ruel, nhà kinh doanh nghệ thuật đã mua lại toàn bộ tranh của các họa sĩ Ấn tượng. Durand-Ruel đã áp dụng chính xác phương pháp đại lý độc quyền như Naudet. Trong lá thư gửi Pissarro, Durand-Ruel viết: “Tôi có ý định mua tất cả tranh của ông. Đây là cách duy nhất để tránh sự cạnh tranh khiến tôi không thể tăng giá bán tranh cho ông.”

Chỉ số Định giá Nghệ thuật Times-Sotheby

Rất ít người hoạt động trong thế giới nghệ thuật ngày nay từng nghe nói về Chỉ số Định giá Nghệ thuật Times-Sotheby. Những người biết đến nó đa số là các đại lý nghệ thuật kỳ cựu hoặc nhân viên đấu giá đã nghỉ hưu. Kết quả tìm kiếm trên mạng cũng chỉ cho ra cuốn sách viết năm 1971 của Geraldine Norman về dự án này.

Chỉ số Times-Sotheby đầu tiên được xuất bản ngày 25/11/1967 (được sự cho phép của The Times Archive)

Chỉ số Times- Sotheby được xuất bản trên tờ Thời báo Luân Đôn trong giai đoạn từ năm 1967 đến 1971, nhằm mục đích biểu đồ hóa sự thay đổi giá của tranh đấu giá. Mỗi chỉ số dựa trên một phong trào hoặc bộ phận mà các tác phẩm theo đuổi, như trường phái Ấn tượng, bạc Anh hay gốm sứ Trung Quốc. Các đồ thị đem lại cái nhìn tin cậy cho những bài viết đầy chủ đích trên chuyên mục tài chính của The Times, đưa ra bởi Pulay, Wilson và Chuẩn tướng Stanley Clark. Clark và Wilson đã cùng tạo nên một cuộc đảo chính thương trường ngoạn mục trong việc thuyết phục tờ Times hợp tác. Mặc dù ng phải là người khai sinh ra các chỉ số nhưng chính Geraldine Norman mới là người thực sự đem lại sức sống cho chúng.

Một năm sau khi Wilson xuất hiện trên truyền hình, thiếu nữ 27 tuổi Geraldine Norman nhận một lá thư từ Rome với nội dung mời về Luân Đôn để bắt đầu viết bài cho Times và Sotheby’s.

Dự án hợp tác của Norman với Sotheby’s và Times ban đầu không hề suôn sẻ; bà đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định làm công việc này. Một câu hỏi hóc búa về phương pháp luận xuất hiện. Vì nghệ thuật không phải một loại hàng hóa đơn lẻ như vàng hay dầu mỏ, mỗi tác phẩm đều là duy nhất và giá trị không giống nhau kể cả của cùng một nghệ sĩ, do đó, sự đánh giá về mặt thẩm mỹ sẽ luôn mang tính chủ quan, bất kể theo xu hướng hay dựa trên trình độ nhận thức.

Một biểu đồ từ chỉ số Times-Sotheby đầu tiên (được sự cho phép của The Times Archive)

Norman đưa ra giải pháp thỏa hiệp để đưa ra mức định giá: bà chỉ tập trung vào sáu họa sĩ đại diện của trường phái bao gồm Monet và Renoir, những bậc thầy kiến tạo, Fantin-Latour và Boudin – những người tiếp nối. Sau đó, Norman giao việc kiểm tra chất lượng cho một chuyên gia của Sotheby’s, người sẽ chia bộ sưu tập tranh của từng nghệ sĩ vào các nhóm có “giá trị tương đương nhau” hay “từ kiệt tác đến rác”, như Norman hay đùa. Norman sẽ ngồi lại với các chuyên gia để xem xét các hồ sơ bán hàng. “Phương pháp chủ yếu là định giá lên hoặc xuống cho một bức tranh để gần bằng với mức giá trung bình tống các tác phẩm của một họa sĩ.” Dữ liệu được lấy từ nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s, Parke-Bernet và đôi khi là các phòng tranh ở Paris những năm 1950.

Phương pháp của Norman khó loại trừ sai sót. Thứ nhất, chỉ số dựa trên giả định thị hiếu hay nhu cầu thực tế không thay đổi. Do đó, một vài tác phẩm có thể bán được với giá vượt xa hoặc giảm mạnh so với dự kiến, Norman khắc phục bằng việc loại bỏ các kiệt tác có khả năng tạo giá cao bất thường. Thứ hai, chỉ số chỉ thể hiện giá những tác phẩm tại phòng đấu giá mà không bao gồm các phòng trưng bày hay đại lý, cũng đóng vai trò lớn trong thị trường. Cuối cùng, việc phân định đâu là tác phẩm đại diện cho một họa sĩ mang tính chủ quan rất cao.

Norman chia sẻ thẳng thắn về những hạn chế trong bài báo đi kèm chỉ số đầu tiên. Điều đó thể hiện sự thành thật và cố gắng của bà trong việc thực hiện nhiệm vụ gần như bất khả thi từ Sotheby’s. Những chỉ số đã thúc đẩy doanh số bán hàng cho Sotheby’s rất nhiều.

Chỉ số đầu tiên được xuất bản vào ngày 25/11/1967, bao gồm bảy biểu đồ nổi bật dành riêng cho trường phái Ấn tượng. Sáu biểu đồ thể hiện giá giao dịch đã trả cho các nghệ sĩ cụ thể trong giai đoạn năm 1950-52. Biểu đồ thứ bảy bao gồm ba dấu chỉ: giá của các bức tranh Ấn tượng, giá cổ phiếu Hoa Kỳ và giá cổ phiếu Vương quốc Anh. Kết quả, giá tranh vượt xa so với hai giá trị còn lại. Thông điệp đưa ra rất rõ ràng:

Nghệ thuật là mặt hàng nóng và giá bán của nó có thể và nên được hình thành theo cách tương tự như giá một cổ phiếu trên sàn giao dịch Dow Jones hay FTSE 100.

Một bảng màu từ “Money and Art: Một nghiên cứu dựa trên Chỉ số Times-Sotheby” (1971)

Thị trường nghệ thuật đương đại đã phát triển theo cấp số nhân từ những năm 1960. Việc thảo luận về những phức tạp trong “giá trị bán lại” hay “cơ sơ sưu tập” tranh của một họa sĩ nhất định đã trở nên phổ biến. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nằm tại các cảng miễn thuế được canh chừng nghiêm ngặt. Báo chí thường xuyên đưa những con số bán kỷ lục hay xuất bản danh sách tác phẩm đắt giá nhất. Các công ty như Artnet, Collectrium, Artprice, và ArtRank ra đời để kinh doanh dữ liệu về doanh số và xu hướng thị trường.

Tuy nhiên, vào năm 1967, chỉ số Times-Sotheby’s bắt đầu hé lộ ra những sự thật cực đoan.

Hồi chuông báo tử cho những chỉ số nghệ thuật của Time-Sotheby’s

Robert Hughes viết trong bài “Art & Money” nổi tiếng năm 1984 của mình: “Chúng ta đã được định hình về văn hóa để nghĩ rằng các tác phẩm nghệ thuật là một loại hàng hóa đầu tư. Tôi nghĩ rằng nó đã bắt đầu với sự phát triển thương mại dưới tên gọi Chỉ số nghệ thuật Times/Sotheby.”

Năm 1961, nhà sưu tầm nghệ thuật Richard H. Rush đã xuất bản cuốn “Art as an Investment” để hướng dẫn cho nhà sưu tầm mới. Rush viết trong sách: “Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn tăng giá sau cuộc suy thoái năm 1957 nhưng giá tranh vẫn vượt xa đến năm 1960. Và trong năm 1960, thị trường nghệ thuật vẫn tăng trưởng tốt trong khi thị trường chứng khoán thụt lùi.”

Một biểu đồ từ Richard H. Rush’s trong cuốn “Art as an Investment” (1961).

Tuy nhiên, cuốn sách của Rush vẫn không phải một nghiên cứu về nghệ thuật như tài sản, mà chủ yếu thể hiện tinh thần say mê, kiên nhẫn và tình yêu trọn đời dành cho nghệ thuật. Norman tiếc rằng mình đã không biết đến cuốn sách vào thời điểm đó. Những người sưu tầm tranh lớn thường không bán tác phẩm. Họ xem chúng như kho báu và gắn thẻ giá lên chúng để dương oai. Nếu mất, tác phẩm nghệ thuật sẽ là tài sản thừa kế cho con cháu hoặc quà tặng cho các viện bảo tàng như một cách đóng góp xã hội.

Không có gì ngạc nhiên khi những chỉ số của Norman đã thu hút rất nhiều độc giả, nhà phê bình và các chuyên gia nghệ thuật. Tháng 10/1968, một lá thư của L. J. Olivier gửi đến Times như sau: “Chỉ số Times-Sotheby chỉ đại diện cho sự thô tục và chủ nghĩa thương mại đáng khinh bỉ. Lạy Chúa, một ngày nào đó mọi thứ sẽ thay đổi. Các kho máy lạnh sẽ bị hỏng và các nhà báo nghệ thuật khốn khổ sẽ bị ném đá đến chết với những đồng Etruscan giả.” James R. de la Mare của tờ Woodchester, Gloucester, hồi đáp: “Gửi lời cảm ơn đến Ông L. J. Olivier. Đó sẽ là kỷ nguyên mà tác phẩm của Raphael sẽ mang ít giá trị hơn “hàng rào chống lạm phát”, xứng đáng tạo nên làn sóng tức giận cho các phóng viên và có lẽ, làm tất cả chúng ta xấu hổ.” Các đại lý nghệ thuật cũng đã nổi giận với các chỉ số. Ngài Geoffrey Agnew đã đặc biệt tức giận. Giới bán hàng cho biết nghệ thuật có một giá trị vô hình và tuyệt vời vượt trên thế giới thương mại bẩn thỉu.

Carmen Gronau, người đứng đầu bộ phận kiệt tác của Sotheby’s cũng đồng tình: “Đó là một trò chơi vô nghĩa; bạn không được phép có một chỉ số về các kiệt tác.” Peter Wilson phản ứng rõ ràng về điều này bằng cách mời Gronau uống rượu với một chồng hồ sơ bán hàng. Sau nhiều tháng lảng tránh, Gronau cuối cùng phải miễn cưỡng đưa ra tên của những trường phái hay nghệ sĩ để định chỉ số. Sau đó, Wilson không bao giờ tìm cách gây ảnh hưởng hay can thiệp vào công việc của Gronau nữa nhưng ông vẫn duy trì theo dõi từ xa.

Sự phản đối tình trạng nghệ thuật trở thành hàng hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất bản cuốn sách của Norman năm 1971. Nhà xuất bản tại Anh đã từ chối tiêu đề “Art and Money: A Study Based on the Times-Sotheby Index” (Tạm dịch: “Nghệ thuật và Tiền bạc: Một nghiên cứu dựa trên Chỉ số Times-Sotheby”) và thay bằng một tựa đề thực tế hơn – “The Sale of Works of Art” (Tạm dịch: “Cuộc kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật”). Chỉ có nhà xuất bản tại Hoa Kỳ đồng ý với tiêu đề ban đầu của Norman.

So sánh hai phiên bản Anh và Mỹ của cuốn sách năm 1971 của Norman.

Trong một bài phê bình có tựa đề “In Sotheby-land the graphs go up”, nhà phê bình Grace Glueck của tờ New York Times đã bác bỏ phương pháp của Norman, xem nó như “một mê cung phức tạp với lý lẽ đơn giản”. Bà viết: “Tôi thành thật giới thiệu cuốn sách cho những người không sưu tầm nghệ thuật mà sưu tầm tiền, và có đủ khả năng bỏ ra 20 đô la cho một lời quảng cáo rườm rà của Sotheby’s.”

Glameck nhận xét Norman đã không xác định được tỷ lệ phần trăm các tác phẩm bị mua với giá thấp hơn giá khởi điểm. Nếu nhà đấu giá không thu hút được giá cao hơn giá khởi điểm thì xem như tác phẩm bị bought-in (tự nhà đấu giá phải mua lại cho người bán) hoặc cho qua. Thay vì trả giá thực, các nhà đấu giá sẽ khiến người mua tưởng bở về món hàng để đưa đề xuất cao hơn (gọi là đấu giá đèn chùm). Vào thời điểm đó, cả Christie’s và Sotheby’s đều không công khai tỷ lệ phần trăm của các lô bought-in và duy trì ảo tưởng của khách hàng. Glameck cũng nói về việc The Times đã thăng chức cho Norman nhờ công việc chỉ số này và tự hỏi liệu Christie’s, đối thủ trực tiếp của Sotheby’s có thích điều này?

Tiểu sử Geraldine Norman.

Sự chỉ trích của Glameck dành cho Norman, mặc dù công bằng nhưng đã diễn ra không đúng lúc và phá hủy mối hệ công việc của Norman với Wilson, và đồng thời khiến Peter Chance, chủ tịch của Christie’s, khinh bỉ bà. Trớ trêu thay, sau đó chính Norman là người đã quyết tâm làm sáng tỏ vấn đề đấu giá, đánh hồi chuông báo tử cho những chỉ số nghệ thuật của Time-Sotheby’s.

Người ta nói rằng Wilson đã loại bỏ chỉ số Times-Sotheby’s sau khi doanh số bán đấu giá bắt đầu giảm. Tuy nhiên, sự thật về quá trình sụp đổ của chỉ số này phức tạp hơn nhiều.

Mùa hè năm 1970, Norman thông báo cho Wilson và Chance rằng cô đang viết một bài báo quan trọng về bí mật xung quanh các lô bought-in vì có những cái tên hư cấu thường xuyên xuất hiện trong danh sách bán hàng được phân phối. Fiona Ford, cựu nhân viên báo chí của Sotheby’s chia sẻ: “Sau mỗi cuộc mua bán, chúng tôi sẽ bí mật nhận chỉ thị từ Peter Wilson về những gì sẽ công khai với báo chí.” Phần lớn những gì Norman chia sẻ đều trùng khớp với cuốn hồi ký năm 1990 của John Herbert, “Inside Christie’s”, đào sâu vào sự chia rẽ giữa bà với Wilson và Chance. Herbert, người từng làm giám đốc PR của Christie’s từ năm 1959 đến 1985, đã bị sốc bởi sự thật của nền kinh tế công nghiệp.

“Đúng là chúng tôi sẽ không chủ động công khai về lô bought-in nếu không được hỏi. Con số công khai tiêu chuẩn là tổng số đã gõ búa, bao gồm cả các lô bought-in. Khi Geraldine biết về điều này, bà ấy muốn biết chắc chắn người mua khi nói đến doanh số và giá bán. Do vậy, bà tìm ra tỷ lệ phần trăm thật sự được bán và bought-in. Thật kỳ lạ là trước đó không có bất kỳ nhà báo nào thắc mắc thông tin cơ bản này.”

Thật kỳ lạ là trước đó không có bất kỳ nhà báo nào thắc mắc thông tin cơ bản này.

Bài báo “Bí mật trong các nhà đấu giá Luân Đôn” của Geraldine Norman ngày 16/07/1970 trên tờ the Times (sử dụng với sự cho phép của The Times Archive).

Norman, người đã rất nhạy bén trong thị trường đầu tư nghệ thuật, bắt đầu tận dụng chuyên môn để đấu giá cho sự minh bạch thị trường. Có thể các truy vấn của bà không được Wilson và Chance đón nhận nên họ đã cố gắng gặp Tổng biên tập The Times, William Rees-Mogg để dập tắt câu chuyện. Norman chia sẻ: “Cả hai đều phẫn nộ. Rees-Mogg đã lắng nghe rồi xin lỗi rằng ông không thể làm theo yêu cầu vì đây là vấn đề được công chúng quan tâm. Cuối cùng, Rees-Mogg quyết định xuất bản bài viết của tôi. Peter Wilson không bao giờ tha thứ cho tôi, cho rằng đó là không trung thành. Ông ta đe dọa sẽ sập cánh cửa Sotheby’s trước mặt tôi nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra, bởi vì tôi là phóng viên chuyên mục bán hàng của The Times.”

Peter Wilson là chủ tịch của Sotheby’s từ năm 1958 đến 1980. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở công ty từ năm 1936 với vị trí nhân viên bốc vác của phòng nội thất.

Vào ngày 16/07/1970, tờ The Times xuất bản bài báo của Norman, “Secrecy in the London auction houses” (Tạm dịch: “Bí mật trong các nhà đấu giá ở Luân Đôn”). Tám tháng sau, tờ báo xuất bản báo cáo chỉ số Times-Sotheby’s cuối cùng của bà.

Bài viết của Norman đã vạch trần việc sử dụng tên giả và biện pháp bảo vệ bí mật đó. Các nhà đấu giá cho rằng nếu nhà thầu biết giá khởi điểm, họ sẽ không trả giá cao. Nếu họ biết tác phẩm bị bought-in, chúng sẽ trở nên khó bán. Điều này trái ngược với đạo đức của đấu giá công khai và đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đấu giá. Sau bài báo, sự giám sát được tăng cường. Năm 1975, cả Sotheby’s và Christie’s đều phải loại trừ các lô bought-in ra khỏi danh sách bán hàng.

Geraldine cùng chồng, Frank Norman ở các bảo tàng Vatican Museums năm 1969.

Herbert viết: “Có rất ít nhà báo dám tuyên bố để buộc hai công ty nổi tiếng thế giới phải thay đổi cách thức hoạt động bằng sự kiên trì và quyết tâm như Norman.” Theo Herbert, Chance bị ám ảnh bởi Norman. Người ta dành nhiều thời gian thảo luận về nhà báo này tại các cuộc họp hội đồng nhiều hơn bất kỳ chủ đề nào khác.

Năm 1974, Norman viết trong một bài báo phân tích đầu tư nghệ thuật cho British Rail: “Có rất nhiều cơ hội tuyệt vời để đầu cơ vào thị trường nghệ thuật, nhưng ý niệm nghệ thuật là một phương tiện đầu tư vững chắc và an toàn là một lời ngụy biện.” Năm 1987, Norman rời The Times để tham gia tờ Independent và làm việc đến năm 2000. Sau đó bà trở thành Giám đốc của Hermecca Foundation UK, một tổ chức từ thiện chuyên gây quỹ phục vụ hoạt động trao đổi văn hóa.

Norman nhận xét về sự nghiệp của mình: “Nó khá kỳ dị, nhưng tất cả đều có ý nghĩa.” Mặc dù không còn làm chung nhưng Norman vẫn thán phục tài năng của Wilson. Bà đánh giá cao tài năng gầy dựng một công ty đấu giá năng động nhất thị trường Mỹ của Wilson nhưng buồn vì cho rằng mối quan hệ của bà và ông không thể hàn gắn sau bài báo. “Được làm việc với Wilson là một niềm vui.”

Không một nhà báo nào có khả năng tác động như vậy đến thị trường nghệ thuật từ năm 1967, cho dù ở trên các sàn đấu giá, trong bảo tàng hay trong hiệp hội buôn bán mỹ thuật như Geraldine.

Vào thời điểm cuốn “Art and Money” được công bố, những phát hiện về chỉ số Times-Sotheby’s đã được cung cấp trên các ấn phẩm khắp thế giới, bao gồm New York Times, Süddeutsche Zeitung và Connaione des Arts. Hai năm sau, các nhà sưu tập Robert và Ethel Scull đã bán các tác phẩm từ bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của họ tại nhà đấu giá Parke-Bernet của Sotheby’s để kiếm lợi nhuận, chuyển trọng tâm thị trường sang nghệ thuật đương đại. Tác phẩm “Thaw” (1958) của Robert Rauschenberg được cặp đôi mua trực tiếp từ nghệ sĩ với giá 900 USD và bán lại với giá 85.000 USD. Sự tăng giá phi thường đã truyền cảm hứng mới cho việc mua bán tác phẩm nghệ thuật và nắm giữ lợi nhuận. Phiên đấu giá ngoạn mục của Scull thường được lấy để củng cố tư tưởng này, nhưng chính logic không thể bỏ qua của chỉ số Times-Sotheby mới là xúc tác cho trào lưu mới. Philip Hensher viết năm 2006: “Bằng cách chứng minh rằng các bức ảnh có thể có giá trị, những chỉ số sẽ hỗ trợ để đảm bảo thực tế.”

Norman nhận xét về trào lưu: “Nó chỉ mới là điểm khởi đầu trắng trợn và chưa thể chắc chắn điều gì. Picasso tăng 3 điểm, Renoir xuống 2. Tôi không bất ngờ với tác động tức thời đến thị trường nghệ thuật. Chúng làm thay đổi suy nghĩ của mọi người, nhưng phải mất nhiều năm. Như tôi, phải mất mười năm mới bắt đầu nhận ra bài báo của mình đã tạo ra làn sóng lớn đối với người mua như thế nào.”

John Herbert kết luận chắc chắn: “Không một nhà báo nào có khả năng tác động như vậy đến thị trường nghệ thuật từ năm 1967, cho dù ở trên các sàn đấu giá, trong bảo tàng hay trong hiệp hội buôn bán mỹ thuật như Geraldine.”

(Theo hyperallergic.com)


 
Back to top