ART & LIFE / Đấu giá

Ghi chậm sau cuộc đấu giá phần một của nhà sưu tầm Tuan Pham

May 28, 2019 | By Trang Ps

Sau cuộc đấu giá Nghệ thuật Châu Á Đương đại và Thế kỷ 20 – phiên buổi sáng ở sàn Hồng Kông của nhà đấu giá Christie’s ngày 26 tháng Năm năm 2019, trong đó có 17 tác phẩm từ bộ sưu tập của ông Phạm Hùng Tuấn. Cây bút Hank Trần có một ghi chép chậm về chiều sâu của sự kiện, bên cạnh các thông tin về giá gõ búa. LUXUO xin phép được trích đăng sau khi nhận được sự đồng ý của ông 

Bức tranh Khỏa Thân của họa sỹ Lê Phổ, với giá thu về là 10.925.000 đô-la Hồng Kông (tương đương gần 1,4 triệu đô la Mỹ).

Như tin tức ở nhiều báo đã đưa, cuộc đấu giá nói trên đã xác lập kỷ lục mới về giá công khai cho một tác phẩm mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới, là bức tranh Khỏa Thân của họa sỹ Lê Phổ, với giá thu về là 10.925.000 đô-la Hồng Kông (tương đương gần 1,4 triệu đô-la Mỹ). Tác phẩm đó đồng thời cũng lập kỷ lục về giá công khai cho một tác phẩm của họa sỹ Lê Phổ. Bất chấp có những ý kiến không mấy lạc quan, thậm chí không tích cực về tác phẩm này, nhà đấu giá Christie’s một lần nữa chứng tỏ tầm nhìn khi chọn đây là tác phẩm trung tâm được đưa lên trang bìa (poster piece).

Nhưng điều ít được để ý là cuộc đấu giá đó còn lập thêm một kỷ lục về giá công khai cho một tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, khi thu về 9.125.000 đô-la Hồng Kông (tương đương 1,1 triệu đô-la Mỹ) với  bức Vỡ Mộng. Đó là kỷ lục về giá công khai cho một bức tranh lụa Việt Nam trên thị trường thế giới, vượt qua bức Em bé bên chú chim của Nguyễn Phan Chánh được thu về ở mức 6.700.000 đô-la Hồng Kông (tương đương 853.000 đô-la Mỹ) qua phiên đấu ngày 27 tháng Năm năm 2018, cũng ở sàn Hồng Kông của nhà đấu giá Christie’s.

Nhưng điều ít được để ý là cuộc đấu giá đó còn lập thêm một kỷ lục về giá công khai cho bức Vỡ Mộng của họa sĩ Tô Ngọc Vân, khi thu về 9.125.000 đô-la Hồng Kông (tương đương 1,1 triệu đô-la Mỹ).

Bức Vỡ Mộng của họa sỹ Tô Ngọc Vân thu về 9.125.000 đô-la Hồng Kông (tương đương 1,1 triệu đô-la Mỹ).

Ngoài ra, còn phải kể đến kỷ lục là lần đầu tiên trong một cuộc đấu giá mỹ thuật quốc tế, các tác phẩm Việt Nam chiếm 7 trong 10 vị trí cao giá nhất, với cả ba tác phẩm cao giá nhất sự kiện đến từ Việt Nam. Không rõ có phải là kỷ lục không, nhưng chắc hẳn đây là một trong số lần hiếm hoi các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được đưa lên sàn đều được bán hết một trăm phần trăm.

Cũng chưa thấy ai nói đến rằng sự kiện này còn ghi nhận một kỷ lục về tổng giá trị thu về từ một bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam của cá nhân qua một cuộc đấu giá duy nhất, ở mức 47.110.00 đô-la Hồng Kông (tương đương 5.6 triệu đô-la Mỹ) cho 17 tác phẩm, cũng là 17 lô riêng biệt.

Lần đầu tiên trong một cuộc đấu giá mỹ thuật quốc tế, các tác phẩm Việt Nam chiếm 7 trong 10 vị trí cao giá nhất, với cả ba tác phẩm cao giá nhất sự kiện đều đến từ Việt Nam.

Thực ra, nếu tính về giá trị tài sản tương đương thì con số cỡ 5,6 triệu đô-la Mỹ nêu trên, tuy đạt kỷ lục về tổng giá trị tiền công khai, nhưng chưa chắc đã cao hơn mức giá trao tay từ bộ sưu tập Đức Minh hồi đầu thập niên 1990 – khi một nhà sưu tập quyết đoán đã bán đi căn nhà mặt phố Hàng Đường để thâu tóm và hiện vẫn đang lưu giữ phần lớn. Chỉ tính riêng phần đã bán trực tiếp trong năm đó, nếu quy ra giá trị theo vàng hay bất động sản (hơn một căn nhà mặt phố Hàng Đường diện tích mặt bằng khoảng 80 mét vuông) thì cũng cao hơn con số 5,6 triệu đô.

Hay như hồi đầu thập niên 2000, cá nhân và gia đình nhà sưu tập Hà Thúc Cần có ý định “chọn mặt gửi vàng” để bàn giao lại cho một người mua duy nhất nhưng không thành, sau đành phải bán rải rác làm nhiều đợt. Nếu ý định chuyển giao một lần cho một người của nhà sưu tập Hà Thúc Cần đạt được, thì giá trị tương đương vào thời điểm đó (tính theo vàng hoặc bất động sản) chắc cũng cao hơn con số 5,6 triệu đô lần này.

Như vậy thập niên nào cũng có câu chuyện lịch sử mỹ thuật Việt Nam, hình như chu kỳ tụ-tán của các siêu phẩm mỹ thuật Việt là mười năm một lần.

Thập niên 2010 là một thập niên đặc biệt vì bắt đầu từ đầu thập niên này, các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam – nói đúng hơn là các tác phẩm của trường phái mỹ thuật Đông Dương – mới khởi đầu hành trình lội ngược dòng sau bao nhiêu năm lép vế trên thị trường mỹ thuật khu vực và quốc tế, để đến giờ phút này chính thức lập được những kỷ lục đáng kể nói trên.

Khi bắt đầu nghiên cứu và sưu tập mỹ thuật Việt Nam từ đầu thập niên 1990, lúc vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, mình chỉ dám mơ chứ không dám tin sẽ được chứng kiến sự lên ngôi của mỹ thuật Việt Nam như thế này. Xin bày tỏ lòng cảm phục trước quyết định đầu tư đầy quyết đoán và những nỗ lực vận động gia tăng giá trị mỹ thuật Việt Nam trong vòng mười năm qua của những nhà sưu tầm và nhà tài trợ đứng sau, nhất là anh Nguyễn Minh (Minh “Hàng Chỉ”) – một người đàn anh trong làng cổ vật, và một người bạn thân thiết mà mình không tiện nêu tên ở đây.

Sự kiện bộ sưu tập của ông Phạm H. Tuấn được đấu giá thành công như một cái kết có hậu để khép lại câu chuyện lịch sử của thập niên 2010 vào đúng năm cuối – 2019.

Chân dung nhà sưu tầm Tuan Pham.

Câu chuyện tụ tán của các tác phẩm mỹ thuật, không riêng gì của Việt Nam, là một vòng tuần hoàn không dứt. Biết bao kiệt tác mỹ thuật của nhân loại đã từng được chuyển chủ với nhiều câu chuyện đầy kịch tính, nên đừng hỏi tại sao ông Phạm H. Tuấn đã thâu tóm được bộ sưu tập bề thế đến vậy mà lại bán ra. Đáng ra câu hỏi cần đặt ra là với người mua: tại sao mua, mua để làm gì? Cá nhân mình đã từng chứng kiến tận mắt, hoặc nghe người bán người mua kể lại trực tiếp, và suýt tham gia một số giao dịch của cả ba đợt “tái cấu trúc” lớn các sưu tập mỹ thuật Việt Nam hàng đầu trong ba thập niên qua, nên không hề ngạc nhiên trước những quyết định dẫn đến những sự kiện tụ – tán của những bộ sưu tập. Chắc chắn trong thập kỷ sau, chúng ta sẽ lại được theo dõi một diễn biến lớn không kém gì sự kiện này của mỹ thuật Việt Nam, nói ví dụ như khi một nhà sưu tập cỡ Trần Hậu Tuấn hay nhà Apricot đưa ra quyết định về bộ sưu tập của mình.

Đây mới là phần một của bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Phạm H. Tuấn, phần tiếp theo của bộ sưu tập tranh sẽ lên sàn vào cuối năm nay tại nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông. Còn bộ sưu tập cổ vật Việt Nam của ông cũng sắp xuất hiện từng phần, thông tin sẽ được mình cập nhật trên trang Facebook này.

Bài viết: Hank Tran


 
Back to top