Nghiên cứu tác phẩm “Ballad Biển Đông” của Đào Châu Hải tại Berlin Biennale 12
“Ballad Biển Đông” của nhà điêu khắc Đào Châu Hải là biểu hiện nghệ thuật mới nhất, kết quả của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch mới của ông.
Sau thời gian khủng hoảng toàn cầu vì dịch bệnh, năm 2022 ghi dấu hoạt động sôi nổi trở lại của thế giới nghệ thuật với nhiều sự kiện lớn, trong đó Documenta 15 và Berlin Biennale 12 (cùng diễn ra tại Đức) là hai triển lãm quốc tế nổi bật. Điều đặc biệt là cả hai triển lãm đều có sự tham gia đông đảo của các nghệ sĩ Việt/gốc Việt (1), một dấu mốc hội nhập quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam đương đại bởi danh tiếng và sức hút truyền thông quốc tế rất lớn của hai sự kiện này.
Bài viết dưới đây đề cập đến Berlin Biennale 12 và tập trung nghiên cứu, giới thiệu tác phẩm “Ballad Biển Đông” của nhà điêu khắc Đào Châu Hải bởi tác phẩm này là biểu hiện nghệ thuật mới nhất, kết quả của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch mới của ông.
Berlin Biennale 12 (Triển lãm lưỡng niên Berlin lần thứ 12, viết tắt là BB 12)
Thành lập từ 1996, Berlin Biennale hiện là triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế quan trọng hai năm một lần tổ chức tại nhiều địa điểm của thành phố Berlin, các giám tuyển (Curators) sẽ giới thiệu các nghệ sĩ không bị thị trường nghệ thuật và sự săn lùng của giới sưu tập ràng buộc, nhiều nghệ sĩ trẻ qua đó đã vươn tầm quốc tế. Kunst-Werke Berlin là đơn vị tổ chức và từ 2004 Quỹ Văn hóa Liên bang Đức chính thức tài trợ cho hoạt động này, đánh giá nó là “Ngọn hải đăng văn hóa” có sức hút quốc tế, năm nay Quỹ tài trợ cho triển lãm gói ngân sách trị giá 3 triệu Euro. [1]
BB 12 được thiết kế bởi giám tuyển chính – nghệ sĩ người Pháp Kader Attia (2), cùng làm việc với ông là 5 giám tuyển (artistic team) đến từ nhiều quốc gia như: Ana Teixeira Pinto, Đỗ Tường Linh (3), Marie Helene Pereira, Noam Segal, Rasha Salti. Chủ đề trung tâm (Concept) của BB 12 là “Giải thuộc địa” (Decolonial) – một khái niệm được Kader Attia mở rộng ra ngoài khuôn khổ lịch sử địa chính trị, nó thậm chí tập trung vào chính thời điểm hiện tại (Present) để nhận dạng căn tính và hình thức (mới) của chủ nghĩa thực dân, tiền thực dân, tiền phát xít, những mối nguy toàn cầu mà bằng nghệ thuật con người có thể nhận thức và thông qua đề xuất của nghệ sĩ, những chiến lược phù hợp có thể được triển khai nhằm vượt qua những thách thức đó. Với tiêu đề “Still Present!” (4), Kader Attia nhấn mạnh:
“… chúng ta phải làm thế nào để chiếm lại thì hiện tại của mình? Bằng cách trước tiên phải chiếm lại sự chú ý, và bản chất của nghệ thuật nói như nhà lý thuyết truyền thông Marshall McLuhan, là lôi kéo sự chú ý vào trong nó. Dù là hội họa hay âm nhạc có lẽ đều đúng thế và tôi muốn bổ sung thêm rằng nghệ sĩ hãy tìm cách nắm bắt hiện tại. Nhà nghiên cứu truyền thông Daniel Bougnoux lập luận rằng, nghệ thuật tạo ra sự chú ý có lý giải và tác phẩm nghệ thuật như kiểu một cỗ máy làm thời gian chậm lại. Loài người thường xuyên phát minh ra những cỗ máy tăng tốc, và sẽ ra sao khi có một cỗ máy làm chậm đi tốc độ? – ông ấy hỏi tiếp. Có lẽ theo Bougnoux, nghệ thuật có thể là một cỗ máy như thế, tạo ra khả năng đạt tới một thì khác thay thế cho thì hiện tại “đã chết”. Trải nghiệm nghệ thuật tạo cho người xem khả năng chìm đắm trong một tính thời gian khác, phân định triệt để với môi trường xung quanh, tự nó tránh được cơn đói khát vô tận của quản trị thuật toán…“ [2]
Theo Kader Attia, “quản trị thuật toán” là thủ đoạn thực dân xảo quyệt, nguy hiểm mới của nền kinh tế tư bản, chúng “khai thác dữ liệu (hành vi của con người trong môi trường mạng và thực tiễn đời sống – ND) và thuộc địa hóa ứng xử tương lai của chúng ta… cầm tù chúng ta trong một thì hiện tại vô thức và bị động… “. Như vậy mục tiêu quan trọng của BB 12 là:
“Nghệ sĩ từ mọi miền thế giới tham dự sự kiện Nghệ thuật đương đại Berlin Biennale lần thứ 12 trong hoàn cảnh hậu hiện đại và hệ quả báo động của hành tinh. Bằng sự phản kháng của mình họ vẽ ra bản đồ thế giới, tường thuật những câu chuyện đối nghịch với mầm mống thực dân và thể nghiệm những chiến thuật giải thực dân cho tương lai. Làm thế nào để tổ chức một nền kinh tế phi thực dân? Phong trào nữ quyền ở nam bán cầu có thế đóng vai trò gì trong việc tái chiếm lịch sử? Làm thế nào để những tranh luận về đền bù và trao trả vật phẩm cướp đoạt trở thành thực tế? Bằng nghệ thuật liệu có giành lại thắng lợi cho địa hạt của cảm xúc?” [3]
Ballad Biển Đông – diễn trình sáng tạo và tư duy mới của Đào Châu Hải
Đào Châu Hải (sinh năm 1955) tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Học viện Mỹ thuật Quốc gia Surikov, Maxcova (Liên bang Nga). Ông nguyên là giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tham gia nhiều triển lãm trong nước, quốc tế, tác phẩm có mặt tại Mỹ, Đức, Đài Loan, Singapore…
Phần giới thiệu tác phẩm của ông tại BB 12 được giám tuyển Đỗ Tường Linh viết:
“Tác phẩm Ballad Biển Đông (Ballad of the East Sea) được Đào Châu Hải sáng tác năm 2010 sau chuyến thăm vùng biển đảo Thái Bình Dương – vùng biển đã trở thành khu vực tranh chấp bạo lực giữa các quốc gia láng giềng. Với Berlin Biennale lần thứ 12, ông đã điều chỉnh tác phẩm cũ theo hướng, đặt ra một lần nữa những câu hỏi về chiến tranh biên giới và di dân. Những chủ đề bức thiết hơn lúc nào hết trong thời điểm hiện tại. Sự lặp lại triệt để các cạnh mỏng, sắc nhọn gợi liên tưởng tới hiểm nguy và bạo lực trong tác phẩm của Đào Châu Hải sẽ không thấy được ngay, nếu chỉ dựa vào ấn tượng ban đầu của hình dạng con sóng hay mặt nước biển. Tính chất kết cấu của các tấm thép còn liên hệ với thời kỳ công nghiệp hóa trước đây với công cụ máy móc, hệ thống vận tải và kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Tự thân chất liệu thép tấm đúc sẵn chính xác đã nhằm tạo ra các khuôn mẫu và nhịp điệu đầy ấn tượng. Ballad Biển Đông đã khắc hoạ những trang sử đen tối về xung đột của loài người bằng ngôn ngữ điêu khắc đầy tinh tế, vừa nên thơ, vừa ghê sợ và hoành tráng.” [4]
Như đã nói, “Ballad Biển Đông” (2022) là biểu hiện mới nhất của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch của Đào Châu Hải. Ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc của ông có thể tóm tắt theo các giai đoạn sử dụng chất liệu tiêu biểu: vào những năm 1990 là những tác phẩm chất liệu gỗ phủ sơn mài, phong cách pha trộn Lập thể và Biểu hiện; từ những năm 2000, đặc biệt năm 1997, sau khi nhận được giải thưởng Prix Évariste Jonchère của Quỹ Taylor với 2 đợt lưu trú nghiên cứu, làm việc tại Xưởng kim loại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris (l’École nationale supérieure des Beaux-Arts de Paris), Đào Châu Hải bắt đầu sử dụng nhiều chất liệu kim loại, trở thành một trong số ít nghệ sĩ tiên phong thành công với chất liệu này và tạo ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ điêu khắc gia trẻ, mà nhiều người trong đó là sinh viên của ông trong trường mỹ thuật. Xen kẽ giai đoạn 2000 đến nay, sáng tạo của Đào Châu Hải đa dạng với nhiều chất liệu mới so với điêu khắc truyền thống (ở Việt Nam), tuy nhiên điều đáng kể là sự thay đổi về tư duy sáng tác: từ thuần túy tạo hình (điêu khắc hình thức, độc lập với ngữ cảnh trưng bày, ngữ cảnh văn hóa, lịch sử – một đặc điểm phổ quát của nghệ thuật điêu khắc Hiện đại) sang các hình thức biểu hiện điêu khắc – sắp đặt gắn với địa điểm chuyên biệt (site-specific art, hình thức phổ biến của điêu khắc Đương đại). Dưới hình thức này, môi trường bao hàm không gian tự nhiên, không gian văn hóa, lịch sử, địa chính trị, sự tham dự vật lý/tâm lý của người xem là thành phần không thể thiếu của tác phẩm, thậm chí tác phẩm (vật chất được tạo ra) đôi khi chỉ là “lớp vỏ” cho trải nghiệm thực tế của người xem và thông qua sự tham dự đó, toàn bộ nội dung tác phẩm mới được “hiển lộ” và truyền thông. Ở trường hợp khác, bản thân chất liệu làm ra tác phẩm, công nghệ chế tác và kích thước vật lý của tác phẩm có tiếng nói quyết định (hơn cả hình thức) tới hiệu quả truyền tải nội dung tác phẩm, đây là hướng sáng tác mà Đào Châu Hải quan tâm đặc biệt trong những lần được xem các tác phẩm của Richard Serra (5) ở châu Âu và Mỹ.
Tháng 4 năm 2007, tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng, Đào Châu Hải đã thực hiện tác phẩm “Cửa sóng” bằng kỹ thuật xây dựng dân dụng (gạch, xi măng, bê tông). Tác phẩm có hình dạng một con sóng lớn (dài 30m, cao 2,5m, ngang 2,2m) hợp thành từ 3 “lát sóng” đồng dạng, 3 lát sóng tạo ra 2 đường hầm song song, dài 30m, 1/3 đường hầm có mái che, mỗi đường hầm tách biệt độc lập và vừa lọt người trưởng thành di chuyển. Từ trong đất liền, đầu đường hầm – lối cửa vào cao 2,5m sẽ tới lối ra hướng biển cao xấp xỉ 1m. Với “Cửa sóng”, ngoài hình dạng và phương pháp “cắt lớp” (còn được Đào Châu Hải triển khai trong nhiều tác phẩm sau này), mục tiêu của ông là tạo hình một không gian vật lý gắn liền với không gian môi trường địa lý (có thời gian, ánh sáng, nhiệt độ, gió, âm thanh, ý thức về địa danh…) có thể tác động mạnh nhất tới giác quan và tâm lý của người tham dự vào tác phẩm theo hướng tạo ra nhận thức về: hiện sinh, sự cô đơn, sự tự giải phóng, tự do… những phạm trù tâm lý, triết học siêu hình mà chí ít bản thân ông hướng đến và hy vọng có sự đồng cảm (6). Cần nhắc thêm rằng, năm 2006 tại Côn Đảo, song song với việc thực hiện (một phần) quần thể tượng đài điêu khắc Nghĩa trang Hàng Dương, Đào Châu Hải đã thực hiện một sắp đặt môi trường với hàng nghìn viên đá cuội tự nhiên kết hợp với đá tảng (có can thiệp tạo hình) sẵn có tại đảo, ông đặt tên sắp đặt của mình là “Bất khuất” theo một ý niệm ẩn dụ cho tinh thần kiên cường của những tù nhân chính trị thời thuộc Pháp. Trước thời điểm 2006, Đào Châu Hải từng thể nghiệm những hình thức điêu khắc sắp đặt, tuy nhiên từ sau “Cửa sóng” 2007, sáng tác theo hướng này của ông mới rõ và tạo nhiều dấn ấn (tiêu biểu như các triển lãm tại Hà Nội: triển lãm cá nhân “Tứ pháp” tháng 11, 2007; triển lãm nhóm “Không vô can và Ballad Biển Đông” tháng 12, 2010; “Hợp thể” tháng 3, 2011; triển lãm cá nhân “Thinh” tháng 1, 2021).
Tháng 12 năm 2010, motif sóng biển và ngôn ngữ điêu khắc cắt lớp của Đào Châu Hải tiếp tục được phát triển trong triển lãm chung “Không vô can và Ballad Biển Đông” cùng họa sĩ Lý Trực Sơn tại Vietart Center – Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Ý tưởng thực hiện triển lãm chung có từ sau chuyến thăm vùng biển đảo Trường Sa do lực lượng Hải quân Việt Nam tổ chức, Lý Trực Sơn trưng bày loạt sáng tác hội họa trừu tượng trên giấy Dó, Đào Châu Hải bày một tổ hợp sắp đặt các module biến thể hình sóng kim loại cắt lớp đặt trên nền nhiều tấm vải xô (loại vải hay dùng trong trang phục tang lễ truyền thống Bắc Bộ). Về ý tưởng, Đào Châu Hải có nói “trong hải trình dài ngày từ đất liền hướng ra biển, tôi suy nghĩ nhiều về lịch sử di cư của những người Việt cổ, nghìn năm trước họ vào đất liền bằng đường biển, nghìn năm sau nhiều người Việt ra đi ở chiều ngược lại… Mới đó, lịch sử hiện đại chứng kiến bao xung đột chủ quyền trên biển, những cuộc hải chiến, thảm sát, bạo lực và hiểm nguy chờ trực, ẩn sâu dưới mặt biển tưởng chỉ có điệu Ballad trữ tình êm đềm…” [5]. Tổ hợp các module điêu khắc sắp đặt của Đào Châu Hải thực hiện trên một mặt bằng hơn 200m2, tuy nhiên kích thước lớn nhất của 1 module không quá 2,5m x 1,2m, một trong những lý do khách quan thời điểm đó là sự hạn chế của công nghệ cắt, lắp ghép các tấm thép lá. Tuy nhiên như đã nhắc ở trên, tác phẩm này của ông là điểm nhấn quan trọng trong mạch tư duy sáng tác mới từ sau “Cửa sóng” 2007, nó có tính phát triển nhất quán, logic về hình thức điêu khắc và tư duy coi trọng cảm nhận tâm sinh lý của người xem khi tham dự trực tiếp vào “lòng” tác phẩm.
Và với BB 12, bên cạnh các tác phẩm của 7 nghệ sĩ Việt/gốc Việt được giám tuyển Đỗ Tường Linh đề cử, một trong số những module Ballad Biển Đông sáng tác từ 2010 của Đào Châu Hải đã được các giám tuyển của Kunst-Werke Berlin lựa chọn, nhưng dưới hình thức một phiên bản điều chỉnh mới, có kích thước lớn gấp nhiều lần. Sau nhiều tháng trao đổi, thống nhất giữa hai bên, Đào Châu Hải đã cung cấp bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ 3D cho Kunst-Werke Berlin thông qua một công ty chuyên thực hiện các hợp đồng kiến trúc và chế tác kim loại (Studio EM04) để sản xuất và lắp đặt tác phẩm tại Berlin.
Trưng bày tại Institut of Arts Berlin (tòa nhà có lịch sử từ năm 1696, là một trong những Viện văn hóa nghệ thuật lâu đời nhất châu Âu), “Ballad Biển Đông” 2022 tổ hợp từ 100 con sóng thép dày 1,5mm, khoảng cách đều nhau 3cm, liên kết ngang bằng con xỏ tyren D10 và bu lông; chiều dài 7m, chiều ngang 4m, đầu cao 1,5m, đầu thấp 0,8m, tổng trọng lượng 6,5 tấn. Kỹ thuật thực hiện cắt CNC thép tấm (CNC cutting steel plates) và lắp ráp tại nhà trưng bày; 2 đầu các con sóng là hình răng cưa của 200 mũi thép nhọn, mặt bên và mặt bằng con sóng là nhịp hình sin mềm mại (theo bề mặt ngang 4m và trục dọc 7m) tạo thành từ 100 “lưỡi dao” thép. Đối với quy định an toàn cho người xem vốn đặc biệt quan trọng ở Đức, tác phẩm của Đào Châu Hải thực sự nguy hiểm, do đó giám tuyển Kader Attia và nghệ sĩ đã phải cố gắng nhiều lần thuyết phục Ban tổ chức giữ nguyên hình dạng tác phẩm, bởi tính chất nguy hiểm của 100 lưỡi dao, 200 mũi nhọn bằng thép đó chính là hình thức quyết định tới nội dung tác phẩm.
Không nhắc lại bài viết đã trích dẫn của giám tuyển Đỗ Tường Linh về “Ballad Biển Đông 2022”, người viết bài này chỉ nhấn mạnh khả năng “gây chú ý” của tác phẩm – một mong muốn đã được Kader Attia đề cập cho mục tiêu cuộc triển lãm. Tác phẩm của Đào Châu Hải gây chú ý trước tiên ở kích thước rất lớn của nó (là tác phẩm to nhất, nặng nhất BB 12), nó là một “mặt biển thép” đen sẫm, được tạo ra chính xác gần tuyệt đối bằng kỹ thuật hiện đại, được trưng bày trong một phòng riêng rộng gần 100m2. Kích thước, trọng lượng tác phẩm, hình dạng vừa mềm mại gợi cảm quen thuộc vừa nguy hiểm kì dị được tăng cường nhờ hiệu quả chiếu sáng chủ động trên bề mặt tác phẩm… tất cả những yếu tố kỹ thuật “khách quan” đó đã tạo ra “một lực hút vào bên trong tác phẩm”, từ đó tiếng nói của nó được tiếp nhận theo nhiều cách, cả với người xem không đọc văn bản diễn giải tác phẩm: đó có thể là vẻ đẹp hung bạo của thiên nhiên? Cái đẹp chính xác lạnh lùng của công nghệ? Sự mâu thuẫn giữa cái Đẹp và cái Xấu/Ác?…
Dĩ nhiên nếu người xem tiếp nhận được thông điệp xung đột biên giới, chiến tranh, di dân – những chủ đề thời sự đáng quan tâm nhất lúc này hoặc liên tưởng xa hơn (?) thành hình tượng ẩn dụ cho những hiểm nguy tiềm tàng của “cơn đói khát vô tận của quản trị thuật toán kinh tế tư bản” thì đó là thành công mong đợi của những người tổ chức và nghệ sĩ!
Hà Nội, tháng 7, 2022
Vũ Huy Thông – Nhà nghiên cứu mỹ thuật
Ảnh bìa:
“Ballad Biển Đông” (2022), Berlin Biennale 2022, Đào Châu Hải. Credit: Robert Herrmann
Tham khảo:
[1]: Xem tại: berlinbiennale.de/about-us và theo thông tin từ buổi họp báo khai mạc Berlin Biennale 12.
[2]: Trích bài bài viết dẫn nhập của Kader Attia trong Catalogue “Berlin Biennale for Contemporary Art 12”.
[3]: Trích Giới thiệu “Still Present!” của Ban tổ chức Berlin Biennale 12.
[4]: Xem tại: 12.berlinbiennale.de/artists/dao-chau-hai
[5]: Trích Art-talk “Ballad Biển Đông của Đào Châu Hải tại Berlin Biennale lần thứ 12” tại Salon Văn hóa Café Thứ 7, ngày 23/7/2022, do Đào Châu Hải và Vũ Huy Thông thực hiện tại Xưởng Thứ bảy, Hà Nội.
Phụ chú:
(1) Documenta 15 có sự tham dự của 67 cá nhân, tổ chức quốc tế; giám tuyển là nhóm Ruangrupa (Indonesia). Việt Nam có Nguyễn Trinh Thi, Nhà Sàn Collective (NSC) trong danh sách tham dự. Documenta trưng bày tác phẩm và tổ chức sự kiện trong 100 ngày tại 32 địa điểm của thành phố Kassel. Xem thêm tại: universes.art/en/documenta/2022. Berlin Biennale 12 có sự tham dự của trên 70 nghệ sĩ quốc tế, trong đó 8 nghệ sĩ Việt, gốc Việt gồm: Ngô Thành Bắc, Maithu Bùi, Đào Châu Hải, Florian Sông Nguyễn, Tammy Nguyen, Tuấn Andrew Nguyễn, Thùy-Hân Nguyễn-Chí và Mai Nguyễn-Long. Trưng bày tác phẩm, tổ chức sự kiện tại 6 địa điểm ở Berlin, triển lãm kéo dài từ 11 tháng 6 đến 18 tháng 9, 2022. Xem thêm tại: 12.berlinbiennale.de/artists
(2) Kader Attia là nghệ sĩ Pháp gốc Algeria, hoạt động nghệ thuật của Kader đa dạng dưới vai trò nghệ sĩ, nhà tổ chức, giám tuyển nghệ thuật. Ông từng tới Việt Nam năm 2018 trong một dự án nghệ thuật. Xem thêm tại: kaderattia.de/biography
(3) Đỗ Tường Linh là giám tuyển có các hoạt động quốc tế từ 2015 sau khi chuyển sang học và làm việc ở London và Berlin. Cô tham gia các dự án nghệ thuật với các nhóm nghệ sĩ quốc tế ở London, Berlin và Paris, từng làm việc với Kader Attia từ 2017. Tháng 9 năm 2021, cô nhận lời mời chính thức tham dự Berlin Biennale với tư cách giám tuyển từ bà Gabriele Horn – giám đốc Berlin Biennale 12. Hiện Đỗ Tường Linh còn tham gia một số dự án nghệ thuật ở Việt Nam với vai trò giám tuyển. (thông tin được Đỗ Tường Linh cung cấp).
(4) Still Present! (nguyên văn có dấu !) có thể tạm dịch là: Còn đây hiện tại! hoặc Vẫn là hiện tại!
(5) Richard Serra (1938) là nghệ sĩ người Mỹ, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc kích thước lớn dưới dạng site-specific, khám phá mối quan hệ giữa chất liệu tác phẩm, người xem và địa điểm lắp đặt tác phẩm. Xem thêm tại: en.wikipedia.org/Richard_Serra
(6) Tác phẩm “Cửa sóng” rất tiếc chỉ tồn tại sau khoảng thời gian không quá vài năm vì một số yếu tố khách quan.