ART & CULTURE

Ký ức Đông Dương (5): Họa sĩ Mạnh Quỳnh đã giúp bố tôi minh hoạ và vẽ bìa cho tuần báo Indochine

Aug 03, 2022 | By Art Republik

Bố tôi, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, có mối quan hệ đặc biệt với họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh. Điều này tôi biết rất muộn, mãi đến cuối những năm 1980 tôi mới được nghe bố kể lại qua những câu chuyện đứt quãng…”. Bài viết của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa về họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh qua lời kể của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp.

Ảnh trái: Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh. Ảnh phải: Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp

Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917-1991) tốt nghiệp khoa Sơn mài của Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1942. Ông là một họa sĩ hoạt động rất sớm trong làng báo Việt Nam từ trước khi vào trường. Ngoài sáng tác tranh, ông còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo nổi tiếng và vẽ tranh minh họa cho các tác phẩm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Thơ ngụ ngôn La Phông ten. Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1918-1999), học khóa XIII (1939-1944), Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài sáng tác tranh sơn dầu và sơn mài, ông còn thành công ở mảng tranh sơn khắc và khắc gỗ. Ông cũng là bậc thầy của nghệ thuật tranh đen trắng trên các chất liệu mực nho, màu nước. Phần 5 của Chuyên mục Ký ức Đông Dương, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, con trai họa sĩ Trọng Hợp, kể chuyện về họa sĩ Mạnh Quỳnh và bố mình trong những cực nhọc về cơm áo của năm tháng xa xưa. Ảnh minh họa bài viết do họa sĩ Đức Hòa sưu tập và cung cấp.

Một minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ cầu Thê Húc.

Cả 2 người đã từng quen biết nhau từ trước khi thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, bởi ông nội tôi và thân phụ của bác Mạnh Quỳnh cùng làm thư ký hãng Hỏa xa Vân Nam (Chemin de Fer du Yunnan, đường tàu hỏa từ Hà Nội lên Côn Minh, Trung Quốc, do Pháp xây dựng và độc quyền vận hành cho đến 1945). Bác Mạnh Quỳnh thi vào trường trước, học khoa Sơn mài, lúc đó vẫn còn đào tạo nghệ nhân chứ chưa được nâng lên ngang hàng với chính khóa Hội họa và Điêu khắc. Nhưng khi thi ra thì bác được nhận bằng tốt nghiệp năm 1942 của Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo nghị định mới thời bấy giờ của Pháp xếp khoa Sơn mài ngang hàng với Hội họa và Điêu khắc chính khóa (chuyện này xin sẽ kể trong bài khác). Còn bố tôi thì đến tận 1944 mới tốt nghiệp.

Đó là thời mà cả hoàn cầu lao đao vì Đại chiến Thế giới thứ II (1939-1945). Ngay cả Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng bị máy bay lực lượng Đồng minh ném bom sập một tòa nhà vào cuối năm 1943, khiến toàn bộ thày trò phải đi sơ tán theo 3 hướng: Sơn Tây, Phủ Lý, Đà Lạt. Cuộc sống khó khăn hơn nên bố tôi cần kiếm ăn thêm trong khi bản thân lại rất kém về các mối quan hệ xã hội. May thay bác Mạnh Quỳnh là người quảng giao, nhanh nhạy và lắm sáng kiến nên bác không thiếu việc làm từ chính nghề vẽ. Khi bố tôi ngỏ lời thì bác nghĩ ngợi đôi chút rồi bảo sẽ giới thiệu bố tôi làm minh họa cho báo chí. Đó là việc kiếm thêm thích hợp nhất với bố tôi lúc bấy giờ bởi dễ tranh thủ, tự mình làm và không mất nhiều thời gian… trong khi bố tôi còn đang học.

Ảnh trái: Bìa báo Indochine, do hoạ sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ với lời dẫn: “Nghệ thuật làm ông”. Ảnh phải: Bìa báo Indochine, do hoạ sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ với lời dẫn: “Bắc Kỳ – Phong cảnh Phú Thọ”.

Rồi bác giới thiệu bố tôi đến tòa soạn tuần báo Indochine, nơi bác đang cộng tác tích cực. Thời bấy giờ họa sĩ Mạnh Quỳnh đã nổi tiếng về vẽ bìa và minh họa cho khá nhiều tờ báo… Minh họa báo chí hồi ấy chỉ chủ yếu vẽ mực đen, cực hiếm khi cần đến màu, nghĩa là tối giản về kỹ thuật. Tuy nhiên, vì khả năng và tính khí nên trong khi bác Mạnh Quỳnh vẽ ào ào thì bố tôi lại rất rụt rè, chậm rãi. Nếu bác Mạnh Quỳnh phóng bút rất thoáng thì bố tôi xem ra có vẻ nắn nót quá (mãi sau này tôi mới hiểu: ngoài tài năng hay khả năng, còn do bản tính mỗi người). Rồi một số minh họa của bố tôi cũng được báo chấp nhận in. Nhưng khi lĩnh nhuận bút thì bố tôi nhận thấy số tiền luôn ít hơn bạn mình. Rụt rè hỏi lý do, bố tôi được bác xem xét rồi chỉ ra nguyên cớ: tài vụ của tòa báo đo diện tích hình minh họa, nếu phần bỏ trống nhiều thì trả ít tiền, nhưng nếu mỗi cạnh đều có nét vẽ chạm đỉnh thì dù có khoảng trống vẫn phải trả tiền.

Giật mình, bố tôi ngắm nghía kỹ càng các minh họa mẫu mực của bác Quỳnh, phóng khoáng đấy, nét phất lên như chơi đấy, lược bớt nhiều chi tiết phụ đấy… nhưng lại bao quát diện tích dành cho hình minh họa. Bố tôi bèn cặm cụi chuyển hướng, tiền nhuận bút sau đó nhỉnh hơn nhưng xem ra các minh họa vẫn không thể hấp dẫn như của bác Quỳnh. Nét vẽ của bác không những đã nêu bật trọng tâm câu chuyện mà còn lồng ghép vào đấy cá tính dí dỏm, nhạy bén, trong khi bố tôi có cố gắng mấy vẫn không thoát khỏi sự thận trọng cố hữu. Mà minh họa thì cần gợi tả chứ tối kỵ miêu tả! Bởi vậy số lượng minh họa thời ấy của bác Mạnh Quỳnh luôn dồi dào trên mấy báo khác nhau mà minh họa của bố tôi thì thưa thớt, họa hoằn mới được lên trang bìa của tờ Indochine.

Ảnh trái: Bìa báo Indochine, tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp năm 1943. Ảnh phải: Tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp được chọn làm bìa sách tuyển dịch “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944”, xuất bản năm 2019.

Chỉ duy nhất một lần bố tôi có hình vẽ được đăng trên trang bìa của tuần báo đó. Vẫn hoàn toàn đen-trắng, dù là bìa báo. Đó là cảnh một phiên chợ bên ngôi đình làng cổ với đông đảo các bà, các cô đội nón thúng quai thao đang tấp nập mua bán. Theo bản tính của bố tôi thì nó gần với một bức tranh hơn là kiểu minh họa bởi có khá nhiều tính toán bố cục và ít phóng bút. Soi kỹ có thể đoán đó không phải là hình in qua bản kẽm đã ăn mòn bởi axit. Họa sĩ thoạt tiên vẽ trên giấy rồi tới lượt thợ khắc ngược hình trên bản gỗ rồi mới in xuôi. Thời nay hiện đại, kỹ thuật xưa ấy đã bị bỏ từ lâu, nên ít ai biết rằng trong quá khứ nghề thợ khắc-in trên gỗ từng rất phát đạt ở Thăng Long suốt thời phong kiến, và vẫn còn khá phát đạt ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Từng có phường thợ gốc Hồng Lục, Liễu Tràng từ Hải Dương lên ngụ cư ở phố cổ Tô Tịch. Họ chuyên khắc thuê kinh Phật, khắc triện, khắc các bản nét cho dòng tranh dân gian Hàng Trống, hình quảng cáo vặt cho một số cửa hàng trên phố cổ, cho minh họa của các báo, thậm chí có người còn trở thành thợ chuyên trợ giúp các bài khắc gỗ của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (chuyện này xin kể ở một bài báo khác).

Tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, có chữ ký ở góc trái bên dưới, được chọn làm trang bìa của tuần báo Indochine năm 1943.

Xin trở lại hình vẽ trang bìa kể trên. Nhân vật choán nhiều chỗ ở tiền cảnh đến độ bố tôi thấy khó mà ký tên vào một góc trống nào được nữa nên bèn dùng chữ in hoa, chừa nét trắng trên nền mảng đen của nhân vật. Việc này khi vẽ phải nắn nót còn thợ khắc thì đục ra ngon ơ. Sau cùng, điều an ủi bất ngờ cho bố tôi là dù không vẽ được thông thoáng, phóng khoáng nhưng nó chân chỉ trải ra một cảnh sinh hoạt điển hình của làng xóm Bắc kỳ thời quá khứ chưa xa: chợ quê tụ họp bên đình với thấp thoáng kiểu nón cổ mà ngày nay các bà các cô không dùng nữa. Có lẽ chính bởi thế mà sau 74 năm báo này đình bản, vào năm 2019, khi Nhà xuất bản Thế giới Hà Nội và Công ty Omega+ xuất bản cuốn “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944”, do Lưu Đình Tuân tuyển dịch, thì tranh bìa này của bố tôi đã được chọn lại làm bìa sách mới,  bởi nó là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chính thời quá khứ đó.

Từ trái sang: Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh đứng thứ 4, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp đứng thứ 6, cùng bạn bè Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sau này tôi còn được biết thêm rằng bác Mạnh Quỳnh giúp bố tôi làm tranh “bút điện” trên những mảnh gỗ cỡ mini. Đó là khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nhà đều rất đói khi nước ta đang chịu cấm vận, mà vẫn phải tiến hành chiến tranh liên miên ở 2 đầu biên giới. Chỉ trông vào đồng lương đang mất giá thì gay, bố mẹ tôi loay hoay kiếm thêm. Đúng lúc ấy bác Mạnh Quỳnh gọi bố tôi đến 27 Đinh Tiên Hoàng. Đấy là một tư gia trông ra hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Chủ nhân là ông Nguyễn Cao Sơn, xưa cũng từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương ở thế hệ Nguyễn Gia Trí nhưng rồi ông bỏ ngang, vậy ông là bậc đàn anh so với bố tôi và bác Quỳnh.

Nhà có cửa hàng mặt phố nên bày bán sách báo và văn hóa phẩm. Kèm vào đó là tranh lưu niệm mini vẽ bút điện trên các mảnh gỗ nhỏ của gia chủ, của bác Mạnh Quỳnh và cả bác Hoàng Lập Ngôn nhà rất gần. Con trai gia chủ là anh Cao Ái (cũng học Trường Mỹ thuật Công nghiệp ra) đã hướng dẫn bố tôi cách làm: bút cắm điện, đầu ngòi sắt (làm từ dây lò xo bếp điện LX) dí vào gỗ sẽ cháy xém, chậm rãi đưa đi đưa lại sẽ tạo ra hình hài mà mình muốn. Các tấm hình vẽ cảnh đình chùa, hồ Gươm, cầu Thê Húc, tháp Rùa, chùa Một Cột, cô gái áo dài… với giá bán 3 đồng một tấm (hồi ấy tương đương 1 bát phở).

Tranh bút điện của bác Mạnh Quỳnh luôn bán chạy vì đáp ứng đúng thị hiếu du khách. Hồi đó đã lác đác có Tây Thụy Điển (sang giúp ta làm Nhà máy giấy Bãi Bằng) và Việt kiều. Ngược lại tranh mini của bố tôi bán rất đì đẹt. Bác Quỳnh bảo “Toi (tiếng Pháp, đọc là toa, tức ‘mày’ hay ‘cậu’) vẽ chỉ đen trắng thế thì ai mua!”. Bố tôi ngán ngẩm mang về để mẹ tôi tô thêm màu vào mái chùa, tán cây hay trời xanh… thế mà vẫn chậm bán lắm. Về sau mẹ tôi mang những tranh bút điện mini này sang gửi ở số 2 Bà Triệu, nơi có vẻ đông du khách vãng lai hơn, tuy nhiên kết quả vẫn thật buồn.

Trên đây là chuyện cũ về một thời cực nhọc của các họa sĩ, cuộc đời triền miên trải qua chế độ thực dân, rồi chiến tranh dài tới 30 năm, bao cấp, chịu cấm vận rồi lại xung đột biên giới. Hồi ấy có người bảo “Làm họa sĩ chết đói đầu nước!”. Ấy chính vì thế mà chúng tôi mãi khâm phục bác Mạnh Quỳnh. Bố tôi còn chắc chắn có đồng lương nhà nước, trong khi bác phải tự hành nghề nhưng rất năng động và đầy hiệu quả khi được đông đảo dân chúng Thủ đô biết tới vì dạy thiếu nhi vẽ, làm minh họa và lên cả truyền hình Hà Nội, nhiều lần hướng dẫn thiếu nhi tự làm con rối hay vẽ tranh đèn chiếu hoặc hoạt hình.

Bài: Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa.

Sơn Ca giới thiệu và biên tập.

— * —

 Bài viết gửi cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: sonca@artrepublik.vn


 
Back to top