ART & CULTURE

Biển dịu hiền trong nét cọ của Nguyễn Văn Tùng

Aug 15, 2022 | By Trang Ps

“Bến Quê” của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng mở ra một cuộc sống biển khơi đầy trong trẻo, hiền dịu và phóng khoáng.

Mỗi lần gặp gỡ Nguyễn Văn Tùng, tôi lại thấy ở anh tính “hiền khô” mà điều đó được lột tả một cách chân thật lên tranh. Tùng vẽ biển rất nhiều. Biển của Tùng ở thời điểm đầu đã mang tính gợi nhưng cảm trong nét cọ còn hơi cứng một chút, nhưng dần dần, tôi thấy Tùng đã biến chuyển được sự khô cứng ấy thành dịu hơn, trong hơn, uyển chuyển hơn. Trong cuộc trưng bày này, người ta thấy được một vẻ đẹp dịu dàng và sáng trong nơi cuộc sống làng chài. Tùng không mô tả quá nhiều về sự khó nhọc đầy nắng đầy gió. Tùng cũng không phác họa cái gì đó quá dữ dội và sóng gió. Mọi thứ ở mức đủ. Đủ để cảm nhận. Đủ để trân trọng. Đủ để mơ ước được vỗ về trong sự êm ả và phóng khoáng bất tận của đại dương.

Nét cọ của Tùng rất hiền. Chính vì hiền nên mới thật hài hòa và bình yên. Trong tranh Tùng, ta không có cảm giác một mùa hè quá năng động và rạo rực, hay một mùa đông quá lạnh lẽo và đơn côi. Nếu có mùa hè, đó cũng là một mùa hè nhẹ nhàng trong sắc màu pastel êm dịu. Nếu gợi về màu đông, đó cũng chỉ là nét lắng lại, cô đơn thật đẹp và thanh tịnh của đất trời. Ta không thấy các cực đoan trong tranh của Tùng. Nhưng lại thấy sự bình an, cân bằng và vừa đủ trong nét cọ của người họa sĩ này. Điều đó cũng dễ tạo nên cái nhìn thiện cảm nơi người xem.

Về mặt kỹ thuật, Tùng có nét đi cọ men theo cảm xúc bản năng và kinh nghiệm của mình là nhiều, chính vì thế mà nhìn rất chân thật và tự nhiên. Sẽ rất khó để nói rằng đây là một họa sĩ có kỹ thuật vững chãi, nhưng lại dễ để ta cảm nhận rằng sự giản đơn và hồn nhiên vốn có thể tạo nên những bức họa đi vào lòng người. Và đó cũng vốn là một tài năng. Một tài năng theo dòng chảy sẵn có của mình chứ không phải là gắng gượng để được ai và là ai.

Tôi nghĩ sáng tạo hội họa không phải là tìm chính mình hay là một ai cả. Người ta thường nói rằng vẽ để tìm chính mình, nhưng giờ đây tôi không cho điều đó là khả thi nữa. Như họa sĩ Tạ Duy – một người bạn của tôi chia sẻ rằng “hành trình đi tìm chính mình đều không có hồi kết, bởi mọi thứ luôn biến huyễn không ngừng nghỉ. Chả có “chính mình” nào để tìm cả!” Và tôi đồng ý với điều đó. Rồi tôi cũng thấy cách Tùng đi có lẽ cũng vậy, cứ men theo bên trong mình thì mọi thứ dần được hiển lộ ra bên ngoài. Dễ mới đúng. Chứ không phải khó mới đúng là như vậy!


 
Back to top