Adrian Trịnh và hệ sinh thái nghệ thuật K11: Cách nào để một tỷ phú ảnh hưởng lên thế hệ sưu tầm nghệ thuật trẻ tuổi?
Đảm đương nhiều vai trò – người thừa kế, tỷ phú, giám đốc điều hành thương hiệu trang sức và phó chủ tịch của New World Development, Adrian Cheng (Adrian Trịnh) còn đang rất tích cực gây dựng đế chế cho riêng mình trong vai trò là một người sành sỏi nghệ thuật.
Adrian Cheng (Adrian Trịnh) Trịnh là cháu trai của Trịnh Dụ Đồng – người sáng lập tập đoàn New World Development, một trong những tập đoàn gia đình giàu có nhất Hồng Kông. Đảm đương nhiều vai trò – người thừa kế, tỷ phú, giám đốc điều hành một trong những thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới Choi Tai Wook và mới gần đây là phó chủ tịch của New World Development (2012), Trịnh còn đang rất tích cực gây dựng đế chế cho riêng mình trong vai trò là một người sành sỏi nghệ thuật.
Dù mới 40 tuổi, Trịnh đã là một nhà sưu tầm nghệ thuật tầm cỡ thế giới với tham vọng xây dựng nên đế chế nghệ thuật của riêng mình. Trịnh bắt đầu thử nghiệm dự án nghệ thuật K11 đầu tiên tại Hồng Kông vào năm 2009, một dự án kết hợp trung tâm thương mại với nghệ thuật mà anh gọi là “art mall”. Nhờ có sức mạnh sẵn có của gia tộc và sự tài tình của Trịnh mà dự án đã thành công rực rỡ và sau 10 năm được nhân rộng ra Trung Quốc đại lục (Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thiên Tân và Vũ Hán). Mục tiêu của Trịnh là 36 dự án K11 vào năm 2024. Nhưng tham vọng lớn hơn của Trịnh đó là có thể thay đổi cục diện của nghệ thuật đương đại tại Hồng Kông và Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ sinh thái phục vụ cho thế hệ Art-lennials – thế hệ tiêu dùng nghệ thuật thiên niên kỷ mới.
K11 không đơn thuần là nghệ thuật, K11 là những gì xung quanh việc tạo nên nghệ thuật.
K11 cùng tuyên ngôn “Nghệ thuật dành cho đại chúng”
Năm 2009, khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu K11 – dự án nuôi dưỡng và phát triển nhân tài nghệ thuật địa phương, Trịnh không mong muốn gì hơn ngoài việc có thể tạo ra một văn hoá Trung Quốc đương đại. Với Trịnh, K11 không đơn thuần là nghệ thuật, K11 là những gì xung quanh việc tạo nên nghệ thuật. Trịnh tin rằng, nghệ thuật đương đại nên gắn liền với văn hoá đương đại.
“Chúng tôi muốn tạo ra một thứ gì đại diện cho văn hoá, ngay tại nơi mà chúng tôi đang sống và quảng bá chúng rộng rãi ra quốc tế. Chúng tôi muốn trình diễn sự sáng tạo của Trung Quốc. Chúng tôi không muốn chỉ tập trung vào nghệ thuật mà là những lĩnh vực đa dạng giao thoa ở trong thế giới văn hoá. Chúng tôi muốn đan xen nghệ thuật với thời trang, nghệ thuật với kiến trúc, nghệ thuật với nội thất và nghệ thuật với người nổi tiếng”, Trịnh cho biết.
Nhằm thực hiện tham vọng của mình, Trịnh cho ra đời Art Mall – mô hình trung tâm thương mại kết hợp với nghệ thuật. Tại sao lại trưng bày những tác phẩm nghệ thuật ở nơi mua sắm cơ chứ? Một ý tưởng chắn chắn sẽ bị thế hệ bảo thủ tại Hồng Kông phản đối. Nhưng Trịnh tin rằng nghệ thuật là dành cho đại chúng và art-lennials chính là tiếng nói của đại chúng.
Art Mall của Trịnh là không gian kết nối hoàn hảo cho Art-lennials. Trung tâm mua sắm là nơi ghé đến thường xuyên của thế hệ trẻ và Trịnh muốn trải nghiệm mua sắm của họ trở nên đặc biệt và độc nhất, một không gian có-một-không-hai. Thử hỏi nếu không có K11 Art Mall của Trịnh, Art-lenials Trung Quốc có thể có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm của Monet ngay sau khi vừa mua sắm một chiếc túi xách trong một cửa hàng tại K11 không? (Triển lãm Master of impressionism – Claude Monet với sự hợp tác của bảo tàng Musée Marmottan Monet, là triển lãm đầu tiên về Monet được tổ chức tại Trung Quốc đại lục).
Tại sao lại trưng bày những tác phẩm nghệ thuật ở nơi mua sắm cơ chứ? Một ý tưởng chắn chắn sẽ bị thế hệ bảo thủ tại Hồng Kông phản đối. Nhưng Trịnh tin rằng nghệ thuật là dành cho đại chúng và art-lennials chính là tiếng nói của đại chúng.
Hơn cả trải nghiệm, K11 là hệ sinh thái nghệ thuật
K11 và Art Mall là bước đi thử nghiệm của Trịnh đối với thế giới nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Nhưng để thâm nhập sâu hơn vào thế giới nghệ thuật, Trịnh thấy cần phải bắt đầu từng bước xây dựng nên một hệ sinh thái nghệ thuật. Vì thế Trịnh cho ra mắt K11 Art Foundation (2010) – Quỹ nghệ thuật phi lợi nhuận của K11, kể từ ngày thành lập quỹ này ra mắt một loạt các dự án nghệ thuật trong đó phải kể đến lò ấp ươm mầm nghệ thuật K11 Art Village nằm trong một dự án của quỹ phi lợi nhuận này. Dự án hỗ trợ các nghệ sĩ tài năng trẻ địa phương bằng cách tổ chức các hoạt động, triển lãm, trình chiếu và buổi trò chuyện do chính các nghệ sĩ đứng ra tổ chức dưới sự hỗ trợ của K11 Art Village.
K11 Art Foundation là bước đệm cho thế hệ tương lai của nghệ thuật đương đại. Trịnh từng nhận định thế hệ millenials đại diện cho thế hệ công dân Trung Quốc kế tiếp, họ chính là tiếng nói của nghệ thuật đương đại Trung Quốc trên sân khấu toàn cầu. Bởi vậy họ cần được trao nhiều cơ hội để đi xa hơn mảnh đất của mình. Trong khi K11 trao cơ hội cho những người trẻ có thêm nhiều va chạm thực tế, như triển lãm The 2nd “CAFAM Future” Exhibition: The Reality Representation of Chinese Young Art đã mang cơ hội đến cho gần 90 nghệ sĩ Trung Quốc có cơ hội thể hiện bản thân, thì những triển lãm mang tầm cỡ quốc tế như Inside China – L’Intérieur du Géant lại đánh dấu một giai đoạn hợp tác mang tính quốc tế giữa K11 Art Foundation và bảo tàng Palais de Tokyo (Paris) với trọng tâm trưng bày và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đang lên giữa Trung Quốc và Pháp.
Như vậy, tầm nhìn của Trịnh không chỉ nhắm tới thế hệ tiêu dùng art-lenials mà hướng tới sự phát triển toàn diện của cả những tài năng nghệ thuật trẻ Millenials.
Để dấn sâu hơn vào thế giới nghệ thuật, Trịnh cũng đã đảm nhận một số vị trí cấp cao tại các tổ chức nghệ thuật hàng đầu thế giới – thành viên hội đồng quản trị MoMA PS1, uỷ viên Học viện Royal Academy of Arts (London). Việc TRịnh tham gia vào các vị trí này đảm bảo một vị thế vững chắc cho các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc có nhiều cơ hội và tiếng nói hơn trên diễn đàn thế giới.
K11 Musea: Nơi tôn vinh sáng tạo
Năm 2019, Trịnh ra mắt K11 Musea – Trung tâm mua sắm và phòng trưng bày nghệ thuật tại Victoriea Dockside với tham vọng biến nơi đây thành “Silicon Valley of Culture”. Nếu như K11 Foundation là nền móng của nghệ thuật đương đại Trung Quốc, K11 Musea là những gì mà Trịnh muốn thế giới thấy: một viễn cảnh về thung lũng văn hoá đương đại mới đang được hình thành tại Hồng Kông. K11 Musea nằm trong khu phức hợp K11 Victoria Dockside, biểu tượng lớn nhất, công phu nhất của thương hiệu K11, ngoài K11 Musea còn có toà tháp văn phòng 65 tầng K11 Atelier và K11 Artus khu căn hộ cao cấp.
Hiểu theo cách khác, K11 Musea là “bảo tàng nghệ thuật” kết hợp “trung tâm mua sắm” được Trịnh xây dựng với chủ đích nhắm tới thế hệ millenials.
Như khẩu hiệu được đăng tải trên website, K11 Musea là tổ hợp văn hoá và là nơi giao thoa của những tinh hoa về kiến trúc, âm nhạc, thiết kế, rạp hát, ẩm thực và nội thất. Để thực hiện được điều đó, Trịnhđã thuê 100 nhà thiết kế, kiến trúc sư và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới để thiết kế nên K11 Musea. Mặc dù mỗi người phụ trách thiết kế một phần riêng biệt, nhưng có thể thấy “đương đại” là trọng tâm và công nghệ là điểm nhấn xuyên suốt của K11 Musea. Chẳng phải đó là những điểm hấp dẫn thế hệ Art-lennials – thế hệ tiêu dùng xa xỉ trưởng thành trong thế giới công nghệ hay sao?
Hiểu theo cách khác, K11 Musea là “bảo tàng nghệ thuật” kết hợp “trung tâm mua sắm” được Trịnh xây dựng với chủ đích nhắm tới thế hệ millenials. “Millennials muốn kết nối và được vây quanh bởi những người cùng chung tư tưởng. Họ chỉ mua và chi tiền theo cách của riêng họ”, Trịnh chia sẻ. Anh đã mất tới 10 năm để xem xét mọi khía cạnh thiết kế cho tổ hợp retail-and-art và được thiết kế sao cho bắt mắt, thu hút thế hệ Art-lenials. Trịnh muốn thiết kế nên một không gian mà nơi họ có thể vừa tiếp thu được kiến thức, vừa được trải nghiệm trong những nền văn hoá khác nhau và chính bản thân Art-lenials là một phần của trải nghiệm, giống như những gì anh mong muốn về một không gian có thể “cùng nhau sáng tạo”.
“Millennials muốn kết nối và được vây quanh bởi những người cùng chung tư tưởng. Họ chỉ mua và chi tiền theo cách của riêng họ”
K11 Musea nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ và muốn tạo ra sự hài hoà cả hai yếu tố “phygical” và “digital” mà Trịnh gọi là “phygital”, trải nghiệm số kết hợp trải nghiệm mua sắm thực tế của khách hàng. Trong đó có dịch vụ online và ứng dụng cho phép khách hàng dễ dàng lựa chọn và mua sắm, định vị được các tác phẩm nghệ thuât, tác phẩm kiến trúc đang được trưng bày/ diễn ra tại K11 Musea. K11 cũng đang lên kế hoạch để tạo ra những bức tranh graffiti điện tử cho phép khách tham quan tự tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.
Các thương hiệu tại K11 Musea cũng được lựa chọn cẩn thận theo gu của người trẻ. Nơi đây trưng bày tác phẩm của hơn 40 nghệ sĩ đương đại, toạ lạc cửa hàng thiết kế của MoMA và là địa chỉ đầu tiên của trường Van Cleef & Arpels’ school of Jewelry Arts trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí còn có khoá học 3 tiếng đồng hồ được hướng dẫn bởi đầu bếp đến từ Le Cordon Blue. Trịnh chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn các thương hiệu dựa trên tính thủ công và di sản của họ, đồng thời chúng tôi cũng lựa chọn những nhãn hàng tân tiến và tôn vinh công nghệ một cách nghiêm túc. Những thương hiệu như vậy sẽ khiến Millenials cảm thấy gần gũi hơn”.
Sau 10 năm âm thầm và bền bỉ từng bước xây dựng hệ sinh thái K11 với K11 Art Foundation, K11 Art Village và K11 Musea, dường như Trịnh đã đạt được mục tiêu mà mình đã đặt ra “tạo nên một nền văn hoá đương đại Trung Quốc”. Trịnh cũng đã và đang ảnh hưởng lên thế hệ tiêu dùng nghệ thuật bằng chính những ảnh hưởng sâu sắc và đóng góp của bản thân cho thế giới nghệ thuật qua những trải nghiệm có một không hai và sáng tạo không ngừng. Chúng ta có thể mong chờ sức ảnh hưởng của K11 lên thế hệ Art-lennials Châu Á trong những năm tiếp theo
Sự ra đời của K11 Musea chỉ là điểm bắt đầu cho những bước đi tiếp theo của Trịnh. Chúng ta có thể mong chờ sức lan toả của K11 lên thế hệ Art-lennials toàn Châu Á trong một tương lai gần. Trong lúc đó, những dự án liên quan tới nghệ thuật đã được Trịnh lên kế hoạch như bảo tồn di sản tại Bắc Kinh, ra mắt các chương trình nghiên cứu, xuất bản tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Trung Quốc và những hoạt động giáo dục cho nghệ thuật, tất cả đều nằm trong kế hoạch năm năm tới của anh.