ART & LIFE

Bùi Như Hương: Tính “đương đại” mỗi nơi mỗi khác

May 10, 2023 | By Ace Le

“Chưa biết có nên gọi đó là nghệ thuật hay không, thì người ta cứ gọi hết thảy là ‘nghệ thuật đương đại’.”

Bùi Như Hương (sn. 1953) thuộc lứa những nhà phê bình nghệ thuật đương đại giai đoạn đầu tại Việt Nam. Cô là tác giả cuốn sách khảo cứu nghệ thuật đương đại Việt Nam đầu tiên, xuất bản năm 2001, và từng công tác nghiên cứu tại Viện Mỹ thuật Việt Nam.

Xin chào cô Hương – cảm ơn cô đã đã chấp nhận lời mời phỏng vấn. Cô có thể kể lại quá trình thực hiện cuốn sách “Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90” (2001) với đồng tác giả Trần Hậu Tuấn?

Thập niên 90 là một thời kỳ bừng nở sáng tạo trong đời sống mỹ thuật Việt Nam, sau nhiều năm bị kìm hãm bởi chiến tranh, sự khép kín với bên ngoài, và cả những ấu trĩ trong quan niệm nghệ thuật. Nếu như trước đó, chủ yếu chỉ có lối vẽ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa pha chút Ấn tượng được dạy trong nhà trường, thì nay, mọi thứ đã thay đổi. Ta có thể kể tên một vài lối đi chính tiêu biểu như: từ bỏ phong cách trường quy để trở về với lối vẽ bản năng; quay về tìm hiểu những ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian (chủ yếu trong đình làng); và tìm tòi, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thông qua chất liệu, phương tiện, và trường phái thể hiện (với ảnh hưởng từ xa của nghệ thuật phương Tây).

Một cuộc trò chuyện giữa Bùi Như Hương và Iola Lenzi, 2018. Ảnh: Đào Mai Trang.

Nếu như nửa đầu thập niên 90 mới chỉ nhìn thấy chủ yếu quá trình chuyển hoá theo ngôn ngữ Hiện đại của hội hoạ trong khuôn khổ khung toan, thì nửa cuối còn thấy cả những thay đổi táo bạo và cực đoan hơn về quan niệm và hình thức nghệ thuật của các nghệ sỹ. Có thể nói đây là những nỗ lực để bắt kịp dòng nghệ thuật đương đại thế giới.

Không khí nghệ thuật và tinh thần sáng tạo ở thập niên 90 hay đến mức chúng tôi muốn ghi lại có chọn lọc thành “nhật ký sự kiện” để nó khỏi rơi vào quên lãng. Đó là lý do cuốn sách “Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90” ra đời. Có quá nhiều việc phải làm, từ tập hợp tư liệu, viết, minh hoạ, dịch thuật, in ấn; chỗ nào cũng cần chính xác và thẩm mỹ. Tôi đã may mắn khi được hợp tác với anh Trần Hậu Tuấn để đi tới kết quả cuối cùng.

“Ở Việt Nam, sự phát triển của hội hoạ hiện đại và những thể nghiệm vượt ra ngoài khung toan vẫn song hành.”

Cuốn sách này cũng là tiền đề cho phiên bản 2012 cô viết cùng Phạm Trung, lúc ấy đã tự tin đổi tên thành “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010”. Yếu tố nào đã thôi thúc cô viết tiếp phiên bản 2012 này?

Một câu hỏi rất hay. Ở 10 năm tiếp theo, hội hoạ “mới” Việt Nam sau một thời kỳ bùng nổ đã có phần bớt đi nhựa sáng tạo, thay vào đó là sự mệt mỏi nhàm chán, cùng với hiện tượng thương mại hóa lan tràn trong các gallery. Trong khi đó, trào lưu hướng đến các hình thức như sắp đặt, trình diễn, pop art, hay video art lại diễn ra khá sôi động, gây tiếng vang lớn với sự xuất hiện của khá nhiều nghệ sỹ và triển lãm gây ấn tượng đặc biệt. Thế mạnh của các hình thức nghệ thuật này chính là thông điệp ý tưởng: tính giễu nhại, tính phản biện xã hội, tính “phi lợi nhuận”, tính tương tác với khán giả của nó – tất cả diễn ra qua một lăng kính đa phương tiện (âm thanh,
ánh sáng, hay tạo hình).

Cuốn “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010” ra đời để ngõ hầu khắc họa đầy đủ hơn khung cảnh nghệ thuật giai đoạn này. Nếu cuốn một chỉ mới dừng ở 10 năm đầu và nghiêng nhiều về hội hoạ, thì cuốn hai hướng tới 10 năm sau với đa dạng loại hình. Tiêu chí nghệ thuật ở hai cuốn sách cũng khác nhau: nếu cuốn một được phân chia thành các xu hướng để có cái nhìn toàn cảnh, thì cuốn hai lại giới thiệu một số những gương mặt nghệ sỹ cùng các tác phẩm tiêu biểu. Cách làm này tương tự như loạt sách “Art now” (NXB Taschen). Đương nhiên, mọi cách làm sách đều không tuyệt đối mà chỉ có thể giải quyết được một vài tiêu chí nhất định vào thời điểm của nó.

 

Việc tuyển lựa các tác giả, tác phẩm trong sách dưới lăng kính “đương đại” liệu đã gây ra những tranh cãi nhất định trong cộng đồng nghệ thuật thời điểm đó?

Đúng thế, và tôi muốn nói thêm về hai chữ “đương đại” mà lâu nay vẫn còn tranh cãi do thiếu sự thống nhất. Thật ra, hai chữ này để rất mở, chưa xác định. Đối với phương Tây, thì những gì xảy ra sau nghệ thuật Hiện đại (Modern art), mới ở dạng thể nghiệm, đôi khi là một thách thức hay thậm chí một trò chơi trí tuệ, chưa biết có nên gọi đó là nghệ thuật hay không, thì người ta cứ gọi hết thảy là “nghệ thuật đương đại” (contemporary art).

“Chưa biết có nên gọi đó là nghệ thuật hay không, thì người ta cứ gọi hết thảy là ‘nghệ thuật đương đại’.”

Sự tạm chứng này phụ thuộc vào các giám tuyển, truyền thông, và sự tung hô của các thế lực bên ngoài nghệ thuật. Tuy nhiên, tính “đương đại” mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc vào văn hoá, xã hội, và lịch sử phát triển của nghệ thuật nơi đó. Ta không thể áp mô hình chỗ này làm tiêu chuẩn cho chỗ khác. Cụ thể, ở Việt Nam, sự phát triển của hội hoạ hiện đại và những thể nghiệm vượt ra ngoài khung toan vẫn song hành. Hội hoạ, đồ hoạ, vốn là sở trường của các nghệ sỹ Việt Nam, vẫn nảy sinh các sáng tạo mới, đương đại theo cách riêng của nó. Chữ “đương đại” trong cuốn sách thứ hai của chúng tôi đã được cân nhắc và lựa chọn theo ý nghĩa như vậy.

Cuốn sách “Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90”, Bùi Như Hương & Trần Hậu Tuấn. 2001. Ảnh: Ace Lê.

Là người thuộc thế hệ nhà phê bình đầu tiên, xin cô chia sẻ thêm về cơ duyên đến với nghề và những quan sát cá nhân về dòng biến chuyển của ngành phê bình nghệ thuật nước nhà trong những thập kỷ qua? Cô có lời khuyên gì cho các bạn trẻ lựa chọn theo đuổi bộ môn phê bình nghệ thuật này không?

Tôi luôn nghĩ về mình như một người yêu thích nghệ thuật thuần tuý. Bảy năm theo học ngành Tự động hoá (cybernetics) và sinh sống tại Nga giúp tôi có điều kiện đi các bảo tàng và học hỏi về lịch sử nghệ thuật thế giới. Khi về nước, có những cơ duyên dẫn dắt tôi về Viện Mỹ thuật, nơi tôi công tác từ 1983 đến khi về hưu.

Tình hình nghiên cứu nghệ thuật của Việt Nam, nhìn chung ở mọi góc độ, đều có phần sơ khai, ít tính khoa học và còn xuề xòa dễ dãi. Người thì vẫn có, nhưng ngồi “nhầm” chỗ thì vẫn nhiều. Ngoài việc cần có một phương pháp tiếp cận mạch lạc, như các ngành khoa học xã hội khác, ngành này đòi hỏi ở người làm nhạy cảm thẩm mỹ để chạm tới và đọc được ngôn ngữ của nghệ thuật. Ngoài ra, họ cũng cần trau dồi thêm những kiến thức liên ngành khác như văn, sử, khảo cổ học, tâm lý học, và ngoại ngữ.

Cô Bùi Như Hương tại nhà, Hà Nội, 2022. Ảnh: Vân Đỗ.

Có những loại nghề đi tìm người. Nghề nghiên cứu phê bình mỹ thuật là như vậy, tìm người phê bình có lẽ còn khó hơn cả tìm nghệ sỹ. Việt Nam càng ngày càng thiếu hụt những người làm phê bình đích thực, hiệu quả, và nghiêm túc. Chìa khoá để làm việc là sự song hành của kiến thức về nghệ thuật (của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng) cùng những trải nghiệm thẩm mỹ. Bên cạnh đó, người theo nghề cũng cần có nhân cách trí thức theo đúng nghĩa – đó là tình yêu nghệ thuật, yêu nghề nghiệp và bền bỉ lao động. Thêm một giọt trời cho, chắc chắn sẽ dẫn đến thành quả, hoa trái bất ngờ.

Đại diện cho lứa nghiên cứu trẻ, em cảm ơn cô rất nhiều vì những lời chia sẻ chân thành!


 
Back to top