ART & CULTURE / Nghệ sĩ

Những nghi vấn xoay quanh bức tranh “Cô gái bên lồng chim” của Mai Thứ

Oct 12, 2021 | By Sơn Ca

Chỉ còn một ngày nữa, ngày 13 tháng 10 năm 2021, sàn Tajan sẽ tổ chức đấu giá bức tranh “Nu et l’oiseau” (1968) của họa sĩ Mai Trung Thứ. Từ giữa tháng 9, qua một thông tin quảng cáo trên tạp chí Connaissance Des Arts số tháng 9 năm 2021, Sơn Ca – biên tập viên của Art Republik Vietnam tại Pháp, đã có những nghi vấn xoay quanh bức tranh này và tiến hành tìm hiểu.

Bức tranh “Nu et l’oiseau” (1968) trong một thông tin quảng cáo của Tajan trên tạp chí Connaissance Des Arts. Ảnh: Sơn Ca

Những nghi vấn về bức tranh “Nu et l’oiseau” bắt nguồn từ việc tôi tìm thấy trên website Artnet (1) có đăng tải một phiên bản khác của bức tranh với tên gọi “Cage dorée” năm 1966. Website của Mai Trung Thứ được tạo lập và điều hành bởi con gái họa sĩ, bà Mai Lan Phương, tại địa chỉ mai-thu.fr, đưa ra một hình ảnh tư liệu là poster in hình bức họa “Cage dorée” tại triển lãm “Phụ nữ, qua góc nhìn của Mai Thứ”, được tổ chức năm vào 1968 tại Galerie Cardo Matignon.

Lần theo “dấu vết” của tác phẩm này, có thể tìm thấy trên website của Plazzart, Ader Paris, Artnet, Christie’s, Agutte, Millon…(2) rất nhiều bản in của bức tranh “Cage dorée” với các tên gọi khác nhau như “Jeune-fille et son oiseau”, “Jeune-fille à l’oiseau”, “Jeune-fille à la cage”… được bán với giá từ 200 euros đến gần 500 euros. Riêng bản in thạch bản trên lụa, bán cùng với một bức khỏa thân khác trên sàn đấu giá Christie’s (3) ngày 27.11.2018 có tổng giá trị là 12.500 euros. Thậm chí trên website của Lynda Trouve (4) còn đăng tải đầy đủ mọi thông tin chi tiết về kích cỡ, chất liệu, tiểu sử, ngày bán, giá bán của hơn chục phiên bản in của bức tranh với các tên gọi khác nhau như “Nu à l’oiseau”, “Nu et l’oiseau en cage”, “Nu à la cage dorée” với giá từ 200 đến 1000 euros. Hầu hết những phiên bản in này được sản xuất bởi Jean-François Apesteguy từ Galerie Cardo Matignon năm 1968.

Nhân dịp triển lãm tranh Mai Trung Thứ đang diễn ra ở thành phố Mâcon, Nguyễn Hải Sơn, giảng viên trường Ecole Centrale de Lyon đã mua được một cuốn Monologue (chuyên khảo) tái bản (in lần đầu vào năm 1968), với giá 20 euros, trong đó có hình ảnh của bức “Cage dorée” (1966). Nhà nghiên cứu Kevin Vương cũng sở hữu một bản in của bức tranh này trên giấy với giá 15 euros.

Nhận thấy bức tranh “Cage dorée” (1966) được phổ biến nhiều với vô số các phiên bản in trên mọi chất liệu, và được chọn làm poster cho một triển lãm của Mai Trung Thứ năm 1968, còn tác phẩm “Nu et l’oiseau” (1968) gần như lần đầu tiên được xuất hiện trước công chúng với những nét vẽ bộc lộ nhiều điểm kém tinh tế so với phiên bản ban đầu, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về hai bức tranh này.

Từ trái sang phải: Bức tranh “Cage dorée” (1966)” trong poster triển lãm Mai Trung Thứ năm 1968. Nguồn: mai-thu.fr; Thông tin về những bản sao của bức tranh “Cage dorée” (1966) đã được bán trên website của Lynda Trouve; Một trang trong cuốn Monologue in bức tranh “Cage dorée” (1966). Ảnh Nguyễn Hải Sơn.

Trước khi theo dõi phần bài viết, mời bạn đọc xem qua những thuật ngữ được sử dụng trong bài:

Marie-louise: là một loại khung đặt ở giữa bức tranh và khung chính bên ngoài, tạm dịch là khung viền. Thông thường một bức tranh được đóng khung sẽ có phần bìa gỗ phía sau, bức tranh, khung viền marie-louise, kính và khung chính bên ngoài.

Comité Mai-Thu: con gái và cháu trai họa sĩ, là bà Mai Lan Phương và Aymeric Le Brun.

Le Catalogue Raisonné: tuyển tập in tổng hợp lại toàn bộ các tác phẩm của một nghệ sĩ.

Pongé de soie và Satin de soie: Pongé là một loại vải nhẹ được dệt từ sự pha trộn giữa len và tơ tằm. Satin là loại vải làm được làm từ vật liệu tự nhiên như bông, lanh, lụa, len, lông ngựa hoặc từ vật liệu tổng hợp. Satin có bề mặt phía trước sáng bóng còn mặt sau ráp và lì.

Thông tin về tác phẩm “Nu et l’oiseau” từ nhà Tajan

Trên website của Tajan (5), trong hạng mục Nghệ thuật Châu Á và Đông Nam Á, lot 307, tác phẩm “Nu et l’oiseau” được giới thiệu cùng bút tích của Mai Trung Thứ ghi ở phía sau tranh bao gồm: tên tranh, năm 1968 và chữ ký tắt của họa sĩ. Theo Tajan, tranh được vẽ bằng mực và gouache trên lụa pongé (pongé de soie), kích thước 24,4 x 12 cm. Tác phẩm được bán kèm theo khung viền marie-louise của họa sĩ, với giá ước tính từ 10.000 euros đến 15.000 euros. Nhà đấu giá cũng ghi chú thêm rằng, tác phẩm này đã được chứng nhận bởi Comité Mai-Thu. Bức tranh sẽ được in lại trong tuyển tập tổng hợp toàn bộ các tác phẩm của họa sĩ (từ đây gọi tắt là Le Catalogue Raisonné). Comité Mai-Thu có thể trao giấy chứng nhận theo yêu cầu của người mua.

Tajan cũng khẳng định có một phiên bản khác của “Nu et l’oiseau” (1968), với tên “Cage dorée”, vẽ năm 1966, được bán tại lot 85 của sàn Sotheby’s Hồng Kông ngày 05.04.2010. Đồng thời, Tajan cũng đưa thông tin về việc “Cage dorée” (1966) được dùng làm poster cho triển lãm “Phụ nữ, qua góc nhìn của Mai Thứ” năm 1968.

Bức tranh “Nu et l’oiseau” (24,4 x 12 cm, 1968) trên sàn đấu giá Tajan, mực và gouache trên lụa pongé, với giá ước tính từ 10.000 euros đến 15.000 euros (tương đương 11.562 USD – 17.343 USD). Nguồn: Tajan.com

Ảnh trái: chữ viết tay của Mai Trung Thứ. Ảnh: Sơn Ca (chụp tại triển lãm tranh Mai Trung Thứ ở Mâcon (16.06 – 24.10.2021); Ảnh phải: bút tích của Mai Trung Thứ ghi ở sau bức tranh “Nu et l’oiseau” (1968). Nguồn: Tajan.com

Tôi đã liên lạc với bà Déborah Teboul – giám đốc phụ trách Mỹ thuật Châu Á và nghệ thuật Phương Đông của Tajan, đề nghị Tajan kiểm tra và xác thực lại bản gốc của bức tranh “Nu et l’oiseau” và nhận được phản hồi như sau (chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt bởi Sơn Ca):

Có rất nhiều phiên bản khác nhau trên cùng một chủ đề đã được thực hiện bởi họa sĩ.

Thực ra không khó để có thể tìm thấy những bức tranh tương tự đang được lưu trữ tại bảo tàng hoặc các bộ sưu tập cá nhân.

Bức tranh mà chúng tôi đang giới thiệu để bán vào ngày 13 tháng 10 tới đây đã được kiểm chứng bởi con gái và cháu trai họa sĩ, những người không có bất cứ do dự hay phản đối gì khi xác nhận.

Bức tranh này sẽ được in lại trong Le Catalogue Raisonné của họa sĩ, dự kiến sẽ được xuất bản vào năm sau.”

Khi được hỏi thêm về những bằng chứng như giấy tờ và chữ ký xác thực của con gái và cháu trai họa sĩ, cũng như giấy chứng nhận chính thống, hóa đơn từ chủ sở hữu cũ của bức tranh, bà Déborah Teboul đã không có thêm một hồi âm nào.

Bức tranh “Cô gái bên lồng chim” tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Trong quá trình tìm kiếm, tôi đã tìm thấy thông tin về một bức tranh có tên Việt Nam là “Cô gái bên lồng chim” (tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế), qua một bài viết của tác giả Nhật Minh đăng trên báo Thừa Thiên Huế ngày 24.06.2021.

Theo bài báo, bức tranh này được để lại bởi ông Phan Đình Hối, người phụ trách và gắn bó với Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (thời còn ở số 1, Phan Bội Châu, Huế) suốt hơn hai thập niên. Ông Hối được bà Điềm Phùng Thị coi như người thân thích trong nhà. Thời trẻ, họa sĩ Mai Trung Thứ và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị từng là bạn học của nhau, và họa sĩ đã vẽ tặng bức tranh này cho bà Phùng Thị. Bà Phùng Thị đã tặng lại bức tranh này cho ông Hối với lời dặn: “[…] giá trị của bức tranh là một ký vàng đó nghe Hối”. Cũng theo bài báo, phía dưới tác phẩm có bút tích và chữ ký của họa sĩ: “Thân tặng Cúc Điềm, XII 78 (tháng 12-1978), Mai Trung Thứ”. (6)

Bài báo có đăng tải ảnh chụp bà Đinh Thị Hoài Trai – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang đứng bên cạnh bức tranh. Khi tôi trao đổi thông tin này với nhà nghiên cứu Kevin Vương, anh cho rằng chưa thể khẳng định được đây là phiên bản gốc, bởi bức tranh nào không có khung được làm bởi Mai Trung Thứ vào thời điểm đó thì vẫn còn nhiều nghi vấn. Anh nhận xét: “Rõ ràng ta nhìn thấy phần khung tranh dát vàng ở đây, vốn luôn được làm bởi họa sĩ Mai Thứ, đã được in lên mặt phẳng. Vậy không thể nói đây là bức tranh gốc được vẽ bởi họa sĩ Mai Thứ được. Khi triển lãm năm đó được tổ chức, rất nhiều phiên bản tranh đã được in ra trên cả chất liệu giấy và lụa, có đánh số và chữ kí họa sĩ Mai Thứ. Đây chỉ có thể coi là một bản in giới hạn của bức tranh gốc thôi“.

Bà Đinh Thị Hoài Trai – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế và tác phẩm “Cô gái bên lồng chim”. Nguồn ảnh từ bài báo của tác giả Nhật Minh trên báo Thừa Thiên Huế, xem chú thích số (6)

Bức tranh “Cô gái bên lồng chim” tại bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ảnh: Lê Vũ Trường Giang (Bảo tàng Mỹ thuật Huế cung cấp)

Tôi tìm hiểu thêm thông tin về bức tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Huế trên các nguồn báo Việt Nam, nhận thấy tờ Dân Việt có dẫn lời của một nhà sưu tập có tên là Tuấn “cá sấu”, rằng “bức tranh đã được Huế mua với giá 1 tỉ đồng” (7). Tất nhiên, đây cũng là một thông tin chưa được kiểm chứng.

Tôi đã nhờ Lê Vũ Trường Giang (biên tập viên của tạp chí Sông Hương) đến gặp trực tiếp bà Đinh Thị Hoài Trai. Bà Hoài Trai khẳng định bức của Bảo tàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được vẽ trên lụa và không có bản thứ hai. Bảo tàng đã cung cấp ảnh chụp bức tranh và phần lời đề tặng bà Điềm Phùng Thị cùng chữ ký của họa sĩ Mai Trung Thứ. Bà Hoài Trai cho biết, bà Điềm Phùng Thị tặng bức tranh cho ông Hối sau đó Bảo tàng mua lại từ ông Hối, và quá trình bàn giao tác phẩm đã được thực hiện theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.

Những trao đổi với bà Mai Lan Phương qua thư

Trong khi Trường Giang làm việc với bà Hoài Trai, tôi liên lạc với Kim Ngân – cháu gái của bà Mai Lan Phương. Tôi có nhờ Kim Ngân chuyển cho bà Lan Phương bài báo về bức tranh “Cô gái bên lồng chim” ở Huế và cho biết nguyện vọng trao đổi thêm với bà về bức tranh “Nu et l’oiseau” của nhà Tajan.

Dưới đây là những trao đổi qua thư giữa Sơn Ca và bà Lan Phương bằng tiếng Pháp. Sơn Ca dịch sang tiếng Việt.

Thư của Sơn Ca:

Thưa bà,

Nhờ Kim Ngân tôi rất vui lòng được kết nối với bà. Tôi làm việc cho tạp chí Mỹ thuật Art Republik Việt Nam. Chắc qua Kim Ngân bà đã biết tôi liên lạc với bà để hỏi về bức tranh “Nu et l’oiseau” vẽ năm 1968 của họa sĩ Mai Trung Thứ, và sắp được Tajan cho bán đấu giá vào ngày 13 tháng 10.

Bà Déborah Teboul, giám đốc phụ trách Mỹ thuật Châu Á và nghệ thuật Phương Đông của Tajan đã viết cho tôi rằng bà và con trai đã kiểm tra, xác nhận đó chính là bức tranh của bố bà. Vậy bà có làm giấy tờ chính thức chứng nhận việc này hay không?

Một phiên bản khác của bức tranh này có tên gọi “Cage dorée”, vẽ năm 1966. Bà có biết vì sao phiên bản thứ hai được vẽ năm 1968? Kim Ngân nói có thể phiên bản năm 1968 được vẽ theo yêu cầu của người mua. Bà có thể lý giải sự khác nhau về phong cách giữa hai phiên bản? Phiên bản năm 1968 có vẻ thiếu tinh tế hơn.

Tôi gửi cho bà ảnh của bức tranh “Cage dorée” tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế cùng ảnh chi tiết một góc của tranh. Bà có thể xác nhận đó có phải là nét chữ của bố bà hay không? Bà cho rằng đó là phiên bản sao chép hay bản gốc?

Cảm ơn bà.

Ảnh trái: Một phần của bức tranh “Nu et l’oiseau” (1968). Nguồn: Tajan.com; Ảnh phải: Một phần của bức tranh “Cage dorée” (1966), được bán tại Sotheby’s Hồng Kông năm 2010. Nguồn: Invaluable.com

Thư trả lời của bà Lan Phương:

Tôi và Kim Ngân đã nói về chuyện này sáng nay. Thật đúng khi cô đã liên lạc với tôi.

Bức tranh được bán bởi Tajan đã được kiểm chứng và xác nhận trực quan bởi tôi và con trai tôi (gọi tắt là Comité Mai-Thu). Tajan không yêu cầu tôi làm giấy chứng nhận, vì việc này sẽ phải trả tiền, nhưng tôi đã đảm bảo với Tajan qua thư. Bức tranh “Nu et l’oiseau” năm 1968, là một phiên bản khác của “Cage dorée” vẽ năm 1966, với kích thước nhỏ hơn, nhưng cùng một tinh thần. Chẳng có gì đặc biệt trong cách thực hành này, nhiều họa sĩ rất thích vẽ đi vẽ lại những chủ đề quan trọng đối với họ.

Bức “Cage dorée” năm 1966 là bức tranh được sao chép với số lượng lớn, trên satin và trên bristol, được chứng nhận và đôi khi được ký bởi họa sĩ.

Tôi đã xem bài báo, được dịch sang tiếng Pháp, ở Thừa Thiên Huế với bức ảnh của bức tranh này được tặng cho bảo tàng. Tôi rất tiếc phải nói rằng bức tranh được giới thiệu bởi giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong bức ảnh này là một phiên bản sao chép, có thể trên satin, được viết lời đề tặng và chữ ký viết tay của bố tôi, hơn nữa nó ở trong một tình trạng bảo quản rất tồi tệ. Thật đáng tiếc, ngay cả với một phiên bản sao chép.

Cô có thể tìm đọc cuốn catalog của triển lãm tranh đang diễn ra tại bảo tàng Ursulines ở Mâcon hoặc tham khảo website www.mai-thu.fr mà tôi đã làm dành tặng riêng bố tôi, để hiểu thêm về tranh của ông.

Cảm ơn về những trao đổi của cô.

Trân trọng,

Đề tặng và chữ ký của Mai Trung Thứ trên bức tranh “Cô gái bên lồng chim” tại Bảo tàng Mỹ Thuật Huế. Ảnh: Lê Vũ Trường Giang (Bảo tàng Mỹ thuật Huế cung cấp)

Thư của Sơn Ca:

Cảm ơn bà đã hồi âm,

Bạn của tôi vừa có cuộc gặp gỡ với Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế và xem bức tranh. Bức tranh có chất liệu trên lụa.

Tôi có một câu hỏi khác về bức “Cage dorée” năm 1966. Nó đã được bán vào ngày 5 tháng 4 năm 2010 tại sàn đấu giá Sotheby’s Hồng Kông. Bà có biết giá của bức tranh này và ai đã là người mua nó không? Bà có cho rằng bức tranh được bán năm 2010 tại Sotheby’s là phiên bản gốc?

Tajan viết trên website của họ rằng có một cuốn Catalogue raisonné của họa sĩ fsẽ được xuất bản sang năm. Bà có biết việc này không? Nhà xuất bản nào sẽ làm việc này? Có phải Comité Mai-Thu sẽ xác nhận toàn bộ những tác phẩm của họa sĩ cho cuốn Catalogue này?

Cảm ơn bà,

Bức tranh “Cage dorée” (54 x 25 cm, 1966), mực và gouache trên lụa, được bán tại Sotheby’s Hồng Kông năm 2010. Nguồn: Invaluable.com

Thư trả lời của bà Lan Phương:

Phiên bản sao chép ở Huế, như tôi đã nói, nó là một bản in trên satin (từ lụa) chứ không phải trên pongé. Nó đã có quá nhiều vết ố. Đó không phải là phiên bản gốc, tôi xin lỗi. Ngoài ra, việc bố tôi đã viết đề tặng và ký lên phần viền của phiên bản sao chép này, là một bằng chứng thêm rằng nó là bản sản xuất hàng loạt.

Nếu cô quan tâm đến thị trường nghệ thuật, cô có thể tìm kiếm thông tin về giá của những bức tranh bằng cách đăng ký tài khoản trên Artprice hoặc Artnet.

Mặc dù là người thừa kế duy nhất và có quyền quyết định về những tác phẩm của bố tôi, tôi cũng không thể kiểm soát được hết. Những nhà tổ chức đấu giá không phải lúc nào cũng hỏi ý kiến tôi và tôi cũng không thể ngăn bất cứ ai làm giả. Tôi có thể tố cáo họ nếu tôi biết, điều mà tôi đã làm vài lần. Tôi không có những bức ảnh chất lượng cao của bức tranh đã được bán năm 2010 nhưng các chuyên gia ở Sotheby’s chắc chắn đã làm công việc điều tra của họ.

Tajan chỉ viết trên trang web của họ rằng, tác phẩm này đã được chứng nhận bởi Comite Mai-Thu và nó sẽ được xuất bản trên Le Catalogue Raisonné của họa sĩ. Tajan không viết Le Catalogue Raisonné sẽ được xuất bản vào sang năm. Nếu cô quan tâm đến lịch sử mỹ thuật cô cũng biết, rằng, Le Catalogue Raisonné là một tác phẩm của cả một cuộc đời và không thể sản xuất nó bằng một cái búng tay trong vài năm. Những ai khẳng định việc đó là những kẻ thiếu chuyên nghiệp.

Vâng, với tư cách là người thừa kế duy nhất, tôi cũng đang tiến hành làm Le Catalogue Raisonné dựa trên những tư liệu lưu trữ của bố tôi. Những người khác cũng có thể có tham vọng làm điều đó và tôi không thể ngăn cản họ, nhưng về phần mình, tôi dựa vào những tài liệu để đưa vào Le Catalogue Raisonné những tác phẩm mà tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng về tính xác thực của nó. Không có câu chuyện xuất bản nào đang được diễn ra, thu thập dữ liệu là một công việc khổng lồ lúc này.

Trân trọng.

Thư của Sơn Ca:

Cảm ơn bà đã hồi âm.

Bà Déborah Teboul của Tajan đã viết trong thư cho tôi rằng: bức tranh này sẽ được in lại trong Le Catalogue Raisonné của họa sĩ, dự kiến sẽ được xuất bản vào năm sau.

Một lần nữa cảm ơn bà về những thông tin. Tôi sẽ liên lạc với bà trong những bài phỏng vấn sau.

Trân trọng.

Tổng hợp và phân tích

Như vậy, hiện đang tồn tại ba bức tranh, gồm “Cô gái bên lồng chim” tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, “Nu et l’oiseau” (1968) sắp được bán đấu giá tại nhà Tajan và “Cage dorée” (1966) đã được bán tại nhà Sotheby’s Hồng Kông năm 2010. Cả Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Tajan, đều khẳng định bức tranh mình sở hữu là phiên bản gốc, nhưng đều chưa đưa ra giấy chứng nhận chính thức chứng minh tính xác thực của bức tranh.

Tuy nhiên bức tranh của Tajan đã được đảm bảo bởi Comité Mai-Thu và có khung viền marie-louise được làm từ họa sĩ. Ngược lại, bức tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Huế được bà Lan Phương cho là phiên bản sao chép và không có khung của Mai Trung Thứ đi kèm. Mặc dù có thể dễ dàng nhận thấy phiên bản “Nu et l’oiseau” (1968) được vẽ rất vụng về so với “Cage dorée” (1966) và “Cô gái bên lồng chim”.

Tôi xin đưa ra những bức tranh được vẽ cùng loại để bạn đọc tự cảm nhận và so sánh.

Từ trái sang phải: Bức tranh “Cage dorée” (1966), được bán tại Sotheby’s Hồng Kông năm 2010. Nguồn Invaluable.com; Bức tranh “Nu et l’oiseau” (1968) trên sàn đấu giá Tajan. Nguồn: Tajan.com; Bức tranh “Cô gái bên lồng chim” (tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế). Ảnh: Lê Vũ Trường Giang (Bảo tàng Mỹ thuật Huế cung cấp)

Những bức tranh vẽ cùng đề tài của Mai Trung Thứ. Nguồn: Internet

Kết quả đấu giá của bức tranh “Cage dorée” (1966) trên Sotheby’s Hồng Kông năm 2010 đã bị gỡ nên không thể có thêm thông tin nào về bức tranh này. Chỉ có thể tìm được một số thông tin ít ỏi về nó trên trang web của Invaluable (8). Bức ảnh không có khung đi kèm tranh nhưng trong phần miêu tả bằng chữ thì đây là bức tranh được vẽ bằng mực và gouache trên lụa với kích thước 54 x 25 cm, có khung và khung viền nguyên gốc từ họa sĩ. Trang web Invaluable cũng xác nhận đây là bức tranh được sử dụng làm poster trong triển lãm năm 1968 của họa sĩ. Rất tiếc chưa thể tìm được thông tin về chủ sở hữu bức tranh này.

Về bức tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cần liên lạc với bà Hoài Trai để có thêm thông tin về tính xác thực của tác phẩm, cũng như cần có sự phản hồi của bà Hoài Trai về phát biểu của bà Lan Phương.

Bức tranh tại nhà Tajan sẽ được gõ búa vào ngày mai, ngày 13 tháng 10. Chưa rõ các nhà sưu tầm sẽ đánh giá như thế nào và định giá ra sao. Cho đến hiện tại, các luồng thông tin còn đang thiếu khuyết và mâu thuẫn, dẫn đến khó kết luận liệu bức nào là phiên bản gốc và các bức nào là bản sao chép. Để sáng suốt thẩm định, những người yêu nghệ thuật vẫn rất cần thêm nhiều thông tin từ các chuyên gia và những nguồn mở. 

* Chân thành cảm ơn bà Mai Lan Phương (con gái họa sĩ Mai Trung Thứ), Ace Lê (giám tuyển), Kevin Vương (nhà nghiên cứu), Mai Chi (phóng viên tạp chí Luxuo và Art Republik), Lê Vũ Trường Giang (biên tập viên tạp chí Sông Hương), Kim Ngân (cháu gái bà Mai Lan Phương) đã giúp tôi thực hiện bài viết này.

Chú thích:

(1) Artnet: https://bitly.com.vn/sgbesy

(2) Plazzart: https://bitly.com.vn/c650bz

(3) Christie’s: https://bitly.com.vn/px6kxz

(4) Linda Trouve: https://bitly.com.vn/vvzaca

(5) Tajan: https://bitly.com.vn/865v6x

(6) Báo Thừa Thiên Huế: https://bitly.com.vn/k8b5h8

(7) Báo Dân Việt: https://bitly.com.vn/2mcjm6

(8) Invaluable: https://bitly.com.vn/s6a9gc


 
Back to top