ART & LIFE

NSƯT Linh Nga: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ múa”

Jan 15, 2019 | By admin

Năm 2008, Linh Nga về nước sau 10 năm khổ luyện và nhanh chóng đạt thành công rực rỡ. 10 năm sau, xuất hiện trước công chúng vẫn là một Linh Nga xem múa như hơi thở, nhưng giờ đây đã mang tâm thế khác.

Diễn viên múa Linh Nga đến buổi shooting trong một sáng sớm đầu tuần, một ngày khá hiếm hoi tiết trời Sài Gòn không gay gắt nắng.

“Đúng rồi đấy! Đúng là kiểu phòng tập của chị rồi”! – Linh Nga thốt lên khi nhìn quanh căn phòng được sắp đặt giản đơn với bức tường trống trơn cùng những hàng cây dóng. Vương vất quanh căn phòng là tiếng nhạc âm vang – một kiểu nhạc phiêu lãng đủ để chị thả hồn tốt hơn vào trong từng điệu múa.

Trái với cảnh mọi người đều co ro bên dưới chiếc điều hòa bị chỉnh nhiệt độ thấp, Nga vẫn cười dịu dàng, uyển mình trong chiếc đầm mong manh dợn sóng theo từng nhịp chuyển động. Mồ hôi rịn trên da, nhưng chị vẫn cảm thấy như thế là chưa đủ.

“Trong múa không thể thiếu mồ hôi được”! – Cô nói. Đây là lời cảm thán, lời yêu cầu, hay đơn thuần chỉ là một câu để giải thích? Tuy không rõ điều đó, nhưng sau câu nói giản dị ấy, có lẽ mọi người đã hiểu hơn đôi chút về nghề múa của Nga.

Đối với diễn viên múa Linh Nga nói riêng và những người theo nghiệp múa nói chung, giọt mồ hôi rớt lại trên phòng tập có lẽ là hình ảnh đã quá đỗi gần gũi. Là nghệ thuật đặc thù chuyên chú vào đường nét chuyển động của cơ thể, khổ luyện là điều luôn cần thiết, để huy động mọi tế bào, thớ cơ tập trung cho việc múa. Vì thế, Nga cho biết cả quãng đời tuổi thơ cô đều diễn ra ở trên sàn tập múa.

“Mỗi sáng tôi xách túi đi là trong đó đã có đủ đồ ăn, nước uống, giày tập và quần áo… Có thể nói, cuộc sống của tôi chỉ quẩn quanh bên trong bốn bức tường như vậy. Giờ thì không còn suốt ngày ở phòng tập nữa, tôi được lên những sân khấu lớn, có ánh đèn lộng lẫy, có nhiều người giúp đỡ, có cả ê kíp đứng đằng sau, rất khác biệt với phòng tập khô khan với ánh sáng, dóng và đàn piano”.

Nhưng Nga lại cho rằng đó mới là vẻ đẹp rất riêng của nghề múa, vì để có được những hình ảnh lộng lẫy trên sân khấu, mọi thứ đều phải bắt đầu từ sàn tập. “Đó chính là hai hình ảnh rất trái ngược với nhau, như thiên nga đen và trắng vậy”. – cô nói.

Bén duyên với múa từ thuở chưa lọt lòng

Được sinh ra từ múa, sống và lớn lên trong múa, diễn viên múa Linh Nga có lẽ thuộc số người hiếm hoi chưa từng băn khoăn đặt câu hỏi cho bản thân nên đi theo nghề nào. Nghề múa đến với Nga một cách rất ngẫu nhiên, từ khi được sinh ra dưới tiết trời âm độ ở xứ sở bạch dương.

Thời điểm đó, cha mẹ cô, nghệ sĩ Đặng Hùng và Vương Linh, chính là hai đại diện hiếm hoi của Việt Nam được cử đi học và diễn múa ballet ở nước ngoài. Có lẽ đó cũng là cái duyên, khi Linh Nga đã được múa cùng mẹ từ khi còn là một bào thai nhỏ bé. Nằm bên dưới những loạt leotards và chiếc váy tutu, Linh Nga đã hoài thân từ chính điệu múa đẹp đẽ ấy, để giờ đây, nghiệp múa lại ăn sâu vào cô đến mức tưởng như không thể tách ra được.

“Được đưa vào nghề này, đó vừa là cái may nhưng cũng có cảm giác như là duyên số vậy, không cho tôi cơ hội để chọn cái này hay cái kia”. – Nga kể về quyết định đi Trung Quốc học múa suốt 10 năm từ khi chỉ mới 12 tuổi: “Tôi theo học múa dân gian Trung Quốc, khác với ba mẹ là học về ballet. Đó là định hướng của gia đình, lúc đó tôi chưa có ý thích riêng vì vẫn còn rất nhỏ. Ba mẹ cũng muốn tôi học môn nào đó ở gần, vì nếu như đi theo ballet, phải sang Nga hay Pháp thì rất xa. Bên cạnh đó, tôi còn có học bổng. Đó cũng là cơ may để dẫn đến quyết định đi liền suốt 10 năm.

Con đường Linh Nga đi sẽ chẳng ai dám chọn. – NSND Đặng Hùng.

Có được một nghề mình muốn gắn bó từ khi còn rất trẻ, có lẽ là một điều may mắn. Nhưng đó cũng chính là gánh nặng, là trọng trách lớn lao, là cái giá mà Linh Nga phải trả khi dành tuổi hoa niên trong căn phòng tập múa.  Với câu hỏi giả lập “nếu đã được định sẵn một nghề mà không phải băn khoăn suy nghĩ, liệu cuộc sống có dễ dàng hơn không?”, câu trả lời của cô vẫn là “không”.

Chính cha của Nga, người đã hướng cô đi theo nghề cũng có lần chia sẻ: “Con đường Linh Nga đi sẽ chẳng ai dám chọn”. Họ không chọn, vì ít người có đủ khả năng để sống trên kỳ vọng của người khác như cô: thuở nhỏ là kỳ vọng từ cha mẹ, và lớn lên là từ một lượng lớn khán giả, cũng như những thế hệ kế cận đang hướng mắt theo cô.

Thêm vào đó, càng không nhiều người có đủ sự kiên nhẫn để bỏ ra quãng thời gian quá dài để theo nghề mà họ thấy mong manh, có thể chịu ảnh hưởng đến sức khoẻ và không biết có thể sống ổn định hay không.

Đối mặt với hiểm nguy khi múa

Theo lời chia sẻ của Linh Nga, các bệnh lý xương khớp, đau lưng hay thoát vị đĩa đệm… đều là điều có thể xảy đến cho người tập múa. Thêm vào đó, đôi chân – vẻ đẹp của những diễn viên múa – cũng có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Dưới phần mũi cứng cáp của đôi giày tập múa, móng chân của diễn viên sẽ không dài được nữa mà mọc ngược vào trong, những trường hợp nặng hơn còn dẫn đến hoại tử.

Linh Nga cho biết cô ít khi bị chấn thương trên sân khấu, những chấn thương của cô là từ khi còn bé nhưng vẫn không chữa khỏi được nên trở thành vết thương dai dẳng tới bây giờ. “Tập múa đúng là tốt cho sức khoẻ. Nhưng nếu chỉ sơ suất một giây, cả cuộc đời còn lại có thể bị ảnh hưởng. Nga nghĩ đó chính là cái khó của các bạn trẻ khi chọn múa hay xiếc”.

Để trở thành một người làm nghệ thuật hàn lâm, tố chất quan trọng nhất chính là “chịu khổ được”. – NSƯT Linh Nga

Vậy đó, song Linh Nga chưa bao giờ dợm nghĩ cô sẽ bỏ nghề múa. “Tôi sẽ không bao giờ bỏ múa. Nếu một ngày nào đó không thể múa được nữa, tôi sẽ làm biên đạo hay dạy lại học sinh. Đó là điều tôi có thể bám lại được với múa. Còn giờ thì tôi phải tranh thủ tuổi trẻ và sức khoẻ để biểu diễn thật nhiều…”

Có lẽ, không chỉ mình Linh Nga, mà đối với những người nghệ sĩ khác đã chuyên tâm học múa, cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Vì nếu họ từ bỏ, đồng nghĩa với việc họ đánh mất cả quãng đời tuổi thơ, mất đi bao ước mơ và khát vọng nghệ thuật.

Múa: Khắc nghiệt để trở nên kỷ luật

Đối với Linh Nga, múa chính là một cuộc chơi mạo hiểm. “Trong múa, chúng ta phải chơi thật, ăn thật, và làm thật. Với phim, chúng ta có thể đóng thế. Xiếc thì có bảo hộ. Hát có thể lip sync. Hình có thể photoshop. Nhưng múa, một là diễn, hai là không. Mà diễn thật, thì cũng có thể chấn thương thật, không ai thế vai được.

Có quá nhiều sự ủng hộ với những môn nghệ thuật khác, đôi khi cũng làm Nga ghen tị. Nga tự hỏi, tại sao mình phải khổ cực đến thế, mình phải rèn luyện đến mười mấy năm, mà để sống với nghề thì vẫn phải chật vật đến thế”!

Nhưng rồi cô cũng hiểu, đó mới chính là giá trị của mình. Như cô từng nói, nghệ thuật càng lâu thì càng đẹp, những nghệ sĩ khi được rèn luyện lâu cũng sẽ tạo nên giá trị riêng không gì so sánh được, mà chỉ có thể để thời gian kiểm chứng.

“Với hát, người ta có thể nói ra những tâm tư, tình cảm, nhớ nhung hay yêu đương. Múa không thể nói ra thành lời, người ta chỉ có thể bộc lộ qua biểu cảm gương mặt, qua cử chỉ hình thể. Cho nên từ những khớp xương, giọt mồ hôi, đường gân cổ, chân tay… đều có thể nói được những năm tháng theo nghề của diễn viên múa là thế nào…”.

Cũng vì thế, Linh Nga không sợ đến một ngày bị mất đi sức khoẻ và tuổi trẻ – hai điều quan trọng nhất của một diễn viên múa. Điều Nga sợ hơn cả chính là mất đi “chất” của mình, mất đi tình yêu nghệ thuật múa như lúc vừa tốt nghiệp.

“Cái chất đó, dù là gì đi nữa, cũng giúp cho chúng ta đứng giữa đám đông vẫn là chính chúng ta, vẫn không bị hòa nhập. Cái mà tôi đạt được không phải là tôi đi được đến đâu, mà tôi phải là tôi, chưa bao giờ phải sống gồng mình lên để trở thành người khác, chưa bao giờ phải bỏ điều yêu thích để làm một nghề khác.

Nghệ thuật là không có biên giới. Sự sáng tạo của nghệ thuật vượt qua không gian, thời gian. Có những diễn viên dù đã 50 tuổi, nhưng khi bước lên sân khấu vẫn như có hào quang toát ra. Lúc đó khán giả đã quên đi độ tuổi của diễn viên, họ chỉ xem đó là một nghệ sĩ”.

“Cái chất đó, dù là gì đi nữa, cũng giúp cho chúng ta đứng giữa đám đông vẫn là chính chúng ta, vẫn không bị hòa nhập. Cái mà tôi đạt được không phải là tôi đi được đến đâu, mà tôi phải là tôi, chưa bao giờ phải sống gồng mình lên để trở thành người khác, chưa bao giờ phải bỏ điều yêu thích để làm một nghề khác.

Đắng cay – ngọt bùi trên sàn diễn

Cũng như mọi nghề khác, múa không phải lúc nào cũng là những nốt thăng, mà đôi khi còn có những nốt giáng hay nốt trầm. Song, chính thực tế đó mới tạo thành một bản nhạc đời hoàn chỉnh.

Từ khi bước lên sân khấu lúc vừa tròn 8 tuổi, khó có thể nói mỗi lần Linh Nga diễn đều là những trải nghiệm thăng hoa, mà cũng có những lần cô gần như bị chai lì cảm xúc. Nhưng cô tâm niệm: “Đừng nên nói không với nghề, cứ làm tốt vai trò của mình đã. Đâu phải lúc nào cũng được diễn ở những nhà hát opera nổi tiếng. Đâu phải lúc nào cũng được diễn với những diễn viên gạo cội. Thế nên, tôi cứ cố gắng làm từ những việc nhỏ nhất, để những người yêu quý tôi, luôn theo dõi tôi, sẽ thấy ở tôi có sự tiến bộ chứ không phải thụt lùi”.

Hơn 20 năm đứng trên sân khấu, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là được xướng tên nghệ sĩ múa Linh Nga. – NSƯT Linh Nga

Hiện tại, Linh Nga cảm thấy hài lòng khi mỗi ngày đều được làm những điều cô yêu thích. Cô chỉ muốn được làm những tác phẩm mà cô hằng ấp ủ, tái hiện lại cuộc đời của chính cô, dựng lại bài múa cho thế hệ kế tiếp, và biên đạo tác phẩm để dự thi nước ngoài. Linh Nga rất mong có thể đem múa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, được đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ khác, trong nước và ngoài nước, để cọ xát và học hỏi nhiều hơn.

Giờ đây, sau hơn 20 năm theo đuổi nghề, nghệ sĩ múa Linh Nga cho thấy mọi thứ đối với cô đều rất đỗi giản dị. Niềm hạnh phúc của cô trong nghề chính là mỗi khi cô được MC giới thiệu là diễn viên múa Linh Nga, hay NSƯT Linh Nga. “Ít ra, đó là sự công nhận của mọi người với tôi, rằng 20 năm của tôi là không hề lãng phí, rằng tôi chọn con đường này là đúng”! – cô nói.

Tổ chức thực hiện: LUXUO I Bài: HẢI YẾN
Trang phục: LÂM GIA KHANG I Nhiếp ảnh: BOBBY NGUYỄN

 


 
Back to top