Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Dzũng Yoko: Sách, thời trang, và nghệ thuật

Sep 29, 2019 | By admin

Những chia sẻ rất thật của một tâm hồn yêu nghệ thuật. Dzũng Yoko – Giám đốc sáng tạo của tạp chí Elle, một nghệ sĩ luôn tâm huyết với thời trang, văn hóa đọc, và ngôn ngữ thị giác, người bền bỉ thắp lửa cảm hứng và tôn vinh cái đẹp qua từng dự án artbook.    

Dzũng Yoko Artbook Mindfulness thời trang nghệ thuật

Với cuốn artbook thứ tư này, tại sao anh lại chọn chủ đề là “Mindfulness”?

Tôi rất tin vào chữ duyên. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc trò chuyện của tôi với người mẫu Thùy Trang – cô gái xuất hiện trên bìa sách mà bạn đang thấy. Tình cờ thay trong một buổi ăn tối nọ giữa hai anh em, chúng tôi cùng bàn về những khía cạnh tâm linh, những lớp lang trong tâm hồn mỗi người ít khi được nhận thức hay bóc tách. Sau này tôi chợt nghĩ, tại sao mình không khai thác một đề tài tuy không quá mới, nhưng cũng không phải là cũ, ở góc nhìn hiện đại và mật thiết hơn với đời sống mỗi người ở thời điểm hiện tại. 

“Mindfulness” chính là chánh niệm trong văn hóa phương Đông, tức tuệ tri về vạn vật và khoảnh khắc hiện đang diễn ra quanh mình. Với dự án này, tôi muốn thử sức và đào sâu vào ý niệm trên thông qua góc nhìn của một người làm sáng tạo. Chánh niệm đối với tôi là khi bản thân hoàn toàn chú tâm trong thời khắc sáng tác, dù đó là chụp hình, phác họa, hay lên ý tưởng concept… Khi ấy, mình như quên hết mọi vướng bận, ưu tư bên ngoài, để toàn tâm tập trung tình cảm, năng lượng, và cảm xúc vào những gì trước mắt. 

Dzũng Yoko Artbook thời trang nghệ thuật

Anh đã truyền tải ý niệm “Mindfulness” ra sao trong cuốn sách này?

Ví như khi bạn cắm hoa, uống tách trà, soi gương, dạo bước khoan thoai trên phố phường… tất cả đều là những trạng thái khác nhau của chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Tôi diễn tả tâm trạng ấy thông qua tư duy về hình ảnh và ngôn ngữ của thời trang. 

Bên cạnh đó, với dự án lần này, tôi rất vui được hợp tác với 4 nhiếp ảnh gia trẻ là Monkey Minh, Trương Tùng Lâm, Duy Linh, và Thy Trần. Mỗi người đều sở hữu cá tính khác nhau, có quan điểm, góc nhìn, và cách tiếp cận rất riêng khi bàn tới thẩm mỹ và nghệ thuật. Họ mang trong mình tiếng nói đại diện cho thế hệ, nhận thức rõ về giá trị và bản sắc của chính mình, không chạy theo số lượng hay những gì được xem là nóng hổi nhưng lại rất hời hợt ở ngoài kia.

Dzũng Yoko artbook thời trang nghệ thuật

Đảm nhiệm vị trí Giám đốc sáng tạo cho Elle đồng thời bận bịu với các dự án riêng, làm cách nào để anh chu toàn mọi thứ?   

Dù bề ngoài trông họ vui vẻ ra sao, tôi tin rằng những người làm sáng tạo đều chất chứa nỗi niềm riêng trong lòng, căng thẳng vì áp lực đến từ nhiều phía. Ngày xưa tôi cứ nghĩ chỉ có riêng mình là vậy, nhưng sau này khi tiếp xúc với nhiều người, tôi nhận ra không ít người cũng cùng cảm nhận với mình. 

Làm sách, chụp hình, hay lên ý tưởng concept… tất cả là cách để tôi giải tỏa ưu phiền, vướng bận trong cuộc sống. Có người sẽ xả stress bằng cách ăn nhậu, tập gym, đi du lịch… còn với riêng tôi, tôi lao vào công việc.

Quá trình sáng tạo, kỳ lạ thay nhưng vô cùng thân thuộc, luôn giúp tôi tìm được sự cân bằng giữa mọi bộn bề giữa chốn thành thị.  

Anh quan niệm sao về vai trò của thời trang và nghệ thuật trong cuộc sống? 

Trong mắt tôi, thời trang là nghệ thuật. Không ít người bảo thời trang là kinh doanh, là bán quần áo, PR sản phẩm… nhưng thời trang phản ánh rõ nét con người, vẻ đẹp văn hóa của thời đại, và thông điệp xã hội được lưu tâm ở từng thời điểm.  

Thời trang cũng là cách để mỗi người khám phá bản thân, bày tỏ đến thế giới bên ngoài mình là ai, yêu cái đẹp theo cách riêng của mình để từ đó, khiến cuộc sống thêm đa sắc và muôn màu. Điều cốt lõi ở đây nằm ở việc thời trang, giữa muôn vàn lựa chọn khác trong cuộc sống, vẫn có khả năng khiến ta hạnh phúc, tự tin, và yêu đời thông qua giá trị thẩm mỹ và tinh thần. 

Vậy anh có xem mình là nghệ sĩ? 

Chắc chắn rồi. Thật ra ngày trước tôi ngại khẳng định bản thân với danh xưng ấy. Với những ai cho rằng nghệ sĩ thì phải phong trần, sống bất cần, thi thoảng mới sáng tác một, hai tác phẩm để đời, thì tôi hoàn toàn không thỏa mãn những “tiêu chí” ấy (cười).

Nhưng khi nhìn lại mình, với vật chất đủ đầy để bản thân có thể thong dong hưởng thụ cuộc sống, tôi nhận thấy mình đã dành không ít tiền bạc kiếm được vào các dự án nghệ thuật, luôn mưu cầu sáng tạo mỗi ngày, khát khao diễn đạt bản thân thông qua các tác phẩm thị giác. Tôi tin rằng những gì mình đang làm chính là công việc của người nghệ sĩ. 

Để tìm kiếm cảm hứng sáng tác, anh thường dựa vào việc quan sát cuộc sống hay nghiên cứu sách vở? 

Tôi nghĩ 70% là  từ quan sát cuộc sống quanh mình, và 30% là kiến thức thu thập từ sách. Bạn nghĩ xem, tôi sinh ra là thế hệ 7x. Thời tôi còn trẻ, mọi người chưa có internet, tài liệu tham chiếu thì hiếm, cơ hội tiếp cận với văn hóa nước ngoài gần như là con số 0 tròn trĩnh. Thế nhưng người ta vẫn sáng tạo được, bởi chất liệu và cảm hứng của họ đến từ cuộc sống, từ nội tâm, xuất phát từ chính bản thân mình.

Những tiện nghi về công nghệ, hay cơ hội ra nước ngoài nhiều… đối với tôi chỉ là phương tiện, chứ không phải phần cốt lõi làm nên khả năng sáng tạo ở mỗi người.   

Đâu là tiêu chí để anh đánh giá độ “chín” của một bức ảnh trong quá trình sáng tạo? 

Tôi luôn đề cao cảm xúc lên trên hết. Những yếu tố thiết yếu thiêng về mặt kỹ thuật như bố cục chặt chẽ, ánh sáng tốt, màu đẹp… là điều căn bản mà người làm nghề bắt buộc phải đạt được nếu muốn theo đuổi ngành sáng tạo vốn dĩ khốc liệt này. Nhưng cảm xúc vẫn quan trọng hơn cả, bởi dù kỹ thuật có chuẩn đến đâu mà bạn không thể thổi hồn và sức sống vào bức ảnh, tất cả đều sẽ trở nên vô nghĩa.   

Theo anh, làm cách nào để những tài năng trẻ có thể theo đuổi nghề một cách lâu dài? 

Tôi cho rằng chìa khóa nằm ở đam mê, nhưng để nuôi đam mê ấy là điều không dễ. Cũng như mọi ngành nghề khác, lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi bạn phải trăn trở và trao dồi bản thân liên tục. Để sáng tạo nên những sản phẩm, tác phẩm có chiều sâu và mang giá trị văn hóa lớn hoàn toàn không phải là việc một sớm một chiều, trong khi đó không ít bạn trẻ lại có xu hướng thích làm những gì dễ dàng và dễ dài.     

Bên cạnh đó, bạn cần biết cách dung hòa song song giữa thương mại và nghệ thuật. Nhiều người lầm tưởng chúng là hai thái cực hoàn toàn đối lập, nhưng ngày nay ranh giới đó đã và đang được xóa nhòa – bạn hoàn toàn có thể làm kinh tế từ thương mại và dùng thu nhập đó để nuôi đam mê nghệ thuật của mình. Nghệ thuật không còn là ốc đảo biệt lập, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Hiện nay, các ngành nghề khác, đặc biệt là thời trang, luôn trong trạng thái cần và tìm đến nghệ thuật. 

Dzũng Yoko artbook nghệ thuật thời trang

Giữa thời đại của công nghệ số và mạng xã hội, tại sao anh vẫn kiên trì theo đuổi sách in?  

Dù không chắc có làm được hay không, nhưng tôi vẫn muốn góp phần xây dựng và duy trì một cộng đồng yêu thích những ấn phẩm bằng giấy ở Việt Nam mà đáng buồn thay, là quốc gia có tỉ lệ đọc sách hiện quá thấp so với thế giới.   

Mình không phủ nhận vai trò của mạng xã hội hiện nay, nhưng khi ra đường, quan sát thấy ai ai cũng đắm mình vào màn hình điện thoại, tôi tự hỏi liệu họ có thời gian đọc, hay xem sách hay không. Không biết người khác thế nào, bản thân tôi khi đọc sách điện tử lại cảm thấy mau quên. Còn khi cầm cuốn sách trên tay, mình lại nhớ rất lâu, muốn dành nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, tìm hiểu sâu hơn về đề tài yêu thích.

Đối với tôi, văn hóa đọc là giá trị bền vững, cần được thúc đẩy và lan tỏa sâu trong giới trẻ.  

Theo anh, làm cách nào để đem nghệ thuật và thời trang đến gần hơn với công chúng?

Mọi người thường xem thời trang và nghệ thuật là điều gì đó quá xa lạ, từ đó xa lánh và chối bỏ chúng. Trước hết, ở phương diện là một người làm nghề, tôi nghĩ bản thân những người làm sáng tạo cần tử tế với mọi thứ mình làm ra, nỗ lực tìm đến vẻ đẹp chân thực, và không quên khai thác những khía cạnh cuộc sống vẫn luôn hiện diện quanh mình.

Đồng thời, cũng đừng quên tìm kiếm những phương thức sáng tạo mang hơi thở đương đại, thay vì đóng khung bản thân trong lối mòn cũ kỹ của quá khứ. Bản thân tác phẩm làm ra phải tốt thì mình mới có thể mong rằng nó sẽ thu hút sự chú ý của người ngoài. 

Bài: Quyên Hoàng | Ảnh: RabHuu Studio


 
Back to top