ART & CULTURE

Hà Lê: Đi vào cõi Trịnh để chiêm nghiệm nhiều hơn

Jan 11, 2021 | By admin

Hà Lê là một cá tính âm nhạc mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Sắp tới anh sẽ có màn trình diễn hấp dẫn trong Daikin Concert “Để gió cuốn đi”.

Hà Lê

Chàng nghệ sĩ sinh năm 1984 được công chúng biết tới rộng rãi khi ra mắt dự án “Trịnh Contemporary” vào tháng 3/2019. Từ khi remake, chứ không phải cover nhạc Trịnh, Hà Lê gặp nhiều ý kiến trái chiều: sáng tạo hay phá vỡ “đền đài” nhạc Trịnh? Thế nhưng, anh vẫn kiên định với con đường đã chọn, sử dụng yếu tố đương đại trên nhiều phương diện (vũ đạo, hòa âm, trang phục…) để làm mới nhạc Trịnh, khẳng định cá tính âm nhạc riêng.

Ngày 13/1 tới, Hà Lê tham gia biểu diễn trong Daikin Concert mang tên “Để gió cuốn đi” với phong cách ambient do nhạc sĩ Quốc Trung sản xuất. Anh sẽ thể hiện một cá tính nhạc Trịnh mới mẻ bên cạnh các diva nổi tiếng như Thanh Lam, Hà Trần và ca sĩ Tùng Dương. Hà Lê sẽ có màn song ca nhạc Trịnh với marzuz, một nữ ca sĩ trẻ cá tính trong chương trình này.

Hà Lê

Anh có đam mê hay thể hiện năng khiếu âm nhạc từ nhỏ không?

Khái niệm đầu tiên về âm nhạc của tôi là khi xem Michael Jackson biểu diễn qua các băng video hồi 7-8 tuổi. Tôi còn nhớ trong một liveshow ở sân vận động chật kín hàng nghìn người, ông hoàng nhạc Pop chỉ khoanh tay, đứng im trên sân khấu khoảng 10 phút mà khán giả xung quanh vẫn hò hét cuồng nhiệt. Mặc dù họ chưa được thưởng thức một chút âm nhạc nào. Hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh với tôi rằng một người nghệ sỹ có thể có sức cuốn hút mạnh mẽ đến như vậy. Một ước mơ nhen nhóm lên trong tôi rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ tỏa sáng trên sân khấu như vậy.

Dường như chính khoảng thời gian ở Anh đã giúp anh được tự do sống với đam mê nghệ thuật?

Đúng là như vậy. Ngoài thời gian học ở trường, tôi bắt đầu học nhảy hip-hop và trở thành vũ công chuyên nghiệp. Tôi đi biểu diễn và mở các lớp dạy nhảy.

Khi trở về Việt Nam, anh có gặp khó khăn gì khi hòa nhập vào cộng đồng hip-hop trong nước?

Năm 2008 là lúc hip-hop đã phát triển ở Việt Nam rồi, nhưng mọi người chưa chia ra các thể loại riêng biệt mà chỉ gọi chung là nhảy hip-hop, nhảy breakdance thôi. Tôi bắt đầu xây dựng chỗ đứng cho mình, kết nối với cộng đồng những người yêu hip-hop trong nước và nước ngoài, tổ chức những giải nhảy và tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi như “Bước nhảy hoàn vũ nhí,” “So you think you can dance” (Thử thách cùng bước nhảy) và “RingMasterz.”

Trước đây, anh nổi tiếng trong giới hip-hop nhưng đây vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật underground, đến khi rap bắt đầu có chỗ đứng trong showbiz Việt và được quảng bá rộng rãi thì anh lại tập trung vào nhạc Trịnh. Vì sao anh lại lội ngược dòng như vậy?

Nhảy hay rap chỉ là bước chân đầu tiên của tôi vào thế giới của nghệ thuật, sau này tôi cũng muốn học thêm cả DJ và graffiti nữa, vì đây là những phần không thể tách rời của văn hóa hip-hop. Dù hát nhạc Trịnh nhưng tôi không hề xa rời hip-hop, bởi đó là cái chất của mình rồi. Ngược lại, hip-hop làm phong phú thêm màu sắc nhạc Trịnh của tôi bởi ca hát mới chính là khởi nguồn đam mê của Hà Lê.

Ngược lại, hip-hop làm phong phú thêm màu sắc nhạc Trịnh của tôi bởi ca hát mới chính là khởi nguồn đam mê của Hà Lê.

 Hà Lê

Vì sao anh lại chọn remake nhạc Trịnh?

Tôi vốn là người thích nhạc xưa mà. Tôi nghe cả Lam Phương, Trương Quý Hải, và cũng đã thử hát nhạc của họ, nhưng chỉ khi đến với nhạc Trịnh, tôi mới tìm được sự đồng cảm sâu sắc. Càng nghe nhiều, tôi càng nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn mình với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tôi dần dần ngộ ra tư tưởng và triết lý của ông trong những ca từ và giai điệu đẹp đẽ. Dường như có một liên hệ cảm xúc rất cá nhân và kỳ lạ giữa tôi và nhạc Trịnh.

Trịnh Công Sơn thường viết về những tình yêu dang dở, những nỗi niềm khắc khoải, những “Diễm” của ngày xưa. Còn tình yêu của Hà Lê thì sao?

Trịnh Contemporary không chỉ là quá trình làm nhạc, mà là hành trình tìm thấy bản thân và ngộ ra nhiều triết lý về cuộc sống. Thế giới của tôi cũng có nhiều tình yêu tan vỡ. Tôi cũng yêu nhiều lắm, nhưng điểm chung nhất trong câu chuyện của tôi và Trịnh Công Sơn không phải là buồn hay vui mà là sự chấp nhận, rằng dù có chuyện gì thì mình cũng đón nhận nó như lẽ tự nhiên phải thế.

Trong thế giới của Trịnh Công Sơn, thất tình cũng là một trải nghiệm. Tình yêu tan vỡ cũng không có gì phải hối tiếc cả, bởi cả hai đã dâng hiến cho nhau những gì chân thật nhất của con tim.

Chúng ta có duyên đến với nhau nhưng không có phận để ở bên nhau. Hãy cảm ơn vì mình đã có thêm trải nghiệm về tình yêu, con người và cuộc sống. Đối với Trịnh Công Sơn, tận cùng của nỗi đau là một niềm hoan hỷ và những ca từ trong nhạc của ông thì đẹp và ý nghĩa vô cùng. Trong Daikin Concert “Để gió cuốn đi”, các bài hát được anh Quốc Trung phối mới theo phong cách ambient – sự pha trộn độc đáo giữa nhạc cụ điện tử và các nhạc cụ acoustic như piano, tứ tấu đàn dây, sẽ mang đến cảm hứng tích cực cho khán giả nghe nhạc.

Daikin Concert

Từ nhảy chuyển sang hát, hẳn anh đã gặp không ít khó khăn?

Dù hoạt động nghệ thuật hơn 10 năm nhưng tôi chưa bao giờ chiếm spotlight, bởi rapper hay vũ công cũng chỉ là người phụ họa cho một tiết mục. Ngay khi quyết định chuyển sang làm ca sỹ, tôi đã biết đó là một ý tưởng điên rồ, bởi mình đã 31 tuổi, quá muộn để khởi nghiệp làm ca sỹ rồi, mình lại xấu trai và còn hỏng một bên tai. Nhưng tôi cũng biết rằng nếu không nhanh thì sẽ già mất và không bao giờ được hát nữa.

5 năm qua, tôi đã không ngừng tìm kiếm bản thân mình trong âm nhạc, định hình phong cách, xây dựng cộng đồng fan và học lại từ đầu các kỹ năng của một nghệ sỹ trình diễn, một người đứng ở phía trước và làm chủ sân khấu.

Anh là một nghệ sỹ có gu, phong cách thời trang đời thường của anh như thế nào?

Tôi hoàn toàn trông cậy vào stylist và êkíp của mình. Tôi tin tưởng các bạn ấy. Ngày nay, nghệ sỹ lên sân khấu cần chỉn chu về ngoại hình, bởi khán giả xứng đáng được chiêu đãi cả về phần nhìn nữa, chứ không phải chỉ ở phần nghe. Bạn có thể thấy tôi lên sân khấu ăn mặc khá là smart, nhưng thật ra tôi rất kém khoản thời trang. Hàng ngày, tôi mặc theo phong cách hip-hop sao cho gần với đời sống nhất.

Anh có sở thích hay thú chơi gì đặc biệt không, như sưu tầm các món đồ hip-hop?

Ngày trước khi còn ở Anh, tôi có sở thích sưu tầm mũ snapback và có rất nhiều, nhưng khi về Việt Nam thì tôi tặng bạn bè gần hết. Bây giờ tôi không còn thú vui ấy nữa. Tôi có nuôi một chú chó, bạn ấy rất khôn, yêu lắm (cười). Ngoài ra, như những cậu trai trẻ khác, tôi vẫn mê chơi game và có thể chơi PES cùng bạn cả ngày không chán.

Gia đình, sự nghiệp và tình yêu, điều gì là quan trọng nhất đối với anh?
Gia đình luôn là quan trọng nhất. Dù ở từng thời điểm khác nhau, mình có thể ưu tiên cho những thứ khác nhưng gia đình là quan trọng nhất, không bao giờ thay đổi. Sau đó là sự nghiệp, tình yêu, rồi mới đến bản thân tôi.

Hà Lê

Hà Lê và Bùi Lan Hương trong MV “Mưa hồng”

Nhìn cách anh làm việc và trò chuyện với anh, dường như Hà Lê là một người luôn vận động, vậy đâu là phần tĩnh nhất trong con người anh?

Tôi đã ở độ tuổi quan sát nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, không còn “động đậy” luôn luôn như ngày xưa đâu. Tôi xem phim, đọc nhiều sách báo về thế giới và triết lý cuộc sống. Đôi lúc tôi ngồi yên và ngắm nhìn những người xung quanh. Bạn có tin không, hãy nhìn một người nào đó ngồi ở bàn bên cạnh, trong quán cà phê, bạn không quen người đó, nhưng thực ra giữa bạn và người đó có một mối liên hệ mà bạn chưa biết đấy thôi. Tôi đang nhận ra rằng, mối quan hệ giữa người với người là một mạng lưới có những liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau kiểu như vậy. Đó là “hiệu ứng cánh bướm,” chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.

Anh có thể chia sẻ một chút về công việc và dự định tương lai?

Tôi và team của mình đã xây dựng được một concept cho “Ở trọ” và chúng tôi vẫn đi diễn. Album này đã tự tạo ra không gian âm nhạc của nó, tự chọn những khán giả của nó. Nói đến kế hoạch thì tôi muốn làm liveshow, muốn ra thêm sinhle, muốn làm nhiều thứ lắm nhưng tôi sẽ không vội bởi tôi muốn mình và khán giả có thời gian cảm nhận và đi đến tận cùng cảm xúc với những bản nhạc đã làm.

Tôi mất đến 2 năm để sáng tạo 7 bài hát trong album “Ở trọ”. Album ra mắt chưa được một năm, nó cần thêm thời gian để đi vào trái tim người nghe. Khán giả cần thời gian để chiêm nghiệm những triết lý, cảm nhận được hết hơi thở cuộc sống trong đó.

Như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ,” hãy sống đến tận cùng cảm xúc, để âm nhạc lớn lên trong mọi người, đó là thông điệp tôi muốn gửi gắm qua các tác phẩm của mình.

Ngô Minh


 
Back to top