Hoàng Anh Tuấn & Những quan điểm cá tính về sưu tập nghệ thuật
Cuộc trò chuyện dài với người sưu tập Hoàng Anh Tuấn lần này sẽ dẫn dắt bạn đọc đi qua nhiều chủ đề lôi cuốn liên quan đến hành trình sưu tập rất riêng của anh, cùng đó đào sâu những quan điểm của anh về sự thỏa mãn cái tôi, thế hệ sưu tập tại Việt Nam, buông, mối quan hệ giữa nhà sưu tập và nghệ sĩ, cùng đó là con đường hay đích đến của những nhà sưu tập nghiêm túc,…
LUXUO đã có một số cuộc trò chuyện sâu sắc với anh Tuấn về vấn đề sưu tập, gần đây nhất là việc đầu tư NFT, qua đó cho thấy anh là một người sưu tập nghiêm túc, vững về chiến lược, kiến thức và thời gian. Thế nhưng, nhân duyên anh đến nghệ thuật và sưu tập nghệ thuật thì chúng tôi vẫn chưa có dịp được biết?
Tôi có nguồn tài chính từ rất sớm và trẻ, có lẽ một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học. Khi trẻ và tự huyễn hoặc mình thành công cùng khuynh hướng lý tưởng hóa cuộc sống, tôi luôn muốn tìm hiểu và khám phá mọi thứ từ triết học, chính trị, âm nhạc đến thể thao, và hiển nhiên, nghệ thuật cũng nằm trong tầm ngắm của tôi.
Việc decor cho bức tường trong ngôi nhà đầu tiên mà tôi sở hữu là cái cớ và là bước đi đầu tiên trong việc mở rộng mối quan tâm về hội họa hay nghệ thuật.
Sưu tập, theo tôi, là một hành trình của hành vi và ý thức với đối tượng hướng đến là nghệ thuật. Vậy hành trình sưu tập nghệ thuật của anh được hình thành qua những giai đoạn như thế nào, từ đó thể hiện được “độ chín” trong công việc sưu tập của riêng anh?
Khi nói về hành trình theo nghĩa là có dự định và đích đến rõ ràng hay lên kế hoạch và chiến lược sưu tập thì ít nhất trong một thời gian đầu, tôi không ý thức về nó, hầu hết là ngẫu hứng và theo cảm tính.
Chỉ khi số lượng tác phẩm nhiều lên và trong nhà không còn bức tường nào trống nữa, tôi mới nghĩ tới việc cân nhắc. Đó là hệ quả của việc cả hai thứ diễn ra đồng thời: bạn không bị kiềm chế bởi giới hạn ngân sách và niềm yêu thích dẫn dắt quá đà.
Đấy là lúc tôi bắt đầu đặt câu hỏi với từng bức tranh mà bản thân đã mua, đặt trong bối cảnh không gian trưng bày: Liệu tác giả hay tác phẩm này có đủ tốt hay tôi có thực sự thích nó trong một thời gian dài hay không? Nếu tôi trả lời không, vậy thì tác giả và tác phẩm đó từ đây không nằm trong dự định sưu tập.
Đó là bước chuyển mới, giai đoạn chắt lọc hơn, lùi lại xa hơn và cách tiếp cận cũng khác trước. Tôi bắt đầu xây dựng nguyên tắc của mình, nói không và có. Chỉ những tác phẩm đáp ứng được giá trị nghệ thuật – giá trị thị trường và sự tin tưởng cá nhân như là ba đỉnh của một tam giác mới trong tầm nhìn.
Với một số người, sưu tập là để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn bản năng sở hữu, nhưng với anh thì sao?
Người ta bén duyên với việc sưu tập nghệ thuật qua nhiều lý do khác nhau và cả cách tiếp cận cũng khác, liên quan tới cá tính, mục đích,…
Vì giá trị tác phẩm thay đổi cùng câu chuyện truyền cảm hứng của những kỷ lục xác lập trong đấu giá, khiến không ít người sưu tập muốn tham gia như là một kênh đầu tư. Giá trị cao tương đối của tác phẩm cũng là một sự hấp dẫn khác như là một cách “khoe ” – một kiểu sao kê tài khoản đính trên saloon phòng khách.
Cũng không có gì sai, theo một mặt nào đó, nền mỹ thuật được hưởng lợi.
Tôi thường tận hưởng niềm vui mà nó mang lại. Bản năng sở hữu có hay không, cũng không rõ nữa. Nhưng chắc có, vì tôi thích sưu tầm nhiều thứ, có sưu tầm sách theo nội dung tôi đọc, có cả thứ “phù hoa” như sưu tập đồng hồ hay các thương hiệu giầy nam dù ở mức vừa đủ.
Thực tế, thị trường nghệ thuật nước mình còn sơ khai về thanh khoản. Nhiều khi thấy không hợp lý lắm cho sự hy sinh tài chính với một số niềm vui không hoàn toàn thực tế như đa phần nhìn nhận. Có lẽ nghiên cứu tâm lý học nói đúng, chất dopamine – hormone hưng phấn của việc sưu tập đóng vai trò xúc tác.Thói quen sưu tập kéo dài hàng vài thập kỷ, vậy chắc não bộ cũng có chút thay đổi.
Tôi cũng không dành nhiều thời gian cho việc sưu tập, vì còn có các trách nhiệm khác. Động lực chính là sự cân bằng mà bản thân quá trình mang lại và vẫn luôn tiếp diễn vì sưu tập tác phẩm nghệ thuật không kết thúc, luôn có sự khám phá với sự tươi mới của nghệ sĩ và tác phẩm.
Cộng hưởng với việc mở rộng mối quan tâm, nó có một đời sống khác nữa và thấy mình thật sự may mắn như một đặc quyền.
Đây có lẽ là một lối sống của tôi.
Dạo gần đây, khi phỏng vấn một số họa sĩ, tôi có nghe nhắc đến nhiều về từ “buông”, tức phá bỏ sự chấp ngã, nhằm giúp ta trở về chân tâm tự tại, thay vì tham ái. Nếu lấy ý tưởng này vào công việc cụ thể là sưu tập của anh, anh có ý kiến như thế nào về buông trong sưu tập?
Tôi hiểu cách bạn tiếp cận.
Có lẽ ta nên bắt đầu bằng câu chuyện về đoạn kết của bộ sưu tập nhà tài phiệt David Rockefeller III.
Ông bắt đầu bộ sưu tập với bức tranh đầu tiên vào năm 10 tuổi. Trước khi mất, như ông thừa nhận trong hồi ký, dù chưa bao giờ coi sưu tập nghệ thuật là đầu tư, nhưng bộ sưu tập là tài sản quý giá nhất và đại diện cho một phần tài sản của gia đình. Các thế hệ sau có lối sống, cũng như cách nhìn khác về việc sưu tập, ông nhấn mạnh thêm lý do về đoạn kết của bộ sưu tập lừng danh.
Rockefeller thành lập một quỹ từ thiện cho cộng đồng với quỹ gây dựng bằng cách bán toàn bộ bộ sưu tập giá trị khoảng 1 tỷ đô la.
Công việc sưu tập của gia đình Rockefeller là một câu chuyện tuyệt vời bởi vì tôi đồng cảm từ việc họ đến với hành trình vì niềm vui, tạo ra sự cân bằng cho lối sống và cái cách mà bộ sưu tập kết thúc.
Những ai tìm hiểu Phật giáo sẽ hiểu khái niệm “buông” – đến lúc không thể nắm giữ được nữa, ta sẽ phải buông thôi. Hoặc như lời Phật dạy, đủ đau đớn thì sẽ biết buông là gì.
Tôi không phải họa sĩ thực hành nên không rõ ngụ ý cụ thể nơi họ, có thể là nếu theo đuổi danh vọng và tiền bạc – sẽ tới lúc nó quay phản lại nghề nghiệp và nghệ thuật lẽ ra phải được dẫn dắt bởi niềm tin của mình.
Theo tôi, cứ từng bước với mỗi tác phẩm, vui với nó và chờ đợi khám phá sự tươi mới tiếp theo, không đặt ra bất kỳ tiêu chí nào (theo nghĩa không cần phải có tác giả hay tác phẩm nào để ghép vào) chính là “buông”.
Thế hệ sưu tập như anh tại Việt Nam có điều gì thú vị và đặc trưng? Anh có cộng đồng sưu tập để chơi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cùng?
Nhắc tới thế hệ sưu tập, nên để trong tương quan với bối cảnh kinh tế xã hội và vì chúng ta không trong thị trường nghệ thuật đúng nghĩa.
Số người có quá trình sưu tầm nghệ thuật đủ dài lại quá ít để có thể nhìn thấy đặc trưng liên quan nào đó. Họ khác nhau về nền tảng, về mục tiêu và dĩ nhiên cả cá tính sưu tập. Số ít này có thể gọi là bảo thủ, hiểu biết và kín tiếng hơn.
Còn đặc trưng về số lượng là có rất nhiều người chơi tranh mới. Mỗi khoảng thời gian trôi qua, số người bắt đầu mới bằng tổng số người đã tham dự từ trước tới nay. Họ rất khác nhau nhưng có hai mẫu số chung.
Một lượng nhỏ có tiềm lực tài chính với mục tiêu rõ ràng là đầu tư, có phương pháp và các cách tiếp cận như kinh doanh – cũng là một lực đẩy tốt cho thị trường nghệ thuật quá độ như Việt Nam.
Nhưng số người chơi tranh mới trẻ và văn minh hơn khiến tôi thấy lạc quan nhất, bởi nó không nằm ở khía cạnh khả năng tài chính mà cách tiếp cận cởi mở về nghệ thuật lẫn cầu thị học hỏi. Tôi nghĩ đây mới là nhân tố khác biệt lớn.
Về cộng đồng sưu tập số đông để chơi cùng thì không. Nhưng tôi có những người bạn là chủ các gallery, môi giới, một số nhà sưu tập lớn của Việt Nam, tức những mối quan hệ không hẳn chỉ liên quan tới sở thích chơi tranh.
Còn mối quan hệ giữa anh và các nghệ sĩ được thể hiện như thế nào? Anh có thể chia sẻ một số câu chuyện qua đó thể hiện cách anh tiếp cận với nghệ sĩ để sưu tập tác phẩm của họ?
Tôi không thân với quá nhiều nghệ sĩ – đúng ra với cá tính của tôi, tôi không cố tìm kiếm thêm các mối quan hệ, chỉ dừng ở mức giao tiếp xã hội chứ không phát triển nó. Không phải vì tôi không có kỹ năng, ngược lại, tôi giỏi đối thoại và làm chủ được nó.
Chỉ vì tôi có nguyên tắc không ép mình vào bất cứ việc gì khiến nó khiêm cưỡng hoặc đẩy tốc độ một cách nhân tạo. Tôi là người bảo thủ.
Đối với tôi, việc sưu tập tác phẩm dễ dàng và nhanh chóng nếu tác phẩm đủ tốt. Nó đến bằng rất nhiều con đường, có thể mua qua gallery hay qua các môi giới mà không nhất thiết phải gặp nghệ sĩ – có nhiều nghệ sĩ quen biết tôi nhiều năm mà không hề biết là tôi đã sưu tập tranh của họ.
Tôi cũng có nhiều bạn là các nhà sưu tập lớn, nếu cần, họ cũng có thể chia sẻ và ngược lại tôi cũng giúp nhiều người chơi tranh.
Thậm chí các nghệ sĩ cũng chủ động muốn tôi có tác phẩm mà họ tâm đắc, hay muốn tôi mua lưu giữ như là thiện chí yêu mến. Khác với suy nghĩ của nhiều người, tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự tin cậy đó.
Qua những gì anh chia sẻ, tôi nghĩ anh sẽ khá nghiêm khắc trong việc lựa chọn sưu tập, và sự nghiêm khắc ấy được biểu lộ như thế nào?
Sưu tập tranh khác với mua hàng thông thường, bởi nó tạo ra sự kết nối mạnh mẽ và trải nghiệm sâu sắc.
Tác phẩm nghệ thuật mà mình sưu tập nói lên nhiều về người sở hữu như gout thẩm mỹ, câu chuyện và diễn đạt cá nhân.
Tôi ý thức về những điều này, nên có nguyên tắc trong việc lựa chọn mua tác phẩm.
Tất cả thể hiện bằng kỷ luật ngân sách, bằng giá trị nghệ thuật của tác phẩm và cuối cùng, quan trọng nhất là niềm tin và niềm vui của bản thân. Bức tranh hay bức tượng, tôi có thể xem nó hàng ngày, chúng tạo cảm hứng cho tôi, tôi sống với nó, nên tôi phải yêu mến nó.
Nhưng cũng có những “nới lỏng” nhất định trong việc mua để hỗ trợ nghệ sĩ. Có cả lý do về tinh thần và vật chất cho việc này, như một cách đồng hành và ủng hộ về hướng đi nào đó của nghệ sĩ.
Tôi thích câu nói của nghệ sĩ Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh – Norman Ackroyd về việc sưu tập: “Khi hình dung bức tranh trên tường, bạn có thể sống cùng nó không ? Thi thoảng hãy tự hỏi liệu bạn có thể SỐNG mà không có nó? Nếu câu trả lời là không, đây thực sự là điều bạn đang kiếm tìm.”
Một số người cho rằng sưu tập là “sưu tập tâm hồn nghệ sĩ” chứ không phải chỉ là tác phẩm, ý ám chỉ công việc sưu tập là phải thấy ra được sự đồng điệu về mặt đạo, đức ở nơi nghệ sĩ thì mới sưu tập? Còn anh thì sao?
Câu hỏi của bạn rất thú vị và là chủ đề mà tôi muốn nhân cơ hội này mở rộng đề tài, tuy sẽ đi xa hơn nhưng quan trọng là sự chia sẻ.
“Sưu tập tác phẩm và quay lưng vào quan hệ”. Không biết ai đã nói đầy khiêu khích.
Chủ đề về sự liên hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật do họ tạo ra hoặc tham dự là tranh luận dai dẳng trong không chỉ ở hội họa mà có ở tất cả loại hình nghệ thuật khác như văn chương, điện ảnh hay âm nhạc, từ việc cảm thụ cho tới đánh giá giá trị tác phẩm.
Từ đầu thế kỉ 20, có phong trào gọi là New Criticism – chủ thuyết phê bình mới, đưa ra ý tưởng cũng như công cụ đánh giá chuẩn mực là cần tách biệt tác phẩm và nghệ sĩ. Coi mọi cá tính, thậm chí dự định hay suy nghĩ của nghệ sĩ cần loại bỏ khi đánh giá tác phẩm.
Đến giữa thế kỷ 20, những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại – Postmodernists còn đi xa hơn với slogan nổi tiếng “The artist was dead – người nghệ sĩ đã chết”, với tiếp cận rằng ý nghĩa và sự thật tác phẩm của nghệ sĩ không cần phải hiểu mà những người xem, đọc là người đồng sáng tạo và không cần để ý đến chủ ý của nghệ sĩ.
Từ thập kỷ 1990, phong trào khác lên ngôi là New Historicists – Chủ nghĩa lịch sử mới tiếp cận rằng tác phẩm nghệ thuật phải đặt trong bối cảnh xã hội về không thời gian để hiểu.
Tôi không cho rằng việc sưu tập hay đánh giá theo cách đồng nhất cá tính hoặc nhân sinh quan của nghệ sĩ, nhưng cũng không hoàn toàn tách biệt. Tôi có thể mua tác phẩm nghệ thuật mà không gặp hoặc trao đổi với tác giả. Và thực tế, tôi hầu như chưa khi nào có dịp trò chuyện cũng hiếm khi tôi hỏi về dự định hay ý nghĩa về tác phẩm, một phần tôi có đánh giá riêng và trải nghiệm riêng của mình.
Trở lại vấn đề, nếu chia sẻ về quan niệm giá trị giữa nghệ sĩ và mình thì điều đó tuyệt vời, vì hành trình sưu tập là trải nghiệm cá nhân. Rất có thể sưu tập lúc đó trở thành việc thứ yếu – một mối quan hệ mới có khi thành bạn bè là phần thưởng lớn cho tôi và cho nghệ sĩ, một số thực tế đã trở thành bạn của tôi.
Anh có dự định thú vui sưu tập của mình sẽ hướng đến việc xây dựng bảo tàng/ gallery … nào đó để khán giả có thể chiêm ngưỡng? Hay một dự án mà anh đang ấp ủ liên quan đến việc sưu tập của anh?
Tôi muốn kể một câu chuyện về một cặp vợ chồng nhà sưu tập nghệ thuật vị niệm và nghệ thuật tối giản Vogels Herbert và Dorothy, họ sưu tập gần 5.000 tác phẩm nghệ thuật trong suốt cuộc đời mình, sau đó đã hiến toàn bộ cho hệ thống bảo tàng công với yêu cầu duy nhất là mở cửa miễn phí cho công chúng.
Đây là một sự kiện lớn, nó kể một câu chuyện dài đầy cảm xúc không chỉ về thông điệp cho đi vì cộng đồng mà còn là công cụ giáo dục thẩm mỹ tuyệt vời.
Kể câu chuyện này cũng là để chia sẻ cách tôi nhìn về sức sống riêng của các bộ sưu tập cá nhân.
Dù nhỏ hay lớn thì chúng đều mang tính cá nhân về gout sưu tập. Công chúng sẽ tò mò muốn biết hoặc nhìn thấy một chút cảm hứng hay bất ngờ khi có dịp chiêm ngưỡng một số tác phẩm “mất tích” nay quay lại thị trường, thậm chí tác giả của nó cũng chờ đợi.
Đó là con đường mà tôi cho rằng những người sưu tập nghiêm túc sẽ thực hiện khi tới thời điểm.