Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Hỏa mù Nghệ thuật (kỳ 6): “Người sưu tập” Hoàng Anh Tuấn chia sẻ cách tiếp cận sàn NFT cho hoạt động kinh doanh và sưu tập

Sep 06, 2021 | By Trang Ps

“Vẽ ra một tham vọng không phải là chiến lược mà chỉ nên là giấc mơ.” – “Người sưu tập” Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về việc tiếp cận nền tảng NFT hiện nay tại Việt Nam. Từ đó, anh cũng đưa ra một số gợi ý sưu tập từ trải nghiệm cá nhân cũng như lời khuyên cho các nền tảng NFT với tư cách là một nhà kinh doanh lâu năm.

Với tư cách là một nhà sưu tập, anh có lời khuyên nào về việc nên hay không nên đầu tư vào NFT?

Theo tôi, chúng ta có thể tiếp cận như thế này.

Các sản phẩm digital, tiền số và tài sản số là xu thế của tương lai, dựa trên các nền tảng công nghệ ngày càng phát triển và tích hợp trên không gian mạng internet.

Song cũng cần nắm một điều rằng nhà phát triển thương mại dựa trên công nghệ số chỉ có 2% là thành công, 98% còn lại là biến mất/thất bại. Vì thế, đầu tư vào tài sản hay tác phẩm dựa trên NFT cũng vậy, đây đơn thuần là một tỉ lệ gaming – đánh bạc.

Đầu tư vào NFT thậm chí còn khó hơn vào tiền ảo. Nó gần như chắc chắn sẽ xuất hiện cả một ma trận các nền tảng blockchain mint – mã hóa các tác phẩm hay sản phẩm thành NFT (nền tảng Cổng trời là một ví dụ ). Lựa chọn đúng nền tảng đòi hỏi kỹ năng thiên về kinh doanh như due diligence – điều nghiên doanh nghiệp và cả sự nhạy bén bản năng để đánh giá một tác phẩm số NFT nào sẽ là một tác phẩm tiên phong Avant-garde .

Cuối cùng người tham gia buộc phải có nguồn lực và dự phóng cho 98% trở về 0 – nghĩa là NFT đó có thể là ” rác “.

Đó là ba tiền đề cần thiết, phân tích giả lập cho khả năng của người sưu tập, nhằm chuẩn bị sẵn tâm thế tham dự, dù đầu cơ hay đầu tư.

Được biết, NFT cung cấp cho chủ sở hữu quyền sở hữu tác phẩm, đồng thời quyền sao chép, giống như các tác phẩm nghệ thuật thực tế. Chẳng hạn, ai cũng có thể mua một bản in của Van Gogh, nhưng chỉ một người sở hữu bản gốc. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà sưu tập lại trả tiền cho một thứ có thể dễ dàng sao chép?

Nói qua một chút về bối cảnh: Nền tảng NFT đã có từ lâu, song chỉ gây chú ý mạnh mẽ khoảng 6 tháng  trở lại đây từ khi có cuộc đấu giá đạt mức 69.3 triệu USD và với sự tham gia của nghệ thuật dòng chính – nhà đấu giá Christie’s, đóng vai trò như một cú kích hoạt làn sóng đầu cơ.

Chính việc dễ dàng sao chép nghịch lý lại là yếu tố lan truyền chính cho làn sóng đầu cơ lưu giữ tác phẩm số hóa NFT. Bởi tính độc đáo không còn nằm ở khả năng khó sao chép nhân bản, mà ngược lại, càng sao chép nhiều, nhân bản chia sẻ “sống ảo” nhiều thì giá trị tác phẩm NFT càng cao, người sở hữu càng hưởng lợi. Sự sở hữu không còn là tính hiếm hay duy nhất của tác phẩm như tác phẩm nghệ thuật vật lý truyền thống, mà là cái xác nhận thông tin không thể chỉnh sửa mã hóa bởi công nghệ blockchain – chính Certificate NFT này mới là duy nhất.

Đây là sự đặt cược của các nhà sưu tầm, đầu tư lẫn đầu cơ  logic cho lý do “xuống tiền” của mình.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời họ sai hay đúng. Liệu họ có phải là các nhà sưu tập tiên phong cho các tác phẩm avant-garde đi trước thời gian hay không. Như trong quá khứ với logic tương tự từ thiết bị vệ sinh sản xuất hàng loạt “Fountain” của M. Duchamp năm 1917 tới quả chuối kèm Certificate “Comedian” 2019 của Maurizio Cattelan, với mong muốn lặp lại thành quả 69,3 triệu USD cho file ảnh ghép “Everydays: The First 5000 days” của Beepple.

Anh chân dung kỹ thuật số vẽ NST Hoàng Anh Tuấn của Hải Kiên.

Được biết anh cũng là một nhà kinh doanh, đứng từ khía cạnh này, anh có thể gợi ý “cách sửa sai” cho một số đơn vị NFT Việt Nam hiện nay?

Các start-up dựa trên nền tảng công nghệ của Việt Nam thường có một nhược điểm cố hữu là thiếu thực tế về kích cỡ thị trường, sao chép mô hình thành công gượng ép bề mặt, thiếu cả nền tảng hậu thuẫn cho một mô hình cả tài chính lẫn khả năng.

Phần lớn thể hiện tham vọng làm mọi thứ kể cả việc thuộc sở đoản. NFT Cổng trời dường như muốn làm cả tiền mã hóa riêng, sàn giao dịch NFT, cả việc “giám tuyển” cái gì sẽ được “mint” – nghĩa là mã hóa thành NFT. Mà chỉ cần làm tốt một việc và được thị trường chấp nhận tin cậy đã là một “quả núi” đòi hỏi rất nhiều từ tài chính, chiến lược thực tế đến uy tín…

Gợi ý của tôi thực ra không mới: một start-up càng có cơ hội thành công thì nếu thay vì bắt đầu vội vã nên có một  strategic master plan – kế hoạch chiến lược tổng thể dựa trên nguồn lực hiện tại của mình và nguồn lực có thể nắm bắt được trong thực tiễn. Việc vẽ ra một tham vọng không phải là chiến lược mà chỉ nên là giấc mơ.

Quan sát học hỏi từ các trường hợp tốt nhất, rút ra được “best practice” là yếu tố sống còn.

Các nền tảng nếu định tham dự vào thị trường NFT tiềm năng này buộc lựa chọn hoặc tập trung làm blockchain tiền mã hóa (cái này không liên quan trực tiếp). Mà khả thi nhất là chỉ nên tập trung cho sàn giao dịch các NFT và sử dụng thanh toán tiền số và công nghệ mã hóa Ethereum đã trải qua thử thách trong tiến trình số hóa NFT. Một bước quan trọng để xác lập niềm tin và khả dĩ logic với một start-up tại Việt Nam.

Theo anh, nghệ sĩ học được gì qua điều này, để họ không đánh mất đi sự tỉnh táo lẫn uy tín của mình trước những nhà sưu tập như anh?

Tôi chỉ muốn nêu một ý nhỏ là thực tế họa sỹ không cần phải định giá qua tiền ảo làm gì (dù về mặt thuần thương mại, họa sỹ có thể tùy thích đặt giá). Vì tác phẩm tranh của một số họa sĩ như Phạm An Hải cùng rất ít họa sỹ khác như Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa,… có thanh khoản và quan trọng là lượng giao dịch nhiều qua “thứ cấp”, nghĩa là việc mua bán tranh giữa các người sưu tập (không chỉ họa sỹ – nhà sưu tập), tức định giá tranh có qua thử thách thị trường. Việc có một nền tảng nhiều nhà sưu tập cùng thực tế giá trị tranh qua giao dịch thứ cấp tăng đều đã là cơ sở tốt và tương đối vững từ góc độ quy luật kinh tế. Thế nên, nhấn mạnh việc định giá tranh “cơ học” là không cần thiết với chính họa sỹ. Tất nhiên là tùy lựa chọn và cũng không nên quá nặng nề căng thẳng.

Bài học chính là việc định giá tác phẩm và giao dịch tác phẩm khi họa sỹ là người sáng tác, đồng thời cũng tham gia trực tiếp bán tranh.

Rất khác với trên thế giới, hầu hết tranh của nghệ sĩ được giao dịch thông qua các dealer hay gallery thương mại, những tổ chức có đầy đủ kỹ năng, công cụ và am hiểu thị thường không chỉ giúp họa sỹ về định giá, truyền thông hay triển lãm, mà có những việc quan trọng nhưng mọi người thường coi nhẹ là quan hệ họa sỹ – nhà sưu tập khi giao dịch trực tiếp. Vì nếu hai phía không hiểu biết sẽ dễ dẫn tới quan hệ ” tổng bằng không ” chứ không phải quan hệ cùng thắng (win-win).

Nhân đây, tôi cũng muốn mở rộng chuyện này để các bạn tham khảo.

Đối với tác phẩm nghệ thuật, nó không thể là một tác phẩm có đời sống hoàn chỉnh nếu chỉ nằm tại xưởng vẽ hay không được sưu tập. Nên giá trị thương mại là quan trọng, chưa kể, giá trị thương mại của tác phẩm có ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý và vô thức tới sự thưởng ngoạn và đánh giá giá trị của tác phẩm, tác giả. Nhưng quan trọng nhất là nó cần được sưu tập và quan trọng thứ nhì là nó sẽ nằm trong bộ sưu tập nào (nằm trong bộ sưu tập càng uy tín thì giá trị hay đời sống của nó càng cao: bảo tàng, tổ chức hay sưu tập tư nhân uy tín,…)

Dưới góc độ thuần lợi ích của nghệ sĩ: Việc tác phẩm có đời sống hoàn chỉnh quan trọng hơn giá trị lượng hóa thuần tài chính. Tham vọng cả hai thường không được thực tiễn chứng minh. Hệ quả nhiều tác phẩm tốt im lìm trong xưởng vẽ – về lâu dài quay lại ảnh hưởng tới chính động lực và sáng tạo của nghệ sĩ.

Cũng như vậy, theo anh, nhà sưu tập có thể học được điều gì việc này?

Bài học đối với người sưu tập không mới, chúng ta cứ theo câu chuyện tự nhiên và bản chất nhất của sưu tập: sưu tập là một sở thích với phần thưởng là giá trị tinh thần. Sưu tập không phải đầu tư. Còn nếu bạn chơi tranh mà trước tiên cứ nghĩ tới khả năng sinh lời, thí nó phá hỏng niềm vui của bạn.

Thứ hai, đầu tư cần các kỹ năng khác hẳn: kiến thức về due diligence, tìm hiểu, điều tra mọi góc độ của thương vụ, cảm nhận và hiểu thị trường. Và đầu tư nghệ thuật cũng như các ngành nghề khác – chỉ thành công khi ta là chuyên gia.

Vậy khi trở về với giá trị bản chất vô cùng đơn giản: hãy để niềm yêu thích của mình dẫn dắt, ta khó có thể sai được dù là sưu tập truyền thống hay với tác phẩm nghệ thuật số hóa NFT.

Anh có thể chia sẻ một chút về thú vui sưu tầm nghệ thuật của anh, như một gợi ý cho các nhà sưu tập đang trong giai đoạn bắt đầu?

Người chơi tranh thường trải qua nhiều giai đoạn và đôi khi các kiến thức tư vấn bên ngoài thực ra không giúp họ được nhiều, nhất là giai đoạn đầu tiên.

Mua một hay hai bức tranh để trang trí cho một khoảng tường trống thì bạn đơn thuần là người mua tranh. Nếu có ý định sưu tập nghiêm túc thì cần tiền bạc nhiều hơn, kế hoạch nếu không nói quá là chiến lược, cũng như kiến thức và thời gian.

Khi quyết định, tôi thường nhìn vào vài khía cạnh: giá trị nghệ thuật, giá trị thị trường và sự tin tưởng cá nhân. Tôi coi đây là ba đỉnh của một tam giác cho câu trả lời có hoặc không sưu tập. Hơn nữa, một tác phẩm tốt phải xem xét trong cả tiến trình sáng tạo của nghệ sỹ. Giá trị thương mại phải đặt trong bối cảnh so sánh nghệ sĩ cụ thể và thị trường chung.

Chân dung Hoàng Anh Tuấn do họa sỹ Lê Quảng Hà vẽ dành tặng.

Cuối cùng là sự tin tưởng vào bản thân, rằng tác phẩm có phù hợp với sưu  tập. Điều này trở lại với câu hỏi cốt lõi rằng một tác phẩm dù chất lượng nghệ thuật tốt, giá trị thương mại phù hợp song, liệu bạn có muốn đặt lên bức tường trong không gian sưu tập. Nếu câu trả lời là có (dù bất cứ hoàn cảnh nào) cũng chính là sự kiểm chứng cuối cùng cho sự yêu thích tác phẩm.

Tất cả điều này tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau. Một tác phẩm tốt nếu tách rời không cho biết quá nhiều về phong cách hay phương pháp của nghệ sĩ là nhất quán hay không. Chính là giá trị nghệ thuật cũng đồng nghĩa với giá trị thương mại.

Một tác phẩm tốt không đồng nghĩa với “overprice”  hay vô giá. Mọi thứ kể cả tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời cũng đều có một mức xác định hợp lý. Và, không có bức tranh nào hay tác giả nào mà một người sưu tập bắt buộc phải có.

Một gợi ý nhỏ từ trải nghiệm sưu tập của tôi:   Về nguyên tắc, không thể mua mọi tác phẩm và mọi tác giả nên chiến lược là phải có tiêu chuẩn sưu tầm phù hợp với nguồn lực tài chính dành cho bộ sưu tập của mình. Bạn có thể dành một khoản tài chính đáng kể trong trường hợp cần thiết nên sưu tập một hoặc hai tác phẩm tốt nhất của một vài họa sỹ quan trọng. Thời gian trôi qua thường chứng minh, tác phẩm lúc trước có thể rất đắt nhưng sau này hóa ra là hợp lý. Và một hệ quả tất yếu,  giá trị của cả bộ nâng tầm cả hai khía cạnh nghệ thuật và tài chính.

Họa sỹ Đặng Xuân hòa, 120 x 140 cm. Hoàng Anh Tuấn sưu tập vào 07/1999.

Anh đã tìm hiểu và mở rộng kiến thức về thế giới nghệ thuật như thế nào?

Với cá nhân tôi, sưu tập đơn thuần là một sở thích kéo dài. Tôi luôn muốn mở rộng mối quan tâm của mình và sưu tập nó như một lối sống trong nhiều mối quan tâm khác như sách hay thể thao. Tôi có một thuận lợi lớn là sở thích sưu tập sách tương tác với sưu tập tranh, từ đó mở rộng không chỉ kiến thức và thúc đẩy lẫn nhau.

Phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề trong kinh doanh hay trải nghiệm chơi thể thao cũng hình thành nên bản năng thứ hai.

Việc luôn đi với những người hàng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, áp dụng cho sở thích như sưu tập tranh, giúp mình rút ngắn quãng đường, đồng nghĩa “học phí” tiết kiệm.

Một số thực hành cụ thể cần có như dành thời gian ghé thăm các bảo tàng, xưởng vẽ nghệ sỹ, giữ quan hệ với các gallery, cộng đồng sưu tập tranh, cập nhật và tham gia các sự kiện như triển lãm, workshop, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật,…


 
Back to top