ART & CULTURE

“nát giỏ còn bờ tre”: Cái đẹp còn mãi khi người ta không đánh mất đi sự nhạy cảm

Nov 04, 2020 | By Trang Ps

“Cuộc đời này, đơn giản là yêu thôi, mọi thứ sẽ tự dẫn tới!” Họa sĩ Trung Nghĩa đã liên tục lặp lại như vậy hồi năm ngoái, khi chúng tôi cùng trò chuyện với nhau ở Sài Gòn để bàn về một dự án mà anh đã ấp ủ xuyên suốt 4 năm. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, với bao biến cố nhân – thiên tai xảy ra trong năm 2020, cuối cùng, anh cũng có cơ hội trình làng dự án nát giỏ còn bờ tre, khai mạc vào 7/11 này tại Gallery Hải An, Sài Gòn.

Trước thềm sự kiện, Art Republik/Luxuo đã có một cuộc trao đổi thân tình cùng họa sĩ, để hiểu hơn về chặng đường sáng tạo bền bỉ mà say mê của anh.

Chào họa sĩ Trung Nghĩa! Có lẽ, bộ sưu tập nát giỏ còn bờ tre đã chứng minh “cuộc vượt biên” đầy thú vị trong sự nghiệp sáng tác của anh, khi mà những bức tranh khói lửa quen thuộc đã nhường lối cho hoạt động sáng tạo mà ý nghĩa nằm ở hành trình hơn là sản phẩm cuối cùng. Anh có thể chia sẻ một chút về ý niệm khởi đầu dự án?

Vào năm 2016, tôi trở về Đà Nẵng một năm thì bắt đầu cảm thấy chán, lúc đó cũng tặc lưỡi tự nhủ: “Thôi, còn dăm trăm triệu trong tay, mua mảnh đất ven suối ở Đà Lạt ở cho sướng! Chả suy nghĩ nhiều nữa!” Nhưng một ông anh nghe thế liền bảo: “Mày ngu quá! Ở đây thiếu gì đề tài, ở yên chốn quê cha đất tổ mà làm!” Nghĩ cũng hợp lý! Vậy là ý định rời nơi chôn rau cắt rốn tạm gác qua một bên.

Những ngày lông bông ấy, tôi đánh xe ra biển, đăm chiêu nhìn những chiếc ghe tre nằm lạc lõng giữa đất trời và bị ám ảnh bởi những đường đan thật đẹp. Tình cờ sau đó, tôi trở về quê cha Nông Sơn, Quảng Nam mấy ngày và bắt gặt nhà nào nhà nấy đều treo những chiếc ghe tre. Như đứa trẻ, tôi sờ mó, đụng chạm và hỏi han người dân liên tục. Từ đó, mối nhân duyên giữa tôi với những người thợ đan bắt đầu…

Và thế, thay vì bỏ ra 500 – 600 triệu mua một mảnh đất ở Đà Lạt, tôi quyết tìm cho bằng được những người thợ có thể đi cùng mình, và trả lương cho họ. May mắn, cuối cùng, tôi cũng “gom” được 4 ông, người trẻ nhất 79 tuổi và già nhất thì đã 86. Họ là những người gần đất xa trời, những con người đã gần như bị lãng quên giữa lòng xã hội. Họ từng làm đủ nghề mưu sinh, từ khai thác gỗ, thợ dầu rái, nông dân, nhưng mang trong mình kỹ năng và sở trường nhất định về tre. Cái chất của họ không phải của một người bình thường. Họ là nghệ sĩ và “dị nhân”. Bằng sự tiếp cận kiên nhẫn, tôi đã thuyết phục các lão ông để ngồi xuống bàn bạc, truyền cảm hứng cho nhau, dùng các vật liệu mây trong rừng dầu, tre gai gò cực bền và tốt, cứt trâu, đất sét, dầu rái… đủ cả, kết hợp lối xử lý truyền thống để hình thành bộ tác phẩm mây tre đan kỳ công tỷ mỉ cho triển lãm nát giỏ còn bờ tre.

Họ là nghệ sĩ và “dị nhân”

Những ghe tre, con cá chết khô, cục đá… Những cảm hứng ấy đến từ đâu, thưa anh?

Tôi nhớ cách đây khoảng 3 năm, đó là một ngày gió mưa bão bùng làm lòng người chẳng yên. Một mình tôi lái xe cọc cạch lên cùng những người thợ, đến đoạn đèo tuyệt đẹp Phường Rạnh thì bỗng nghe một tiếng “ầm” lớn phía trước. Thì ra là một đống đất đá lăn từ vách núi xuống che mất một phần đường. Lấy tay gạt nước mưa hai bên má, cố lách qua đống đá rồi đi tiếp, đến nơi thì tôi ngồi cùng các ông thợ hàn huyên, cười đùa rồi… bỗng đâu quyết đan cục đá làm kỷ niệm.

Cảm hứng đến từ những tình huống bất chợt và dễ thương như vậy.

Những bông hoa tuyệt đẹp đã mọc quanh những hòn đá, con cá chết khô, con ốc bươu và cả chiếc ghe lủng lỗ chỗ,… Nhưng, rồi tôi bất giác nhận ra rằng những bông hoa đó mới chính là phần hồn của tác phẩm.

Tôi vẫn nhớ các bác thợ cứ thắc mắc: “Ghe gì mà lủng lỗ chỗ chẳng chèo được mà còn đầy hoa như thế này?” Bản thân mỉm cười thản nhiên, bảo rằng không sao, cuộc đời có lúc xoay cuồng trong bão tố, chèo chống cũng vô ích! Dù hoàn cảnh luôn biến thiên và lắm lúc không nuông chiều khát khao cá nhân mỗi người, thì hoa cỏ cuộc đời vẫn phải tưng bừng và đua nở như niềm hy vọng lạc quan sâu thẳm của tâm hồn.

Mọi thứ rồi phải tàn lụi, tan biến theo thời gian để những thứ khác được mọc lên. Chỗ có cái chết, có sự lãng quên thì hoa cỏ dại mọc, đẹp biết bao! Hoa cỏ chi chít trong tác phẩm là vì thế, và với hàng ngàn ngày tỉ mỉ đan, các tác phẩm cũng từ từ thành hình.

Họa sĩ Trung Nghĩa

Có nhiều thứ trong cuộc đời không phải vì ta đã lãng quên, mà ta thiếu đi sự nhạy cảm và quan sát. Và tôi tin, những con người gần đất xa trời mà anh có nhân duyên làm cùng trong 4 năm không đến từ một mục đích hẳn hoi mà là sự nhạy cảm với cái đẹp.

4 năm trước khi đến Nông Sơn, Quảng Nam, tôi đã rất bất ngờ khi nhìn những chiếc ghe tre còn sót lại, vì giờ đây, người ta đã chuyển sang ghe thiếc. Những đường đan ấy mê hoặc tôi đến nỗi tôi đã sờ mó và hỏi han rất nhiều về chúng. Có lẽ, sự nhạy cảm với những gì còn sót lại ấy đã hình thành mối nhân duyên giữa tôi và các bác thợ đan, những con người “thấp cổ bé họng” và gần như đã bị cả thế giới lãng quên.

Đối với tôi, vũ trụ vần xoay theo quy luật vô thường và sinh diệt. Nhưng cái đẹp thì còn mãi, chỉ cần người ta đừng đánh mất đi sự nhạy cảm và bản năng quan sát của chính mình. Tôi nhớ, trước đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng – Quảng Nam, tôi đau lòng chứng kiến một người thợ ra đi, một người khác được đưa vào khám ung bướu, còn ông thợ già 86 tuổi thì đau ốm triền miên, mắt mờ chân run… 4 năm trước, họ vẫn còn leo cây đốn tre nhanh nhẹn, vậy mà, giờ đây tôi như thể đứng trước những con người khác. Thời gian khốc liệt là thế, đời người vốn dĩ mong manh. Thế nên, nếu không có sự nhạy cảm và quan sát, thì trong từng khoảnh khắc ta đã bỏ lỡ đi bao nhiệm màu cuộc sống. Đặc biệt trong xã hội hiện đại nay, con người dễ dàng bị ru ngủ trong những tiện nghi công nghệ rồi đánh mất đi cảm xúc và trực giác nhạy bén vốn có từ lúc nào chẳng hay.

Nếu không có sự nhạy cảm và quan sát, thì trong từng khoảnh khắc ta đã bỏ lỡ đi bao nhiệm màu cuộc sống.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị và chân thành!

Ảnh: NVCC

Triễn lãm “nát giỏ còn bờ tre” được đồng tổ chức bởi Art Republik, Luxuo và Saigon vivu, mở cửa tự do tại Gallery Hải An, lầu 4, số 2B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp. HCM, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối từ ngày 08 – 14/11/2020.

 


 
Back to top