ART & CULTURE / Nghệ sĩ

Nguyễn Văn Đủ: Sự gò ép là điều tối kỵ trong sáng tạo nghệ thuật

Jun 29, 2019 | By Trang Ps

Trong khoảng thời gian khi sử dụng máu bò cho các bức tranh thuộc dự án “Lò Mổ” thì nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ còn dùng máu của chính mình để phác họa nên các tác phẩm ẩn dụ những ý niệm sâu sắc hơn. Sáng tạo khác biệt khởi đi từ cảm hứng đời thường của Đủ có thể khiến bất cứ ai yêu và mê nghệ thuật cũng phải kinh ngạc.

Lò Mổ #10, 2017, 161x213cm, Máu bò trên giấy bồi trên vải bố. Hình ảnh: Nguyễn Cao Ngọc Tâm

Biết đến Đủ thông qua triển lãm “Lò mổ series | Slaugterhouse series”, chúng tôi bị thu hút hoàn toàn bởi những bức tranh khổ lớn diễn tả lại cảnh mổ bò tại các lò mổ địa phương mà chàng nghệ sĩ trẻ từng đặt chân đến. Vẽ tranh bằng máu không còn quá xa lạ, nhưng tranh Đủ vẫn để lại nhiều nỗi ám ảnh mê hoặc khó lý giải, ẩn sâu trong đó là thông điệp vừa châm biếm, vừa gợi lên biết bao câu hỏi không dễ diễn tả thành lời.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ từng có triển lãm đầu tay ngay sau khi rời cánh cổng trường đại học (2012), và từ đó, anh bền bỉ sáng tác, không ngừng tìm kiếm những chất liệu mới, dung nạp ý tưởng mới, ấp nủ nó, sống chung với nó, trước khi ý tưởng trở thành hiện thực và đến với người thưởng thức. Chúng tôi thấy ở người nghệ sĩ ấy ý chí kiên định, và hơn tất thảy, là một cá tính khác và mới khi đem so sánh với thế giới nghệ thuật muôn màu ngoài kia.

Chào Đủ! Quay trở lại triển lãm đầu tay “Một mớ bòng bong” diễn ra vào năm 2012, để chuẩn bị cho triển lãm này, anh đã mất thời gian bao lâu? Anh đánh giá như thế nào về bước khởi đầu này của bản thân?

Tôi có thói quen vẽ liên tục ngày này qua ngày khác từ hồi nhỏ đến giờ. Từ khi bắt đầu vào học tại Đại học Mỹ thuật Tp. HCM (2007-2012), bài tập ở trường yêu cầu chúng tôi hoàn thành mỗi bài trong vòng một tháng. Song song với khoảng thời gian này, tôi vẽ thêm từ 3 đến 4 bức theo yêu cầu mà bản thân tự đặt ra.

Tác phẩm: Suy tính mỗi ngày trôi, 2010, 150x150cm, oil on canvas. Hình ảnh: Triều Sumo

Triển lãm “Một mớ bòng bong” diễn ra năm 2012 tập trung vào những bức tranh ở nhà của tôi trong thời gian theo học tại Đại học Mỹ thuật. “Một mớ bòng bong” cũng như một mớ hỗn loạn kiến thức mà tôi học được ở trường, bên ngoài các phòng triển lãm trưng bày công việc của nghệ sĩ và internet. Nói đó là một mớ hỗn loạn cũng đúng, vì khi nhìn lại các bức tranh ở thời điểm ấy, tôi nhận thấy kiến thức tôi học ở trường là một nơi thì triển lãm bên ngoài phòng trưng bày là một nẻo, còn internet là thế giới bao la, rộng lớn.

Thiết nghĩ, cái được lớn nhất vào thời điểm đó là tôi được làm việc liên tục, sống trọn vẹn với nghề vẽ. Điều này cũng giúp tôi tự đặt câu hỏi chấp vấn lại với những ý tưởng và kiến thức mà mình thu nhặt ở muôn nơi. “Một mớ bòng bong”, suy cho cùng, là bước đệm để tôi củng cố kiến thức mà tôi đã học suốt 5 năm tại trường đại học Mỹ thuật, và tự ý thức về những kỹ năng mà bản thân cần bổ sung để tiếp tục nghiệp vẽ đến sau này.

Được biết, sau “Một mớ bòng bong”, anh tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật trong dự án “Phòng thí nghiệm Sàn Art”. Từ đây, anh đã tiếp tục ra mắt những triển lãm nào?

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được mời vào chương trình lưu trú nghệ thuật kéo dài 6 tháng trong dự án “Phòng thí nghiệm Sàn Art”, Tp. HCM vào năm 2013. Tại đây, tôi có nửa năm liên tục để dành trọn cho nghệ thuật mà không bị áp lực về tài chính hay phí sinh hoạt hàng ngày.

Tôi được tư vấn kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế hay được những nghệ sĩ chuyên nghiệp hướng dẫn cách xây dựng đào sâu vào một ý tưởng cho tác phẩm trở nên sâu sắc. Đặc biệt hơn, tôi có dịp gặp gỡ, cọ xát với bộ máy vận hành nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn cầu từ nghệ sĩ, giám tuyển, giám đốc bảo tàng đến các nhà sưu tập, học giả, nhà tri thức… khi họ ghé thăm Sàn Art.

Bước khởi đầu của dự án “Lò mổ” đặt câu hỏi về mối quan hệ bạo lực của con người lên động vật mà tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các tác phẩm cho đến hôm nay.

Thành quả sau 6 tháng là triển lãm nhóm “Tâm Trí – Xác thể – Vật chất” bao gồm tôi và 2 nghệ sĩ khác cùng tham gia chung kỳ lưu trú. Trong triển lãm này, tôi trưng bày 3 tác phẩm mô tả cảnh diễn ra tại lò mổ bò bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố mà tôi đã hoàn thành trong kỳ lưu trú. Đây cũng đánh dấu bước khởi đầu của dự án “Lò mổ”, đặt câu hỏi về mối quan hệ bạo lực của con người lên động vật mà tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các tác phẩm cho đến hôm nay.

Triển lãm nhóm “Khi chất thể chống lại mơ mộng; Nhục thể chống lại vô nhiểm; Ý thể chống lại vật chất – Các khả năng mới của tranh vẽ”. Hình ảnh: Phan Quang.

Đầu năm 2017, tôi có thêm triển lãm nhóm “Khi chất thể chống lại mơ mộng; Nhục thể chống lại vô nhiểm; Ý thể chống lại vật chất – Các khả năng mới của tranh vẽ”, tại The Factory Contemporary Art Centre, Tp. HCM. Khoảng cuối năm 2017 là triển lãm nhóm “Máu, mồ hôi, nước mắt | Blood, Sweat and Tears” tại hội chợ nghệ thuật, Start Art Fair- Start Projects – Vietnam Eye tại phòng trưng bày Saatchi Gallery ở London, Anh.

Làm nghệ thuật bền bỉ và xuyên suốt một thời gian dài như vâỵ, sự khác biệt và bước ngoặt to lớn nào mà anh nhận thấy được từ những tác phẩm của mình?

Khoảng thời gian lưu trú 6 tháng tại “Phòng thí nghiệm Sàn Art” giúp tôi vừa củng cố kỹ năng làm việc vừa học thêm nhiều kỹ năng mới. Tất cả kiến thức là vốn liếng để bản thân tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật về sau. 6 tháng đó giúp tôi nhận ra nghệ thuật là đời sống. Khi hiểu nghệ thuật là đời sống, nghĩa là mình sống chung với nó. Sống chung với nghệ thuật cũng khiến bản thân trưởng thành hơn theo thời gian. Và, nhu cầu sáng tạo tác phẩm hay nhu cầu được xem triển lãm, sống chung với các tác phẩm cũng xảy ra rất tự nhiên.

Những ý tưởng đầu tiên được lóe ra từ chính nhận thức của người nghệ sĩ là kết quả từ sự tương tác sâu sắc của đời sống lên nhận thức anh ta. Đầu tiên, ta cần sống chung với các ý tưởng đó một thời gian dài. Thật vậy, những ý tưởng trong tôi thường kéo dài từ một đến hai năm rồi mới hình thành nên tác phẩm. Việc sống chung với ý tưởng cũng coi như mình là người đầu tiên thí nghiệm lên trên ý tưởng, trước khi tác phẩm thành hình và đến với người xem.

Tác phẩm: Lò mổ#16, 2016, 160x160cm, máu bò trên giấy bồi trên vải bố. Hình ảnh: Nguyễn Cao Ngọc Tâm

Được biết, anh luôn tìm tòi và thử nghiệm các phương thức mới, đặc biệt như gần đây anh thử nghiệm máu bò và máu người để vẽ, anh có chia sẻ gì về điều này? Trong tương lai, anh muốn thử nghiệm thêm những gì mới mẻ nữa?

Tôi nghĩ mình là người có nhiều tò mò, và tác phẩm là kết quả của những sự tò mò ấy.

Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016, tôi thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến các lò mổ bò tại Trảng Bom – Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. HCM và Hà Nội. Đến đầu năm 2016, tôi nhận ra ở lò mổ hàng ngày nhuốm đầy máu bò và kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Máu nhuốm lên dụng cụ giết mổ, cơ thể người thợ mổ, máu lênh láng trên sàn lò mổ, bắn tung tóe lên cơ thể con bò, thậm chí là trần lò mổ. Dùng máu bò để phác họa cảnh diễn ra tại lò mổ bò thể hiện đúng nghĩa đen của hành động vẽ rằng nơi đây hình thành nên từ máu của chính loài động vật này.

Hiện tại, dự án mà tôi đang phát triển sử dụng máu của chính mình mà vẽ thành những bức tranh phong cảnh. Bắt đầu, tôi vẽ cánh đồng nơi những mảnh ruộng, mảnh vườn mà ba má tôi đã từng sở hữu. Sau đó, tôi vẽ phong cảnh Việt Nam, nơi mà tôi từng có cơ hội đặt chân tới. Dự án tái khám phá hành động vẽ và cấu trúc của bức tranh.

Tác phẩm: Lò mổ#15, 2015, 145x 195cm, sơn dầu trên vải bố. Hình ảnh: Triều Sumo

Máu được lấy ra khỏi cơ thể tôi từ tĩnh mạch tượng trưng cho bạo lực và chết chóc, dự án đặt câu hỏi về tính bạo lực ẩn đằng sau chủ nghĩa quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

Tôi thiết nghĩ, vẽ là một hành động bạo lực – vẽ phong cảnh là tập trung hết sức lực của người nghệ sĩ phóng tầm mắt tấn công vào phong cảnh, khái quát lại tổng thể phong cảnh ấy lên mặt giấy canvas bằng trực giác và niềm tin mỹ học riêng tư của người nghệ sĩ. Máu được lấy ra khỏi cơ thể tôi từ tĩnh mạch tượng trưng cho bạo lực và chết chóc, dự án đặt câu hỏi về tính bạo lực ẩn đằng sau chủ nghĩa quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

Đối với một người làm nghệ thuật nghiêm túc, anh đề cao điều gì nhất trong quá trình sáng tác?

Tôi cho rằng tác phẩm cần xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của người nghệ sĩ. Ý tưởng là sự tương tác sâu sắc giữa họ với đời sống và thế giới tri thức. Một tác phẩm hay là tác phẩm đã đặc được câu hỏi chưa có lời đáp trong đời sống. Ý tưởng sẽ là quan trọng nhất trong quá trình sáng tác, vì trải nghiệm cuộc sống theo thời gian thì ý tưởng sẽ tự nảy sinh, chứ không vì gượng ép mà hình thành.

Một tác phẩm có cấu trúc vững chắc sẽ là 50% nằm ở lý lẽ của ý tưởng mang tính văn bản và 50% còn lại nằm ở phần trình bày thị giác. Ý tưởng và thị giác từ đây sẽ tương trợ lẫn nhau để đặt câu hỏi gây tranh luận cởi mở trong đời sống, nhằm cung cấp tri thức mới giúp thế giới tri thức giàu có hơn, hoặc tạo nên cảm hứng mới mẻ trong đời sống.

Một tác phẩm có cấu trúc vững chắc sẽ là 50% nằm ở lý lẽ của ý tưởng mang tính văn bản và 50% còn lại nằm ở phần trình bày thị giác.

Điều anh kỵ nhất trong quá trình sáng tác nghệ thuật là gì?  

Sự tự do bị gò ép.

Đi ra thế giới đang là xu hướng, kể cả trong nghệ thuật, điển hình như nhiều nghệ sĩ Việt hiện nay triển lãm tác phẩm của mình ở nhiều nước khác nhau. Anh có suy nghĩ gì về điều này, dự định “đi ra thế giới” của anh sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ Việt Nam là một phần của thế giới, thành thử không cần phải đi đâu cả. Để trở thành một nghệ sĩ thành công trên toàn cầu, đầu tiên nghệ sĩ phải nổi tiếng trong nước trước đã.

Tác phẩm của anh chủ yếu là tranh vẽ sơn dầu trên vải bố, các thử nghiệm với acrylic, sơn công nghiệp trên vải bố,  bột màu và màu nước trên giấy dó, màu nước trên lụa, ảnh chụp và video. Trong số này, đâu là chất liệu nói lên cá tính sáng tác của anh rõ ràng nhất?

Suốt 5 năm  theo học vẽ tại đại học Mỹ thuật Tp.HCM từ năm 2007-2012 tôi được đào tạo chủ yếu là chất liệu vẽ sơn dầu, vì tính năng mô tả phong phú của nó, chất liệu vẽ sơn dầu có nguồn gốc từ châu Âu và đi vào Việt Nam bằng con đường thuộc địa, đầu tiên sơn dầu được dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 tại Hà Nội.

Nguyễn Văn Đủ (giữa) và Trần Nguyễn Trung Tín (phải) đối thoại cùng giám tuyển Nguyễn Như Huy (trái). Hình ảnh: Phan Quang

Ảnh chụp và video hỗ trợ tôi thu thập tư liệu thực tế phục vụ cho các bức vẽ. Đa số tranh tôi vẽ là từ những bức hình tôi chụp lại tại lò mổ. Tôi dùng chế độ ghi hình nhanh của máy chụp hình kỹ thuật số cầm tay nhỏ gọn, chỉ cần một lần ấn nút chụp, hình sẽ liên tục được ghi liền ngay sau đó. Việc này giúp tôi có thể ghi lại được những hình động trong lò mổ vì mọi thứ diễn ra ở đây rất nhanh. Mỗi con bò sau khi ngã xuống thì khoảng 30 phút sau, thịt đã ra phần thịt, da, xương, lòng, ruột…mỗi thứ đã một nơi rồi.

Từ năm 2016 đến nay, tôi chỉ tập trung vẽ cảnh diễn ra tại lò mổ bò bằng máu bò được mang về từ lò mổ bò. Và bây giờ, tôi đang dùng máu của chính mình để vẽ tranh phong cảnh. Có lẽ, tôi sẽ tiếp tục thực hiện cùng lúc 2 dự án trong nhiều năm tới nữa.

Nếu được lựa chọn 3 tác phẩm tiêu biểu của mình, anh sẽ chọn những tác phẩm nào và tại sao?

Tác phẩm “Xạp Thịt” chất liệu sơn dầu trên vải bố (2012) là bài tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Tp.HCM của tôi. Ở bức tranh này, tôi tập trung mô tả sự tương phản vật chất của cơ thể Người sống là Ông chủ gian hàng bán thịt mập mạp đồ sộ với những thân thịt máu me chết chóc của con Bò và con Heo xổ ra chỏng chơ trên quầy hàng với chất liệu inox sống sánh lấp loáng ánh sáng.

Tác phẩm: Xạp thịt, 2012, 150x400cm, sơn dầu trên vải bố. Hình chụp: Triều Sumo

Tác phẩm “Lò mổ#01” chất liệu sơn dầu trên vải bố được tôi hoàn thành vào năm 2014. Giữa năm 2013, sau khi hoàn thành bài tốt nghiệp “Xạp Thịt”,  tôi tự đặt câu hỏi là từ nhỏ cho đến lớn mình chưa đi vào lò mổ một lần nào cả. Từ sự tò mò này, tôi đã đi tìm mối quan hệ để đi vào lò mổ. Ở lò mổ tại Trảng Bom – Đồng Nai, tôi đã bị thu hút bởi cảnh bạo lực khốc liệt diễn ra nơi đây, con người nhỏ bé khéo léo xẻo thịt xoay quanh xác con bò đồ sộ hùng hồn nằm ngửa bụng, đổ ruột, chỏng chơ bốn chân dơ lên trời, tôi thấy ở đây là vẻ đẹp khắc nghiệt trộn lẫn với bạo lực và chết chóc. Tréo nghoe hơn nữa, con người dùng thịt ấy cho bữa ăn hàng ngày.

Tác phẩm: Lò mổ#01, 2014, 150x200cm, sơn dầu trên vải bố. Hình ảnh: Triều Sumo

Tác phẩm “Lò mổ#07” chất liệu máu bò trên giấy bồi trên vải bố được tôi hoàn thành vào năm 2016. Là tác phẩm khởi đầu cho dự án dùng máu bò tại lò mổ bò để vẽ lại cảnh diễn ra tại lò mổ bò. Và tôi vẫn tiếp tục dự án “Lò mổ” được vẽ bằng máu động vật cho đến ngày nay.

Tác phẩm: Lò mổ#07, 2016, 161x213cm, Máu bò trên giấy bồi trên vải bố. Hỉnh ảnh: Nguyễn Cao Ngọc Tâm

Nguồn cảm hứng nghệ thuật của anh đến từ đâu và trong lúc cô đơn nhất, ai là người luôn động viên, chia sẻ với anh?

Tôi luôn cho rằng nghệ thuật là đời sống, và đã là cuộc sống thì cũng bình thường như đời sống hàng ngày thôi. Cảm hứng nghệ thuật sẽ được bật ra từ đời sống khi người nghệ sĩ tương tác với nó đủ sâu sắc, cảm hứng nghệ thuật tự đến chứ không thể đi tìm được ở đâu và cũng rất dễ bị mất đi. Bởi vậy, nguồn cảm hứng nghệ thuật cần được nuôi dưỡng bền bỉ theo thời gian, kể cả ý tưởng tác phẩm.

Tôi có những người bạn đã cùng làm việc với nhau nhiều năm, đã hình thành nên một cộng đồng nghệ sĩ đương đại Việt Nam và Đông Nam Á. Chúng tôi quan sát chéo công việc lẫn nhau từ xa, phê bình chéo các ý tưởng và tác phẩm khi triển lãm mở ra hay tranh luận cởi mở qua email, Facebook hay trực tiếp để tiếp tục công việc về phía trước.

Người thưởng lãm có thể mong chờ triển lãm sắp tới nào của anh?

Ngày 13/07 tới đây, chúng tôi sẽ khai mạc triển lãm nhóm “Where The Sea Remembers tại phòng trưng bày The Mistake Room, thuộc bang Los Angeles, Mỹ.

“Where The Sea Remembers” là cuộc điều tra về nghệ thuật đương đại gần đây từ Việt Nam. Triển lãm này đặc biệt nhấn mạnh các cuộc trò chuyện chính thức và không chính thức với các nghệ sĩ hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, đồng thời cung cấp những hiểu biết về văn hóa vào một thời điểm gần đây với ý nghĩa biến đổi cho các nghệ sĩ Việt Nam cũng như cảnh quan văn hóa của khu vực.

Đầu tháng 09/2019, tôi tham gia kỳ lưu trú nghệ thuật tại Đà Lạt kéo dài khoảng 3 tuần, do Ga 0 – Zero Station có trụ sở tại Tp. HCM tổ chức. Dự án tập hợp những nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Đài Loan và Myanma tham gia cùng nhau thảo luận về bối cảnh nghệ thuật của khu vực, kết thúc kỳ lưu trú là một triển lãm nhóm.

Tới giữa tháng 12/2019,  tôi tiếp tục có một triển lãm nhóm khác tại Vincom Center for Contemporary Art, Hà Nội, thuộc dự án “ Dự án ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng  VCCA 2019”.

Cám ơn nghệ sĩ vì những chia sẽ rất chân thành!

 


 
Back to top