ART & CULTURE

Suy Tư Sáng Tác (P1): Trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Văn Đủ

Oct 06, 2021 | By Trang Ps

Series Suy Tư Sáng Tác mở đầu cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Văn Đủ, một trong 19 gương mặt chiến thắng  dự án Art Republik Next Gen 2020. Anh được biết đến nhiều qua loạt bức tranh trên chất liệu máu bò và máu người. Quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, thái độ sáng tác nghiêm túc là một trong những tố chất khiến thực hành sáng tác của anh được đánh giá cao nhất. Trong thời gian này, anh vẫn tiếp tục thực hành sáng tác bằng máu bò/máu người song song đó hướng đến những thực hành nghệ thuật đương đại khác.

Không gian studio của nghệ sĩ.

Được biết họa sĩ Nguyễn Văn Đủ đã sáng tác bằng máu bò/máu người một thời gian dài, cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo mang đến nhiều suy tư và tranh luận đa chiều. Liệu trong thời gian này, anh vẫn đang thử nghiệm, đi sâu hơn trên chất liệu này hay đã có một ngã rẽ mới?

Tôi được đào tạo để trở thành như một hoạ sĩ Chủ nghĩa xã hội hiện thực chủ nghĩa tại Đại học Mỹ thuật Tp.HCM khoá 2007-2012 với chuyên khoa hội hoạ, chuyên ngành vẽ tranh sơn dầu. Chủ nghĩa xã hội hiện thực chủ nghĩa là di sản còn sót lại tại Việt Nam của Liên Xô, bảo trợ trong thời gian chiến tranh lạnh, vẫn còn được dạy tại các trường Đại học Mỹ thuật tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Những tác phẩm đầu tiên của tôi cũng là chất liệu vẽ sơn dầu trên canvas, màu nước trên giấy.

Tôi bắt đầu dùng máu bò tại lò mổ đễ vẽ lại cảnh bạo lực diễn ra hàng ngày tại lò mổ bò vào năm 2016, đến nay cũng đã được 5 năm rồi. Dự án này đặt câu hỏi cho mối quan hệ bạo lực tại lò mổ và việc tiêu thụ thịt động vật của con người. Dự án tập trung vào khái niệm bạo lực thì chất liệu vẽ sơn dầu hay màu nước hoặc ảnh chụp là chưa thật sự đủ chân thật và mạnh mẽ, cho nên tôi mới dùng tới chính máu của những con bò bị giết tại lò mổ để vẽ tranh. Ở đây máu bò tượng trưng cho bạo lực và cái chết của những con bò tại lò mổ, đồng thời máu bò cũng tượng trưng cho sự sống vì thịt bò là thực phẩm. Dùng máu bò để vẽ tranh cũng nhắc nhớ đến những bức tranh sớm nhất của con người trên những bức vách hang động từ thời Paleolithic đến nay cũng đã vài chục ngàn năm tuổi rồi, từ những khảo cổ này cũng cho thấy hình ảnh sớm nhất được con người vẽ là hình ảnh động vật và chất liệu đầu tiên được dùng để vẽ cũng chính là máu động vật.

Phát triển song song tôi cũng đã bắt đầu dùng máu của chính mình trộn chung với vàng lá 24k để vẽ tranh phong cảnh tại địa phương và trên toàn cầu. Dự án này tôi đặt câu hỏi về tính bạo lực ẩn đằng sau chủ nghĩa quốc gia và lòng tự hào dân tộc. Tác phẩm tập trung vào phong cảnh của ngày hôm nay là kết quả của quá trình phát triển kinh tế toàn cầu hoá. Thời đại ngày hôm nay là thời đại của bùng nổ kinh tế toàn cầu là chưa từng có trong lịch sử, kinh tế bùng nổ nhanh chóng làm cho phong cảnh biến đổi không ngừng, tài nguyên thiên nhiên cũng cạn kiệt dần. Những bức tranh phong cảnh ngày hôm nay cũng nhằm đối thoại với bức tranh phong cảnh trong lịch sử Mỹ thuật Phương Đông và Phương Tây. Máu trên tác phẩm tượng trưng cho bạo lực và cái chết đã lưu trữ trong phong cảnh qua nhiều thời đại, vàng lá 24k lấp ló loé sáng trên tác phẩm tượng trưng cho vinh quang. Vàng lá 24k được dát mỏng tại làng nghề Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội, làng nghề đã có lịch sử hơn 400 năm do danh nhân Nguyễn Quý Trị truyền dạy. Máu trên tác phẩm cũng giúp lưu trữ DNA một cách bền vững, giúp xác nhận danh tính của một người một cách chính xác nhất.

Chân dung Chị Mai_2021_135x160cm_Máu Chị Mai, phèn chua, bút chì, vàng lá 24k, keo acrylic trên linen. Private Collection.

Đại dịch Covid diễn ra hai năm nay và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân trên toàn thế giới. Liệu anh có những suy tư tinh thần và sáng tác nào rút ra từ bài học trong đại dịch?

Tôi nghĩ đại dịch lần này cũng giống như những tai nạn ngoài mong muốn thường ngày của tất cả mọi người thường gặp, chỉ khác là đại dịch sẽ tạo nên một ký ức tập thể trong tương lai, có lẽ hậu dịch tễ thế giới sẽ thêm một lần nữa đổi khác, như đã thấy thì tất cả mọi người đang giúp nhau hay dìu nhau để đi qua đại dịch một cách khéo léo nhất có thể.

Thời gian đầu diễn ra dịch, tôi bị cuốn vào tin tức trên báo chí, thống kê những con số cũng khiến tôi bị khủng hoảng tinh thần một thời gian. Sau này quan sát thì cũng dễ nhìn thấy dịch kéo dài, hình như là mọi người đã quen dần và bắt đầu tập sống chung với dịch, và tôi cũng vậy.

Tôi nghĩ phần việc của tôi là một hoạ sĩ cho dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì cũng nên tập trung làm tốt nhất phần việc của mình, việc còn lại để dành cho những người có chuyên môn cao làm sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn.

Hiện nay tôi chưa có suy nghĩ tác phẩm nghệ thuật cho Covid-19, thông thường những ý tưởng mới đến với tôi cũng tình cờ và dựa trên những nền tảng tác phẩm trước đây mà phát triển cho những tác phẩm mới, thường thì cũng mất 3 năm hoặc 5 năm sau các sự kiện.

Mùa Thu_2021_100x100cm_Máu bò, muối, phèn chua, keo acrylic trên linen.

Mỗi lần nghĩ đến tên “Đủ”, tôi lại nghĩ đó có lẽ là bài học rất lớn cho chúng ta, đặc biệt trong đại dịch này. Theo anh, lối sống Đủ từ bên trong đến bên ngoài này đã giúp anh ra sao trong việc thực hành sáng tác?

Chỉ khi người ta có đủ hiểu biết thì mới có được cuộc sống bình tĩnh chậm rãi và biết như thế nào là đủ, đủ ở đây là sự bình tĩnh. Hiểu biết ở đây là nắm đủ thông tin từ các phản biện nhiều chiều, có đủ kiến thức xã hội nền tảng, dữ liệu phong phú, để có thể cắt nghĩa phân tích được tại sao có thành công và tại sao lại thất bại trong mọi hoàn cảnh.

Nghệ thuật thông thường sẽ đứng lùi lại một bước đối với sự phát triển của xã hội, kinh tế và chính trị. Nhờ đứng lùi lại mà nghệ thuật mới nhìn thấy được tổng thể cuộc sống đang diễn ra, vai trò của nghệ thuật đối với xã hội là chỉ ra vấn đề hay là đặt câu hỏi gây cảm hứng tranh luận cho sự phát triển của nền kinh tế và chính trị, giúp cho đời sống giữ được thế cân bằng chậm rãi, thảo luận cởi mở để trở nên giàu có dữ liệu hơn. Tác phẩm nghệ thuật là một câu hỏi, và tuỳ vào nền tảng riêng tư của mỗi người mà tự trả lời câu hỏi đó cho riêng mình.

Khi sáng tác anh có đặt mình vào một trường phái nào không? Hay nhận biết về việc không may “lỡ” lạc vào một trường phái nào đó mà mình không muốn?

Tôi làm việc tập trung vào nội dung của câu chuyện được kể, chỉ khi bản thân thật sự có một câu hỏi quan trọng và sâu sắc thì tôi mới bắt đầu làm tác phẩm. Khi đã trải qua một quá trình nghiên cứu dài và thu thập đủ dữ liệu, thì ý tưởng sẽ tình cờ đến, cũng giống như vô tình vấp phải cục đá té sấp mặt và bỗng dưng nhận ra vấn đề vậy.

Tác phẩm cần tập trung vào sự quan trọng của ý tưởng, thì ở đây tác phẩm có 50% thuộc về nội dung mang tính văn bản trình bày câu chuyện được kể là gì, 50% còn lại là phần thể hiện thị giác. Hai phần này tương trợ nhau bằng các câu hỏi tại sao, tại sao, tại sao… kéo dài khoảng 10.000 lần hoặc hơn thì mới nhìn thấy câu trả lời ổn thoả có logic. Làm như vậy để tạo nên một cấu trúc tác phẩm vững chắc với hình thức thể hiện mạnh mẽ và nội dung câu chuyện kể được sâu sắc, đôi khi hiệu ứng cuối cùng của tác phẩm là gây sốc, tạo nhiều tranh cãi trong cộng đồng là chuyện bình thường, người nghệ sĩ cần vững tin vào trực giác mà mình được mách bảo.

Cách làm việc này thuộc lý thuyết nghệ thuật đương đại, là nghệ thuật của thế kỷ 21, vì sự cấp bách của  thời đại, áp lực từ xã hội, kinh tế, hệ thống vận hành chính trị mà nghệ thuật đương đại được ra đời khoảng những năm 1950-60. Nghệ thuật đương đại đặt câu hỏi lại cho toàn bộ lịch sử nghệ thuật, nghệ thuật hậu hiện đại, nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật cổ điển và hàn lâm học viện… và đặt câu hỏi lên cho cả chính nó với tất cả mọi thứ đang diễn ra trong đời sống ngày nay bằng hình thức thảo luận liên nghành.

Đương nhiên tương lai của thế giới là những điều chưa biết, bằng những thảo luận chéo liên ngành trên nền tảng phát triển kinh tế toàn cầu hoá, sự đa dạng nền tảng văn hoá của từng địa phương, sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn các mặt chéo khác nhau còn ẩn của thế giới, giúp cho bộ lưu trữ dữ liệu cá nhân hay quốc gia cũng trở nên giàu có hơn.

Với chủ đề về hậu thuộc địa, tri thức ở những quốc gia phía Nam bán cầu đang thảo luận/đặt câu hỏi/tranh luận về: Ánh nhìn/cách nhìn cũ kỹ của phương Tây, Mỹ hay “các quốc gia chiến thắng” đối với “các quốc gia hậu thuộc địa”. Hay các tranh luận/câu hỏi về: Châu Phi là gì? Như thế nào là Đông Nam Á? Việt Nam là gì? Chúng ta là ai? Do đâu mà biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra? Hậu công nghiệp hoá hiện đại hoá sẽ là gì? Chủ nghĩa quốc gia dân tộc là gì, từ đâu mà tất cả mọi người trên mặt đất đều có lòng tự hào với những điều mà có thể chia rẽ thành nhiều cộng đồng khác nhau?…

Bằng kinh nghiệm địa phương sẽ khó nắm bắt và xử lý được những biến cố lớn của hệ thống toàn cầu, cho nên và chỉ khi có đủ hiểu biết thì người ta mới có thể xử lý những sự cố, tai nạn trong tương lai để mà có thể đi qua nó một cách khéo léo nhất có thể.

Hoa dâm bụt_2021_57x76cm_Máu nghệ sĩ, vàng lá 24k, keo acrylic trên giấy arches dán trên lụa.

Từ dự án Art Republik Next Gen năm 2020, nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ được đánh giá rất cao bởi các giám khảo về tư duy sáng tạo độc đáo với quá trình nghiên cứu nghiêm túc. Chúng tôi tò mò liệu anh nghiên cứu hướng đến các loại hình nghệ thuật đương đại khác như trình diễn, video art, điêu  khắc,…

Khái niệm nghệ thuật đương đại/contemporary art được ra đời là một cuộc cách mạng lớn đối với lịch sử nghệ thuật về cả hình thức lẫn sự phong phú nội dung của các câu chuyển được kể trên toàn thế giới.

Nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật hiện đại chỉ tập trung vào những quốc gia là trung tâm của thế giới gồm các nước châu Âu, Mỹ,… Xưa hơn nữa/Trở về trước, nghệ thuật chỉ xuất hiện trong cung điện và nhà thờ. Nghệ thuật Hiện đại cũng đã đi vào Việt Nam bằng con đường thuộc địa, trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội được thành lập năm 1924 bởi một hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu. Lý thuyết nghệ thuật đương đại chưa được dạy một cách chính quy tại các trường đại học Mỹ thuật tại Việt Nam ngày hôm nay.

Chân dung thợ mổ_2021_31x42cm_Máu bò, muối, phèn chua, bút chì, keo acrylic trên linen.

Phía Bắc Việt Nam tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội, nghệ thuật đương đại được du nhập vào từ du học sinh nước ngoài sau này là giảng viên người nước ngoài đầu tiên tại trường từ những năm 1990-2005 Veronka Radulovic đến từ Đức. Không gian nghệ thuật độc lập sớm được thành lập bởi nghệ sĩ ở Hà Nội là Salon Natasha năm 1990, hay được mang về từ nước ngoài ở những nghệ sĩ sớm có cơ hội đi ra nước ngoài như Trần Lương đồng sáng lập Nhà Sàn Studio 1998 là căn cứ địa của không gian nghệ thuật độc lập ở Hà Nội phát triển năng động và có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ mới sau này.

Không gian nghệ thuật độc lập tại Miền Trung cũng được thành lập và điều hành bởi nghệ sĩ, điển hình là không gian nghệ thuật đương đại New Space Arts Foundation thành lập 2008 bởi cặp anh em nghệ sĩ song sinh Le Brothers.

Miền Nam, nghệ thuật đương đại được du nhập vào từ những nghệ sĩ Việt Kiều về nước định cư như không gian nghệ thuật độc lập Sàn Art thành lập 2007, đến nay thì có The Factory Contemporary Arts Centre được điều hành như một doanh nghiệp tư nhân và sắp tới là nhiều hơn nữa.

Nghệ thuật đương đại cũng đã đưa được những giọng nói xa xôi từ Việt Nam đến các liên hoan nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới ngày nay để kể những câu chuyện như Venice Biennale ở Ý sự kiện diễn ra 2 năm 1 lần, hay Ducumenta ở Đức sự kiện diễn ra 5 năm 1 lần…

Điều này là chưa từng có đối với lịch sử nghệ thuật, sự thay đổi lớn này là không thể khác được vì nền tảng kinh tế toàn cầu hoá ngày nay là chưa từng có đối với lịch sử.

Ngoài vẽ tranh, thử nghiệm các chất liệu vẽ để đẩy chiều sâu nội dung của tác phẩm đến tận cùng, thì hiện nay tôi đã bắt đầu thu thập các đồ vật có sẵn để mở rộng câu chuyện được kể trong tác phẩm. Có lẽ, sắp tới tôi sẽ bắt đầu với các tác phẩm sắp đặt bằng các đồ vật có sẵn được tìm thấy và lắp ghép trộn lẫn các đồ vật có sẵn này thành ra tác phẩm điêu khắc.

Dao mổ Bò_2019_Nhiều kích thước khác nhau_Vật dụng sưu tập được tại lò mổ.

Máu bò, nước, cọ vẽ tại studio.

Anh nghĩ tự do sáng tạo là gì? Và làm sao để biết mình đang tự do sáng tạo mà không phóng túng sáng tạo?

Tôi hay nghĩ vui là sự tự do chỉ là ảo giác và không bao giờ có thật và nắm bắt được. Tuy nhiên để có được sự tự tin với các câu hỏi mà mình đặt ra có phải là câu hỏi đúng và có thực tế hay không, thì cần có trình độ, có đầy đủ dữ liệu và nắm vững phần nào đó thế giới tri thức đang thảo luận xoay quanh chủ đề mà mình đang nghiên cứu. Cần nắm vững lịch sử nghề nghiệp, kiến thức nền về kinh tế chính trị và xã hội, hiểu rõ chủ đề mình đang làm, quan trọng hơn hết là ngữ cảnh nơi mà câu hỏi được đặt ra là ở đâu, ai đang nghe, ai đang được hỏi, hướng thảo luận được mở rộng sẽ dẫn đi đến đâu? Và để làm gì?

Tính thực tế của câu hỏi sẽ làm tăng sức mạnh cho câu hỏi và gây cảm hứng làm việc không mệt mỏi, quan trọng là cần luôn luôn tỉnh táo để biết điểm dừng, đến đây có lẽ không còn cần đến ảo giác của sự tự do để mà làm gì nữa.

Không gian sáng tác của nghệ sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đủ. Ảnh: Magnus Graham.

Anh có thể chia sẻ về dự định/dự án sắp tới của bản thân?

Tháng 10.2021, một số tác phẩm của tôi được giới thiệu trên nền tảng thử nghiệm trực tuyến START.art. Đây là dự án thuộc chương trình Global Eye Programme 2020 của nhà tổ chức dự án Việt Nam Eye năm 2016, diễn ra song song với SART Art Fair từ 13-17/10/2021 được tổ chức tại Saatchi Gallery, London, Anh.

Hiện tại tôi cũng đang tập trung vào thực hiện những tác phẩm mới bằng máu bò vẽ cảnh lò mổ và con bò nhởn nhơ gặm cỏ ngoài phong cảnh, hay cột cọc nuôi tại gia. Dùng máu của chính mình để vẽ tranh phong cảnh núi, rừng, biển, cánh đồng, mây trời, cục đất, vũng nước, cây cỏ, hay cảnh mỏ đá ở Núi Dinh – Bà Rịa đã được khai thác công nghiệp từ thời thuộc địa Pháp đến nay cũng gần 200 năm, ngày càng mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại… Thu thập các đồ vật có sẵn tại lò mổ như dao mổ, búa tạ dùng để ngã bò cách đây 6 năm trở về trước, vỏ đạn bắn bò ngày nay của cây súng bắn gia súc MATADOR được sáng chế vào năm 1903 bởi Hugo Heiss,  cựu Giám đốc một lò mổ ở Straubing, Đức, sưu tập xe bò kéo và cày bò kéo được con người phát minh ra từ thời cổ đại. Hay tàn tích còn sót lại ở một khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ và quân đồng minh Úc và New Zealand trong Chiến tranh Việt Nam ở Núi Đất – Long Tân nơi này gần studio của tôi tại Bà Rịa. Sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975 những tàn tích còn sót lại của khu căn cứ quân sự cũ này như đường băng sân bay cũ, hàng rào thép gai, tấm thép chắn công sự… được người dân địa phương đào lên, khai quật mang về tái chế làm móng xây cất nhà cửa mới, lát sân phơi nông sản, xây chuồng nuôi gia súc, làm hàng rào… Mở rộng dự án lò mổ để khái quát lịch sử đi lên công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, tham gia vào nền tảng toàn cầu hoá kinh tế ngày nay của Việt Nam.


 
Back to top