ART & CULTURE

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: “Một bộ phim kinh điển đánh thức những điều sâu kín của nội tâm.”

Jun 28, 2020 | By Stephanie Nguyen

Lê Hồng Lâm là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh báo chí có tiếng tại Việt Nam. Là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, Cánh chim trong gió, Sự lưỡng nan của tình thế làm người, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất và mới đây nhất là Người tình không chân dung, Lê Hồng Lâm đã và đang tiếp tục đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Nhà báo – nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

Luxuo vừa có dịp trò chuyện với Lê Hồng Lâm để hiểu hơn về niềm đam mê từ thuở thiếu thời, cũng như những dự định trong tương lai với “người tình” điện ảnh.

Anh đến với điện ảnh như thế nào? Có thể dùng từ gì để diễn tả mối quan hệ hiện tại giữa anh và điện ảnh?

Tôi đến với điện ảnh từ rất sớm với những bộ phim chiếu bóng tại các bãi chiếu công cộng thời bao cấp. Cho dù thời điểm ấu thơ đó, tôi chưa có những ý niệm gì sâu sắc hay cụ thể, nhưng kỳ lạ thay, tình yêu nguyên sơ ấy đọng lại rất sâu trong trí não tôi. Tôi vẫn nhớ như in từng cảnh phim trong Mẹ vắng nhà, Ván bài lật ngửa hay Cánh đồng hoang. Tôi nhớ tiếng máy phát chạy rè rè, hay những luồng sáng kỳ diệu kể cho tôi những câu chuyện khắp vùng miền đất nước trong thời khó khăn gian khổ ấy.

Người ta hay nói những cuốn sách hay mà ta đọc từ thời ấu thơ luôn đọng lại lâu nhất. Tôi tin những bộ phim hay của thời ấu thơ cũng như vậy, cho dù sau này lớn lên, tôi có thể xem thêm hàng ngàn bộ phim khác.

Mối quan hệ hiện tại giữa tôi và điện ảnh là sự cộng hưởng của công việc, sự nghiệp cá nhân và đồng thời là niềm đam mê mà tôi nuôi dưỡng suốt bao năm trời. Có lẽ do tôi là một người thích trải nghiệm, thích đi đây đó và thích đọc, nghe, xem những câu chuyện hay về con người, vùng đất trên khắp thế giới. Và điện ảnh hội đủ cả ba yếu tố đó.

Phê bình điện ảnh và phê bình điện ảnh theo phong cách báo chí khác nhau như thế nào, thưa anh?

Theo tôi biết, ở phương Tây, mà chắc ở phương Đông hay đâu cũng thế, người ta chia công việc bình luận phim thành hai trường phái:

Một là giới “Bình luận Báo chí” (Journalist Criticism), chỉ những người viết bình luận, điểm phim trên báo giấy, tạp chí, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Họ xếp hạng những bộ phim, nêu ý kiến cá nhân và định hướng cho khán giả.

Hai là giới “Bình luận Hàn lâm” (Academic Criticism), gồm những nhà báo, nhà phê bình tiếp cận bộ phim theo hướng nghiên cứu. Họ tìm hiểu lý do bộ phim thành công, ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đến mọi người.

“101 Bộ phim Việt Nam hay nhất” là tác phẩm Lê Hồng Lâm đã phải khảo cứu và chắt lọc kỹ lưỡng để viết ra, nhằm gìn giữ và bảo vệ di sản cho điện ảnh Việt Nam.

Tùy theo thế mạnh, sở thích cá nhân hay công việc mà mỗi người phê bình lựa chọn hình thức phù hợp nhất với họ. Nhưng về quan điểm, tôi thích ý kiến của nhà phê bình nổi tiếng Pauline Kael trong cuốn I Lost It at the Movies:

“Một nhà phê bình (điểm phim) giỏi là người giúp độc giả hiểu rõ về tác phẩm hơn là khi họ chỉ xem chúng. Một nhà phê bình (điểm phim) giỏi là người bằng sự hiểu biết, cảm nhận về bộ phim và niềm đam mê của mình, kích thích niềm đam mê của độc giả, khiến họ muốn trải nghiệm nghệ thuật trong bộ phim đó. Anh ta không hẳn là một nhà phê bình tồi nếu đưa ra những đánh giá sai (bởi sai sót là khó tránh khỏi). Một nhà phê bình tồi là người không khơi gợi được sự tò mò, không kích thích được sự hứng thú và không tăng hiểu biết của khán giả về bộ phim đó.“

Dường như để có thể cảm thụ hết giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm, và từ đó xây dựng nên những công trình phê bình nghệ thuật, cần con mắt khác so với cách xem phim thông thường. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thưởng thức một bộ phim của anh?

“Một nhà phê bình (điểm phim) giỏi là người bằng sự hiểu biết, cảm nhận về bộ phim và niềm đam mê của mình, kích thích niềm đam mê của độc giả, khiến họ muốn trải nghiệm nghệ thuật trong bộ phim đó”, Pauline Kael.

Như quan điểm của Pauline Kael ở trên, con mắt của người viết phê bình/điểm phim hay thực hiện một công trình nghiên cứu nghệ thuật là phép cộng của kiến thức, sự hiểu biết và dùng sự đam mê của mình để kích thích sự đam mê của khán giả, độc giả. Một bài viết của tôi thường dung hòa các yếu tố ấy, cộng thêm một chút phong cách cá nhân, ngôn ngữ, giọng điệu để không lẫn với ai khác. Tôi không quá quan tâm mình viết hay hơn hay tốt hơn người khác, tôi quan tâm đến sự khác biệt và không bị lẫn mình với người khác. Cũng vì điều đó mà khi thưởng thức tác phẩm, tôi thường tìm một góc nhìn và đưa ra quan điểm của riêng tôi.

Yếu tố khiến một bộ phim trở thành kinh điển và tồn tại vĩnh cửu với thời gian là gì, theo anh?

Tôi nghĩ có rất nhiều yếu tố để một bộ phim trở thành kinh điển và tồn tại lâu dài (tôi không dám dùng từ “vĩnh cửu” với thời gian, vì thời gian là bất biến). Nó là sự kết hợp từ một kịch bản xuất sắc của người biên kịch, thủ pháp dàn dựng sáng tạo, đột phá, tiên phong của người đạo diễn, tài năng hóa thân của diễn viên, rồi thì quay phim, chỉ đạo nghệ thuật, thiết kế bối cảnh, âm thanh, âm nhạc, trang phục,… Điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp nên để có một tác phẩm kinh điển, đó phải là sự cấu thành của các yếu tố nghệ thuật chất lượng cao ở bên trong.

Một tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến anh nhất? Điều gì tạo nên sợi dây liên kết đặc biệt giữa anh với tác phẩm ấy?

“Điều mà một bộ phim được xem là kinh điển và ảnh hưởng sâu sắc đến tôi nhất có lẽ là cảm xúc hoặc khả năng đánh thức những điều sâu kín của nội tâm mà trước đó mình không nhận ra.”

Điều mà một bộ phim được xem là kinh điển và ảnh hưởng sâu sắc đến tôi nhất có lẽ là cảm xúc hoặc khả năng đánh thức những điều sâu kín của nội tâm mà trước đó mình không nhận ra. Nói như nhà phê bình Roger Ebert, “trí tuệ của bạn có thể nhầm lẫn nhưng cảm xúc không thể nói dối bạn”, tôi yêu những bộ phim để lại cho tôi cảm xúc mãnh liệt hoặc sâu đậm, như Tokyo Story của Ozu, Clockwork Orange của Stanley Kubrick, Jules and Jim của François Truffaut hay La Strada của Federico Fellini…

Nói về điện ảnh Việt Nam, hiện nay, điện ảnh Việt đang dần xuất hiện những bộ phim nghệ thuật – đầu tư vào bối cảnh, nội dung, ý nghĩa… Nhưng thị hiếu người xem vẫn đang nghiêng về dòng phim thị trường. Làm thế nào để những tác phẩm giàu tính nghệ thuật có thể tồn tại và phát triển, theo anh?

“Các nhà đạo diễn đi theo dòng phim nghệ thuật tại Việt Nam vẫn đang chật vật để tiếp tục chí hướng mà họ theo đuổi.”

Là một người theo dõi điện ảnh Việt Nam sâu sát và tình yêu điện ảnh đầu đời của tôi cũng là phim Việt Nam, tôi chưa dám tin hiện nay điện ảnh Việt Nam đang dần xuất hiện nhiều hơn những bộ phim nghệ thuật. Điện ảnh của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào dòng phim thương mại và giải trí, dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường và sự đa dạng của thể loại. Điều đó dẫn đến hậu quả là những bộ phim nghệ thuật hoặc đầu tư kỹ càng về mặt nghệ thuật nhưng câu chuyện không hợp thị hiếu vẫn dễ dàng thất bại, và các nhà đạo diễn đi theo dòng phim này vẫn đang chật vật để tiếp tục chí hướng mà họ theo đuổi. Nhiều đạo diễn trẻ thậm chí dừng lại ở bộ phim thứ nhất hay thứ hai vì không thể tìm ra ngân sách cho tác phẩm tiếp theo.

Nếu cuộc đời anh là một bộ phim, nó sẽ thuộc thể loại gì?

Nhà báo Lê Hồng Lâm trong một chuyến đi tại Jasailmer, Ấn Độ.

Tôi thích nó là một bộ phim hành trình – road movie. Đơn giản vì tôi là người thích ở trên đường, thích khám phá những vùng đất mới, thích trải nghiệm những vùng văn hóa mới và thích thức dậy ở một địa điểm mới. Và hơn nữa, giống như một bộ phim hành trình, tôi thích đích đến của nó khác với điểm mà tôi khởi phát.

Có bao giờ anh nghĩ đến việc trở thành một đạo diễn/ biên kịch phim?

“Tôi vẫn tiếp tục công việc viết lách của mình, và biết đâu sẽ viết một câu chuyện của riêng tôi để chuyển thể thành phim?”

Tôi vẫn quen tư duy theo kiểu viết và thích làm việc cá nhân hơn là theo nhóm/tập thể nên có lẽ tôi không hợp với vai trò của một đạo diễn, hoặc quá muộn để trở thành một đạo diễn, dù tôi thích kể chuyện và cũng có khá nhiều câu chuyện để kể.

Tôi vẫn tiếp tục công việc viết lách của mình, và biết đâu sẽ viết một câu chuyện của riêng tôi để chuyển thể thành phim?

Trong thời gian tới, anh có dự án nào liên quan đến điện ảnh/ phê bình điện ảnh không?

Tôi vừa hoàn thành dự án điện ảnh “Người tình không chân dung”, một khảo cứu về Điện ảnh Sài Gòn trước 1975. Đây là dự án mà tôi mất gần 2 năm để tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những nhân chứng tại Mỹ và Việt Nam, xem lại hàng chục bộ phim để nhằm phục dựng lại những di sản điện ảnh của một thời. Dự án này sẽ không thành nếu thiếu sự hỗ trợ của nhiều người, từ bạn bè đồng nghiệp đến những nghệ sĩ nổi tiếng của Sài Gòn trước 75. Về kinh phí, tôi nhận được nguồn tài trợ từ quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh tại Việt Nam để thực hiện.

“Người tình không chân dung” là dự án điện ảnh thứ 6 của Lê Hồng Lâm vừa ra mắt – một tập sách vô cùng đặc biệt và quý báu về điện ảnh Sài Gòn trước năm 75, dành cho những người yêu bộ môn Nghệ thuật thứ bảy này.

Sau dự án, cuốn sách thứ 6 này, có thể tôi sẽ tiếp tục với một dự án khác thuộc thể loại phỏng vấn – chân dung với hai nữ nghệ sĩ, được xem là hai biểu tượng hai miền Nam, Bắc của điện ảnh Việt Nam trong quá khứ. Nếu thành công, tôi có thể khép lại món nợ cá nhân của tôi với điện ảnh Việt Nam để tập trung cho những dự án khác trong tương lai, như văn chương chẳng hạn, một niềm đam mê khác của tôi.

Bài: Stephanie Nguyen | Ảnh: NVCC


 
Back to top