Tôi học được gì? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành và tầm nhìn chiến lược lâu dài
Chứng kiến sự đổi thay về chính trị và kinh tế trong nước, thế giới qua nhiều thập kỷ, doanh nhân – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành là một trong số ít những người có tầm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình với bố là bác sĩ Bùi Kiến Tín, ông không nối nghiệp cha mà theo học tài chính ngân hàng và là người Việt đầu tiên được đào tạo bài bản về tài chính tại Mỹ. Năm 1954, ông được mời về nước làm việc cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Năm 1956, Bùi Kiến Thành trở lại Hoa Kỳ học nâng cao và thành lập Văn phòng Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Khi ấy, ông là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện ngân hàng trung ương của các nước tại Mỹ.
Sau đó, ông quay về Sài Gòn và trở thành doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất tại miền Nam Việt Nam khi đó. Ông được mời làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Bảo hiểm Quốc tế AIU (tiền thân của AIG).
Đến năm 1980, trong thời gian làm việc tại Pháp, thông qua Đại sứ quán, ông được Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên hệ mời tư vấn cho tiến trình đổi mới nền kinh tế đất nước. Năm 1991, ông trở về Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế và chính sách sinh sống tại quê nhà từ năm 1993.
Tầm nhìn chiến lược
Bằng tri thức, uy tín và các mối quan hệ, ông cũng đã góp phần trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và đề xuất cũng như tham gia rất nhiều chương trình kinh tế chiến lược. Ông từng tham gia tư vấn về nhiều chính sách kinh tế – xã hội cho Chính Phủ Việt Nam qua ba đời thủ tướng là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng.
Từ thời kỷ đổi mới mở cửa nền kinh tế năm 1991 đến nay, ông nhận định tại Việt Nam, khối kinh tế nhà nước vẫn chiếm chủ đạo với nhiều ưu đãi về nguồn lực hay tài nguyên, khối dân doanh được hỗ trợ nhưng chỉ phần nào. Tuy vậy, nền kinh tế ngày một cởi mở và hội nhập, nhận thức về vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân đã đổi khác, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam có cơ hội phát triển.
Theo Bùi Kiến Thành, lý do bắt nguồn từ việc doanh nhân Việt chưa được đào tạo bài bản và chưa có hành trang cần thiết để cạnh tranh trên những thị trường có quy củ, chuẩn mực của thế giới. Một vấn đề khác là khối dân doanh phải sống trong môi trường xin – cho, hệ luỵ của sự “nuông chiều” quá mức nhiều doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian rất dài. Điều này tác động xấu tới doanh nhân Việt Nam, biến nhiều người thành doanh nhân xin – cho, đi lên nhờ các mối quan hệ, nhờ luồn lách tiêu cực để chiếm đoạt những nguồn lực và tài nguyên của đất nước, làm hỏng nhận thức của chính các doanh nhân về việc kinh doanh. Cần phải có thời gian để xoá bỏ thói xấu dựa vào xin – cho thì doanh nhân Việt Nam mới có thể phát triển mạnh lên được.
Doanh nhân giỏi là người đem đến giá trị cho cộng đồng
Ông cho biết: “Doanh nhân là người tạo ra và điều hành doanh nghiệp, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ. Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra những dịch vụ và sản phẩm có ích, được xã hội tiếp nhận. Từ đó, sẽ xuất hiện sự trao đổi mua bán, tạo cho doanh nghiệp doanh thu”.
Thế nhưng, trong khi doanh nghiệp mở rộng tối đa hoạt động kinh doanh, có những sản phẩm tốt nhưng cũng có những tác động tiêu cực cho xã hội. Ví dụ, dù Twitter hay Facebook là một dịch vụ tương tác rất hiệu quả, phù hợp với sự phát triển công nghệ thế kỷ 21 nhưng cũng có những vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân, thu thập thông tin người dùng sử dụng với mục đích không chính đáng. Đó là điều phải tránh, không thể nhân danh sự lớn mạnh của doanh nghiệp mà gây hại cho xã hội.
Bùi Kiến Thành nhận định: “ Doanh nhân không nên trở thành cá mập để nuốt những con cá bé. Anh ta không bắt buộc phải làm những điều trái với lương tâm, trái với đạo lý. Phải cố gắng làm tốt nhất vai trò doanh nhân nhưng không được chạy theo đồng tiền bằng cách huỷ hoại nhân phẩm của bản thân hay nhân phẩm của người khác. Làm giàu trên sự đau khổ của người khác không thể là phẩm chất của một doanh nhân”.
Số lượng tỷ phú không đại diện kinh tế một quốc gia
Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng 26% từ nay đến năm 2026. Tuy nhiên, Bùi Kiến Thành nhận định, con số trên chỉ phản ánh phần nào sự phát triển của nền kinh tế. Bởi không ai thống kê được số tài sản đó đến từ đâu, đó là tài sản đến từ sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp hay đến từ những lợi thế mà doanh nghiệp có được do những mối quan hệ mờ ám, làm giàu bằng cách chiếm đoạt tài nguyên chung?
Đồng thời, trong quý 3/2022, nền kinh tế thế giới chao đảo trước khủng hoảng năng lượng và lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia như Mỹ hay châu Âu, theo Bùi Kiến Thành, Việt Nam cần nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng để hiểu và đưa ra phương án xuất khẩu dành cho những mặt hàng may mặc, nông nghiệp thay vì chỉ thông qua những doanh nghiệp trung gian như hiện nay.