Phan Vũ Linh & Giấc mơ thiết kế công viên chủ đề và phim khoa học viễn tưởng
Trong lĩnh vực digital art, Phan Vũ Linh là một trong những người tiên phong tại Việt Nam. Anh theo đuổi và thực hành hết mình để tạo ra những tác phẩm vừa mang tính mỹ thuật vừa phục vụ nhu cầu của cộng đồng. LUXUO vừa có dịp trò chuyện với anh để hiểu hơn về mảng nghệ thuật này, cùng đó là giấc mơ của anh trong hành trình thiết kế công viên chủ đề và phim khoa học viễn tưởng.
Xuất phát điểm là một họa sĩ vẽ truyền thống, cơ duyên nào đã khiến Phan Vũ Linh theo đuổi lĩnh vực digital painting?
Hồi còn nhỏ, tôi đã đam mê truyện tranh, cổ tích thần tiên và thế giới điện ảnh kỳ ảo. Vì thế, tôi từng mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh. Nhưng thời đó, Đại học Mỹ thuật chưa đào tạo lĩnh vực này nên bản thân đành chấp nhận theo học khoa sơn dầu.
Dù tốt nghiệp chuyên ngành sơn dầu nhưng sau khi ra trường, tôi quyết định theo đuổi con đường vẽ minh họa nhiều hơn bằng cách hợp tác với một số tờ báo/tạp chí khác nhau. Cuộc sống từ đó cũng trở nên nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc tự do, tôi cảm giác bản thân dường như bị chững lại. Tự trong tôi cảm thấy thiếu cái gì đó mang tính chuyên nghiệp. Tôi quyết định bỏ hết tất cả mọi thứ để sang Mỹ du học 3 năm về ngành tạo hình, giải trí và minh họa, chính xác là những gì mà bản thân tôi khao khát bấy lâu. Qua Hoa Kỳ, tôi mới thấy ngành này được đào tạo tuyệt vời quá, trong khi ở Việt Nam vẫn chưa có.
Về Việt Nam, tôi thay đổi cuộc sống của mình bằng cách đi dạy những gì mà bản thân đã từng học và thực hành ở Mỹ. Cũng một thập niên nay, tôi giảng dạy ngành đồ họa truyện tranh ở Đại học Mỹ thuật Tp.HCM và sắp tới đây là ngành nghệ thuật kỹ thuật số ở Đại học Hoa Sen. Dù có khối lượng công việc lớn ở 3 studio của mình nhưng tôi quyết định gắn bó lâu dài với việc giảng dạy để cập nhật kiến thức và hỗ trợ các bạn sinh viên.
Công nghệ 4.0 đã thực sự len lỏi và phát triển nhanh chóng ở lĩnh vực mỹ thuật – nghệ thuật, anh nhận xét về tính ứng dụng và tính thẩm mỹ của các tác phẩm digital này như thế nào, đặc biệt trong thực hành hàng ngày của anh?
Thực ra, tôi và một số bạn nữa ở Sài Gòn thuộc thế hệ đầu tiên thực hành bản vẽ trên máy tính. Trước đó, chúng tôi đã có thể ứng dụng nó bằng cách vẽ minh họa cho báo chí nhưng mức độ còn chưa sâu rộng, đặc biệt game và hoạt hình thời đó còn chưa phát triển.
Sau du học từ Mỹ về, tôi nhận ra digital art còn có thể ứng dụng rộng rãi và sâu sắc hơn nữa. Thay vì làm những bức tượng thủ công thì bây giờ, chúng ta có thể thực hiện trên máy hoàn toàn và dễ dàng. Thời gian rút ngắn lại chỉ còn 1/3 so với vẽ tay hay nặn tay. Chẳng hạn, nếu bạn thực hiện mẫu điêu khắc này bằng tay, bạn chỉ có đúng phiên bản gốc ấy thôi, nhưng khi làm bằng máy, bạn có thể tăng kích thước của sản phẩm lên bao nhiêu tùy ý. Chúng tôi có thể tạo ra những con khủng long trong lòng bàn tay đến khủng long dài 6, 7 mét chỉ thông qua một mẫu thiết kế duy nhất.
Dấn thân sâu vào mỹ thuật ứng dụng giúp tôi lan tỏa tác phẩm của mình trong cuộc sống nhiều hơn. Những tác phẩm điêu khắc đi kèm bộ game hay truyện tranh đến những tác phẩm lớn như khủng long, bảo tàng ma trong các công viên chủ đề góp phần phục vụ đời sống gần gũi và khiến cộng đồng xích lại gần nhau.
Xu hướng phát triển của thế giới cho thấy digital art là chất liệu bao phủ tất cả.
Xu hướng phát triển của thế giới cho thấy digital art là chất liệu bao phủ tất cả. Như bạn thấy, thị trường đã xuất hiện không ít nghệ sĩ AI. Còn tính thẩm mỹ hay vấn đề chọn chất liệu thủ công hay máy móc là do thiện cảm và cảm nhận riêng của mỗi người. Tôi nghĩ một khi nặn và vẽ đều đẹp thì việc thực hành trên máy hay trên giấy đều như nhau. Và cũng không thể phủ nhận một điều rằng đối với mỹ thuật ứng dụng, máy móc giúp chúng ta nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Đúng là không thể phủ nhận tính ưu việt của máy móc trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đã bao giờ anh nghĩ rằng AI có thể thay thế nghệ sĩ?
Theo tôi là không thể.
Điểm vượt trội của máy móc là nhanh và chính xác nhưng nghệ thuật không cần chính xác. Đôi khi, một chút xíu sai sót lại khiến tác phẩm trở nên đặc biệt.
Hồi xưa, tôi có chơi trong một ban nhạc rock. Một tối nọ khi lên sân khấu, một người bạn của tôi nổi hứng nên đánh đàn sai tùm lum. Nhưng khi xuống, mọi người vây quanh bảo: “Lúc nãy anh đánh sai nhưng nghe ‘đã’ quá anh ơi!”
Rồi tôi chợt nghĩ, nếu chơi đàn chính xác thì chẳng khác nào mở đĩa ra nghe. Khi lên sấn khấu, chúng ta phải cảm nhận, phải “lệch” khỏi đĩa thì tiết mục biểu diễn mới tạo ra sự kết nối và đi sâu vào lòng người. Vẽ cũng như vậy. Máy móc có thể tạo nên tác phẩm chính xác nhưng phần nào khô cứng. Và thực hành ấy không có sự ngẫu nhiên và sự kết nối.
Chỉ khi có tình cảm, máy móc mới có thể thay thế con người.
Con người có tình cảm và xúc cảm. Khi buồn, ta vẽ theo một cách khác. Khi vui, ta vẽ theo một cách khác. Chính sự ngẫu nhiên đó tạo nên một tác phẩm có hồn, vì nó có thể kết nối với người khác. Đó cũng chính là thứ mà máy móc không có. Máy móc không biết vui, không biết buồn, dù nó là trí thông minh nhân tạo, có thể phân tích tổng hợp và tạo ra cái mới. Chỉ khi có tình cảm, máy móc mới có thể thay thế con người.
Được biết, anh cũng là đồng sáng lập của CineMagic workshop, chuyên về các sản phẩm hóa trang đặc biệt cho ngành điện ảnh, quảng cáo hay những mô hình lớn như robot, khủng long… Anh có thể chia sẻ về các thực hành digital art trong studio này?
CineMagic là xưởng sáng tạo tập trung vào sản xuất mô hình lớn dành cho ngành giải trí. Ví dụ, những điêu khắc mà bạn nhìn thấy ở đây (Time Sun See studio) là mô hình nhỏ thì CineMagic thực hiện các mô hình lớn, thông thường vài mét trở lên. Các sản phẩm đó phục vụ cho công viên giải trí hoặc phim ảnh.
Để tạo ra một sinh vật ngoài hành tinh, chúng tôi bắt đầu vẽ “concept, biến thành phiên bản 3D và sau đó sản xuất ra bằng chất liệu silicon có chuyển động cơ khí.
Trong lĩnh vực này, chúng tôi hợp tác với nhiều khách hàng tiềm năng từ Bắc vào Nam. Đội ngũ hơn 20 nhân viên của chúng tôi có thể mạnh về thiết kế và ý tưởng. Hiện tại, chúng tôi tập trung vào sáng tạo và sản xuất thành phẩm phục vụ cho các công viên giải trí là chủ yếu. Nhưng về lâu dài, chúng tôi hướng đến việc tạo ra những công viên chủ đề tầm cỡ như Disney Land nhưng mang đậm dấu ấn đặc trưng Việt Nam. Bởi vì, tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ công viên nào như vậy. Suối Tiên hay Đầm Sen cũng là công viên nhưng đó vẫn chưa phải là một thế giới khác và riêng biệt khi bạn đặt chân vào.
Chúng tôi cũng ấp ủ tạo dựng công viên chủ đề mang tính hiện đại kết hợp với truyền thống, chẳng hạn như công viên giáo dục cho trẻ em. Thay vì học lịch sử bằng các tài liệu, sách giáo khoa khô cứng, các bạn có thể học ở công viên thông qua các trận đánh kết hợp tĩnh và động của máy chiếu. Tương tự, các môn học khác cũng kết hợp giữa truyền thống và công nghệ.
Được biết, CineMagic cũng có khao khát “lột xác” trong lĩnh vực điện ảnh. Anh có thể chia sẻ về điều này?
Trước Tết 2020, CineMagic hợp tác với một nhà sản xuất để thực hiện bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng khi bước vào giai đoạn kêu gọi đầu tư thì đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi kế hoạch bị tạm hoãn.
Việc tham gia thực hiện một bộ phim khoa học viễn tưởng giúp thỏa chí sáng tạo của chúng tôi. Việt Nam làm phim cho Hollywood khá nhiều nhưng chỉ thực hiện những khâu mang tính chất gia công. Chúng ta vẫn chưa có quy trình hoàn chỉnh để làm được điều đó.
Chúng tôi có lý do để tham gia vào một bộ phim khoa học viễn tưởng ở Việt Nam. Vì các điều kiện cho CG ở nước mình chưa tới. Bất cứ bộ phim nào “full CG” ở Việt Nam đều chưa thành công. Còn đầu tư vào CG như Hollywood lại vô cùng tốn kém và phải có một hệ thống studio đủ lực. Studio ở Việt Nam dù lớn nhưng chưa đủ cho một quy trình chuẩn. Vì thế, chúng ta phải kết hợp CG với practical effect, tức phải thực hiện nhân vật thật bên ngoài rồi sau đó mới tiến hành quay. Từ đó, bộ phim mới đạt hiệu quả.
Anh nhận thấy thử thách và cơ hội cho CineMagic là gì?
Cơ hội vô cùng nhiều, nhưng với quy mô hiện tại, chúng tôi sẽ gặp khá nhiều thử thách nếu đối mặt với một dự án lớn. Để làm một công viên chủ đề như Disney Land đòi hỏi CineMagic đi từng bước một. Bây giờ, chúng tôi có thể tạo ra sản phẩm trước, sau đó đào sâu nghiên cứu để tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết với nhau theo chủ đề xuyên suốt, kết hợp các khâu khác để vận hành và bảo dưỡng. Đó cũng là mục tiêu 5 năm của CineMagic.
Hiện tại, chúng tôi đang đi theo hướng khi có ý tưởng thú vị và phù hợp với thị trường, chúng tôi kêu gọi đầu tư. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ có cơ hội thực hiện những dự án lớn hơn, dài hơn (từ 2 đến 3 năm) trong khi vẫn thỏa chí sáng tạo của mình.
Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị!