ART & CULTURE

“Thế giới mới” qua góc nhìn của ba nghệ sĩ Jilly Ballistic, Duyi Han và TV Boys

Jun 25, 2020 | By Trang Ps

Trong khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã ổn định hơn rất nhiều, thì tại nhiều khu vực trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong vẫn không ngừng tăng lên. Trong bối cảnh đó, 3 nghệ sĩ Jilly Ballistic, Duyi Han và TV Boy đã thực hiện những tác phẩm nghệ thật phản ánh “thế giới mới” trong cuộc khủng hoảng này.

JILLY BALLISTIC

Nếu từng trải nghiệm cuộc sống của một hành khách đi xe buýt tại New York, chắc chắn bạn đã từng băng qua một vài tác phẩm kỳ lạ của Jilly Ballistic, thể hiện hình ảnh người lính và dân thường đeo mặt nạ phòng độc trong Thế chiến thứ hai.

Nghệ sĩ “tàu điện ngầm” nhấn mạnh rằng đây là cách tốt nhất để phản ánh những gì đang diễn ra trong xã hội hiện nay.

Chào Jilly! Cô có thể chia sẻ về những tác phẩm nghệ thuật mà mình đang thực hiện chứ?

Nó thay đổi mỗi ngày tùy theo tình hình biến thiên của đại dịch. Các tác phẩm phản ánh mặt vô lý và trớ trêu của kế hoạch mở cửa đất nước trong khi số lượng người chết vẫn không ngừng tăng lên. Tôi cũng sử dụng một số hình ảnh lịch sử nhằm phản ánh bối cảnh hiện tại. Chúng ta đang lặp lại những sai lầm tương tự.

Tại New York, mọi thứ đang diễn ra như thế nào?

Thành phố New York đã trở thành một thế giới hoàn toàn khác. Hầu hết tàu điện ngầm trống trơn, đường phố vắng tanh. Thế giới bên ngoài thiếu sinh khí và năng lượng. Cuộc sống thật ảm đảm, chả mấy khi lóe lên tia hi vọng.

Cô gì nghĩ về việc xử lý đại dịch này và ảnh hưởng của điều đó với người dân được thể hiện ra sao?

Bang New York đang nỗ lực xử lý đại dịch mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của Liên bang. Các bang riêng lẻ cũng đang tự cứu mình, điều này có thể dẫn đến nhiều đau đớn, mất mát, nhầm lẫn và bất ổn. Chúng ta không thống nhất như một quốc gia và điều đó gây ra những tổn thương sâu sắc cho công dân Mỹ. Nghệ thuật sẽ phản ánh những điều này và nghệ thuật toàn cầu sẽ ghi lại những gì đang xảy ra trong các tác phẩm mang tính lịch sử.

Những thói quen hàng ngày của cô đã thay đổi ra sao?

Tôi đang bước vào tháng cách ly xã hội thứ hai. Điều này bắt buộc tôi sống một mình trong khi vẫn liên tục sáng tác những tác phẩm ở đường phố và hệ thống tàu điện ngầm. Tôi cũng có một công việc toàn thời gian cho phép tôi làm việc từ xa. Tôi cũng nỗ lực cân bằng giữa hai lĩnh vực.

DUYI HAN

Đại dịch gần đây tấn công trực tiếp đến cuộc sống của nghệ sĩ Duyi Han. Anh đã sáng tác các bức tranh tường tại nhà thờ lịch sử ở tỉnh Hồ Bắc, cũng là nơi mà ông bà anh cư trú. Giám đốc sáng tạo của Doesn’t Come Out thường đi đi lại lại giữa New York và Los Angeles để làm việc khi Trung Quốc bị “cuốn đi” trong khủng hoảng Covid-19.

Tỉnh Hồ Bắc thuộc tâm dịch, ông bà của anh vẫn ổn chứ?

Họ vẫn ổn. Tôi rất lo lắng khi đại dịch hoành hành ở Vũ Hán, Hồ Bắc. Người dân trong thành phố không tránh khỏi tâm lý bất an. Nhưng thực phẩm và đồ dùng cơ bản luôn có sẵn ở bậu cửa nhà họ, ít nhất là khu vực mà ông bà tôi đang sống. Vì vậy, họ có thể ở nhà mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Vì sao anh và các nghệ sĩ khác lại lựa chọn nhà thờ để vẽ tranh tường?

Tìm hiểu ít nhiều về kiến trúc địa phương, chúng tôi quyết định có thể thực hiện tác phẩm ở nhà thờ không còn sử dụng nữa và vẫn chưa trở thành một tòa nhà di sản.

Hiện tại, anh đang cách ly ở đâu?

Tôi vẫn đang ở Thượng Hải, và có thể tự do đi lại ở Trung Quốc sau khi cách ly đủ 14 ngày. Di chuyển nhiều giữa Trung Quốc và Mỹ, tôi chứng kiến trực tiếp sự khác biệt “gây sốc” về mức độ biện pháp phòng ngừa và an toàn giữa hai quốc gia.

Việc cách ly chắc hẳn ảnh hưởng lớn đến anh và những người xung quanh?

Chỉ là chúng tôi cần điều chỉnh kế hoạch cuộc sống trong ngắn hạn và dài hạn sao cho phù hợp. Có nhiều cuộc gọi điện thoại và video. Về mặt tích cực, chúng tôi có nhiều ý tưởng có các tác phẩm nghệ thuật trong tương lai.

TV BOY

Nghệ sĩ người Ý TV Boy tin rằng nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Khi nghe tin về sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm ở Barcelona, anh đã “xắn tay” vào việc sáng tác.

Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, TV Boy nắm bắt sâu xa mức độ nghiêm trọng của đại dịch nhưng lại sáng tạo nó theo góc nhìn lạc quan hơn. Chẳng hạn, bức tranh nụ hôn trong thời corona đã cho thấy sức mạnh vĩnh cửu của tình yêu.

Thời điểm nào ghi dấu cho quá trình sáng tác này của anh?

Tôi bắt đầu khi Mobile World Congress bị hủy bỏ. Lúc đó, đại dịch đã diễn biến phức tạp tại Trung Hoa, nhưng quyết định hủy bỏ sự kiện kia đã khiến tôi nảy sinh ý tưởng Mobile World Virus. Nó khiến tôi suy nghĩ về cách công nghệ có thể vừa là trợ thủ đắc lực vừa là một loại virus.

Anh có thể chia sẻ về một số tài liệu tham khảo nổi bật trong tác phẩm của mình?

Tôi chỉ mang nó trở lại thực tế. Tôi mô phỏng lại poster Uncle Sam với khẩu hiệu “I Want You” vì tôi muốn mọi người hãy ở nhà. Tôi cũng sử dụng cụm từ “united we stand, divided we fall” (đoàn kết là thắng lợi, chia rẽ là thất bại), để khuyến khích mọi người tránh tiếp xúc, nên bảo vệ cho chính họ để bảo vệ cho người khác.

Tác phẩm nào khiến anh tự hào nhất?

Đầu tiên luôn là tốt nhất. Tôi nghĩ Mobile World Virus với hình ảnh Mona Lisa cầm điện thoại, đeo khẩu trang là tác phẩm khiến tôi ưng ý hơn cả. Nhưng tôi cũng thích tác phẩm “Love in the Time of Coronavirus” lấy cảm hứng từ một tác phẩm của Francesco Hayez. Nó vừa thơ mộng, vừa lãng mạn, vừa phản ánh vấn đề hiện tại.

Khi trên đường phố không một bóng người, tác phẩm nghệ thuật đường phố sẽ ra sao?

Nghệ thuật đường phố cũng có thể được tìm thấy trên các nền tảng kỹ thuật số vì bất cứ thứ gì có trên tường đều có thể bị xóa (một lúc nào đó). Internet và các kênh như Instagram cung cấp cho nghệ sĩ chúng tôi nền tảng để chia sẻ công việc của mình. Đó là một cách giúp tác phẩm sống lâu hơn.

Bài: Nikita Nawawi đăng lên tạp chí L’Officiel Malaysia
Chuyển ngữ: Trang Ps


 
Back to top