Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Tranh đơn sắc: vì sao họ làm được còn bạn thì không?

Nov 07, 2022 | By Tam Tam

Ôi những bức tranh trông lười biếng vừa dễ xem vừa gây khó chịu. Nhưng người ta không bao giờ xếp kiểu tranh này vào một trường phái. Gọi là tối giản càng sai. Bạn có dám bỏ 80 năm cuộc đời chỉ để vẽ một màu đen tuyền?

Chân dung Pierre Soulages. Nguồn ảnh: presse.louvre.fr

Năm 2019, Điện Louvre danh giá tổ chức một triển lãm hồi tưởng mang tên “Soulages at the Louvre” (Soulages ở Louvre) nhân dịp 1 thế kỉ sinh thành của danh hoạ bậc thầy người Pháp, Pierre Soulages (1919-2019), người đã dành trọn cuộc đời nghiên cứu về màu đen. Triển lãm “Soulages at the Louvre” của Bảo tàng Louvre ở Paris mở cửa chào đón công chúng từ ngày 11 tháng 12 năm 2019, đến ngày 9 tháng 3 năm 2020.

Dưới đây là một bài viết khá hay về hội họa đơn sắc của Alina Cohen dành cho tạp chí Artsy. Bài được chuyển ngữ bởi Quỳnh Mai, với một số ý bổ sung và trích dẫn từ một vài tác giả khác bởi Tam Tam.

Triển lãm “Soulages at Louvre”, 2019-2020, tại Bảo tàng Louvre, Paris.

Một bức của Barnett Newman có giá lên tới 43 triệu USD, bức của Robert Ryman thì 20 triệu USD, còn Soulages thì lập kỉ lục với giá 9 triệu USD. Những con số khủng khiếp khẳng định sự quan trọng của những tác phẩm một màu này trong giới sưu tầm. Ở Việt Nam, việc sưu tầm lẫn thực hành hội họa đơn sắc đều sự thật rất khó vì chưa ai có đủ sự dũng cảm và trình độ về mặt ý niệm chứ đừng nói đến kĩ thuật.

Barnett Newman, “Onement VI” (1953). 43.8 triệu USD. That’s called Art…

Những người đến bảo tàng dễ dàng cười cợt những bức tranh đơn sắc, bởi chúng là ví dụ tuyệt vời cho sự phản ứng của công chúng với nghệ thuật hiện đại và đương đại: “Chẳng phải ai cũng làm điều đó được sao?”. Đối với một số người, để tạo ra tác phẩm như vậy chỉ cần một thùng sơn và nhiều nét vẽ.

Nghệ sĩ Richard Prince đã biến hẳn thể loại tranh này thành truyện cười. Những năm cuối 1980 và đầu 1990, những văn bản hài hước được ông in lụa trên phông nền đơn sắc. “Monochromatic Jokes” (Những trò đùa đơn sắc) của nghệ sĩ khiến bất kỳ người xem nào biết chữ đều thực sự có thể “đọc” được tranh đơn sắc.

Không gian trưng bày tại Nahmad Contemporary. Ảnh chụp bởi Tom Powel Imaging. Nguồn: nahmadcontemporary.com

Trong phong cách này, giá trị của bức tranh đơn sắc thường nằm ở những ý tưởng mà người hoạ sĩ đề ra hơn là trình độ kỹ thuật của họ. Theo Leah Dickerman, người phụ trách tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, một bức tranh đơn sắc “hay ở những câu hỏi mà nó đặt ra”. Năm 1998, bà đã phụ trách một cuộc triển lãm cho các tác phẩm của Aleksandr Rodchenko, người đã tạo ra những bức tranh không mang tính tượng trưng đầu tiên vào năm 1921: “Pure Red Color” (màu đỏ thuần); “Pure Blue Color” (màu xanh thuần); và “Pure Yellow Color” (màu vàng thuần).

Bộ 3 tác phẩm “Pure Red Color” (Chistyi krasnyi tsvet), “Pure Yellow Color” (Chistyi zheltyi tsvet), “Pure Blue Color” (Chistyi sinii tsvet) của Alexander Rodchenko, sáng tác năm 1921, sơn dầu trên canvas, mỗi bức có kích thước 62.5 x 52.5 cm. Ba bức này đều thuộc một bộ sưu tập tư nhân ở Moscow. Nguồn ảnh: glasstire.com

Bằng cách vẽ những khối màu cơ bản cố định, Aleksandr Rodchenko đã đưa hội hoạ về yếu tố quan trọng nhất của nó: một màu tinh khiết duy nhất. Dickerman nói, Rodchenko đã đặt ra câu hỏi: “‘Có những cách nào để chúng ta có thể hiểu được một bức tranh trong khi nó được chế tạo giống như bất kỳ bức nào khác?’. Và hội họa đơn sắc tạo nên câu hỏi đó, và vật liệu làm nên bức tranh rất hữu hình”. Nếu những khái niệm này có vẻ mang tính học thuật hoặc chuyên môn, Rodchenko lại có ý định chứng minh điều ngược lại. Ông tìm cách làm sáng tỏ hội hoạ, cho thấy nó cũng cơ bản và tầm thường như bất kỳ hoạt động nào khác của tạo vật.

Rodchenko tìm thấy nguồn cảm hứng trong tác phẩm của nghệ sĩ người Nga Kazimir Malevich, người đã giới thiệu bức tranh “Black Square” (Hình vuông đen) vào năm 1915. (100 năm sau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bên dưới tác phẩm, Malevich viết nguệch ngoạc một dòng chữ nhắc đến một tác phẩm năm 1882 của Paul Bilhaud, bức tranh đơn sắc được ghi vào tư liệu đầu tiên: “Combat de nègres pendant la nuit” (Trận chiến của người da đen trong một hang động tối. Điều này đã gây nên nhiều tranh cãi về thời điểm Malevich bắt đầu phân biệt chủng tộc). “Black Square” nói cho cùng thì không phải là một bức tranh đơn sắc, vì nó thể hiện một khối màu đen trên nền trắng. Tuy nhiên, nó vẫn cho thấy tiềm năng hiện diện trong một khối màu sắc đơn giản, dựa trên màu đen/trắng tương phản để đưa ra câu hỏi về sự hiện diện, vắng mặt, những dấu hiệu và biểu tượng.

Kazimir Malevich, “Black Square” (1915), sơn dầu trên vải linen, 79.5 x 79.5 cm. Ảnh chụp tại Tretyakov Gallery, Moscow. Nguồn ảnh: ideelart.com

Kazimir Malevich, “Black Square” (1923)

Paul Bilhaud (1854-1933), “Combat de nègres pendant la nuit” (1882). Nguồn: en.wikipedia.org/Paul_Bilhaud

Vào giữa thế kỷ 20, nghệ sĩ Ad Reinhardt đã loại bỏ tất cả dấu vết của hình tượng trong những bức tranh đơn sắc thuần đen mà ông đã bắt đầu từ khoảng năm 1953 đến 1967 (năm ông qua đời). Bị ám ảnh với độ chính xác và độ nhớt sơn, người nghệ sĩ thậm chí đã phủ lên những lớp bề mặt màu đen và cố gắng loại bỏ những biểu hiện sáng tạo của riêng mình. Các tác phẩm cuối cùng, các bức sơn dầu 5 x 5 feet (~150 x 150 cm), khiến người xem đắm chìm vào một khoảng trống đen tối và (Reinhardt hy vọng) đặt câu hỏi về sự tồn tại của chính mình.

Ông đã từng tóm gọn sức mạnh của sự trừu tượng vào trong một bức tranh biếm hoạ. Một người xem bộ sưu tập chế giễu một bức vẽ trên tường: “Ha ha cái đó đại diện cho cái gì?”. Bức vẽ sống dậy, giận dữ trả lời: “Anh đại diện cho cái gì?

Ad Reinhardt, “Trừu tượng” (1955)

Việc hướng hội hoạ đến ý tưởng hơn là sự thể hiện tính thẩm mỹ đã có tác động lớn đến Nghệ Thuật Tối Giản và Nghệ Thuật Ý Niệm của các thế hệ tương lai. Không phải là người xem nhẹ những thành tựu của mình, Reinhardt gọi loạt tác phẩm này là những bức tranh cuối cùng mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Ông cảm thấy bản thân đã đưa phương tiện này đến phần kết thúc hợp lý. Đáng chú ý hơn, Rodchenko trước đó cũng đưa ra quan điểm tương tự. Lịch sử của hội họa đơn sắc, nhìn chung, toàn những nhân vật (chủ yếu là nam) thích hạ thấp những thành tựu của nghệ sĩ khác và tin rằng họ là người đạt được thành tựu cao nhất trong hội hoạ.

Một phần trong số các tác phẩm “Suprematist” của Kazimir Malevich tại triển lãm 0,10 vào năm 1915 ở thành phố Petrograd, Nga. Ảnh chụp bởi Phillip Barcio. Nguồn ảnh: ideelart.com

Không lâu sau khi Reinhardt bắt tay thực hiện những  bức tranh màu đen của mình, nghệ sĩ Robert Ryman thu hẹp bảng màu của mình về còn màu trắng. Năm 1955, ông trưng bày những gì ông coi là tác phẩm chuyên nghiệp đầu tiên của mình, khẳng định sự quan tâm của mình trong việc sử dụng một màu duy nhất với “Orange Painting” (Bức tranh cam). Ryman cuối cùng chuyển sang sử dụng màu trắng vào cuối thập kỷ này, do bị thu hút bởi sự tương tác phức tạp của màu trắng với khung, tường, những bề mặt, và ánh sáng. Những “màu trắng” của ông ấy dường như pha trộn với nhiều tông màu, mời gọi người xem tìm kiếm với những cái nhìn sâu lắng và trầm tư. Cả Ryman và Reinhardt đều chọn mặt vải hình vuông để vẽ lên. Đó là hình dạng trung tính, không như một hình chữ nhật, hình dạng mà có thể gợi lên những liên tưởng khác dễ dàng hơn: một bức chân dung, phong cảnh, cánh cửa, hoặc cửa sổ. Vật liệu đa dạng của Ryman – giấy lọc Chemex, glassine – khiến cho những tác phẩm của ông có giá trị về hội hoạ cũng như những gì nằm bên dưới nó (và hai thứ tương tác như thế nào).

Robert Ryman, “Untitled” (1958)

Ryman không bao giờ tự coi bản thân là một là một họa sĩ đơn sắc”, chủ tịch Pace Gallery, Susan Dunne, người tổ chức show “Robert Ryman: Những bức tranh” nói. “Ông vẽ ánh sáng. Ngay cả khi tưởng như đó là màu trắng thì nó cũng có sắc tố khác nhau của màu trắng. Ông ấy sử dụng màu sắc của mặt vải, khung căng, tất cả mọi thứ”.

Nếu Ryman và Reinhardt đã gắn liền với những bức tranh đơn sắc trắng và đen, họ đã cùng chung một người tiền nhiệm mà không ai ngờ đến: Robert Rauschenberg. Có lẽ được biết đến nhiều nhất qua những bức in lụa phức tạp và một khối lắp ráp gồm một con dê nhồi bông trong một chiếc lốp xe ô tô bằng cao su (“Monogram”, 1955-1959), nhưng trong sự nghiệp của mình, Robert Rauschenberg trước đó thực ra đã thử nghiệm với những hình thức đơn giản hơn. Từ chối sự táo bạo và dấu ấn cá nhân của các nhà Biểu Hiện Trừu Tượng, Rauschenberg lấp đầy bức tranh màu đen bằng những tờ báo nhàu nát – vật liệu thường ngày, rẻ tiền. Đối với những bức tranh màu trắng của mình, ông bất chấp quy tắc về nguồn tác giả,cho phép bạn bè cũng như những người tình của ông (bao gồm Cy Twombly) tạo ra, làm lại và sơn lại một vài trong số chúng. Đáng chú ý, các tác phẩm này đã trở thành động lực giúp nhạc sĩ John Cage tạo ra phiên bản thính giác đơn sắc của riêng ông: 4’33” (1952), trong đó chỉ có sự im lặng. Ở đây, theo lời Dickerman, việc thiếu bản ký âm sẽ dẫn sự chú ý quay trở lại yếu tố chính của âm nhạc: time itself.

Robert Rauschenberg, “Monogram” (1955-1959)

Robert Rauschenberg, “Untitled” [glossy black four-panel painting] (1951)

Robert Rauschenberg, “White Painting” [four pannel] (1951)

Cùng thời với Rauschenberg, Ryman và Reinhardt cũng thử nghiệm với đơn sắc, sự quan tâm đến loại hình này đã nở rộ tại Hàn Quốc. Từ những năm 1960 đến những năm 1980, phong trào Dansaekhwa (dịch ra là “hội hoạ đơn sắc”) ở Hàn Quốc khiến nghệ thuật tập trung vào những yếu tố cơ bản, quan trọng của nó. Park Seo-Bo tạo ra series “Ecriture” của ông bằng cách vẽ những đường nét tinh tế lên trên lớp sơn ướt màu trắng, rồi sau đó sơn lại và lại làm trầy chúng. Kết quả là hình thành một cảm giác về nhịp điệu và kết cấu.

Park Seo-Bo, “Ecriture (描法) No.47-81” (1981), Wellside Gallery

Những bức tranh đơn sắc trắng của Chung Sang-Hwa tận dụng việc lặp đi lặp lại một quá trình. Ông phủ mặt vải của mình với keo, nước và đất sét cao lanh rồi sau đó lột những chất liệu đó ra. Ông lấp đầy những phần trống với sơn acrylic, sau đó lặp lại quá trình này. Ban đầu, những bức tranh trông có vẻ đơn giản, chúng khiến người xem có ấn tượng sai lầm về quá trình tạo thành, điều mà sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu ngắm càng lâu. Những thành quả của Dansaekhwa đã trở nên nổi bật hơn trong các phòng trưng bày ở New York và giới học thuật Mỹ trong vòng mười năm qua. Tuy nhiên, sự vắng mặt của chúng trong diễn ngôn lịch sử nghệ thuật phương Tây suốt một quãng thời gian dài, là một lời nhắc nhở rằng hội hoạ đơn sắc và tranh trừu tượng nói chung, hầu như không phát triển mấy trong khoảng chân không tập trung vào châu Âu.

Chung Sang-Hwa, “Untitled 84-3-1” (1984), Phillips

Nhưng khi nhìn lại, ở châu Âu, hội hoạ đơn sắc thật sự được đặt trong những khía cạnh chất vấn nghệ thuật rất khác nhau. Nếu Malevich là về cảm giác thuần của nghệ thuật, được định nghĩa bằng khối và màu, thì những cái tên như Pierre Soulages, Yves Klein hay Lucio Fontana đều có những khẳng định riêng.

Một màu đen, có thể trong suốt hoặc mờ đục, nó có thể sáng bóng hoặc mờ, mịn hoặc sần sùi, và điều đó thay đổi mọi thứ“. Soulages nhấn mạnh: “Tôi coi ánh sáng cũng như là một thứ chất liệu mà tôi sử dụng“. Nói tóm lại, người nghệ sĩ này không vẽ nhiều chỉ với màu đen mà còn với “ánh sáng được phản chiếu bởi các điều kiện bề mặt của màu đen“. Và như vậy các tác phẩm của Soulages trừu tượng bởi các mảng màu đen nằm chồng chéo nhau. Có khi ngang, có khi dọc nhưng mỗi đường nét màu đen được thể hiện thì cũng là lúc trò chơi ánh sáng được phơi bày. Các tác phẩm của Soulages như cửa sổ ở những nhà thờ, mọi sắc thái của không gian thay đổi khi ánh sáng thay đổi.

2020 Pantone thông báo classic blue là màu của năm nhưng có lẽ ít ai biết rằng cái tên IKB (International Klein Bleu) của nghệ sĩ Yves Klein là màu xanh nổi tiếng nhất. “Chủ nghĩa Hiện thực mới” (Nouveau Realism) vào những năm 1960 chưa bao dễ nhận biết hơn bằng cái màu xanh đậm đại dương này của Yves Klein, khi mặt hình thức của tác phẩm lại nằm xa ở ý niệm hơn là gần với cái tên phong trào. Một màu xanh thẫm bao phủ tất cả các chất liệu xã hội và không gian. Nôm na, “những bức tranh đơn sắc hiện thực” có lẽ sẽ là cách gọi dễ hiểu nhất cho người xem.

Yves Klein, “Monochrome Bleu” (IKB277) (1959)

Lùi về hậu thế chiến thứ 2, nghệ sĩ người Ý, Lucio Fontana đã cùng các nghệ sĩ khác thành lập một trường phái mới gọi là Spatialism (Chủ nghĩa Không gian). Với sự khai sinh này, Concetti Spaziale (Ý niệm Không gian) bởi Fontana đã tách xa các hình thức hội họa và điêu khắc truyền thống, thay vào đó, ý niệm của ông biến các vật thể thành không gian ba chiều và biến không gian trần tục thành môi trường thử nghiệm. Đó là những lí do khiến những vết cắt tagli và những chiếc lỗ buchi trên những bức tranh một màu, trở nên nổi tiếng, khi chúng mở toang các không gian ẩn ở giữa và đằng sau hình ảnh bề mặt truyền thống.

Lucio Fontana, “Concept Spatial, Attente” (1963)

Những bức tranh đơn sắc thường là những trường hợp thử nghiệm, thúc đẩy giới hạn của hội hoạ như cách nó được hiểu ở những khoảnh khắc và những vị trí khác nhau”, Dickerman nói. Reinhardt tìm kiếm sự cự tuyệt tột độ trong hội hoạ, từ chối màu sắc, dấu hiệu và bố cục. Ryman luôn thúc đẩy người xem quan sát những biến đổi vô hạn của một màu duy nhất (có lẽ chính xác hơn, sắc thái, mà được cho là không có sự xuất hiện của màu sắc) lâu nhất có thể.

Vẫn theo Dickerman: “Vì vậy, nói đúng hơn, một bức tranh đơn sắc sẽ cho chúng ta thấy điều gì đó về hội họa mà chúng ta chưa nhìn thấy trước đây, xác định bản chất của nó theo một cách mới. Nó cũng có nghĩa là, theo một số nguyên tắc cơ bản, những bức tranh đơn sắc không đứng riêng, mà liên quan đến lĩnh vực hội họa nói chung”.

Điều này cũng có thể lý giải tại sao nhiều nghệ sĩ không muốn coi bản thân là “họa sĩ đơn sắc” – họ thấy mình tham gia một cuộc đàm thoại rộng lớn hơn, vượt xa hơn một màu duy nhất.

Nghệ sĩ đương đại Jessica Dickinson cũng bác bỏ danh hiệu này. “Tôi là một người nghệ sĩ thỉnh thoảng vẽ ra những bức tranh mà cuối cùng chúng trở thành đơn sắc”, bà nói. Cũng giống như Ryman, tuy nhiên, bà quan tâm đến “tốc độ” của đơn sắc, hoặc cách nhận thức của người xem thay đổi khi càng dành nhiều thời gian ngắm bức tranh. Dickinson làm việc một cách chậm rãi và mất đến vài tháng (đôi khi hơn một năm) để hoàn thành một bức duy nhất. Bà tích tụ đá vôi polymer, sau đó dần dần chồng lớp sơn dầu lên. Trong lúc làm việc, bà đục hoặc khắc lên bề mặt cho những bức tranh của mình mang cảm giác đau khổ và suy tàn – một dấu hiệu của thời gian. “Tôi đưa bức tranh của mình qua các giai đoạn và các sự kiện khác nhau. Màu sắc là kết quả của tất cả các sự kiện nó trải qua”, bà mô tả.

Jessica Dickinson, “Of/How” (2013), Altman Siegel

Càng ngày, những người nghệ sĩ và giám tuyển trẻ càng sử dụng hội họa đơn sắc để khám phá “màu sắc” theo một nghĩa tượng trưng hơn, đề cập đến những vấn đề về bản sắc. Trong năm 2016, giám tuyển Adrienne Edwards đã tổ chức triển lãm mang tên “Blackness in Abstraction” (Sắc đen Trừu tượng) tại phòng trưng bày Pace, sử dụng những bức tranh đơn sắc đen nhấn mạnh vào sự triển vọng của gam màu này. Wangechi Mutu đã sử dụng bột giấy và mực đen bắn tung toé trên tường, trong khi Ellen Gallagher có đặc trưng là nhắc đến tác phẩm của Malevich trong những bức tranh của riêng mình.

Wangechi Mutu, “Throw (detail)” (2016), giấy, mực, kích thước đa dạng.

Ellen Gallagher, “O.K. Corral” (2008), Gagosian

Ở đâu đó New York, nghệ sĩ Alteronce Gumby hy vọng có thể “định nghĩa lại màu sắc thành sắc thái”, ông nói với Artsy. Ông vẽ những bức tranh đơn sắc nhiều lớp bằng tay và pha trộn sơn màu đen của ông bằng cách kết hợp với nhiều sắc thái khác nhau. “Tất cả những điều đó tăng thêm trải nghiệm trong cách chúng ta xây dựng bản sắc hoặc tính cách của riêng bản thân”, ông nói. Lấy ví dụ là “Wakanda” (2017), đề cập đến một quốc gia châu Phi hư cấu, và hiện đang phổ biến trên Twitter nhờ Black Panther (đó là bối cảnh chủ yếu của bộ phim). Thoạt nhìn qua chỉ thấy bức tranh toàn màu đen. Nhìn gần hơn, kỹ hơn, những màu hồng, xanh da trời, xanh lá cây sẽ bắt đầu xuất hiện.

Alteronce Gumby, “I’m Not Red I’m OJ” (Không phải màu đỏ, tôi màu vàng cam) (2017), Long Gallery Harlem

Alteronce Gumby, tác phẩm trưng bày trong triển lãm “Black(ness) is Beautiful”, tại Fondation des Etats-Unis, Paris.

Tác phẩm của Gumby gợi ý rằng hội họa đơn sắc sẽ tiếp tục phát triển khi các nghệ sĩ đang vật lộn với các vấn đề không ngừng thay đổi về thẩm mỹ, xã hội và tự truyện. Gumby nói: “Tôi nghĩ những gì tạo nên một bức tranh đơn sắc hay/tốt/đẹp cũng là những gì tạo ra bất kỳ bức tranh nào hay/tốt/đẹp khác. Liệu điều này có thay đổi cách tôi nhìn thế giới xung quanh không?

Tam Tam đóng góp và bổ sung

Quỳnh Mai chuyển ngữ từ bài viết “What Makes a Monochrome Painting Good” của Alina Cohen (artsy.net, 06.03. 2018)


 
Back to top