ART & CULTURE / Nghệ sĩ

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Trừu tượng là trường phái đưa tư duy con người đến sự vô cùng

Dec 23, 2019 | By admin

Những chấm phá điêu luyện trên toan tranh, bao sắc độ tinh tế của màu vàng, tranh của Trần Vĩnh Thịnh tựa như tứ thơ ngợi ca nét đẹp mong manh của thiên nhiên.

Luxuo Art

Tác phẩm “Ngõ Thu Xưa” của Trần Vĩnh Thịnh, acrylic, 120×240 cm, 2018.

Nhịp sống quay cuồng ngày nay và sự hiện diện của mạng xã hội dễ khiến con người bị cuốn theo những giá trị dễ dãi, để rồi quên đi nét đẹp thuần túy ẩn sâu trong những khoảnh khắc tĩnh tâm, lặng yên với chính mình và cảnh vật xung quanh. Những sáng tác trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh, với từng đường cọ thấm nhuần xúc cảm nội tại và cách dụng màu phản ánh cảm thức vô bờ với thiên nhiên, như mở ra chiều không gian bất tận trong mắt người xem và khơi gợi những mênh mang mường tượng về từng nhành cây, ngọn cỏ, tiếng chim hót, lá vàng rơi, bến đò… và tác động của chúng lên tâm trí, ký ức và tâm hồn.

Trước thềm triển lãm Một Sớm Mai Xuân do Luxuo Art tổ chức, chúng tôi đã có dịp trò chuyện và khám phá những tâm thức ẩn sau trong sáng tác của anh.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh

Từ khi nào anh có niềm đam mê với vẽ và nghệ thuật? Ký ức sâu đậm nhất trong anh về lần đầu tiên cầm cọ là gì?

Ngay từ thuở đi học, ngoài việc làm bài theo đề tài của các thầy cô ở trên lớp, thì ở nhà tôi vẫn vẽ tranh theo cách cho riêng mình. Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng không nghĩ đấy là “sáng tác”, mà đơn thuần là vẽ theo sở thích chơi chơi vậy thôi. Còn bạn hỏi tôi đam mê vẽ từ khi nào thì cũng khó nhớ, chỉ nhớ ngay từ lúc học tiểu học thì trong lớp tôi thuộc nhóm vẽ được.

Ngoài ra sở thích vẽ của tôi có lẽ còn bắt nguồn từ các nghệ nhân lăng mộ ở Huế. Quê tôi ở vùng duyên hải Thừa Thiên Huế, dân vùng này xây lăng mộ cho người quá cố rất nhiều và phong phú, và sau độn cát nhà tôi thì có rất nhiều lăng một như vậy. Hàng ngày sau giờ đi học về, tôi gần như quăng sách vở, chạy lui sau “độn cát” để xem các bác thợ kép họ đắp vẽ rồng phượng, mai, lan, cúc, trúc… Từ đó tôi mê mẩn với việc vẽ, và sau này lại có duyên đến với con đường hội họa là như thế.

“Sen Cuối Mùa”, sơn dầu, 100x100cm, 2018.

Tại sao anh lại chọn vẽ tranh theo trường phái Trừu tượng? Liệu trước đây anh có theo phong cách vẽ Hiện thực?

Tôi nghĩ rằng đa số các họa sĩ trước khi vẽ các trường phái khác thì đều trải qua thời kì vẽ hiện thực, vì đó là thứ căn bản mà mọi người phải học và học thật kỹ, còn thấm được và thực hành đến đâu là do khả năng của từng người. Tôi thì mê vẽ trừu tượng ngay từ những ngày đầu biết đến và tiếp cận được với trường phái này, tức là lúc còn đi học mỹ thuật. Và dĩ nhiên lúc đó mình vẫn còn cảm tính vu vơ chứ chưa có khái niệm rõ ràng gì về tranh trừu tượng. Một phần lý do vì trước năm 2000, công nghệ mạng còn chưa hiện hữu nhiều, nên thông tin để học hỏi cũng ít.

Thích vẽ trừu tượng nhưng tôi cũng biết rằng đây là vùng đất không hề dễ sống, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng chính vì thế nó lại kích thích tôi hơn (cười). Tôi đam mê nhưng cũng phải vừa vẽ vừa chạy thêm việc khác để sống. Đến hôm nay cũng hơn 20 năm tôi theo nghiệp vẽ, nhưng vẫn cứ luôn cảm thấy còn chưa hài lòng, vẫn muốn kiếm tìm nữa, học thêm nữa trên con đường này. Trừu tượng có lẽ là một trường phái đưa tư duy con người đến sự vô cùng.

“Lời nguyện cầu”

Đề tài trong tranh của anh đều luôn phảng phất nét đẹp về thiên nhiên và sự thay đổi của vạn vật khi giao mùa. Điều gì trong đó khiến anh rung động và muốn truyền tải qua tranh?

Thiên nhiên là một bậc thầy vĩ đại, gợi mở cho chúng ta rất nhiều điều và tôi cũng nương theo sự ấy mà vẽ thôi. Cuộc sống ngày nay đúng là có vô vàn đề tài bất tận cho ta vẽ, người họa sĩ cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy của của xã hội, phải tự tìm tòi điều mình thấy thích hợp để sáng tác. Tôi thích vẽ về màu vàng của mùa thu, nhưng cũng rất thích lấy cảm hứng từ màu vàng son của đền đài, chùa chiền vùng đông Á. Chúng ta rất may mắn khi được sống trong vùng văn hóa phong phú, gợi mở nhiều điều trong sáng tác hội họa.

Các tác phẩm của anh đều mang sắc thái của màu vàng. Có lý do gì đặc biệt đằng sau sự lựa chọn này không?

Trước đây tôi cũng vẽ đủ thứ màu như các họa sĩ khác, cũng xanh, đỏ, vàng, tím… như mọi người. Thoạt đến khoảng năm 2015, vô tình phát hiện rằng tôi thích vẽ như thế này sau mấy bức thử nghiệm đầu, và khi thấy hay hay nên tôi tiếp tục vẽ theo series này cho đến bây giờ, Và càng vẽ tôi càng thấy nó quá phong phú trong cách dụng màu, để tôi có cơ hội vừa vẽ vừa phát hiện ra nhiều cái mới hơn.

Dĩ nhiên một ngày nào đó, có thể tôi sẽ đổi “gu” để chuyển sang tông màu khác, “chơi trừu” theo cách khác. Còn lý do đặc biệt thì tôi cũng không nghĩ ra gì hơn, ngoài việc tôi thích màu vàng cung đình và màu vàng trên sắc áo của tăng lữ Phật giáo Á Đông.

“Say Rực Rỡ”, sơn dầu, 90x110cm, 2018,

Việc sử dụng sắc màu này liệu có tạo nên thách thức gì cho anh trong quá trình sáng tác không? Làm cách nào để anh biểu đạt ý những trạng thái, ý hướng khác nhau với màu vàng?

Đúng là đôi khi cũng có chút khó khăn, vì mình phải “vật lộn” với chừng đó màu và tìm cách để nhìn vào không gây cảm giác ngán khi xem. Vì thế ngoài sự vận dụng tự thân của màu vàng, mình cũng phải cố gắng tạo ra hiệu ứng khác trên bề mặt của toan để bức tranh không bị trơ và đơn điệu. Tạm thời đến lúc này, tôi vẫn chưa cạn ý với màu vàng, vẫn còn “tứ” để vẽ. Trong thiên nhiên và cuộc sống vẫn còn vô vàn thứ để tôi được lấy cảm hứng, như mày lá vàng của mùa thu hàng năm hay mặt trời vàng hàng ngày… Biết bao giờ cho cạn ý (cười)

Quá trình vẽ tranh của anh thường diễn ra như thế nào? Từ lúc ý niệm thành hình trong tâm trí cho đến lúc đặt bút vẽ, ở tranh trừu tượng làm cách nào để người họa sĩ biết rằng bức tranh ấy đã hoàn thành?

Thường thì thời gian tôi suy nghĩ về đề tài, về cách diễn đạt, cách đặt vấn đề thì lâu, chứ khi các “tứ” ấy đã chín thì việc thực hiện bức tranh cũng nhanh thôi. Có những bức tranh diễn ra một cách khá thoải mái, điều này liên quan rất nhiều đến cảm hứng và tinh thần lúc làm việc. Ở đây vấn đề xấu đẹp thì mình chưa bàn đến, nhưng thường những bức như thế thực hiện xong khá nhanh. Những lúc tinh thần vui vẻ sảng khoái thì bức tranh cũng trong trẻo vui vẻ, và ngược lại, có những bức ấp ủ lâu nhưng mình thực hiện mãi vẫn không thành. Có những bức tôi đã nghĩ đến cách đây khoảng 2 năm, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được theo ý muốn.

Tranh trừu tượng thiên về cảm xúc nhiều hơn mặc dù cũng dựa trên cơ sở chừng ấy màu, mỗi người đều có một cách diễn đạt của riêng mình, không ai giống ai. Ở thể loại này, việc dừng lại bức vẽ đúng lúc là điều cực kỳ quan trọng. Đôi khi chỉ thêm một nét là hỏng, và không thể sửa lại được, mà có sửa lại cũng không ưng ý, vì có những đường nét đôi khi nó đẹp nhờ cảm xúc, nhờ vào lúc thăng hoa…

“Bên Kia Sông”, sơn dầu, 90x130cm, 2019.

Anh có thể giới thiệu đôi chút về các tác phẩm sẽ góp mặt trong triển lãm Luxuo Art “ Một Sớm Mai Xuân” được không?

Vâng, trong triển lãm lần này có một số tác phẩm được tôi sáng tác từ năm 2018, và cả tranh mới trong năm 2019. Ngoài tác phẩm trừu tượng vẽ về thiên nhiên, về mùa thu vàng lá, thì cũng có tác phẩm về những vui buồn của lòng người giữa kiếp nhân sinh, về thân phận trong cõi đời này. Tất cả đều là những tác phẩm mà tôi ưng ý, cho nên tôi cũng mong muốn được chia sẻ với mọi người vào những dịp đặc biệt như thế này.

Quãng đường gắn bó với nghệ thuật đã cho anh những trải nghiệm và bài học gì? Liệu đó là nhiều hơn là mất?

Theo tôi không những làm nghệ thuật, mà trên đời này làm nghề gì cũng có thử thách, và cũng có đền đáp xứng đáng cho người đam mê yêu nghề. Tôi cũng chấp nhận đánh đổi vài thứ trên bước đường của mình để được sống tận hiến với nghề. Đối với xã hội ta hiện nay thì việc sống được với nghệ thuật cũng có phần vất vả, nhưng tôi nghĩ cứ xem như đó là chất liệu sống vậy, tôi cứ sống và vẽ thôi.

Như tôi đã nói ở đầu là lúc nhỏ tôi rất mê nghề “thợ kép”, tức là thợ đắp vẽ rồng phượng, mai, lan, cúc, trúc… ở lăng tẩm đền đài ở Huế. Từ ước mơ đó đến việc làm một người họa sĩ sáng tác là cả một quãng khác nhau nhiều lắm, nên hôm nay được sống, được vẽ cái mình yêu thích thì tôi vẫn thấy thích hơn chứ.

Tôi cũng chẳng nghĩ đến được mất, cứ tập sống như hạnh của đất thôi, cái gì đến sẽ đến. Việc của mình là được sống và vẽ, nghề này tuy cũng lắm gian nan, gian nan với cơm áo, lại hay nhạy cảm trước con người, trước cuộc đời. Nhưng bù lại được cầm cọ, được vẽ và sống với nó thì cũng là duyên vậy, nên tôi cũng gắng “chơi” hết mình với nó.

Bài: Quyên Hoàng

Luxuo Art Một Sớm Mai Xuân

Tiếp nối triển lãm đầu tiên “nguyên”, Luxuo Art trở lại với “Một Sớm Mai Xuân”, diễn ra từ ngày 27 đến 28/12 tại Mai House Saigon. Triển lãm sẽ đem đến khoảng lặng trữ tình cùng 18 tác phẩm của bốn nghệ sĩ Bùi Tiến Tuấn, Lê Minh Phong, Anh Hoa, và Trần Vĩnh Thịnh. Dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, các tác phẩm hội họa trong triển lãm ánh lên vẻ nhẹ nhàng, thi vị, với sự rung cảm sâu đậm về cảnh sắc thiên nhiên và con người là sợi dây xuyên suốt tạo nên câu chuyện phản chiếu những khoảnh khắc lay động tâm hồn. Hân hạnh mời bạn đăng ký tham dự triển lãm tại đây


 
Back to top