Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Lê Minh Phong: “Nghệ thuật khởi đi từ bi kịch”

Dec 20, 2019 | By Trang Ps

Chia sẻ với Luxuo, Lê Minh Phong mải mê kể về khao khát khám phá suối nguồn trên con đường thực hành nghệ thuật. Từ thời điểm Phong rẽ sang lĩnh vực mỹ thuật đến giờ, các tác phẩm của anh đã được sưu tầm hết. Quả thực, đó là niềm vui lớn với những gã nghệ sĩ chân chính và bền bỉ như anh.

Từng là nhà văn trước khi rẽ sang con đường mỹ thuật, Lê Minh Phong liên tiếp cho ra mắt hai triển lãm cá nhân “Bên trong” vào năm 2015 và “Nối tiếp” vào năm 2018 tại Huế, thu hút cộng đồng yêu thích nghệ thuật quan tâm hưởng ứng. Quê ở Hà Tĩnh, lập nghiệp ở xứ Huế thân thương, Lê Minh Phong thuộc lớp nghệ sĩ trẻ tài năng với kho tàng tác phẩm khá đồ sộ. Thời gian gần đây, Phong tiếp tục trổ tài trong lĩnh vực điêu khắc gỗ. Các tác phẩm của anh phô diễn thân phận bí ẩn của con người, với những chiêm nghiệm sâu sắc của chàng nghệ sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Tự nhận mình là kẻ “trắc ẩn – bền bỉ – kiệm lời”, nhưng những gì Phong chia sẻ trong cuộc trò chuyện dài lại khiến chúng ta nhiều phần trầm ngâm.

Được biết, Phong từng là nhà văn trước khi rẽ sang con đường mỹ thuật. Cơ duyên nào đã khiến anh đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt này?

Thực hành nghệ thuật là một hành trình dài. Hành trình ấy sẽ đi qua những thời kỳ khác nhau, giữa các thời kỳ lại xuất hiện sự phủ định và tiếp diễn lẫn nhau. Khi con đường ấy chảy mãi, nó sẽ trở thành suối nguồn trong tâm thức người làm nghệ thuật.

Từng là nhà văn trước khi trở thành họa sĩ, tôi nghĩ, để đạt được suối nguồn của chính mình – một suối nguồn thực sự tuôn chảy, bản thân cần thực hành nghệ thuật ở nhiều địa hạt khác nhau. Nếu trước đây, văn chương giúp tôi kể chuyện dưới nhiều dạng bút pháp thì bây giờ, hội họa cũng cho phép tôi được tiếp tục sáng tác khi còn lưu trú trong cuộc đời này.

Đối với tôi, sự thay đổi giữa viết và vẽ gần như không tồn tại cơ duyên nào cụ thể. Nó là một kết quả tất yếu trên con đường tôi tìm kiếm suối nguồn của mình. Tuy nhiên, khi ta đào sâu vào một lĩnh vực nào đó, những dị biệt sẽ xuất hiện một cách đáng kể. Chẳng hạn, khi đề cập dị biệt giữa văn chương và hội họa, chúng ta cần câu chuyện dài hơn để nói tới sự khác nhau về chất liệu, nghệ thuật tự sự, sự triển nở của các chiều không gian, thời gian hay phương tiện biểu đạt, tuyến nhân vật,…

Vừa giỏi vẽ vừa giỏi viết, phải chăng nghệ sĩ Lê Minh Phong sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật? Và tại sao anh lại chọn Huế là nơi phát triển sự nghiệp?

Tôi không dám nhận bản thân giỏi vẽ và giỏi viết, nhưng tôi dám khẳng định suốt thời gian dài vừa qua, tôi đã thực hành liên tục với số lượng lớn các tác phẩm trên cả hai lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực, tôi nỗ lực tìm kiếm những bút pháp khác nhau và cách thức khác nhau để chuyển tải trọn vẹn tư tưởng của mình.

Tôi không được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tôi không rõ đó là may mắn hay bất hạnh nhưng từ nhỏ, tôi đã nhận thấy rằng mỗi thành viên trong gia đình mình đều có một số phận khác nhau, mỗi số phận ấy đều có những câu chuyện để kể. Việc của tôi là phải học cách kể cho đúng về những câu chuyện ấy. Cuộc mưu sinh thuở ấy nghiễm nhiên đi vào tiềm thức của tôi, cấu nên những giấc mơ trong tôi, đôi khi là những giấc mơ bé mọn, cũng có khi đó là những giấc mơ đáng tự hào.

Tôi nhìn thấy những câu chuyện mơ hồ trong những bức tường phủ đầy rêu, hay sự mơ mộng của Huế đi vào tôi là điều bất khả chối từ.

Đến bây giờ, tôi vẫn mang ơn cuộc sống đã cho tôi gắn liền với Huế. Đây không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng lại là nơi gắn liền với sự phản tỉnh của tôi trong cuộc sống cũng như trong cách hành xử với nghệ thuật. Huế có nhiều sự khác biệt. Tôi nhìn thấy những câu chuyện mơ hồ trong những bức tường phủ đầy rêu, hay sự mơ mộng của miền đất ấy đi vào tôi là điều bất khả chối từ.

Và dĩ nhiên, ngoài sự mơ mộng đài các, Huế là nơi cho tôi tìm thấy những số phận con người. Họ tự kể câu chuyện của mình như những kẻ hành khất đắm chìm trong huyền thoại rồi chết đi trong im lặng.

Năm 2015, khi Phong ra mắt triển lãm đầu tiên “Bên trong”, tức khoảng 2 năm kể từ ngày anh bước chân vào con đường mỹ thuật. Anh có thể chia sẻ về quá trình sáng tác cũng như khó khăn trong triển lãm đầu tay?

Thực hành hội họa được 2 năm, tôi tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pháp (Huế). Tôi nỗ lực với nhiều series khác nhau và dành nhiều thời gian cho sự truy vấn về thân phận. Và, tôi xếp khoảng thời gian này trong sáng tác của mình là “Thời kỳ đen”.

“Bên trong” là cách tôi phô diễn thế giới nội tâm của chính tôi và của tha nhân. Cũng chính thời kỳ này và có lẽ mãi về sau, tôi sẽ luôn tin vào những giấc mơ của mình, từ chính những cuộc va chấn trong tôi, tôi nỗ lực vẽ những hình ảnh tôi thấy trong những cuộc va chấn thăm thẳm ấy.

Cá nhân tôi nhận thấy, nghệ thuật có thể khởi đi từ nhiều suối nguồn khác nhau, và một trong những nơi khởi đi của nghệ thuật nhân loại chính là bi kịch. Trong Thời kỳ đen, tôi rút tỉa năng lượng từ những giấc mơ và từ những câu chuyện buồn xung quanh cuộc sống của mình. Tôi đã thể hiện ý niệm, truy vấn của tôi bằng gam màu đen. Phải chăng, đó là màu của thân phận?

Cá nhân tôi nhận thấy, nghệ thuật có thể khởi đi từ nhiều suối nguồn khác nhau, và một trong những nơi khởi đi của nghệ thuật nhân loại chính là bi kịch.

Thời kỳ này, tôi cũng vẽ nhiều về cái chết trong lớp ngôn ngữ mang màu sắc biểu hiện. Tôi nghĩ, không có gì đến từ hư vô, hội họa vô thể hay hữu thể phải luôn có căn nguyên và lý do khởi đi của chúng. “Bên trong” là nỗ lực chạm vào thế giới của những giấc mơ, đó là thế giới vô hình dạng, thế giới không thể mô phỏng theo chiều hướng hiện thực. Đó cũng là nơi tôi bám vào để thăm dò chính mình và thăm dò nghệ thuật.

Tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên nếu không có sự bảo trợ của Trung tâm văn hóa Pháp (tại Huế). Và về sau, lần triển lãm cá nhân thứ hai của tôi cũng được chính Trung tâm văn hóa Pháp giúp đỡ.

Có thể thấy, những tác phẩm của Phong được vẽ nhiều bằng sơn dầu trên vải bố. Phải chăng, có sự gắn kết nào đó giữa cá tính của anh và loại chất liệu này?

Đối với tôi, sơn dầu trên vải bố là chất liệu vĩnh cửu dành riêng cho hội họa. Từ rất lâu, con người đã thực hành hội họa với chất liệu sơn dầu. Và theo như tôi tìm hiểu, những họa sĩ Phục Hưng là những người sử dụng chất liệu sơn dầu trong hội họa một cách rộng rãi. Từ thế kỷ XVI đến nay, sơn dầu trên vải bố vẫn là loại chất liệu chủ đạo được các họa sỹ sử dụng.

Tôi cũng như các họa sỹ khác, nhận thấy đây là chất liệu phù hợp với hội họa. Nó lâu khô, điều này giúp họa sỹ có thể chỉnh sửa các hình họa trong quá trình thực hiện một họa phẩm, mặt khác, sơn dầu là chất liệu có thể vẽ nhiều lớp, thể hiện được nhiều sắc độ mà người họa sỹ muốn thể hiện, nó khó phai màu và đảm bảo lâu dài cho quá trình tồn tại của một nghệ phẩm. Tôi lựa chọn chất liệu này cũng một phần vì tôi tin vào túi khôn của tiền nhân.

Tôi lựa chọn chất liệu này cũng một phần vì tôi tin vào túi khôn của tiền nhân.

Ba năm kể từ lần ra mắt triển lãm “Bên trong”, Phong tiếp tục trình làng triển lãm cá nhân “Nối tiếp” với 26 tác phẩm. “Nối tiếp” ở đây có nghĩa là gì và dụng ý nghệ thuật của triển lãm được Phong diễn giải ra sao?

“Nối tiếp” chính là quá trình tôi thực hành các series khác nhau. Đó là sự nối tiếp cả về bút pháp lẫn tư tưởng. Trong sự đỗ vỡ của các giá trị, khi niềm tin bị phụ bạc, tôi nhận thấy con người đang mang trong mình một kiểu dạng tâm thức quái lạ, điên tàng, bướng bỉnh, gây hấn, vừa phản tỉnh vừa cam chịu…

Về mặt tạo hình, 26 tác phẩm trong triển lãm lần này có sự tiết chế hình họa với nhiều khoảng trắng trong tranh. Những khoảng trắng tạo nên những vùng rỗng. Rỗng mà đầy. Cũng chính những khoảng trắng ấy khiến các hình thể trong tranh có biên giới rộng lớn hơn trong việc thể hiện ý niệm. Từ những khoảng trắng ấy, người ta sẽ đặt ra nhiều nghi vấn. Với tôi, tôi tin rằng bằng việc để trắng không gian, tôi đã đi xa hơn sức của mình.

Càng ít hình thể trong tranh, càng tối giản sự vật đi thì năng lượng trong mỗi họa phẩm sẽ được bảo toàn và bung phá sau khi mắt nhìn đã đi hết biên giới giới hạn trên bề mặt tranh. Cùng lúc ấy, những biên giới suy tưởng khác sẽ được mở ra, những suy tưởng không phụ thuộc vào cái được thấy mà nằm ở cái chưa được thấy, cái đang nằm ở những chân trời viễn mộng.

“Nối tiếp” truyền tải thông điệp rằng dù tạo hình trên chất liệu nào, dù sáng tác dưới nhãn quan nào đi nữa thì thuộc tính lãng mạn là yếu tố quyết định sức sống của tác phẩm.

Thuộc tính lãng mạn không những đã cấu nên một trào lưu nghệ thuật rộng lớn mà còn là một phương pháp sáng tác có sức sống bền bỉ và gan lì nhất. Nó là suối nguồn bởi con người luôn muốn trốn thoát khỏi sự trần trụi. Càng khổ đau, con người càng khát khao những đôi cánh của các thiên sứ và những vùng trời khác để mơ về.

Không chỉ vẽ, Phong còn thực hành điêu khắc trong thời gian gần đây. Điều đó xảy đến từ khi nào và đâu là nguồn cảm hứng, thưa anh?

Từ đầu năm 2019, tôi bắt đầu vẽ ít hơn để dành thời gian thử nghiệm điêu khắc gỗ. Với một nghệ sỹ, họ cần rất nhiều thứ như tài năng, lòng kiên trì, sự chấp nhận tự hủy,… Nhưng đầu tiên, họ cần giữ được niềm cảm hứng. Cũng như văn chương và hội họa, cảm hứng với điêu khắc của tôi cũng khởi nguồn từ tham vọng tìm thấy suối nguồn thực sự của mình.

Dường như mỗi nghệ sỹ đều có người thầy ảnh hưởng của riêng họ. Trường hợp của Phong thì sao? 

Đúng vậy! Trong thời gian thực hành nghệ thuật, tôi đã học hỏi được nhiều điều từ những cá nhân khác nhau. Nhưng đến nay, người mà tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất có lẽ là nhà văn Jorge Luis Borges. Ông là một trong những nhà văn lớn nhất của thể kỷ XX. Ông có quá nhiều thứ vượt khỏi tầm tri nhận hiện tại của tôi. Jorge luôn linh hoạt, san phẳng các biên giới, và một kẻ biết cách chơi đùa với những giấc mơ và đồng thời, là một người vô cùng kín đáo, bí ẩn.

Phong cũng từng chia sẻ “người thực hành nghệ thuật như một lữ hành”, liệu “lữ hành” ở đây phải chăng là luôn luôn tìm kiếm những hành trình mới, chân trời mới?

Thật vậy! Người thực hành nghệ thuật là một lữ hành. Họ luôn tìm kiếm những hành trình mới. Để làm được điều đó, họ cần phải tự hủy rồi tái sinh, họ cần học cách san phẳng các biên giới, thậm chí là san phẳng các khái niệm mô phạm.

Nếu được chọn 3 tác phẩm đặc sắc của mình, Phong sẽ chọn những tác phẩm nào và tại sao?

Đến nay, đây là ba tác phẩm mà tôi thích nhất trong quãng thời gian sáng tác của mình.

Mẹ và chim báo mùa, Sơn dầu trên vải bố, kích thước 60x80cm, sáng tác năm 2014. Đây là tác phẩm thuộc Thời kỳ đen của tôi. Nó đại diện cho quan điểm nghệ thuật của tôi thời kỳ này.

Người đàn bà chờ đợi, điêu khắc gỗ, kích thước 74x34x30 cm, sáng tác năm 2019. Tác phẩm này báo hiệu rằng tôi sẽ bước vào thực hành điêu khắc một cách nghiêm túc, vững vàng.

Tác phẩm thứ ba mà tôi yêu thích là cuốn tiểu thuyết “Mùa chết.” Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi. Nó đã được ấn hành trên Tạp chí Da Màu (Mỹ) và tôi đang nỗ lực để tiến hành xuất bản ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn cảm hứng nghệ thuật của Phong đến từ đâu? Trong những lúc cô đơn và thử thách nhất, ai là người luôn động viên và là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất của anh?

Nguồn cảm hứng nghệ thuật của tôi, không gì khác, ngoài khao khát tìm thấy suối nguồn của mình. Trong những lúc cô đơn và thử thách, người vợ yêu quý luôn sát cánh bên tôi khiến tôi an tâm và có thêm nhiều động lực.

Chúng tôi đã cùng nhau đi qua nhiều gian khó, và hiện nay vợ chồng tôi đã có hai thiên thần cùng với một ngôi nhà nhỏ với khá nhiều sách và hoa.

Ai cũng biết mỗi nghệ sĩ phải giỏi sáng tác, tác phẩm của họ phải xuất sắc nhưng thực tế, bán được tác phẩm vẫn là điều hết sức quan trọng. Vậy, Phong đã marketing tác phẩm của mình ra sao?

Đối với tôi, điều an ủi lớn nhất từ trước đến nay là các tác phẩm của bản thân đã được sưu tầm hết. Đó thật sự là may mắn cho bất cứ ai thực hành nghệ thuật, vừa là nền tảng đầu tiên (đặc biệt trong vấn đề tài chính) để tôi tiếp tục bước đi. Khi những tác phẩm được sưu tầm, dĩ nhiên, chúng có một đời sống và số phận riêng.

Hầu hết, các nhà sưu tầm của tôi đến từ mạng xã hội Facebook. Trong thời đại hôm nay, Facebook thực sự là nền tảng hữu ích cho những nghệ sĩ như Phong.

Dự định sắp tới của Phong sẽ như thế nào?

Tôi sẽ dành một khoảng thời gian lớn cho thử nghiệm điêu khắc và hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình.

Cám ơn nghệ sĩ Lê Minh Phong về cuộc trò chuyện chân thành này!

Bài: TRANG PS | Ảnh: NVCC

Luxuo Art Một Sớm Mai Xuân

Các tác phẩm của Lê Minh Phong sẽ góp mặt tại triển lãm “Một Sớm Mai Xuân” do Luxuo Art tổ chức, Diễn ra từ ngày 27 đến 28/12 tại Mai House Saigon, triển lãm còn có sự tham gia của nghệ sĩ Bùi Tiến Tuấn, Anh Hoa, và Trần Vĩnh Thịnh. Dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, các tác phẩm hội họa trong triển lãm ánh lên vẻ nhẹ nhàng, thi vị, với sự rung cảm sâu đậm về cảnh sắc thiên nhiên và con người là sợi dây xuyên suốt tạo nên câu chuyện phản chiếu những khoảnh khắc lay động tâm hồn. Hân hạnh mời bạn đăng ký tham dự triển lãm tại đây


 
Back to top