Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn và mối tơ duyên với tranh lụa
Đô thị phồn hoa đắm say những bóng hình vô thường, những ảo ảnh vật chất mập mờ với giá trị một đời người, những hão huyền mỹ miều đẩy người ta đến bờ vực chơi vơi… Bức tranh thành thị nghe chăng là cạm bẫy của bao cám dỗ. Thế nhưng trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, con người thành thị, mà ở đây là phụ nữ, vẫn duyên dáng đến lạ, bồng bềnh quyến rũ mặc thay những bất định vây quanh. Một cõi mộng tách biệt khỏi hào nhoáng hưởng lạc là nơi người họa sĩ ân cần, nhẹ nhàng bao bọc những cô gái thành thị sôi nổi trong tranh của mình.
Vốn gắn liền với tên tuổi của các bậc thầy thuộc thế kỷ trước cùng hình tượng người phụ nữ Á đông nền nã đoan trang, tranh lụa tưởng như bị rơi vào quên lãng, một ngõ cụt về khai thác đề tài cũng như là thách thức về kỹ thuật trong mắt người cầm cọ. Các sáng tác của Bùi Tiến Tuấn đã lay chuyển tảng đá tựa như mãi đứng yên này. Với tác phẩm Đàn bà, mặt nạ và bóng tối được trao giải Bạc tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, anh đã tạo nên ấn tượng lớn trong giới hội họa khi ấy. Không chỉ vì lâu rồi mới có một sáng tác trên lụa đoạt giải, mà ở tác phẩm này, đập vào mắt người xem là trang phục đồ lót của phụ nữ trên một bức nền đầy cám dỗ gợi tình, cùng với đó sự tương phản giữa màn đêm mê hoặc và thớ da nuột nà của người con gái ấy.
Khi chọn đề tài là những cô gái phóng khoáng giữa chốn đô thị phồn hoa, Bùi Tiến Tuấn đã thổi một luồng gió mới vào chất liệu truyền thống, xô đổ những mặc định ăn sâu trong tâm tưởng về đường lối nên hay không nên khi vẽ lụa. Đi cùng sự cách tân về chủ đề ấy là niềm say mê khai mở về bố cục, tạo nên chiều không gian nơi những đường nét uyển chuyển trong vũ điệu đê mê của hình thể, hòa quyện cùng những sắc màu vấn vương thuộc miền cảm thức. Phụ nữ trong tranh của Bùi Tiến Tuấn dù tân thời đến đâu, vẫn phảng phất cái chất làm nên sự lôi cuốn bất biến mà bao thế hệ thi nhân, đạo diễn, nhạc sĩ… ngợi ca trong các sáng tác lay động tâm can.
Trước thềm triển lãm Một Sớm Mai Xuân do Luxuo Art tổ chức với sự góp mặt của họa sĩ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Bùi Tiến Tuấn tại tư gia của anh, bàn về cái đẹp, cái hay của tranh lụa, và những tâm tư trong anh về thành thị đương đại.
Vì sao anh lại chọn theo đuổi nghệ thuật?
Chắc vì tôi vẽ từ bé xíu nên giờ ưu ái cho nó nhiều nhất. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hội An, ngay từ nhỏ đã may mắn được biết đến nhiều nghệ sĩ xuất thân từ đó. Tôi còn nhớ mình từng thấy cụ Phái, cụ Lưu Công Nhân… ở Hội An. Thời đó ít họa sĩ lắm, nhưng Hội An vẫn là sức hút cho các sinh viên trường Huế, các nhóm họa sĩ ở Sài Gòn và Hà Nội. Mình cứ lon ton theo họ. Nó nuôi những giấc mơ như thế. Mãi đến bây giờ vẫn có những ông bà lớn tuổi nhớ đến thằng bé hồi xưa (cười).
Anh có thể chia sẻ hành trình gắn bó với lụa được không?
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lụa vào năm ‘98 ở trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, thực sự tôi rơi vào bế tắc. Ở thời điểm đó, dường như lụa bị lãng quên và chưa ai tìm ra một cái gì mới cho lụa. Sự bế tắc ấy kéo dài, và ám ảnh tôi đến tận 10 năm sau, dù trước khi quay lại vẽ lụa tôi từng có một triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Hình nhân đường phố, cũng gây được tiếng vang với các tác phẩm dùng chất liệu sơn dầu và acrylic.
Một hôm tình cờ có người bạn nhắc lại rằng ngày xưa anh học lụa khá lắm mà, tại sao anh không làm lụa. Và tôi cũng phải cảm ơn nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, vì anh từng nói “Tuấn không nên làm nhiều thứ đâu, hãy vẽ lụa đi,” thuở tôi còn là sinh viên. Thế là tôi đặt bút vẽ một bức lụa, xong thì thấy “Ồ, thế cũng được!”, để rồi mải mê cả 3 tháng trời chỉ để vẽ lụa mà thôi.
Sau đó tôi gặp nhà phê bình Nguyễn Quân, rủ anh về nhà xem tranh. Khi phát hiện tôi vẽ lụa, anh thốt lên hỏi sao thế, Tuấn đang vẽ sơn dầu tốt mà. Nhưng anh vẫn theo tôi về nhà, và “say” trong nhà mình luôn (cười). Nguyễn Quân đã trao cho tôi niềm khích lệ rất lớn, bảo rằng đây là hướng sáng tác mà tôi nên theo đuổi. Và một tháng sau thì tôi có triển lãm cá nhân vào năm 2009 tại phòng tranh Tự Do với các sáng tác lụa mà mình ấp ủ. Từ đó đến nay, mọi người không còn gọi tôi là Tuấn Béo nữa, mà gọi là Tuấn Lụa (cười).
Ở lụa, một khi đã hình thành ý niệm, thì khi thực hiện lại là một thứ gặm nhấm, không vồ vập được như sơn dầu hay các chất liệu khác. Nó không tức khắc, cảm xúc không đến bất chợt được. Bạn phải nuôi nó, gặm nhấm nó từng ngày, từng giờ, cho đến khi nó hình thành.
Sáng tác trên lụa khác biệt ra sao với các chất liệu thường thấy như sơn dầu, thưa anh?
Lụa vốn khắt khe hơn so với những chất liệu khác. Vì những hạn chế ấy – điều mà bạn không tìm thấy ở chất liệu sơn dầu vốn thấm nhuần tư tưởng phương Tây – người họa sĩ vẽ lụa buộc phải thay đổi góc nhìn về mặt tư tưởng, về mặt ngôn ngữ tạo hình, còn về mặt quy trình thì nó vẫn tuân theo trình tự khá là cổ điển. Người nghệ sĩ phải tuần tự từng bước, lên bản thảo, bản nét, rồi lên tranh. Vì lụa không thể nào tẩy xóa được trong quá trình làm, anh ta phải kiểm soát mọi thứ rất kỹ, phải giữ cho mình tinh thần thống nhất, duy trì ý đồ tác phẩm từ đầu đến cuối.
Nếu bạn để ý tranh lụa của Nhật Bản hay Trung Quốc, dù họ có cách mạng ra sao đi chăng nữa thì về mặt tư tưởng, cách nhìn về lụa vẫn tuân thủ một vài yếu tố. Ở đây yếu tố quan trọng là về không gian ước lệ. Trên một bề mặt phẳng, vài nét tín hiệu được họa sĩ chọn lọc rất kỹ để tạo nên tính ước lệ về mảng, hình, và nét nhằm gợi cho người xem một hiệu ứng thẩm mỹ, hiệu quả thị giác mong muốn. Ngôn ngữ lụa vừa gợi mở, vừa cô đọng như vậy. Thông qua một nét gợi, người xem có thể thấy được rất nhiều điều muốn nói trong đó.
Với lụa, anh thường xây dựng bố cục trong tranh ra sao?
Thường thì trong tác phẩm, tôi hay đẩy bố cục cận nhân vật, phụ nữ trong tranh đều được nhìn sâu sát hơn là đẩy họ ra xa. Có thể đó là do tôi nhận thấy tâm thức, tâm thế trong đời sống của xã hội thị thành khiến mọi thứ chật chội hơn. Và tất nhiên khi zoom sát chủ thể, sự đối thoại của người xem và tác phẩm trở nên trực diện hơn, tạo sự giao lưu giữa những đối kháng ở một cự ly rất gần. Đó cũng là điều đòi hỏi họa sĩ phải đưa một tín hiệu rất nhanh, một “món ăn” thị giác giúp tạo ấn tượng ngay tức khắc giữa người xem và tác phẩm.
Càng lúc tôi càng giản lược hơn, “bung” hơn, bớt cầu kỳ, để từ đó cô đọng vấn đề cần thiết đưa ra.
Vì sao anh lại chọn đề tài phụ nữ thị thành cho các sáng tác lụa của mình?
Đôi khi tôi hay ví von, hãy nhìn phụ nữ đi, bạn sẽ được được xã hội đó. Những điều tôi đưa vào tranh cũng rất là tình cờ. Mọi thứ bắt đầu khi tôi quan sát vợ mình trước. Sau một thời gian bế tắc với lụa, tôi nhận ra phụ nữ ngày nay rất khác, từ cách ăn mặc cho đến cách họ hưởng thụ đời sống thị thành. Nếu để ý tranh lụa trước đây, bạn sẽ thấy nghệ sĩ rất thuần những thiếu nữ mặc áo dài, với tư dung nền nã đoan trang. Đề tài trong tranh của tôi không phải để cố tình gây sốc đâu, mà vì tôi đọc được tín hiệu từ thực tế xã hội, và cho chúng bước vào tranh.
Tất cả đời sống thị thành thì tôi mượn, nhưng không quá tham lam. Tôi mượn hình ảnh phụ nữ để nói lên thực tế về xã hội, mọi hỷ, nộ, ái, ố trong đó, là những gì tôi lấy từ đời sống xung quanh, gọi là đương đại cũng được. Một nhịp sống xã hội mà mình hít thở hàng ngày với nó, vui buồn cùng nó, thì không có lý do gì mà lại quay lưng với nó, hay đi tìm một hương xưa quá vãng.
Tuy vậy, tôi nghĩ bản thân mình không làm tranh theo chủ nghĩa Hiện thực. Mọi thứ bước vào lụa trở nên thơ mộng hơn, nhẹ nhàng hơn, theo cách nhìn của mình (cười). Và tôi từng đặt tên cho một triển lãm cá nhân là Hơi thở nhẹ là vì vậy, mọi thứ cũng như một lần ngó qua, nhẹ nhàng, là thế.
Đề tài, hay cảm hứng, mãi là một cái cớ để người họa sĩ biểu cảm giá trị thẩm mỹ của anh ta mà thôi.
Và tất nhiên là không phán xét?
Đúng rồi, tôi không có yếu tố phán xét tiêu cực trong tranh. Thuần túy là một họa sĩ duy mỹ, tôi tìm cái đẹp trong những mâu thuẫn, trong mọi ngóc ngách trong tranh của mình. Sâu xa sau này có thể khác đi, nhưng hiện tại con đường tôi đang đi là thế, chạm đến những cái đẹp mà bạn có thể bắt gặp tình cờ trên phố, ở những quán xá thị thành sôi nổi, những điều hiện hữu ở quanh mình, để từ đó lột tả được cái đẹp của người phụ nữ.
Ở thời điểm hiện tại, lụa và nghệ thuật giữ vị trí ra sao trong đời anh?
Thực tình mà nói, khi mà mọi người bắt đầu biết đến tôi thì tôi cũng đã gần 40. Để làm một họa sĩ chuyên nghiệp thì anh ta phải trả giá rất nhiều, để đến một ngày sống được với tác phẩm của mình là điều hoàn toàn không đơn giản. Tôi không thuộc dạng mới ra trường là ngay lập tức thành danh, phải 10 năm sau công chúng mới nhận diện, biết chân dung mình là ai. Và dù bạn có được sự đón nhận từ báo chí, đồng nghiệp, công chúng… thì vẫn có những giai đoạn mà để sống với nghề, cũng là một thách thức không nhỏ.
Dù đam mê vẽ theo chân từ nhỏ, ngày ấy tôi không nghĩ là mình sẽ vẽ lụa. Nhưng khi đặt bút trên chất liệu này, thì ngay lập tức, tôi cảm nhận được điều gì đó rất thật, rằng mình sống được với lụa. Và càng ngày tôi càng nhận ra, nếp sống gia đình cũng là động lực cho bản thân. Nói vui là nhà có 3 nàng tiên, đều là cảm hứng để tôi mượn cánh tay, mượn mái tóc, mượn một dáng hình nào đó trong tranh. Trong không gian triển lãm lần này, bạn sẽ bắt gặp một vài bức tranh tôi vẽ về con gái mình.
Trong tương lai gần, công chúng yêu nghệ thuật có thể đón chờ gì từ anh?
Tôi đang thực hiện một số tác phẩm vẽ nude trên lụa cho triển lãm tiếp theo. Nude vốn là một đề tài để yêu thích thì không dễ, và để sở hữu thì càng không đơn giản. Tôi muốn cho mọi người thấy một góc độ mới về loại tranh mà một nhà sưu tầm thường chỉ treo trong nhà, chứ không phô bày ra cho người ngoài xem. Tôi không đặt quá nhiều tham vọng ở triển lãm này, mà xem nó như là một thách thức với bản thân. Còn phản ứng của mọi người ra sao thì hãy chờ đợi.
Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện.
Bài: Quyên Hoàng. Ảnh: RabHuu Studio.
Tiếp nối triển lãm đầu tiên “nguyên”, Luxuo Art trở lại với “Một Sớm Mai Xuân”, diễn ra từ ngày 27 đến 28/12 tại Mai House Saigon. Triển lãm sẽ đem đến khoảng lặng trữ tình cùng 18 tác phẩm của bốn nghệ sĩ Bùi Tiến Tuấn, Lê Minh Phong, Anh Hoa, và Trần Vĩnh Thịnh. Dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, các tác phẩm hội họa trong triển lãm ánh lên vẻ nhẹ nhàng, thi vị, với sự rung cảm sâu đậm về cảnh sắc thiên nhiên và con người là sợi dây xuyên suốt tạo nên câu chuyện phản chiếu những khoảnh khắc lay động tâm hồn. Hân hạnh mời bạn đăng ký tham dự triển lãm tại đây.