Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Quỳnh Nguyễn – Nhà sáng lập the Nguyen Art Foundation

May 24, 2021 | By Trang Ps

Trong cuộc trò chuyện cùng Quỳnh Nguyễn, nhà sáng lập the Nguyen Art Foundation, Art Republik/Luxuo đã có dịp đào sâu về hoạt động (bao gồm hoạt động giáo dục nghệ thuật) của tổ chức, đồng thời khám phá mối quan hệ cộng sinh của the Nguyen Art Foundation với MoT+++, Sàn Art và A.Farm trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam.  

Chào chị Quỳnh Nguyễn! Chị có thể chia sẻ về mối lương duyên dẫn đến việc thành lập the Nguyen Art Foundation và các hoạt động chính của tổ chức? 

Từ năm 1995, tôi đã bắt đầu sưu tầm nghệ thuật với tác phẩm đầu tiên là bức tranh chân dung của tôi do họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẽ vào năm 1993. Tôi cũng yêu thích nghệ thuật và tự học nghệ thuật nhiếp ảnh.

Năm 2014, sau vài năm cư trú tại Houston (bang Texas), tôi quyết định mở Phòng triển lãm Nghệ thuật Hiện đại Quốc tế (The International Modern Art Gallery) để giới thiệu các nghệ sĩ Việt Nam đến người yêu nghệ thuật tại Mỹ. Trong thời gian sinh sống ở đây, tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Bộ sưu tập The Menil (The Menil Collection), một bảo tàng nghệ thuật được thành lập bởi ông bà John và Dominique de Menil. Họ có những chương trình học bổng, chương trình xuất bản, chương trình cộng đồng để thu hút, giáo dục và truyền cảm hứng cho các đối tượng khán giả khác nhau. Ngoài ra, họ còn tổ chức các gian hàng và khu lưu trú nghệ thuật. Tôi nảy sinh mong muốn làm điều tương tự tại Việt Nam một ngày nào đó. Cùng năm đó, tôi gặp gỡ Thanh Hà (nhà sáng lập MoT+++). Chúng tôi chia sẻ những suy nghĩ và thảo luận về các khả năng. Cho đến năm 2018, tôi thành lập the Nguyen Art Foundation dưới sự cố vấn của MoT+++.

Chúng tôi hy vọng thành lập một tổ chức nghệ thuật đương đại đầu tiên, mở ra các buổi triển lãm, tọa đàm và giao lưu tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung vào việc nuôi dưỡng lứa nghệ sĩ trẻ Việt Nam tiếp theo cũng như bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thế hệ trước.

Morning Landscape, 2014, Sơn dầu trên toan, 55 x 135cm, Đoàn Xuân Tặng, đặt tại trường EMASI Nam Long, Quận 7, Tp.HCM.

Thời gian 2018, thị trường nghệ thuật Việt Nam dần cởi mở và có nhiều thuận lợi hơn trước. Hoạt động triển lãm sự kiện nghệ thuật, dù riêng lẻ, diễn ra nhiều hơn. Vậy, the Nguyen Art Foundation đã đối mặt thử thách và cơ hội ra sao? 

Có rất ít sự quan tâm đối với nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. The Nguyen Art Foundation là nền tảng tiên phong duy nhất không chỉ ủng hộ và khích lệ các nghệ sĩ trẻ mà còn thúc đẩy thị trường và môi trường nghệ thuật tại Việt Nam. Chính vì nền nghệ thuật đương đại Việt Nam còn trẻ nên chúng tôi có nhiều cơ hội tìm được những tác phẩm rất tốt mà chưa ai sưu tầm trước đó.

Lời xin lỗi của Socrates, Cam Xanh, 2018, tiếp diễn sắp đặt bút dạ trên kén tằm, gỗ và hộp kính plexi, bàn học dáng cổ, bản sao cuốn Socrates’ Apology, sổ và bút kích thước đa dạng.

Giáo dục nghệ thuật được the Nguyen Art Foundation triển khai như thế nào để đưa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại đến gần hơn với giới thụ hưởng trong nước và quốc tế?

Chúng tôi có những không gian nghệ thuật được đặt tại các khuôn viên trường học Renaissance International School Saigon và EMASI nhằm kết nối học sinh và cộng đồng nhà trường với các nghệ sĩ được công nhận trong và ngoài nước. Để thúc đẩy nghệ thuật tại Việt Nam đi xa hơn, ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Tại các trường trong hệ thống của chúng tôi, chúng tôi mong muốn gắn kết tình yêu nghệ thuật với thế hệ trẻ bằng cách trang bị cho họ những kiến thức về nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, dành cho họ cơ hội để tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, giám tuyển ở cả Việt Nam và nước ngoài, cũng như khuyến khích các em học sinh tự sáng tác các tác phẩm nghệ thuật và tôn vinh những thành tựu đó.

Honey Honey Honey or The Fragments of Trust / Mật Mật Mật hay Những Phân Mảnh của Niềm Tin, 2016, Điêu Khắc, 14000 x 10000 x 10000 cm, Ly Hoàng Ly tại trường EMASI Nam Long, Q7, Tp.HCM.

Một trong những nghệ sĩ đã được trưng bày tác phẩm tại một trong các khuôn viên trường học EMASI mà tôi muốn nhắc tới chính là Ly Hoàng Ly với tác phẩm “Mật Mật Mật”. Học sinh vô cùng yêu thích tác phẩm này; cả cộng đồng đều yêu thích. Họ chiêm ngưỡng và chơi đùa cùng tác phẩm mỗi ngày. Đầu năm nay có một nhóm gồm 80 sinh viên của Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và tương tác với nghệ thuật công cộng này. Đó là một buổi trưa đầy cảm hứng và ý nghĩa.

Là một tổ chức phi lợi nhuận, nguồn vốn mà the Nguyen Art Foundation có được để duy trì hoạt động sẽ đến từ đâu? 

The Nguyen Art Foundation là tổ chức tư nhân được tài trợ bởi cá nhân gia đình tôi.

Summer, 2017, Sơn dầu trên toan, 120 x 200 cm, Phạm An Hải, đặt tại trường EMASI Nam Long, Q7, Tp.HCM.

Sau hơn 2 năm vận hành the Nguyen Art Foundation, điều gì mà chị vẫn luôn lạc quan và điều gì vẫn còn là khó khăn cần khắc phục, trong bối cảnh hướng đi hiện tại của thị trường nghệ thuật Việt Nam so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia…?

Việt Nam đang có một vị trí tốt so với các nước Đông Nam Á khác, do điều kiện kinh tế đang đi lên và điều kiện sinh sống tốt, các nghệ sĩ có thể trang trải cho việc sinh sống ở Việt Nam mà vẫn tiếp tục sáng tác. Hiện nay, các trường công lập trong nước đã bắt đầu chú ý và mở các khóa dạy về nghệ thuật đương đại.

Tôi không muốn nói thay cho toàn cảnh. Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ có nhiều nhà sưu tầm trong nước hứng thú vào việc mua các tác phẩm nghệ thuật địa phương. Đó là một điều tốt. Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn non trẻ, và chúng ta cần nhiều người chơi hơn để nâng tầm Việt Nam ngang tầm với các thị trường nghệ thuật khác trong khu vực.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều sự thấu hiểu và ủng hộ từ Chính phủ và các cơ quan văn hóa để mở rộng những quy định về nghệ thuật và tài trợ nhiều cho hơn cho các tổ chức và không gian nghệ thuật phi lợi nhuận.

Không gian ký ức số 5, Lê Quý Tông, 2013, tranh sơn dầu trên toan, 50 x 70 cm, tác phẩm tại trường EMASI Thủ Đức, TP HCM. 

The Nguyen Art Foundation cùng với MoT+++, Sàn Art và A.Farm có mối quan hệ cộng sinh cùng phát triển như thế nào trong thị trường nghệ thuật Việt Nam và quốc tế?

MoT+++ và Sàn Art là hai tổ chức cùng the Nguyen Art Foundation mang Chương trình lưu trú sáng tác quốc tế A. Farm đến với các diễn đàn quốc tế. Điều này đã đưa tên tuổi của the Nguyen Art Foundation nhanh chóng được chú ý như một hiện tượng của nghệ thuật Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Các tổ chức và cá nhân làm nghệ thuật từ quốc tế bắt đầu chú ý tới the Nguyen Art Foundation và từ đó đưa chúng tôi đến nhiều cơ hội hợp tác với họ.

Chương trình lưu trú sáng tác quốc tế A. Farm là cách tạo ra môi trường giáo dục nghệ thuật bình đẳng và sáng tạo. Giống như nhiều mô hình tương tự trên thế giới, các nghệ sĩ, nhà phê bình và giám tuyển cùng nhau sống và làm việc, sự va chạm này là cách tốt nhất để đẩy xa biên giới sáng tạo của mỗi cá nhân trong nghệ thuật. Cả hai tổ chức MoT+++ và Sàn Art đều tin rằng nghệ sĩ cần có thị trường và bán tác phẩm của họ để có thể tiếp tục sáng tác. Vì vậy, triển lãm hàng năm “Muôn loài bình đẳng” được hình thành từ mong muốn này. Ngoài ra, A. Farm là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật bằng cách tạo ra môi trường để nghệ sĩ, giám tuyển, nhà phê bình và người sưu tầm có thể gặp gỡ và cùng nhau làm việc.

The Nguyen Art Foundation cũng hoạt động theo cách luôn luôn tìm các nghệ sĩ và dự án tốt nhằm giúp đỡ họ hoàn thành dự án thay vì chỉ đơn thuần tìm mua tác phẩm theo cách tích trữ.

A à   … Nguyễn Huy An, 2014, sắp đặt 29 ly thuỷ tinh, hộp gỗ, tường và sơn 12 x 32 x 7 cm mỗi tấm, tác phẩm tại trường Renaissance International School, quận 7, TP HCM.

The Nguyen Art Foundation cùng với MoT+++, Sàn Art và Chương trình lưu trú sáng tác quốc tế A. Farm cùng nhau xây dựng một diễn đàn cho nghệ thuật một cách dân chủ, điều chưa từng có ở các tổ chức nghệ thuật khác ở Việt Nam, chúng tôi tạo điều kiện cho các tiếng nói thiểu số trong nghệ thuật Việt Nam được nghe thấy và làm cầu nối thẳng tới người sưu tầm nghệ thuật và các tổ chức nghệ thuật có tiếng nói trên thế giới. Điều này giúp cho các nghệ sĩ trẻ và những khuôn mặt mới trong nghệ thuật được tiếp xúc với các nghệ sĩ có thâm niên và tên tuổi, đồng thời giúp các nghệ sĩ có tên tuổi này tìm được nguồn cảm hứng mới mẻ từ các nghệ sĩ trẻ và cùng nhau sáng tác.

Tính thực thể Tuấn Mami 2013, sắp đặt vữa tường từ Phòng 1, kính từ tác phẩm Utopia, cây xương rồng từ Vườn quốc gia Ba Vì, bệ gỗ từ Làng Đồng Kỵ, 10 khối với kích cỡ khác nhau, tác phẩm tại trường Renaissance International School, quận 7, TP HCM.

Tầm nhìn của chị về the Nguyen Art Foundation trong 5 năm nữa là gì? 

The Nguyen Art Foundation sẽ tiếp tục tập trung vào tìm kiếm những nghệ sĩ trẻ và hỗ trợ cho họ phát triển. Ngoài ra, tổ chức của chúng tôi cũng không ngừng sưu tầm và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Một ngày nào đó, khi Bảo tàng nghệ thuật đương đại của Việt Nam mở ra, chúng ta sẽ cần những tác phẩm như vậy để đóng góp vào các triển lãm tại bảo tàng.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào các chương trình nghiên cứu, xuất bản sách và sản xuất phim về nghệ thuật, ưu tiên cho việc đầu tư vào giáo dục, góp phần nâng cao thẩm mĩ của các thế hệ tương lai…

Cám ơn những chia sẻ chân thành của chị Quỳnh!

Ảnh chân dung: RAB HUU STUDIO | Ảnh tác phẩm: EMASI cung cấp


 
Back to top