ART & CULTURE

Trẻ hóa sự xa xỉ (kỳ 5): Millennial – Goût nghệ thuật “nhảm nhí” nhưng lại thật có lý?

Sep 01, 2020 | By Trang Ps

Khi nhớ lại lời nói của Andy Warhol rằng “Trong tương lai, ai cũng sẽ nổi tiếng thế giới trong vòng 15 phút,” hẳn ai cũng phải giật mình cho rằng ông nói đúng. Thế hệ Millennial yêu trò này như cách Andy Warhol yêu thích sự nổi tiếng khi tận hưởng không khí cạnh tranh khốc liệt tại New York.

“Lời tiên tri” đó còn nói lên rằng văn hóa tiêu thụ – hưởng thụ có phần nào đó mong manh, lớn chậm, cần được quan tâm của thế hệ mới, cũng ảnh hưởng lên sự vận động nghệ thuật. Takashi Murakami, Kaws, Banksy, Virgil Abloh… nghe có vẻ khá lạ so với thế hệ trước (hoặc những người thủ cựu, hoài niệm) song lại là cái tên đắt giá ở thời điểm hiện tại và được nhiều Millennial khao khát. Chúng ta tạm gọi đó là dòng luân chuyển văn hóa và tư duy.

Nghệ thuật bị tầm thường hóa hay chỉ là trò đùa?

Có lẽ người tầm thường hóa nghệ thuật đầu tiên chính là Marcel Duchamp. Nhưng biến nó thành điều gì đó công nghiệp phải nói đến Andy Warhol và Pop Art. Kế đến là Jeff Koons và Richard Prince…

Nếu nhìn nhận theo hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mọi thứ đều nguyên bản và hoàn hảo. Nhưng vào cái năm 1962, khi Andy Warhol quyết định bán 32 bức toan vẽ 32 hương vị súp của nhãn Campell thì mọi thứ chỉ gói gọn trong 2 chữ “công nghiệp”: 32 nguyên bản vẽ bằng màu acrylic đều tăm tắp như từ nhà máy, và nhân vật chính là thứ thực phẩm công nghiệp chúng ta tiêu thụ hằng ngày.

Pop icons: Oh, Jeff…I Love You, Too…’ (1964) của Roy Lichtenstein (trái) và ‘Campbell’s Soup I: Black Bean’ (1968) của Andy Warhol (phải)

Thời khắc này đã giúp Andy, vượt qua cả người đồng nghiệp cùng chiến tuyến Roy Lichtenstein, nâng tầm Pop Art đồng thời một tay lật đổ sự hưng thịnh của nghệ thuật trừu tượng biểu hiện khi các nghệ sĩ như Jason Pollock đang chìm đắm trong thế giới nội tậm đầy sâu lắng, khó hiểu. Từ đây, thế giới nghệ thuật, cụ thể là ở Mỹ, trung tâm văn hóa mới của thế giới, nổ ra cuộc chiến không khoan nhượng giữa hội họa truyền thống và hội họa công nghiệp.

Và phần thắng thuộc về Pop Art khi nó trở thành phong trào toàn thế giới. Nước Mỹ trong những năm 50 và 60 đầy biến động với bùng nổ kinh tế hậu thế chiến thứ II và cuộc chiến với các nước Cộng Sản khiến cuộc chơi nghệ thuật cần cái gì đó mới mẻ và dễ tiêu thụ hơn, phục vụ cho mục đích chính trị.

Nghệ sĩ trở thành những ngôi sao mới. Andy Warhol là vị vua của những ngôi sao, tạo nên The Factory nơi vui chơi mà ngôi sao đại chúng như David Bowie, Mick Jagger giao lưu với các nghệ sĩ tạo hình Jean-Michel Basquiat hay Keith Haring. Chính Warhol là người đầu tiên có khả năng đẩy nghệ thuật trở nên bình thường hết sức có thể. Người ta chưa bao giờ thấy những hình vẽ nguệch ngoạc, những bản in vô hồn lại trở nên giá trị như thế. Điều này như trở thành bản sắc mới của người Mỹ, khiến ngành công nghiệp quảng cáo thời bấy giờ hứng khởi và đầy nghệ thuật hơn bao giờ hết.

Andy Warhol và cộng đồng siêu sao tại Factory

Đến những năm 80, những cái tên như Jeff Koons, Richard Prince, Edward Ruscha… tiếp tục thừa hưởng tinh thần của Andy Warhol. Nghệ thuật trở nên thực dụng, sản xuất nghệ thuật trở nên công nghiệp và đầy khiêu khích. Những mẩu chuyện tục tĩu, chủ đề dâm dục hay sự tái tạo những món đồ chơi tầm thường đó đều là những thử thách cho người xem, khiến họ trầm trồ về tính kỹ – mỹ thuật.

Nhưng có lẽ, chính người xem cũng đã quên rằng nghệ thuật phản ánh lại cuộc sống muôn màu. Và những tác phẩm có phần phi nghệ thuật tả thực cuộc sống và người nghệ sĩ khác biệt ở chỗ họ biết cách đặt chúng trong một hoàn cảnh để thưởng thức.

Khi Millennial xuống tiền vì đam mê và định hình goût văn hóa đương đại

So với thời điểm năm 2005, khi tác phẩm của Kaws đạt mức giá 14,1 triệu USD, Banksy phá kỉ lục ở mức 12 triệu USD và Yoshitomo Nara với 24 triệu USD, trở thành nghệ sĩ Nhật Bản đắt giá nhất, đám trẻ giờ đã lớn.

Jeff Koons, triển lãm cá nhân “Made in heaven” với chủ đề khiêu dâm gây tranh cãi vào năm 1991

Những con số không hề biết nói dối. Theo một bài báo năm 2018 được đăng bởi tập đoàn bảo hiểm AXA, các nhà sưu tầm trẻ tuổi chiếm khoảng 15 đến 25% trong số tất cả các nhà sưu tầm nghệ thuật. Tiền không phải vấn đề khi bộ phận nhà sưu tầm này được thừa hưởng tài sản cũng như thói quen sưu tập từ thế hệ trước. Và thế hệ này còn xuống tiền vì đam mê dành cho tác phẩm hơn là lợi nhuận trước mắt, đồng thời xem đó là cách để khẳng định bản thân.

Có thể hiểu như thế này: ngoài việc bành trướng của mạng xã hội, internet, thế giới phẳng khiến cho sự chuyển dịch văn hóa trở nên dễ dàng hơn. Millennial và thế hệ tiếp theo nhạy hơn với việc tiếp cận thông tin, hình ảnh. Nghệ thuật lúc này nằm gọn trong lòng bàn tay, dễ truyền tải hơn, dễ viral và “hype” (tạm dịch: cuồng) hơn.

Người Mỹ và Nhật chính là những kẻ đón đầu khi millennial sinh ra thường có tuổi thơ sống trong hòa bình và bắt đầu tiếp cận với nhiều lựa chọn giải trí: truyền hình, trò chơi điện tử, âm nhạc đường phố đến điện tử, thời trang… Các ngôi sao đại chúng gây ảnh hưởng và có sự quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật tạo hình cũng như văn hóa. Họ thậm chí còn là những nhà sưu tập tạo ảnh hưởng tới giới trẻ, điển hình như: Pharrell Williams, Niigo, Swizz Beatz, Leonardo DiCaprio,… Công nghệ khiến các thành phẩm mỹ thuật trở nên dễ sản xuất hơn trong thời gian nhanh hơn.

Buổi đấu giá The Kaws Album tại sàn Sothebys Hong Kong

Nghệ sĩ lúc này được để ý qua giá trị thẩm mỹ, “identity” (bản sắc) và câu chuyện hơn là kỹ thuật như hội họa truyền thống. Văn hóa đại chúng hay đơn giản là văn hóa toàn cầu là thứ phủ lấp thế hệ sưu tầm tiếp theo. Không thực sự dễ dàng để người của thế hệ trước nuốt trôi tất cả các thể loại văn hóa của thế hệ tiếp theo, nhưng cũng có một số bộ phận cởi mở và hòa nhập vào nền văn hóa mới này. Cũng đừng quên rằng những Kaws hay Takashi Murakami đều là những nghệ sĩ U50, U60. Cho nên rất khó có thể nói rằng đây chỉ là nghệ thuật dành cho “trẻ con”.

Nhìn xa hơn, ta còn thấy rõ ràng các ngành công nghiệp đang dần xích gần nhau để hình thành một “combo” trải nghiệm. Ngành xa xỉ đang cố gắng đẩy các sản phẩm vượt qua khỏi giới hạn của thủ công, ngành thời trang muốn có sức sáng tạo của nghệ thuật và nghệ thuật đang mong muốn có được khả năng bán hàng như hai ngành kia.

Cho nên, các dự án phối hợp của các hãng cùng nghệ sĩ ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có cơ số nhà sưu tầm rất trẻ (đa số là người châu Á) có những dự án cơ sở nghệ thuật nâng tầm nước nhà như: Adrien Cheng với dự án trung tâm thương mại bảo tàng K11, Micheal Xufu Hang với phòng trưng bày tư nhân M Woods mệnh danh MOMA của Trung Quốc, rapper T.O.P cháu của nghệ sĩ Kim Whan-ki với các dự án cùng Sotheby’s,…

Chân dung Micheal Xufu Hang (25 tuổi) đồng sáng lập M Woods từ những năm 20 tuổi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. https://www.mwoods.org/

Nếu thế hệ “Baby Boomer” sưu tập những thứ hoài niệm và mang đẳng cấp bậc thầy hơn, thì millennial lại đan xen cả hai và có thể gây ảnh hưởng ngược lại với chính thế hệ trước. Tôi có thể dễ dàng bắt gặp vài nhà sưu tầm U60 tại những buổi mở màn của Kaws với áo hoodie và quần jeans.

Theo chiều ngược lại, Micheal Xufu Huang bắt đầu bộ sưu tập của mình với các bản in litho của nữ nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng những năm 50, Helen Frankenthaler. Điều đó tạo nên sự giao thoa mạnh mẽ các luồng văn hóa và tư duy thế hệ với nhau. Millennial có khả năng học tập và tự chuyển hóa những thứ mình thu nạp thành cái riêng của bản thân.

Nghệ sĩ Hajime Sorayama cùng với các tác phẩm về người máy Android

Giờ đây, chúng ta có thể thay phiên nhau chụp ảnh các tác phẩm và liên tục đăng trên Instagram,sau đó chốt hạ với mức giá vài nghìn đến vài trăm nghìn USD. Các tác phẩm hầu hết là bằng nhựa, mang tính trẻ con, vẽ từ acrylic dễ xem, có phần thiếu sâu sắc, nhưng có lẽ vài yếu tố mà chúng ta bỏ qua đó là sự thú vị, hài hước và dễ gần.

Cái “gout” này còn cho thấy phần nào thế giới quan, cách đối mặt với xã hội của millennial: biếm họa hơn, nhẹ nhàng hơn và đại chúng hơn.

Millennial Việt Nam và hàng tá câu hỏi tự vấn

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có tình trạng chung về nghệ thuật và văn hóa. Như Micheal Xufu Huang trả lời trong một bài phỏng vấn cho trang Art Space, “đến New York, bạn có thể nghĩ ngay đến việc đi thăm Whitney, Guggenheim, Met, nhưng ở Bắc Kinh, mọi thứ chưa được thành lập. Khi tới Bắc Kinh, người ta không nghĩ “ô, tôi phải đi nghía bảo tàng”. Tương tự, tới Việt Nam,  khách du lịch có lẽ vẫn sẽ nghĩ đến… ăn và rẻ nhiều hơn.

Trong vòng khoảng 10 năm tính đến nay, Millennial Việt có phần nào được tiếp cận dễ dàng hơn nghệ thuật toàn cầu nhờ vào internet, nhưng hạn chế vẫn đến từ hai điểm khuyết lớn nhất là giáo dục và cơ sở nghệ thuật.

Tối mở màn triển lảm – Baka của nghệ sĩ Takashi Murakami 16/10/2019 — with Fantasista Utamaro.

Các môn nghệ thuật tại Việt Nam được phổ cập vào thời điểm các Millennial được sinh ra, là thời hậu chiến, nên phần lớn chương trình giáo dục thường chỉ tập trung vào kỹ thuật thủ công hơn là hệ thống từ tư duy, lịch sử cho đến thực hành như tại Mỹ hay các nước châu Âu. Cộng thêm tư duy “tiểu nông”, tầm nhìn ngắn và thực dụng, mong muốn “làm giàu” của các thế hệ trước khiến cho vị trí của giáo dục sáng tạo bị đặt sai chỗ.

Việc tiếp xúc và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật từ khi còn bé tại cơ sở nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Chúng ta có một kho nghệ thuật địa phương đồ sộ nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức và được thừa nhận như đại diện văn hóa bên cạnh… phở. Các bộ sưu tập cá nhân vẫn chưa được công bố rộng rãi. Chưa có bất cứ thành phố nào của Việt Nam nằm trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Điều này khiến các Millennial Việt Nam có phần nào thiệt thòi hơn so với đồng trang lứa tại các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia.

Nước Mắt – bút kim, màu nước, acrylic và resin trên giấy Holland – 65cm x 50cm – 2014 – thuộc series tranh “Máu – Mồ Hôi và Nước Mắt”.

Sự bảo thủ của một bộ phận trong giới (được cho một cách cảm tính) khiến giới tinh hoa và thế hệ đi trước khi không chịu cập nhật xu thế và liên tục phê phán sự chuyển động của thế giới. Những người này thường áp đặt cái “gout” cá nhân có phần “lạc hậu” và truyền đạt chúng đi như một dạng kiến thức, khiến các Millennial cảm thấy hoang mang khi xem nghệ thuật hiện đại và đương đại.

Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ cũng khiến cho giới này có sự hạn chế về mặt kiến thức nghệ thuật thế giới. Sẽ tốt hơn nếu giới này thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ hệ thống hóa kiến thức và lịch sử nghệ thuật Việt Nam để đưa vào giáo dục phổ cập cũng như lưu trữ tác phẩm. Ngoài ra, thói quen sưu tập khá khép kín còn khiến cho việc “xuất nhập khẩu và trao đổi” nghệ thuật với thế giới đi vào ngõ cụt.

T.O.P tại một phiên đấu giá của Sotheby’s

Nhìn chung. Millennial ở Việt Nam có những khó khăn về mặt cơ sở vật chất và giáo dục khiến nhiều người khi ra khỏi biên giới, tiếp xúc cái mới không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều Millennial vẫn chưa có khả năng độc lập trong việc xác định và phân tích tác phẩm, định dạng nghệ thuật. Hàng tá câu hỏi được đặt ra và người thế hệ trước cũng chưa đủ khả năng trả lời hoặc trả lời rất cảm tính. Millennials Việt khi bước chân vào thế giới nghệ thuật phải tự vấn nhiều hơn các bạn đồng trang lứa ở các nước khác.

May mắn thay, Millennial như đã nói trên có đặc điểm là nhạy cảm với thay đổi và mau chóng thích nghi. Một bộ phận Millennial và Gen Z bắt đầu có thói quen sưu tập và đầu tư vào những cuộc “phiêu lưu” khám phá và học tập tại các nước nghệ thuật phát triển hơn. Đây sẽ là nền tảng tốt, khi họ có khả năng cập nhật, tạo sức lan tỏa và xa hơn có thể là một cuộc cách mạng về nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung.

Bài: TAM TAM I Theo: OutandOut Media


 
Back to top