Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Chuyện về nữ hoạ sỹ đầu tiên của Nam Kỳ

Jan 06, 2021 | By Xu

Cuộc triển lãm của một nữ hoạ sỹ tại rạp hát Tây, tháng bảy năm 1938. Bài phê bình nghệ thuật của nhà văn hoá Phạm Quỳnh. Và xấp tranh vẽ trên giấy bị vứt lại trong một chiếc ô tô còn cắm chìa khoá, trên đường phố Sài Gòn, trước giờ giải phóng.

Nếu không được nhắc đến trong những bài viết của nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, tên tuổi của một nữ hoạ sỹ, vốn được xem là nữ hoạ sỹ đầu tiên của Nam Kỳ, đã mãi bị khuất mờ dưới lớp bụi của lịch sử…

Bà tên là Lê Thị Ẩn

Cuối năm 2019, tôi đến căn nhà là trụ sở một công ty trà gia đình trong hẻm Khăn Đen Suối Đờn dưới chân cầu Bông. Ở đó, tôi thấy treo mấy bức tranh thủy mặc lớn, nét vẽ cổ kính, giấy đã sẫm màu hòa quyện với hình tượng trong tranh.

Đến nhìn gần, có bức có dấu triện và ký tên bằng tiếng Việt “Nữ sĩ Lê Thị Ẩn”, bức khác ký là “Việt Nam Nữ sĩ Lê Thị Ẩn”.

Một thoáng ngỡ ngàng, tôi nhớ ngay đến bài báo vừa đọc trên tờ báo xưa – nhật báo Sài Gòn, xuất bản năm 1938, có tường thuật một cuộc triển lãm của nhân vật này tại Nhà hát thành phố Sài Gòn trong năm đó, cách nay hơn 80 năm.

Chủ nhân ngôi nhà cho biết lai lịch các bức tranh tôi vừa ngắm. Tháng 4-1975, trước giờ phút giải phóng Sài Gòn, khắp đường phố ngổn ngang quần áo lính, nón sắt và cả xe máy, xe hơi và xe quân đội. Một thanh niên trong lúc lộn xộn đã cố tìm cho mình một phương tiện để chạy về nhà, anh thấy một chiếc ôtô ai đó vứt giữa đường. Anh lên xe, chìa khóa còn cắm đó, nên lái vội về.

Về tới nhà, anh phát hiện trên xe có một xấp tranh vẽ trên giấy và một thanh kiếm gỗ. Sau đó, anh đem tặng mấy bức tranh này, để rồi tranh đến tay chủ nhân hiện nay. Cô con gái chủ nhà đã đem tranh đi bồi và làm khung treo trong phòng khách, còn thanh kiếm gỗ đã mất. Không ai để ý đến tên người vẽ và triện đóng trên tranh.

” (Theo tác giả Phạm Công Luận, trích từ một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 11.03.2020).

Cô Lê-thị-Ẩn đứng trước mấy bức tranh của cô chưng tại nhà hát Tây. Ảnh và chú thích đăng trên Sài Gòn nhật báo, Số 1433, 11 Tháng Bảy 1938. Nguồn: Thư viện báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tìm về các trang báo xưa cũ, Sài Gòn nhật báo đã từng viết về cuộc triển lãm của nữ hoạ sỹ đầu tiên ở Nam Kỳ, tổ chức trưng bày tranh ở nhà hát Tây, tại Sài Gòn, vào chiều thứ bảy trước khi số báo 1433 xuất bản, tức nhằm ngày 09 tháng 07 năm 1938.

Qua tin tức ngắn thuật lại cuộc triển lãm, học giả Phạm Quỳnh (bút danh Hoa Đường) [1] bày tỏ sự ngạc nhiên khi mà “đương giám-đốc một trường Nữ-công danh tiếng ở Saigon, cô Lê-thi-An bỗng dưng lại nổi danh là một nữ hoạ-sĩ, khiến cho những người quen biết cô ai nghe đến cũng không khỏi ngạc nhiên”.

Bài tường thuật của ông cho biết, tại cuộc triển lãm, ông Jean Boy Landry (chủ công ty Boy Landry) có mua bức tranh “Thần Tiên Quyến Thuộc”, vẽ đôi chim trên cành mai, với giá 100 đồng. Ông Berland – Chủ Tỉnh Gia Định, bỏ ra 50 đồng để mua bức vẽ “Vân Sương Yên Lộ” của nữ hoạ sỹ. Ông Phạm Quỳnh cũng kể thêm, “…các nhà viết báo cùng thân hào Tây, Nam đến dự kiến buổi khai mạc cuộc triển lãm rất đông, Nhìn qua hơn 60 bức tranh của nữ hoạ-sĩ Lê-thị-Ẩn, ai nấy cũng tấm tắc khen ngợi vô cùng, và đều nhìn nhận nét bút của nữ-hoạ-sĩ rất thần tình linh động”.

Theo bài viết phê bình những nét hoạ của bà Lê Thị Ẩn, có tựa “Một nử hoạ sĩ thứ nhứt của Namkỳ. Cô LÊ-THỊ-ẨN”, đăng trên Sài Gòn nhật báo, số 1434, ngày 12 tháng 07 năm 1938, học giả Phạm Quỳnh bày tỏ sự mê mẩn của ông trước bức hoạ “Hàn Giang Độc Điếu”, và tự hỏi phải chăng nữ hoạ sỹ đã dùng nét bút tài tình mà phát hoạ lại lời thơ tuyệt diệu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ (tức cụ Nguyễn Khuyến) trong bài “Thu Điếu”. Ông viết: “Tôi càng yêu câu văn của cụ Tam Nguyên bao nhiêu, tôi cũng yêu nét bút của cô Lê Thị Ẩn bấy nhiêu”.

Trong số 70 bức tranh  tại triển lãm (mà ở số báo trước, thuật rằng trưng bày 60 bức), ngoài “Hàn Giang Độc Điếu”, và “Thần Tiên Quyến Thuộc” mà ông chủ công ty Boy Landry đã mua, hay bức “Vân Sương Yên Lộ” mà Chủ Tỉnh Gia Định yêu thích; cụ Phạm Quỳnh còn khen ngợi các bức hoạ khác của bà Lê Thị Ẩn, như bức “Đơn Sơn Bạch Phụng”, hay “Thần Tiên Biến Thuật”.

Quang cảnh tại nhà hát Tây, chỗ phòng triển-lãm của nữ-hoạ-sĩ Lê thị-Ẩn. Ảnh và chú thích đăng trên Sài Gòn nhật báo, Số 1434, 12 Tháng Bảy 1938. Nguồn: Thư viện báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam

Ông mô tả nữ hoạ sỹ khi ấy (vào năm 1938) là “một thiếu nữ ngoài ba chín cái xuân xanh có cái sắc đẹp không “cá lặn nhạn xa” nhưng được cái duyên ngầm”, ví như bức vẽ “Hàn Giang Độc Điếu”. Và rằng nữ hoạ sỹ là “người rất hoạt bát trong việc xã giao lại rất vui vẻ vì trên môi luôn luôn điểm những nụ cười như đoá hoa hàm tiếu trong buổi bình minh”.

Phạm Quỳnh kể, bà Lê Thị Ẩn, vốn “một mình làm chủ Hưng Đông học hiệu, một trường dạy nữ công có tên tuổi ở Saigon mà ai cũng biết”, nhân một dịp đi xem triển lãm tranh của hoạ sỹ Hoàng Ảo Ngô ở rạp hát Tây, bà tự nhiên muốn học vẽ. Mặc dù vấp phải rào cản ngôn ngữ, Lê Thị Ẩn vẫn có thể theo học vẽ với hoạ sư họ Hoàng thông qua bút đàm, nhờ vào vốn chữ Hán mà bà đã được học khi còn nhỏ. Về sau, không chỉ thành tài trở thành hoạ sỹ, bà Lê Thị Ẩn cũng học thạo luôn tiếng Quảng Đông.

Ông Quỳnh cũng thẳng thắn nhận xét, “những chữ Nho để bên mỗi bức vẽ là đều do ngòi viết của nữ hoạ sĩ cả. Dầu những chữ ấy, theo lối “chân” không xuất sắc mấy, song cũng dễ xem, hơn nữa, ta không nên quên rằng nét bút của một thiếu nữ”.

Trong bài phê bình nghệ thuật này, học giả Phạm Quỳnh cũng đề cập đến Đỗ Kỳ Chương [2], một hoạ sỹ người Trung Quốc, cư trú ở Hương Cảng, cách đấy không lâu đã có một triển lãm ở rạp hát Tây. Tuy nhiên, ông cho rằng, “Khác với lối vẻ của hoạ sĩ Đỗ Kỳ Chương,… lối vẽ của nữ hoạ sĩ Lê Thị Ẩn theo lối vẽ kim thời của người Trung Quốc (Style mo-dern chinois), tôi muốn nói lối vẽ của hoạ sĩ Hoàng Ảo Ngô”.

Tuy nhiên, qua bài phê bình, học giả Phạm Quỳnh cũng kể đến một nữ hoạ sỹ khác, rằng “mặc dù cùng chịu ảnh hưởng của lối hoạ người Tàu, tôi phân biệt rõ ràng được rằng nét bút của nữ hoạ sĩ Huê-Mỹ khác hẳn với nét bút của nữ hoạ sĩ Lê Thị Ẩn, dầu có những cái biệt tài riêng mà ta không thể so sánh hơn nữa được. Lấy con mắt thẩm mỹ mà phê bình thì những tấm tranh tuyệt tác của nữ hoạ sỹ Huê-Mỹ mới trông đã làm cho ta phải để ý đến liền như cái sắc đẹp lộng lạc mê hồn nhờ phấn sáp điểm tô của cô gái mới, mà của nữ hoạ sĩ Lê Thị Ẩn thì càng nhìn mới càng thấy những cái đẹp kín đáo mơ mộng như cái đẹp của cô thôn nữ trong bộ y phục tầm thường”.

Từ đó, khi nhìn lại và ghi nhận sự đóng góp của các nữ hoạ sỹ đối với nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, các câu hỏi tiếp tục đặt ra là: Nữ hoạ sỹ Huê Mỹ là ai? Và tiếp nối cuộc triển lãm đầu tiên tại nhà hát Tây vào năm 1938, nữ hoạ sỹ Lê Thị Ẩn đã tiếp bước trên con đường nghệ thuật của bà như thế nào? Liệu “nữ hoạ sĩ Lê Thị Ẩn sẽ còn bước những bước rất xa” như lời học giả Phạm Quỳnh dự đoán?

Quay lại thoáng ngỡ ngàng của nhà văn Phạm Công Luận, sau khi tình cờ và tận mắt ngắm nghía những bức tranh vẽ bởi nữ hoạ sỹ đầu tiên của Nam Kỳ, ông đã dày công nghiên cứu thêm và cho biết, bà Lê Thị Ẩn thường ký tên thật hoặc có khi là “Việt Nam Nữ Sĩ” hay “Phác Ngọc”. Và “khi còn trẻ, bà học Trường trung học Sainte Enfance và tốt nghiệp khoa tâm lý nhi đồng Trường Saint Paul College. Bà là giám đốc một trường nữ công danh tiếng ở Sài Gòn từ năm 1936 – Trường Nữ công Hưng Đông (còn gọi là Hưng Đông học hiệu) ở số nhà 42-44 đường Aviateur Garros (đường Thủ Khoa Huân ngày nay), ngay trung tâm thành phố, rất gần chợ Bến Thành”.

Theo nhà văn Phạm Công Luận, sách “Nhân Vật Việt Nam” do Việt Nam Thông Tấn Xã xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1973, cho biết: ngoài việc giảng dạy nữ công và vẽ tranh, bà Lê Thị Ẩn đã có một cuộc đời hoạt động xã hội khá phong phú. Thêm nữa, “sự nghiệp sáng tác tranh của bà không hề nhạt nhòa. Ngoài các cuộc triển lãm tại Sài Gòn năm 1938 và 1949, bà còn tham gia triển lãm tranh lụa ở Hong Kong, Thượng Hải, Manila năm 1941 – 1942; các cuộc triển lãm tại Pháp 1950 – 1951, tại Rio de Janeiro tháng 4 – 1970, tại Washington D.C. tháng 10 – 1970, tại Nhật năm 1971”.

Chú thích

[1] Phạm Quỳnh (1892 – 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần của triều Nguyễn, Việt Nam, thế kỷ XX. Ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt, thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp. Ông từng làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, chủ bút của tạp chí Nam Phong, đồng thời là người sáng lập kiêm Tổng thư ký Hội Khai trí Tiến Đức. Phạm Quỳnh, lấy hiệu Thượng Chi, bút danh Hoa Đường, hoặc Hồng Nhân.

[2] Hoạ sỹ Đỗ Kỳ Chương, sinh năm 1892 ở Tuyền châu thuộc tỉnh Phước-Kiến (Trung-hoa). Ông được xem là một tấm gương ái quốc, và là một nhà sưu tập tranh cổ Trung Hoa có danh tiếng trong thập niên 30 ở thế kỷ trước. Ông được ca ngợi nhiều trong một bài báo, mục “Mỹ thuật nghĩa vụ”, của Tràng An báo, Số 372, 15 Tháng Mười Một 1938. Theo bài báo, ông Đỗ Kỳ Chương và phu nhân, nhân một dịp đến Sài Gòn (có thể là tháng 10 năm 1938), “đã đem vài ngàn bức tranh trong cái lô sưu tập khổng lồ kia chưng ở dinh Đốc-lý Saigon để bán”, và khi đó “Chánh phủ ở đây đã tận tâm giúp cho Kỳ-Chương được mãn nguyện”

> Đọc bài viết “Cuộc triển lãm ở nhà hát Tây của…Nữ – hoạ – sĩ Lê – Thị – Ẩn”, Sài Gòn nhật báo, Số 1433, 11 Tháng Bảy 1938, theo đường dẫn: https://bit.ly/3vDtCrD

> Đọc bài viết “Một nử hoạ sĩ thứ nhứt của Namkỳ. Cô LÊ-THỊ-ẨN”, Sài Gòn nhật báo, Số 1434, 12 Tháng Bảy 1938, theo đường dẫn: https://bit.ly/3n4kQyV

(Để độc giả dễ đọc hơn, các đoạn trích dẫn từ Sài Gòn nhật báo đã có chỉnh sửa dấu hỏi và ngã. Bởi vì, ngoài văn phong, cách sử dụng dấu cấu, cách viết hoa, cách gạch nối của những năm 1930 khác nhiều so với thời bây giờ).


 
Back to top