ART & LIFE

Thiếu nữ trong tranh chợ Tết của các hoạ sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương

Feb 05, 2022 | By Art Republik

Đi chợ Tết là một trong những nét văn hóa đẹp không thể thiếu của người Việt. Đầu năm mới, hãy cùng nhìn ngắm những bức tranh thiếu nữ đi chợ Tết của họa sĩ Lương Xuân Nhị và Nguyễn Tiến Chung.

Tết cổ truyền luôn là đề tài thu hút sự yêu mến của các họa sĩ Việt Nam. Đi chợ Tết là một trong những nét văn hóa đẹp không thể thiếu của người Việt để chuẩn bị đón chào một năm mới may mắn và bình an. Chủ đề này đã khơi gợi niềm cảm hứng và là chất liệu phong phú để các họa sĩ sáng tác nên các tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt. Đầu xuân, hãy cùng tìm hiểu những bức tranh thiếu nữ ngày Tết trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị và Nguyễn Tiến Chung.

Những thiếu nữ đi chợ hoa của họa sĩ Lương Xuân Nhị

Bức tranh “Ba cô gái”, họa sĩ Lương Xuân Nhị

Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 – 2006) quê huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, là sinh viên tốt nghiệp khóa VII (1932 – 1937) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được biết đến là một trong những họa sĩ đầu tiên đưa sơn dầu vào hội họa Việt Nam với các bức tranh nổi tiếng về phong cảnh và con người. Lương Xuân Nhị còn là tác giả của nhiều bức tranh chân dung thiếu nữ mang đậm cốt cách Á Đông, với vẻ đẹp thanh nhã, chuẩn mực và đằm thắm.

Là họa sĩ của tả thực và thơ, như họa sĩ tâm sự lúc cuối đời: “Tôi tiếp nhận tất cả, nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình: thanh nhã và dịu dàng, tả thực, mơ màng, tươi tắn ấn tượng, huyền ảo với cái đẹp thuần Việt” (1). Lương Xuân Nhị đã sáng tác những bức tranh thiếu nữ đi chợ hoa Tết mà qua đó ta thấy ông không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cái đẹp, mà ông còn lồng vào trong đó một niềm yêu mến kín đáo với con người và cuộc sống.

Bức tranh “Ba cô gái” với chất liệu mực và bột màu trên nền lụa là một trong ba tác phẩm chủ đề Tết mang đậm dấu ấn về lối vẽ giản dị nhưng tinh tế của họa sĩ.

Trong tranh, hai cô gái Hà thành xuất hiện trong tà áo dài truyền thống, khoác tay nhau ngắm hoa đào trong chợ hoa ngày Tết. Họa sĩ rất khéo léo trong việc khắc họa nên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, trang nhã của các thiếu nữ bằng cách chọn những sắc màu dịu nhẹ, cùng tông, đặt cạnh nhau, vừa tạo nên sự đồng điệu, vừa làm tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của từng thiếu nữ. Ngay cả người phụ nữ bán hoa đào dù không mặc áo dài tha thướt, dù quàng khăn che nửa mặt, nhưng trang phục và nét mặt vẫn tỏa ra một vẻ đẹp thanh tú.

Trong bức tranh này, ngay cả cách đặt tên tranh là “Ba cô gái”, Lương Xuân Nhị đã không chỉ đặt các cô gái với những tà áo dài làm trọng tâm của bức tranh, mà vẻ đẹp Á Đông đã được miêu tả thầm kín trong dáng hình của cô gái còn lại, người đang cầm một cành đào mùa xuân.

Bức “Chợ hoa đào”, tranh lụa vẽ năm 1985, Lương Xuân Nhị

Năm 1985, họa sĩ Lương Xuân Nhị tiếp tục sáng tác bức tranh lụa “Chợ hoa đào”. Tác phẩm này hiện đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lưu giữ trong bộ sưu tập về văn hóa truyền thống.

Trong bức tranh, tác giả đã có sự thay đổi và bổ sung nhiều nhân vật cùng các chi tiết mới so với bức “Ba cô gái”. Bố cục không gian bức tranh có sự mở rộng về chiều ngang, màu sắc tổng thể và trang phục của các nhân vật được vẽ bằng tông màu đậm và ấm hơn.

Trong tranh, ngoài ba nhân vật cũ còn xuất hiện thêm ba người phụ nữ bán hoa đào và một thiếu nữ với dáng vẻ yêu kiều, nền nã trong tà áo dài kết hợp cùng chiếc khăn quàng cổ và vấn tóc gọn gàng. Cả khuôn mặt, trang phục và dáng điệu bước đi của cô gái đã kéo trọng tâm của bức tranh về phía trái, không chỉ thu hút ánh nhìn của các nhân vật trong tranh mà còn thu hút ánh nhìn của người xem tranh.

Sự tinh tế và hài hòa trong cách phối màu khi đặt những gam dịu nhẹ bên cạnh các sắc màu rực rỡ và tương phản là một trong những khéo léo của “Chợ hoa đào”. Ở đây, bên cạnh tả thơ, Lương Xuân Nhị đã lồng tả thực, dường như ông muốn kể một câu chuyện khác, khi đặt thêm vào trong tranh những nhân vật phụ, những người bán hoa, với màu sắc áo quần và tư thế đã không còn trong thế tương giao đồng điệu trong cả ánh mắt và nụ cười như trong bức tranh “Ba cô gái”.

Bức tranh “Thiếu nữ đi chơi chợ hoa”, Lương Xuân Nhị

Vẫn là đề tài quen thuộc, ở tác phẩm thứ 3 với tên gọi “Thiếu nữ đi chơi chợ hoa”, tác giả có sự thay đổi về bố cục màu sắc từ đậm đến nhạt dần và sử dụng màu đỏ chủ đạo trong toàn bộ bức tranh.

Trang phục luôn có sự đổi mới trong các bức tranh vẽ thiếu nữ của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Những chiếc áo dài với màu sắc rực rỡ hơn, tà áo may dài hơn, cách quàng chiếc khăn san điệu hơn, vẻ mặt và dáng điệu bước đi của các thiếu nữ duyên dáng và đài các hơn. Đến đây, ta thấy bút pháp miêu tả và câu chuyện được kể trong tranh càng có sự khác biệt hơn giữa các thiếu nữ và những người phụ nữ bán hoa so với hai bức tranh còn lại. Bức tranh này đã dựng lên một thế giới hoàn toàn đối lập giữa các tiểu thư khuê các và những người dân lam lũ.

Ngắm ba bức tranh các thiếu nữ đi chợ hoa ngày Tết, ta thấy một điểm chung là Lương Xuân Nhị hầu như đã giản lược tất cả phong cảnh xung quanh và tập trung chủ yếu vào việc khắc họa vẻ đẹp của các thiếu nữ, cành hoa đào và những người bán hàng. Vừa miêu tả, vừa kể chuyện, vừa tạo nên nét thơ trong nhân vật những cô gái Hà thành duyên dáng yêu kiều, vừa khắc họa cuộc sống đời thường của những người bán hoa ở chợ Tết, Lương Xuân Nhị đã mang tất cả niềm yêu của mình đặt vào trong những phiên chợ hoa ngày Tết.

Đi chợ Tết của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung

“Đi chợ Tết” (1940), họa sĩ Nguyễn Tiến Chung

Cùng đề tài này, không thể không nhắc đến bức tranh “Đi chợ Tết” của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914 – 1976), người được các họa sĩ cùng thời ví như sinh ra để vẽ tranh lụa, luôn có những hướng thể hiện rất mới mẻ. Ông sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936-1941). Những sáng tác của ông xoay quanh các chủ đề về người nông dân, nông thôn, bộ đội, công nhân Việt Nam và đặc biệt là đề tài tranh thiếu nữ.

“Đi chợ Tết” được họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vẽ năm 1940, hiện đang được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vẫn là nét đẹp khuê các của các thiếu nữ đi chợ Tết nhưng màu sắc trong tranh Nguyễn Tiến Chung được vẽ bằng góc nhìn hoài cổ.

Bức tranh có bố cục và cách phối cảnh xa gần, có cảnh chính cảnh phụ, có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Phong cách vẽ đơn giản nhưng sống động, uyển chuyển và mềm mại, như thể có tính nhạc với các tiết tấu nhịp nhàng.

Nguyễn Tiến Chung chú trọng vào từng cử chỉ, hành động và nét mặt của các nhân vật. Mỗi nhân vật mang một dáng vẻ riêng, tư thế và hành động khác nhau nhằm phản ánh đời sống thực tế đầy phong phú, sống động nhưng cũng rất đỗi mộc mạc và gần gũi. Cảnh chợ Tết có váy áo từ nâu đậm đến nhạt dần, những chiếc khăn trắng điểm xuyết bằng các họa tiết, màu đen của mái tóc, có hoa đào, những chậu hoa cúc vàng, bầu trời xanh ngắt, hình ảnh người dân trao đang đổi hàng hóa… Tất cả đã góp phần tạo nên nét sinh động và nhộn nhịp cho khung cảnh nhưng vẫn toát lên sự thanh bình, dân dã và đầy xúc cảm về một không gian hoài cổ của phiên chợ xưa.

Nổi bật lên trên nền phong cảnh chợ Tết ấy là hai cô gái trong trang phục áo dài duyên dáng đi chợ hoa xuân, như thể chính các cô là những người mang lại mùa xuân cho phiên chợ. Những tà áo dài trong tranh của Nguyễn Tiến Chung mềm mại và quyến rũ, trong sắc đen trắng tương phản của màu áo màu quần ấy, nổi bật lên là màu đỏ của những chiếc khăn, những đôi hài. Miêu tả một phiên chợ Tết nhưng nét vẽ và màu sắc trong tranh không hề gợi lên sự ồn ào hay náo nhiệt mà đem lại một vẻ đẹp trong trẻo và nên thơ như một khúc ca bên đường, luôn ý nhị mà sâu lắng.

Giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật và tác phẩm sáng tác về mùa xuân, ngày Tết, hội họa vẫn luôn có một chỗ đứng đặc biệt. Tết xưa luôn là những hoài niệm trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt. Thông qua hội họa, những ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn, dài lâu. Các tác phẩm không chỉ mang đến những giá trị nghệ thuật ghi khắc trong tim mỗi người yêu tranh mà còn để lại những giá trị lịch sử, kể cho nhiều thế hệ mai sau về một nét đẹp văn hóa thuần Việt, góp phần tạo nên một diện mạo độc đáo của hội họa Việt Nam.

Chú thích

(1): Một số tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Lương Xuân Nhị – vnexpress.net (04.2014)

Bài: Anne Ng
Thạc sĩ Truyền thông Quốc tế tại Đại học Paris 8, Pháp


 
Back to top