Đỉnh cao sáng tạo phát xuất từ tâm thức tự do
Khi tôi và một người bạn cùng trò chuyện về đỉnh cao sáng tạo, thì những nghệ sĩ có tranh đấu giá cao nhất nhì thế giới chưa hẳn đã biểu hiện cho điều đó. Bởi nó đơn thuần nằm ở khía cạnh tiền bạc. Người ta chỉ có thể biết được người nghệ sĩ đạt đỉnh cao sáng tạo hay không khi theo dõi nghiêm túc chặng đường dài sáng tác của họ cho đến khi họ chết đi, liệu những gì mà họ tạo ra có bắt nguồn từ một tâm thức tự do, và phải là một tâm thức song hành cùng minh triết. Hay gọi là về phía đạo. Vì đi về phía đạo là đi về phía tự do.
Ở một xã hội còn những hạn chế về tự do ngôn luận và bị kiểm duyệt sát sao thì tâm thức tự do hay không tự do được biểu hiện ở mức độ rõ rệt nhất. Bởi nếu anh sống trong một môi trường không kiểm duyệt, thì tâm thức anh sẽ ít bị thách thức, anh có cơ hội tự do sáng tạo theo tiếng gọi bên trong anh. Nhưng ở một xã hội thiếu tự do, có những tiếng gọi bên trong đã bị kiềm nén vì không được sự cho phép bên ngoài hoặc chính anh tự định kiến mình mà không cho phép.
Tuy nhiên, thậm chí ngay ở một xã hội đã có tự do, thì còn có nhiều nguyên nhân chi phối một tâm thức đi trên hành trình minh triết, đó là mải phục vụ một bộ phận nào đó, nuông chiều sự tham lam bên trong mình, không tĩnh tâm lắng nghe tiếng gọi bên trong,…
Đỉnh cao tự do sáng tạo phải có một yếu tố quan trọng là không nhằm phục vụ bất cứ ai ngoài mục đích tự thân của nó là sáng tạo. Bởi cốt lõi của sáng tạo đi ra từ sâu thẳm tâm hồn một con người, mà tâm hồn một con người thì cũng là biểu hiện tâm hồn của đại chúng. Một cá nhân mà suy ra một xã hội. Bởi cá nhân có sự ràng buộc với xã hội, và không thể tách rời xã hội.
Nhưng sáng tạo, như bất cứ một hoạt động nào khác, để đạt đến tự do đúng nghĩa phải đi cùng minh triết (trí tuệ). Bởi không có minh triết, sự sáng tạo có nguy cơ tà đạo. Bởi vậy, với tôi, sự sáng tạo nào cũng nên là hành trình minh triết, tức là tìm về đạo, nương vào đạo để thấy chính mình một cách sáng rõ nhất.
Khi nhìn vào giai đoạn sáng tác của một người nghệ sĩ đương thời, thật dễ để đưa ra những định kiến và phán xét, rằng họ đang lặp lại chính mình hay chưa thoát ra được hào quang dĩ vãng. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, hành trình sáng tác là hành trình nội tâm. Những sáng tác phản ánh sự trưởng thành của nội tại. Khán giả thường có xu hướng mong đợi nhìn thấy cái mới, nhưng không vì thế mà người nghệ sĩ nóng vội trên hành trình sáng tác minh triết của mình. Vì hành trình sáng tác minh triết đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, bởi có kiên nhẫn mới có chiều sâu, mới có định lực. Mà chưa kể đến sự phản tỉnh (quay về bên trong để quan sát) nhằm thấu rõ giai đoạn trưởng thành trong sáng tác của mình.
Nghệ sĩ có thể vẽ phong cảnh suốt cuộc đời mình, nhưng nếu họ kiên nhẫn đi về đạo, thì theo thời gian, khán giả bỗng dưng thấy những mới mẻ trong những thứ tưởng chừng cũ kỹ.
Một triển lãm gần đây tôi đi xem thể hiện cho định lực này là tranh lụa của Hoàng Minh Hằng tại Eight Gallery. Rời xa xô bồ, tĩnh lặng và ẩn dật sáng tác, người phụ nữ sinh năm 1946 đã thể hiện rõ nội tâm minh triết trong những sáng tạo của mình. Những bức phong cảnh tái hiện sự sống bình dị đơn sơ nhưng thuyết phục về chiều sâu, tất cả toát lên một nguồn năng lượng tĩnh tại, tưới tắm bao tâm hồn khán giả.
Bắt buộc phải sống ở một xã hội nào đó là nhân duyên của một con người, và hoàn cảnh cũng bộc lộc bản chất một người nào đó. Vì thế, tâm thức của người sáng tạo không thể đổ lỗi cho xã hội, mà nên coi thử thách môi trường sống chính là lửa rèn “kim cương” tương lai bên trong mình. Vì minh triết và tự do thật sự không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, mà là môi trường tâm thức bên trong.
Để đạt được điều này thì người nghệ sĩ phải định trong công việc của họ, như cách một con người bình thường khác định (samadhi) trong trạng thái tĩnh hoặc nhất tâm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sáng tạo tức là tu tập, sao cho tâm thức của mình không bị dính mắc vào bất cứ một điều gì, không bám chấp vào một ngã cực đoan. Lúc này, tâm thức của họ đã thoát ra khỏi những mong cầu, ham muốn, rào cản,…
Tôi nghĩ như vậy mới là tự do sáng tác. Tức là tự do mang tính tinh thần. Chứ không đơn thuần nằm ở sự mới mẻ của đề tài hay độc đáo trong phương thức biểu hiện.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)