“Đôi bờ sông Hồng” của Lê Văn Đệ
Paris, ngày 24 tháng 6, bức tranh “Đôi bờ sông Hồng” từng tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris 1931 của hoạ sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966), sẽ được đấu giá tại nhà Millon với giá ước tính từ 100 .000 đến 200. 000 EUR.
Khi Lê Văn Đệ sinh ra tại Mỏ Cày (Bến Tre) ngày 28/8/1906, Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp. Ông xuất thân trong một gia đình địa chủ giàu có, với năng khiếu vẽ đã có từ thuở nhỏ. Năm 1925, tốt nghiệp Thành chung tại Trường Trung học Lasan Tabert (Sài Gòn), cha ông định hướng theo con đường Luật hoặc Y khoa, nhưng trong tâm tưởng ông nảy sinh một ý nghĩ hoàn toàn khác biệt: dấn thân vào con đường Mỹ thuật. Ý tưởng nồng cháy này được củng cố bằng việc: tại Hà Nội, Trường Mỹ thuật Đông Dương vừa mới được thành lập.
Lê Văn Đệ biết rằng các trường mỹ thuật ứng dụng ở Nam Kỳ vào thời đó chỉ đào tạo những người thợ thủ công, trong khi bản thân ông lại muốn cống hiến hết mình cho Mỹ thuật. Ông được Huỳnh Đình Tựu [1], lúc bấy giờ là Giám đốc Trường Mỹ nghệ Gia Định, dạy hội họa cơ bản để có thể thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đứng thứ 7 trong số 10 sinh viên tuyển sinh khóa đầu tiên (1925), Lê Văn Đệ ra trường đầu bảng sau 5 năm học (1930).
Victor Tardieu mô tả sinh viên Lê Văn Đệ như sau:
“Thủ khoa Lê Văn Đệ là một chàng trai nghiêm túc, giỏi tiếng Pháp, được các bạn học ở trường nội trú Bobillot-Sud bầu làm trưởng lớp mấy năm liền” [2].
Với tư cách là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, Lê Văn Đệ tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris 1931 với bức tranh “Đôi bờ sông Hồng” [3], được Adolphe Tabarant của báo l’Œuvres coi là “sự hài hòa của một phong cách tranh khắc Nhật Bản và chủ nghĩa hậu ấn tượng…” [4].
Theo một thỏa thuận đặc biệt, những tác phẩm không có người mua tại Triển lãm Thuộc địa sẽ được tiếp tục trưng bày tại Đông Dương Kinh tế Cục (AGINDO).
Trong một lá thư của Blanchard de la Brosse, giám đốc AGINDO, gửi Victor Tardieu, ngày 21/12/1932, viết rằng có 2 bức tranh sơn dầu của Lê Văn Đệ: “Đôi bờ sông Hồng”, và một bức nhỏ hơn là “Thuyền trên sông Hồng”, đã được bán tại thời điểm đó [5].
Bức tranh sơn dầu được giới thiệu hôm nay chính là tác phẩm “Đôi bờ sông Hồng”.
Lưu ý rằng khổ nằm ngang makemono đã trải ra chủ đề của bức tranh: Sông Hồng, và phong cảnh chung quanh Hà Nội! Với những biến đổi theo thời gian, cảnh quan trong tranh so với hôm nay thật sự đã hoàn toàn khác xa! Toàn thể tác phẩm thể hiện sự bao la của sông nước, với vùng đất ngày ấy vẫn còn hoang vu.
Tiền cảnh là một làng chài, có lẽ vào thời điểm đó, chỉ có những người đánh cá sống ở đây. Họ đã xây dựng những ngôi nhà sàn nổi lên trên mặt nước như những con thuyền lênh đênh.
Phải chăng sự đơn sắc nhẹ nhàng của bức tranh chứng tỏ bằng tiếng nói riêng của nó, rằng phong cảnh hoang sơ như vậy không dễ dàng gì nắm bắt được, mà chỉ có thể mời khách thưởng ngoạn bằng một tấm lòng khiêm tốn khoan dung, hoặc có thể là một sự quan tâm nhiều hơn?
Đây đó chúng ta thấy một số dân làng chài, có người đội nói lá và hầu như đều mặc trang phục truyền thống. Những ngôi nhà sàn rải rác trên mặt nước được nối với đất liền bằng những cây cầu gỗ. Xa xa, dẫy đá nhấp nhô, có thể dùng để ngăn sức mạnh của thủy triều. Hậu cảnh là những chiếc thuyền, một số thả neo, một số khác trôi nổi không định hướng giữa dòng nước như một lời mời gọi dõi ánh mắt nhìn theo…
Ở góc dưới bên trái, chúng ta thấy chữ ký Lê Văn Đệ và năm 1930. Tác giả đã thực hiện bức tranh này với kỹ thuật phối cảnh xa gần vẫn còn ít được biết đến trong nghệ thuật châu Á tại thời điểm đó, bằng cách diễn tả tầng tầng lớp lớp, lôi kéo ánh nhìn khách thưởng ngoạn tiến vào và khám phá chiều sâu phong cảnh trong tranh.
Chú thích
[1] Họa sĩ Nam kỳ đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris.
[2] Victor Tardieu, Báo cáo về khoá I của Trường Mỹ thuật Đông Dương với Giám đốc Nha Học Chính, ngày 10/3/1930 (Kho lưu trữ về Victor Tardieu, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (INHA), Paris, Jacques Doucet sưu tập, N° 125/10).
[3] Kho lưu trữ về Victor Tardieu, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (INHA), Paris, “Báo cáo về việc tham dự Triển lãm Thuộc địa Paris 1931”, N° 125/08, trang 08. Nguyễn Văn Hanh, “Họa sĩ Lê Văn Đệ”, Saigon 1939, trang 16.
[4] L’Œuvres, Adolphe Tabarant, “Mỹ thuật tại Triển lãm Thuộc địa, thời đại Angkor”, 01/9/1931, trang 04.
[5] Victor Tardieu, “Báo cáo về việc tham dự Triển lãm Thuộc địa Paris 1931”, như trên. Kho lưu trữ về Victor Tardieu, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (INHA), Paris, “Trao đổi thư từ AGINDO 1932”, N° 125/08.
Ngô Kim-Khôi
* THÔNG TIN ĐẤU GIÁ
Lê Văn Đệ (1906-1966), “Đôi bờ sông Hồng” (Les bords du fleuve Rouge) (1930), sơn dầu trên toan, 53.5 x 100.5 cm, chữ ký và năm sáng tác ở góc trái bên dưới, thuộc sở hữu của một bộ sưu tập tư nhân ở Pháp. Tác phẩm từng tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris (từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1931). Đây là tác phẩm được đưa ra đấu giá công khai tại phiên “L’art moderne Vietnamien, de la tradition à la modernité” (tạm dịch: Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại) của nhà Millon, tại Paris, lot 8, vào lúc 2 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 2022 (thứ Sáu). Giá ước tính từ 100 .000 – 200. 000 EUR.
Nhà đấu giá mở cửa trưng bày từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều, ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2022, tại Salons du Trocadero – 5, avenue d’Eylau 75116 Paris.
Để tham quan phiên đấu giá, vui lòng truy cập tại đây.