“Mộng Viễn Đông”: Phục chế và vận chuyển bức tranh Đông Dương cỡ lớn nhất
Ace Lê – Giám đốc Điều hành Sotheby’s tại Việt Nam, chia sẻ về quá trình 12 ngày phục chế và vận chuyển tác phẩm cỡ lớn nhất, với kích thước 212 x 513 cm và trọng lượng 160 kg, từ Hà Nội vào Sài Gòn, để chuẩn bị cho triển lãm “Mộng Viễn Đông”.
Giờ G sắp điểm cho khai mạc triển lãm “Mộng Viễn Đông | The Faraway East: of Dreams and Pursuits”, trong số gần 60 tác phẩm sẽ trưng bày, ”Vịnh Hạ Long” của Jean-Louis Paguenaud sẽ là tác phẩm lớn nhất với kích thước 212 x 513 cm, cũng là bức tranh Đông Dương lớn nhất từng xuất hiện trên sàn đấu giá.
Khi nhà sưu tập mang tác phẩm từ Pháp về Việt Nam, đã phải phục chế một lần bên đó rồi tháo khung, cuộn lại, và về đến Hà Nội mới làm khung mới, gia cố thêm bộ khung sắt, nâng tổng trọng lượng lên 160 kg. Khi trưng bày tại tư gia ở góc nghiêng gắn xích vào tường, do bản thân toan rộng nên rất nặng, sau nhiều năm đã xảy ra hiện tượng chùng toan, cộng thêm một số mai một do thời tiết chuyển mùa ở Hà Nội. Khi mượn tranh, đội ngũ chỉ có 12 ngày để vận chuyển, phục chế và nghĩ ra giải pháp mới để treo được tranh trong tình trạng tốt nhất để giới thiệu với công chúng.
Dưới đây, Ace Lê – Giám đốc Điều hành Sotheby’s tại Việt Nam phác thảo qua những bước tiến hành để chia sẻ cùng khán giả yêu nghệ thuật.
Bước 1: Hạ và bọc tranh tại Hà Nội
Riêng bước này đã mất 4 ngày, vì phải huy động một đội ngũ art-handling (ở Việt Nam khái niệm này còn sơ khai – nôm na là những người có đủ chuyên môn thao tác hậu cần với tác phẩm) gồm 15 người để dọn đồ tại tư gia, dựng dàn giáo, hạ tranh rồi bọc tranh. Với sức nặng 160 kg, điều phối việc nâng lên hạ xuống cho đều nhau là không dễ. Phải hạ tranh được xuống chúng tôi mới quay chụp được tất cả các góc tranh, mặt tranh để lập biên bản hiện trạng (condition reports) và nộp cho bên bảo hiểm làm bằng chứng. Xin cảm ơn Annam Production, Bảo hiểm Bảo Minh cùng những bạn bè trong giới đã góp tay giúp đỡ. Đặc biệt cảm ơn nhà sưu tập đã cho mượn tranh, cũng là mạnh thường quân cho nhiều công đoạn không tên với nhiều chi phí và rủi ro.
Bước 2: Vận chuyển tranh vào Sài Gòn
Do tư gia nhà sưu tập nằm trong một con ngõ, đội ngũ phải tính toán để mang tranh ra mặt đường lớn với độ rung lắc ít nhất. Tranh được gói giấy bong bóng và bọc trong thùng carton. Ở bên ngoài có xe container 12ft (loại lớn, vì tranh ngoại cỡ so với các xe tải liên tỉnh thông thường) chờ sẵn, với kiện gỗ lớn đóng sẵn để đưa tranh vào. Xe đi đường bộ mất 3 ngày để vào Sài Gòn. Xin cảm ơn Shopee Express đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển.
Bước 3: Phục chế và căng toan
Đây là công đoạn khó nhất, đơn thuần vì hiện tại ở Việt Nam quá thiếu chuyên gia phục chế. Rất may, chúng tôi mời được chị Hiền Nguyễn, người đã học phục chế và thực hành ở Pháp 17 năm. Chúng tôi cũng mượn được mặt bằng trống ở Trường Quốc tế Canada cho những thao tác biệt lập này.
Việc chỉ có đúng 4 ngày để phục chế và căng lại toan một bức lớn như vậy là rất eo hẹp về thời gian. Tháo khung ra căng lại là hoàn toàn bất khả thi, nên chị Hiền đã nghĩ ra một giải pháp đặc biệt, chưa từng thử ở Việt Nam, nhưng đã làm thành công ở một bảo tàng bên Canada. Chúng tôi cưa và loại bỏ hết hệ thống khung sắt cũ, cưa bỏ hệ thống xương cá gỗ sau tranh, và thay thế nó bằng một hệ thống xương cá bằng hợp kim nhôm. 4 khung gỗ ở 4 cạnh sẽ vẫn được giữ nguyên, nhưng tháo khớp và cố định vào hệ thống khung hợp kim nhôm mới, và lắp vào xương cá mới. Những con vít sẽ được khoan vào chỗ tiếp xúc giữa khung xương cá và khung tranh, để tạo lực đẩy 4 cạnh tranh đều ra 4 phía (chừng hơn 1 cm mỗi chiều), theo đó căng tranh được an toàn và không phạm đến khung cũ. Riêng khâu này, chúng tôi mất trọn 4 ngày và đêm, làm việc không ngừng nghỉ, với 20 người, tạo khung xương cá từ 13 thanh hợp kim nhôm và gần 1.000 chiếc ốc vít. Kết quả là khung đã được căng 95%, với khối lượng mới 120 kg, tức giảm được 40% so với ban đầu, bởi hợp kim nhôm khoẻ nhưng lại rất nhẹ.
Song song, khi chỉ đạo làm khung xương cá, chị Hiền và studio cũng thao tác soi UV và phục chế mặt toan và cạnh toan (do không có khung ngoài nên phải phục chế cả cạnh toan vì khán sẽ ngắm từ cả bên cạnh). Tuy nhiên, do Jean-Louis Paguenaud là Hoạ sỹ Hải quân với kỹ năng xuất sắc, và việc nhà sưu tập bảo quản tranh rất tốt trong những năm qua, mặt tranh vẫn còn tốt đến 90%, nên chúng tôi chỉ mất 2,5 ngày để phục chế những xây xát nhỏ.
Sẽ mất thêm 1 ngày để gói lại tranh, và vận chuyển từ địa điểm phục chế đến địa điểm triển lãm, là Park Hyatt Saigon.
Bước 4: Giải pháp treo tranh
Với tranh nặng 120 kg, và khách sạn Park Hyatt Saigon đưa điều kiện không được tổn hại đến tường, chúng tôi sẽ phải làm tường giả để treo tranh (giống “Hồn Xưa Bến Lạ”). Tường MDF sẽ được gia cố, và tranh sẽ không được treo bằng móc mà gắn hệ thống cleats gồm các thanh dẹt bắt ốc vào tường (như hệ thống treo TV ở nhà chúng ta). Xin cảm ơn Retail Design Vietnam, Annam Production và Lotus Singapore, cũng các bạn bè cố vấn cho khâu giải pháp và sản xuất. Ngày mai, chúng ta sẽ biết giải pháp của chúng tôi có thành công không.
Ace Lê chia sẻ, với mong muốn khán giả có thể hiểu được một phần nào những thử thách và áp lực của hậu kỳ khi giám tuyển và sản xuất một triển lãm theo chuẩn bảo tàng quốc tế. Hiện tại ở Việt Nam, nhân lực chuyên môn đang mỏng gần như ở tất cả các khâu, và việc công chúng ít được tiếp xúc với nghệ thuật là một lý do. Chưa có đứa trẻ nào được biết đủ để thốt lên “Sau này con muốn làm art handler” (hay “chuyên gia phục chế”, hay “giám tuyển”) cả. Vậy nên, hy vọng rằng với nhiều triển lãm như “Mộng Viễn Đông”, nhiều trẻ em sẽ được tiếp xúc với nghệ thuật hơn, và nuôi dưỡng được những đam mê riêng của mình từ nhỏ.
Nguồn: Ace Lê