ART & CULTURE

Dự án của kiến trúc sư Trung Mai trưng bày tại Venice Architecture Biennale 2025

May 13, 2025 | By LUXUO

Kiến trúc sư Trung Mai được mời tái hiện và trưng bày tác phẩm tại cả hai địa điểm chính của triển lãm kiến trúc Venice Biennale (hay Venezia Biennale Architettura) lần thứ 19, diễn ra từ nay cho đến tháng 11 năm 2025.

Kiến trúc sư Trung Mai tại Biennale Architettura 2025, Venice, Ý

La Biennale di Venezia (hay Venice Biennale) là triển lãm văn hóa quốc tế được tổ chức thường niên tại Venice, Ý. Venice Biennale được tổ chức lần đầu vào năm 1895 và trở thành Biennale lâu đời nhất thế giới. Sự kiện triển lãm này có hai thành phần chính: Venice Art Biennale (La Biennale d’Arte di Venezia) và Venice Architecture Biennale (La Biennale d’Architettura di Venezia), được tổ chức xen kẽ mỗi năm (do đó có tên là “Biennale” – hai năm một lần). Kể từ năm 2021, Art Biennale diễn ra trong những năm chẵn và Architecture Biennale diễn ra vào những năm lẻ.

Năm nay, triển lãm kiến trúc Venice Biennal (La Biennale d’Architettura di Venezia) lần thứ 19 được tổ chức với chủ đề “Intelligens. Natural. Artificial. Collective” (Trí tuệ. Tự nhiên. Nhân tạo. Tập thể), do kiến trúc sư kiêm kỹ sư Carlo Ratti giám tuyển, diễn ra từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 23 tháng 11 năm 2025 (khai mạc vào ngày 8 và 9 tháng 5). Bình luận về chủ đề của triển lãm kiến trúc Venice Biennal năm nay, giám tuyển Carlo Ratti nói: “Để đối mặt với một thế giới đang cháy bỏng, kiến ​​trúc phải khai thác mọi trí tuệ xung quanh chúng ta. Tôi rất vinh dự và trân trọng khi có cơ hội giám tuyển Biennale Architettura 2025”.

Triển lãm kiến trúc Venice Biennale lần thứ 19, diễn ra từ ngày 10 tháng 5 đến 23 tháng 11 năm 2025

Tại Biennale Architettura 2025, kiến trúc sư người Pháp gốc Việt – Mai Hưng Trung (thường gọi là Trung Mai) mang tới cả hai không gian mang tính biểu tưởng của triển lãm hai tác phẩm, đã được xây tại Hà Nội, nhưng “đã + sắp bị đập”. Theo lời anh, “nhiều khi bị đập cũng chưa hẳn đã biến mất, đôi lúc đó lại là cách để công trình được tiếp tục chuyển hoá, tiếp biến và tồn tại lâu hơn”. Và chính tại một triển lãm quan trọng của kiến trúc thế giới, tác phẩm “đã bị đập ở Gia Lâm” và “sắp bị đập ở Bờ Vở” không chỉ được ghi nhận mà còn mở ra một sự biến chuyển mới, mạnh mẽ hơn.

Theo Ashui: “Đây là lần đầu tiên một KTS Việt Nam có tác phẩm tại cả hai địa điểm chính của triển lãm của La Biennale di Venezia là: Arsenale và Giardini. Tại Arsenale, sẽ là một tác phẩm tái hiện lại công trình “the Grid” tại nhà máy xe lửa Gia Lâm năm 2023, trong khi tại French Pavilion (Giardini), tác phẩm “House of Forest” cũng sẽ được giới thiệu như một phần của French Pavilion”. Giardini và Arsenale là hai địa điểm “hội tụ những gian triển lãm quốc gia và các không gian được tuyển chọn kỹ lưỡng, nhằm giới thiệu những ý tưởng đột phá trong nghệ thuật và kiến trúc đương đại”.

Kiến trúc sư Trung Mai tại French pavilion, Giardini, Biennale Architettura 2025, Venice. Nguồn: Hanoi Ad hoc

Kiến trúc sư Trung Mai tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ chuyên ngành Kiến trúc từ Trường Kiến trúc Quốc gia Paris-Malaquais (ENSA Paris Malaquais) ở Pháp, và thạc sỹ về Quy hoạch và Cảnh quan tại Đại học Leibniz Hannover của Đức. Sau nhiều năm làm việc tại các văn phòng kiến trúc lớn của Pháp như Atelier Jean Nouvel và Dominique Perrault Architecture, Trung Mai trở về nước và thành lập Hanoi Ad hoc vào năm 2020 như một nền tảng nghiên cứu và sáng tạo lấy Hà Nội làm trung tâm, song song với nền tảng mở rộng Ad hoc Practice, hướng đến thực hành thiết kế trên nhiều quy mô, với một góc nhìn xuyên quốc gia và điều hướng liền mạch qua các cảnh quan.

“Kiến trúc sư nào cũng cần một thành phố của mình và hiện tại Hà Nội là thành phố của tôi” – Trung Mai

Trung Mai đã liên tiếp ba lần đạt giải thưởng tại Europan Europe – mạng lưới các cuộc thi ý tưởng kiến ​​trúc, quy hoạch đô thị và cảnh quan của châu Âu dành cho các kiến trúc sư dưới 40 tuổi. Anh được trao giải thưởng Danh dự tại cuộc thi Europan 15 vào năm 2019 ở Pháp, với chủ đề “Productive cities” (Thành phố sản xuất); tại Europan 16 vào năm 2021 ở Ý với chủ đề “Living cities” (Thành phố sống), Trung Mai đã giành giải Nhất với dự án “Agroecological Condenser”; năm 2023, anh một lần nữa chiến thắng tại Europan 17 ở Tây Ban Nha, chủ đề “Living cities 2” (Thành phố sống 2), với giải Ba cho dự án “The Inhabited Garden”.

Ngoài ra, anh còn đạt được các thành tựu lớn và được đề cử trong nhiều cuộc thi quốc tế, bao gồm giải thưởng Prince Claus Seed 2024 tại Hà Lan, giải thưởng Architizer A+ 2024 tại Hoa Kỳ, vào vòng chung kết của cuộc thi cải tạo lãnh thổ công nghiệp DSK 500 ở Nga, và lọt vào danh sách rút gọn của “Dự án Tương lai của Năm” (tôn vinh những công trình kiến ​​trúc đẹp nhất thế giới chưa được hoàn thành) tại World Architecture Festival 2018 tổ chức ở Hà Lan, cùng nhiều thành tích khác.

Kiến trúc sư Trung Mai phát biểu tại lễ trao giải Europan lần thứ 17, Tây Ban Nha, năm 2024. Nguồn: Europan España

Dự án “The Inhabited Garden” đạt giải Ba tại cuộc thi Europan 17 tổ chức ở Tây Ban Nha với chủ đề “Living cities 2” (Thành phố sống 2). Nguồn: Ad hoc Practice

Dự án “The Inhabited Garden” đạt giải Ba tại cuộc thi Europan 17 tổ chức ở Tây Ban Nha với chủ đề “Living cities 2” (Thành phố sống 2). Nguồn: Ad hoc Practice

“the Grid” ở Gia Lâm

Dự án “the Grid” là một hoạt động triển lãm của nhóm Hanoi Ad hoc/Ad hoc Practice do kiến trúc sư Trung Mai dẫn dắt, được xây dựng tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, một trong 4 địa điểm thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 – do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat), cùng sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà sáng tạo và nghệ sĩ.

Triển lãm “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” thuộc dự án “the Grid” của Hanoi Ad hoc, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Nguồn: Ad hoc Pratice

Nhà máy xe lửa Gia Lâm là nơi được nhà sử học Tim Doling – tác giả của nhiều ấn phẩm nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam – đánh giá là một trong ba công trình đường sắt thuộc địa vĩ đại được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Nằm trên điểm giao của 4 tuyến đường sắt miền Bắc, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được người Pháp xây dựng vào năm 1905 như một nơi bảo dưỡng và sửa chữa đầu máy xe lửa. Nhà máy ngừng hoạt động vào thập niên 80–90 của thế kỷ trước, nhưng đã trở thành biểu tượng của một nền công nghiệp, một di sản lớn chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt. Dự án “the Grid” ra đời với khái niệm “phục hồi di sản công nghiệp thông qua việc triển khai chủ nghĩa đô thị tạm thời”. Đó là một thử nghiệm “tái sử dụng nhà máy”, nơi kiến trúc sư “có ý định tích hợp nhà máy vào một quá trình biến đổi tính tạm thời thành vĩnh cửu”. Về cơ bản, khái niệm này “đóng vai trò như một bản tuyên ngôn chống lại các hoạt động xây dựng đương đại đang thịnh hành, ưu tiên tốc độ và khối lượng sản xuất hàng loạt trên đầu người hơn là bảo tồn di sản công nghiệp phong phú của thành phố”.

“Chúng tôi làm các nghiên cứu để cộng đồng biết là những nhà máy ấy là nhân chứng lịch sử của một thời điểm phát triển của đất nước, và nó có giá trị nhất định chứ không đơn thuần chỉ là những khu công nghiệp bỏ hoang trong thành phố. Nếu chúng ta muốn bảo vệ nó thì phải hiểu giá trị của nó đã…” – Trung Mai

Bằng cách tái hiện “the Grid” tại Biennale Architettura 2025, kiến trúc sư Trung Mai một lần nữa mời gọi và khuyến khích việc xem xét một cách phê phán các phương pháp xây dựng, quy trình cải tạo đương thời, nhấn mạnh một nền kiến trúc tuần hoàn, có tính phản hồi và thích ứng trước những làn sóng chuyển hóa về kinh tế, xã hội, đô thị, v.v.. Đồng thời, theo Ashui, dự án sẽ “tái định vị di sản công nghiệp Việt Nam trong một cuộc đối thoại toàn cầu”.

“Bờ Vở – House of Forest” bên sông Hồng

Khu vực bờ vở sông Hồng từng là một vùng đất bị lãng quên giữa lòng Hà Nội. “Mảnh rừng đô thị” này có mối quan hệ mật thiết với cây cầu Long Biên lịch sử, khu phố cổ và trung tâm sáng tạo mới giàu tiềm năng bên kia sông. Đây là nơi sinh sống của hơn 100 loài chim di cư và 241 giống thực vật, bao gồm cả hệ thực vật bản địa và ngoại lai, nhưng không may, sự đa dạng sinh học nơi đây đang trở thành nạn nhân của các loài xâm lấn, Broussonetia papyrifera (cây dướng) là một trong số đó.

Thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bờ vở sông Hồng là khu vực chuyển tiếp giữa phố và sông, nút kết nối giữa đô thị và thiên nhiên, giữa con người và động, thực vật hoang dã. Nguồn: Hanoi Ad hoc

Thảm thực vật phong phú của khu vực bờ vở sông Hồng ví như tài sản sinh thái quý giá của thủ đô. Nguồn: Hanoi Ad hoc

Khánh thành vào tháng 12 năm 2024, dự án “Bờ Vở – House of Forest” được thiết kế và thi công bởi Hanoi Ad hoc/Ad hoc Practice với sự hỗ trợ của UBND Quận Hoàn Kiếm, mạng lưới Vì Một Hà Nội Đáng Sống (ECEU) cùng các đơn vị tài trợ như Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES). Khái niệm “House of Forest” (Nhà rừng) xuất hiện từ sự kết hợp của hai thuật ngữ: “House of culture” (Ngôi nhà văn hóa) và “Urban forest” (Khu rừng đô thị). Thách thức lớn nhất của dự án nằm ở mục tiêu phục hồi, tái thiết để mang lại lợi ích cho cả con người và động vật, thực vật hoang dã nhưng không tác động đến sự toàn vẹn của cảnh quan.

“đặt trong bối cảnh của sự biến đổi khí hậu và đô thị hóa thì những thành phần tự nhiên trong thành phố là điều đáng để chúng ta lưu tâm” – Trung Mai

Bộ khung của “House of Forest” được dựng nên từ gỗ của các loài cây xâm lấn phát triển nhanh mạnh ở đây, trong khi “lớp vỏ sống” chính là những loài cây bản địa và cây giống cũng được thu thập ngay trên vùng đất này. Trọng tâm chính là tổ chức lại cảnh quan bờ vở thông qua việc loại bỏ (để xây dựng) và thêm vào (thông qua nhân giống), sự dư thừa của Broussonetia papyrifera được tái sử dụng để tạo ra các pavilion trên khắp khu vực, với mỗi pavilion được bố trí, hoặc biệt lập để đảm bảo môi trường sống của động vật hoang dã, hoặc đáp ứng chức năng bảo tồn chim, hay phục vụ cho sự nhìn ngắm, chiêm nghiệm, đối thoại của con người giữa một hệ sinh thái đô thị ẩn dật. Hành trình khám phá – đi bộ hoặc xe đạp – trải dài phong phú với các bảng thông tin về di sản thiên nhiên hay những loài chim di cư, được lắp đặt trên các lối đi và giữa các tán cây.

“Bờ Vở – House of Forest” được phát triển như một dự án sinh thái thử nghiệm tạm thời ở địa phương, và tại Biennale Architettura 2025, dự án thu nhỏ ở dạng một tác phẩm vật chất nhưng sẽ khuếch đại khả năng truyền tải các sáng kiến văn hóa, giáo dục và môi trường, thúc đẩy sự lưu tâm của cộng đồng dành cho một “ốc đảo” đang dần lu mờ giá tri trước sự giao thoa, vận động phức tạp của một thành phố đang quyết liệt tiến lên.

Dự án “Bờ Vở – House of Forest” được triển khai với tầm nhìn bảo tồn và nâng cao tiềm năng của những không gian sinh thái chung vốn bị xem nhẹ. Nguồn: Hanoi Ad hoc

Dự án “Bờ Vở – House of Forest” được triển khai với tầm nhìn bảo tồn và nâng cao tiềm năng của những không gian sinh thái chung vốn bị xem nhẹ. Nguồn: Hanoi Ad hoc

Nguồn: La Biennale di Venezia, Hanoi Ad hoc/Ad hoc Pratice, Ashui, tạp chí Người Đô Thị


 
Back to top