ART & CULTURE

Kiến trúc Expo Osaka – Nửa thế kỷ từ chúng tôi đến chúng ta

May 13, 2025 | By LUXUO

Hé lộ về một thế giới nơi những tuyên ngôn lớn đang dần nhường chỗ cho tiếng nói và trải nghiệm đa dạng của mỗi cá nhân.

Không ảnh toàn cảnh World Expo tổ chức tại Osaka vào năm 2025 nổi bật với cấu trúc “Vòng cung lớn” do Sou Fujimoto thiết kế. Ảnh: Expo 2025

Nửa thế kỷ, có lẽ là một khoảng thời gian đủ dài để chứng kiến những phong trào hình thành rồi suy tàn, những hệ tư tưởng trỗi dậy rồi bị thách thức. Tại Osaka, trong khoảng thời gian hơn năm mươi năm, hai kỳ Triển lãm Thế giới (World Expo) đã được tổ chức, để lại hai dấu ấn kiến trúc và quy hoạch hoàn toàn khác biệt, như hai lát cắt địa tầng hé lộ sự vận động ngầm của các cấu trúc xã hội và tâm thức con người.

Năm 1970, kiến trúc trung tâm của Expo ’70 là một màn đối đầu đầy kịch tính giữa “Tháp mặt trời” hỗn loạn xuyên qua “Mái vòm lớn” bằng giàn không gian thép, một biểu tượng của trật tự công nghiệp và tham vọng chinh phục. Năm 2025, cũng tại thành phố này, không gian triển lãm lại được định hình bởi sự ôm chứa của “Vòng cung lớn” bằng gỗ, bao quanh một mạng lưới phân tán các gian hàng và một “Khu rừng tĩnh lặng”.

Điều gì đã khiến tâm thế “chúng tôi” của năm 1970, từ sự tập trung phô diễn sức mạnh công nghiệp và khẳng định vị thế kinh tế của nước chủ nhà, chuyển dịch thành tinh thần “chúng ta” của năm 2025, nơi các quốc gia cùng hợp tác kiến tạo một tương lai chung, tôn vinh sự khác biệt và tính bền vững? Kiến trúc và quy hoạch của hai kỳ Expo này chính là những “văn bản” hé lộ về một thế giới nơi những tuyên ngôn lớn đang dần nhường chỗ cho tiếng nói và trải nghiệm đa dạng của mỗi cá nhân.

Không ảnh toàn cảnh World Expo tại Osaka vào năm 1970 đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia châu Á đăng cai tổ chức sự kiện. Ảnh: Expo ’70

Expo 1970: Trật tự tổng thể và biểu tượng trung tâm

Năm 1970, Expo Osaka mở cửa trong bối cảnh Nhật Bản đang ở giai đoạn tăng trưởng kinh tế hậu chiến, một xã hội thể hiện niềm tin vào sức mạnh của công nghệ và quy hoạch tổng thể. Chủ đề “Tiến bộ và hài hòa cho nhân loại” được diễn giải thành một không gian vật lý quy mô lớn, với một mô hình quy hoạch tập trung và có thứ bậc rõ ràng. Trung tâm của đồ án này là Festival Plaza, một không gian công cộng khổng lồ được bao trùm và định hình bởi “Mái vòm lớn” (Big Roof) của Kenzo Tange. Siêu cấu trúc thép này không chỉ là một kỳ công kỹ thuật mà còn là hiện thân của tư duy quy hoạch tổng thể, tạo ra một điểm quy chiếu trung tâm, một không gian kiểm soát cho các hoạt động chính. Logic quy hoạch dựa trên một cấu trúc lưới không gian (space frame) quy mô lớn cho phép tích hợp các mô-đun chức năng một cách có trật tự, thể hiện niềm tin vào khả năng tổ chức và tiêu chuẩn hóa của kỷ nguyên công nghiệp. Bên dưới mái vòm, các ý tưởng về “quảng trường thông tin” và “môi trường điều khiển” với robot và ánh sáng tự động được triển khai, cho thấy tham vọng biến không gian này thành một sân khấu công nghệ, nơi “tiến bộ” được trình diễn cho đám đông chiêm ngưỡng.

Quang cảnh tại trung tâm Expo 1970 với “Tháp mặt trời” của Taro Okamoto. Ảnh: Bijutsu techō

Tác phẩm điêu khắc “Tháp mặt trời” của Taro Okamoto đâm xuyên qua cấu trúc giàn thép do Kenzo Tange thiết kế. Ảnh: Osamu Sato

Tuy nhiên, trật tự duy lý này lại chứa đựng một nghịch lý nội tại, thể hiện qua sự hiện diện của “Tháp mặt trời” (Tower of the Sun) của Taro Okamoto. Công trình này không tuân theo logic lưới hay sự tinh tế công nghiệp của “mái vòm”, mà đâm xuyên qua cấu trúc ấy một cách đột ngột, như một yếu tố ngoại lai, một biểu tượng của năng lượng nguyên thủy. Sự đối đầu giữa “Tháp mặt trời” và “Mái vòm lớn” ở Expo ‘70 cho thấy sự căng thẳng giữa tầm nhìn quy hoạch tổng thể, duy lý và những kháng lực khó đoán định, phi duy lý của tồn tại người, ngay trong lòng một dự án được xem là đỉnh cao của tư duy tổ chức thời bấy giờ.

Gian triển lãm trung tâm tại Expo 1970 với cấu trúc giàn không gian bằng thép thiết kế bởi Kenzo Tange. Ảnh: Expo ’70

Thiết kế giàn không gian của kiến trúc sư Kenzo Tange tại trung tâm Expo 1970 ở Osaka. Ảnh: Tange associates

Khi những nền tảng lung lay

Khoảng thời gian năm mươi năm giữa hai lần Osaka đăng cai World Expo đã chứng kiến sự suy yếu dần của các trụ cột tư tưởng thời hậu chiến. Niềm tin vào tăng trưởng kinh tế bất tận, bắt đầu bị nghi ngờ sâu sắc sau các cuộc khủng hoảng dầu mỏ và trước những cảnh báo ngày một rõ ràng về giới hạn sinh thái của Trái Đất. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc đã thắp lên niềm hy vọng về cái mà nhà khoa học chính trị người Mỹ Francis Fukuyama gọi là “Sự kết thúc của Lịch sử” (The End of History), một thế giới mà dân chủ tự do giành chiến thắng tuyệt đối. Dù vậy, thực tế lại diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Chính Fukuyama cùng vô số nhà phân tích khác sau này đã thừa nhận rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên bất định mới, nơi các dạng thức xung đột và cạnh tranh địa chính trị mới nổi lên thay thế cho trật tự lưỡng cực trước đây.

“Vòng cung lớn” của Expo 2025 tại Osaka được cấu trúc bằng gỗ và được xem là công trình gỗ lớn nhất thế giới. Ảnh: Dezeen

Trong khi đó, toàn cầu hóa và cách mạng số, dù mang lại những kết nối và cơ hội chưa từng có, lại đi kèm với mặt trái là sự gia tăng bất bình đẳng sâu sắc. Nhiều phân tích có ảnh hưởng lớn, điển hình là của nhà kinh tế học Thomas Piketty trong tác phẩm gây tiếng vang “Tư bản trong thế kỷ 21” (Capital in the Twenty-First Century), đã chỉ ra rằng thành quả của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ gần đây có xu hướng tập trung vào một nhóm nhỏ, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo và tạo ra những bất ổn xã hội tiềm tàng. Đồng thời, cấu trúc xã hội truyền thống biến đổi, “đại tự sự” mất sức hút, khiến con người đối mặt áp lực và lựa chọn mới trong thế giới ngày càng phân tán. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu được khoa học xác nhận, và đại dịch như Covid-19 phơi bày sự mong manh toàn cầu. Tất cả những yếu tố này hội tụ, tạo nên bối cảnh xã hội rất khác, đòi hỏi cách tiếp cận mới khi loài người bước vào thập niên thứ ba thế kỷ 21.

Expo 2025: Mạng lưới voronoi và thí nghiệm mở cho tương lai

Phản ánh bối cảnh mới này, Expo 2025 Osaka với chủ đề “Thiết kế xã hội tương lai vì cuộc sống của chúng ta” chuyển trọng tâm từ “nhân loại” trừu tượng sang cuộc sống cá nhân đa dạng. Thay vì mô hình tập trung, với một trung tâm duy nhất như Expo 1970, logic quy hoạch chính của Expo 2025 dựa trên thuật toán Voronoi. Đây là một kỹ thuật tạo hình không gian dựa trên khoảng cách đến các điểm cho trước, tạo ra một mạng lưới các “ô” (cells) có hình dạng và kích thước không đồng đều, tương tự cấu trúc tìm thấy trong tự nhiên. Việc áp dụng mô hình Voronoi dẫn đến một bố cục phi tập trung, phi thứ bậc, nơi các gian hàng và không gian chức năng được phân tán như những nút trong một mạng lưới hữu cơ. Quy hoạch này không áp đặt một lộ trình tham quan duy nhất mà khuyến khích di chuyển tự do, những khám phá tình cờ và tương tác đa dạng giữa các khu vực. Ý tưởng này thể hiện một tư duy khác về tổ chức không gian, gần với các hệ thống tự nhiên hoặc mạng lưới thông tin hơn là các sơ đồ hình học cứng nhắc của quy hoạch công nghiệp.

Sơ đồ tổng mặt bằng Expo 2025 với các gian hàng (khối màu trắng) được phân bố tự do, phi tập trung và tuyến giao thông hình dáng hữu cơ, những đặc điểm trong mô hình Voronoi. Ảnh: Trahan Architects

Trong mạng lưới Voronoi này, “Vòng cung lớn” (Grand Ring) bằng gỗ, một thiết kế của văn phòng kiến trúc sư Sou Fujimoto, đóng vai trò như một yếu tố liên kết và định hình chu vi, nhưng không phải là một trung tâm thống trị. Bên trong vòng cung, các gian hàng xen kẽ với các không gian mở và các khu vực xanh. Một trong những không gian xanh đáng chú ý là khu vực có tên gọi “Khu rừng tĩnh lặng” (静寂の森 – Forest of Tranquility), được bố trí gần trung tâm, tạo ra một khoảng lặng, một điểm cân bằng tự nhiên giữa các hoạt động sôi nổi của các gian hàng. Vật liệu gỗ của “Vòng cung lớn” và sự hiện diện của “rừng” cùng nhấn mạnh ưu tiên về tính bền vững và chất lượng sống.

“Khu rừng tĩnh lặng” đang dần thành hình giữa trái tim của công viên Expo 2025 trên đảo Yumeshima, Osaka. Ảnh: Expo 2025

Nhiều công nghệ (IoT, AI, VR/AR) được tích hợp, biến nơi đây thành “phòng thí nghiệm sống” (living lab) cho trải nghiệm và tương tác. Khái niệm “Phòng thí nghiệm sống của mọi người” (People’s Living Lab) còn vươn ra toàn cầu qua nền tảng số, thể hiện sự chuyển đổi từ việc chỉ giới thiệu giải pháp sang cùng nhau tạo ra giải pháp.

Những câu hỏi cho tương lai

Expo Osaka 1970 là tiếng nói của một thời đại tin tưởng vào các bản thiết kế vĩ đại, vào khả năng kiểm soát tương lai. Expo Osaka 2025 lại là hình ảnh của một thời đại đang tìm đường giữa vô vàn phức tạp, đặt cược vào sự kết nối, trí tuệ tập thể và khả năng thích ứng. Sự thay đổi trong ngôn ngữ kiến trúc và quy hoạch giữa hai kỳ Expo này không chỉ là sự thay đổi về thẩm mỹ hay kỹ thuật, mà phản ánh những biến đổi trong tâm thức con người về chính mình và thế giới.

Bên trên cấu trúc vòng cung lớn tại Expo 2025 là lỗi đi dạo và cây xanh cho phép du khách nhìn toàn cảnh xuống các gian hàng trong triển lãm. Ảnh: Netherlands Pavilion

Mảng xanh và đường đi dạo bên trên cấu trúc “Vòng cung lớn” tại Expo 2025. Ảnh: Dezeen

Liệu mô hình mạng lưới phân tán, nền tảng mở của Expo 2025 có tạo ra được những giải pháp bền vững và một xã hội hài hòa hơn, hay nó chỉ là một biểu hiện khác của sự phân mảnh và bất định trong thời đại chúng ta? Liệu công nghệ tích hợp có nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy sự tham gia ý nghĩa, hay lại dẫn đến những hình thức kiểm soát và lệ thuộc mới? “Phòng thí nghiệm sống” liệu có thành công trong việc khai thác trí tuệ của hơn 8 tỷ người, hay chỉ dừng lại ở một thử nghiệm với quy mô hạn chế? Đó là những câu hỏi mà kiến trúc và quy hoạch của Expo 2025 đặt ra, nhưng câu trả lời sẽ không nằm ở bản thân những công trình trên đảo Yumeshima, mà ở chính những lựa chọn và hành động trong việc “thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta”.

Trung Kiên


 
Back to top