Duke Winn: Một gã nhiếp ảnh người Việt 10 năm ở New York
Ít ai biết rằng, người đứng sau ống kính chụp những thiết kế có tiếng Việt của Peter Do từng gây sốt vào đầu tháng 9 vừa qua cũng là một người Việt. Đó là anh Nguyễn Trần Minh Đức (Duke Winn) – người đã có 10 năm làm việc tại New York.
Vài năm trở lại đây, chúng ta nói nhiều về những thành quả đáng tự hào mà nhà thiết kế, ca sĩ, đạo diễn,… gốc Việt làm được ở quốc tế. Nổi bật gần đây, nhà thiết kế Peter Do kết hợp với nhà thơ Ocean Vuong mang tiếng Việt vào trang phục, được trình diễn bởi người mẫu Dahan Phương Oanh tại show Helmut Lang Xuân Hè 2024. Một loạt những cái tên người Việt xuất hiện trong sự kiện thời trang danh giá đã nhận được sự chú ý từ giới mộ điệu quốc tế và trong nước.
Ít ai biết rằng, người đứng sau ống kính chụp show diễn lần đó cũng là một người Việt – nhiếp ảnh gia Nguyễn Trần Minh Đức (Duke Winn). Nhân thời điểm vừa vặn một thập kỷ anh Minh Đức chuyển đến sinh sống và làm việc tại thành phố lớn New York, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với con người tài năng này.
Chào anh Duke Winn! Trước tiên, tôi muốn biết cảm nhận của anh như thế nào khi nhìn lại hành trình 10 năm ở New York? Những điều gì ở thành phố này đã giữ chân anh?
10 năm là khoảng thời gian đủ dài để bản thân tôi thay đổi nhiều điều, trải nghiệm và tích lũy nhiều kinh nghiệm công việc, khám phá nhiều thành phố,… Trong chặng đường đó, quyết định rời Texas để đến New York là dấu mốc đáng nhớ nhất. Texas là thành phố đầu tiên tôi đặt chân đến, tuy nhiên, sau 6 tháng, tôi nhận ra nơi đây không có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường nghệ thuật, thời trang, giải trí và càng khó khăn hơn với một người nhập cư nên tôi chuyển đến New York. Dù chỉ từng thấy thành phố này qua phim ảnh nhưng tôi biết nơi đây sẽ có nhiều cơ hội để tôi theo đuổi đam mê của mình. Thật vậy, sự đa dạng văn hóa và con người ở New York đã hấp dẫn và giữ chân tôi suốt gần 10 năm nay.
Trong quá trình đó, anh cũng thực hiện không ít những dự án cho các NTK Việt Nam. Vậy anh nhận thấy làm việc với NTK nước ngoài và Việt Nam có sự khác nhau như thế nào?
Thật may mắn khi tôi có cơ hội làm việc với các NTK Việt Nam như Thuỷ Design House, Công Trí, Vungoc&Son,… và các thương hiệu nước ngoài như Marc Bouwer, Peter Do, Helmut Lang,… Mỗi NTK đều có sự sáng tạo và phong cách rất riêng biệt.
Có một điều tôi đặc biệt thích, đó là các NTK Việt hay gốc Việt rất khéo léo khi mang tinh thần văn hoá Việt Nam vào các thiết kế của họ và thành công trên sàn thời trang quốc tế.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy môi trường thời trang trong nước và quốc tế có sự khác biệt về hệ thống, tiêu chuẩn và mô hình làm việc. Trong khi ở Việt Nam, một cá nhân có thể đảm nhận nhiều vị trí trong một nhóm, tạo được sự đồng nhất, liền mạch và để lại dấu ấn cá nhân rõ hơn, thì ở nước ngoài lại có sự tách biệt về vai trò nên quá trình sáng tạo được đa dạng hóa và đổi mới liên tục.
Anh đã hoạt động với nhiều vai trò khác nhau: nhiếp ảnh gia thời trang, thiết kế đồ họa/chuyển động, chỉ đạo nghệ thuật,… và không chỉ một lĩnh vực nhất định: thời trang, phim ảnh, chương trình truyền hình,… Đâu là những kế hoạch mà anh định sẵn và đâu là cơ duyên đến ngoài dự tính?
Tôi vốn đam mê hội hoạ từ nhỏ và lọt top 10 một cuộc thi thiết kế thời trang cho học sinh – sinh viên năm lớp 11. Thành công nhỏ đó giúp tôi xác định được con đường mình sẽ theo đuổi là thiết kế thời trang. Tuy nhiên, tôi đã phải tạm ngưng việc học từ năm nhất vì một số chuyện gia đình và chuyển sang học Thiết kế đồ họa nhờ học bổng có được năm lớp 12. Không ngờ cơ duyên đến một cách vô tình đó đã đi cùng tôi suốt 13 năm nay, từ khi làm việc cho HTV3, TX.Inc ở Việt Nam đến Resident Magazine, Nickelodeon, Paramount,… khi sang Mỹ.
Tuy nhiên, trên chặng đường đó, tôi cũng không từ chối bất kì cơ hội ngoài dự tính nào mà luôn tìm cách sắp xếp thời gian để được thử sức ở các lĩnh vực liên quan như nhiếp ảnh, làm phim, sản xuất,…
Tôi cũng đã đạt được một số cột mốc đáng nhớ như chụp ảnh chuyên nghiệp cho Tuần lễ thời trang New York, Paris, các thương hiệu lớn như H&M x Mugler, Moschino, Peter Do, Helmut Lang, Banana Republic,… Tôi còn làm phim tài liệu tham dự “MET Gala 2022” và phim cá nhân “New York Tết Stories”, cả hai đều đạt được một số giải thưởng ở New York và quốc tế.
Được biết, tháng 10 này anh gia nhập Estée Lauder với vai trò Manager, Global Creative Post-Production & Retouching. Anh chia sẻ rằng đây là một cơ hội để anh bước ra vùng an toàn. Tôi muốn biết, đâu là thời điểm mà mình biết mình cần ra khỏi vùng an toàn: tham vọng lớn hơn, sự chai ì với “chốn cũ” hay một điều gì khác?
Vùng an toàn mà tôi đề cập chính là công việc Thiết kế đồ họa đã gắn bó hơn 13 năm nay và mảng truyền thông – giải trí đã tạo dựng phần lớn sự nghiệp cho tôi. Ở những lĩnh vực đó, tôi tự tin có đủ kinh nghiệm, kiến thức, tư duy sáng tạo, các mối quan hệ lâu năm để công việc phát triển và cuộc sống ổn định. Tuy gọi là vùng an toàn nhưng sự biến động trong môi trường sáng tạo khiến tôi chưa bao giờ có cảm giác chai ì, ngược lại, tôi còn có nhiều tham vọng. Đó là lý do tôi theo đuổi mảng Thiết kế đồ họa/chuyển động hơn 8 năm ở Paramount – nơi cho tôi lộ trình thăng tiến rõ ràng trong một tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Nhưng đến một thời điểm, khi suy nghĩ “ra khỏi vùng an toàn” nảy lên trong đầu cũng là lúc tôi biết mình cần phá bỏ giới hạn vốn có.
Và sự kiện đánh dấu cột mốc đó là cơ hội làm việc ở vị trí Manager, Global Creative Post-Production & Retouching tại tập đoàn mỹ phẩm làm đẹp Estée Lauder. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ so với định hướng tôi đang đi theo suốt bao năm nay, nhưng vì vậy mà lại càng hấp dẫn. Hơn nữa, công việc này không có nhiều yêu cầu liên quan đến kinh nghiệm tôi có trước đây mà dựa trên phong cách, gu thẩm mỹ, cảm nhận cá nhân – những thứ có sẵn trong tôi. Đây là một hướng đi không định trước nên chắc chắn nó sẽ cho tôi nhiều hứng thú và thúc đẩy tôi để phát triển.
Khi chuyển sang một lĩnh vực mới, một công việc mới, anh đã “giữ lửa” với những công việc mình theo đuổi trước đó như thế nào?
Tôi nhận công việc mới này ngay sau khi hoàn thành xong dự án chụp hình cho Helmut Lang ở Tuần lễ thời trang New York và cho Peter Do ở Tuần lễ thời trang Paris. Hiện tại, tôi dành toàn bộ thời gian cho công việc mới để có thể theo kịp tiến độ. Khi mọi thứ đã vào guồng, có nhiều thời gian rảnh hơn, tôi sẽ thực hiện dự án mình đã ấp ủ ở những lĩnh vực khác, chẳng hạn như bộ phim tài liệu “New York Tết Stories 2024” cho mùa Tết sắp đến.
Lý tưởng, nguyện vọng lớn nhất của anh khi theo đuổi nghệ thuật là gì? Anh muốn người khác nhìn nhận Duke Winn là một người như thế nào?
Với tôi, nghệ thuật là món ăn tinh thần, là phương pháp chữa lành cho bản thân, là chất nuôi dưỡng niềm vui cho “đứa trẻ” bên trong mình. Thật may mắn khi rất nhiều cơ hội làm việc với nghệ thuật tìm đến, để tôi được làm điều mình thích, say mê theo đuổi và vùng vẫy trong môi trường sáng tạo vô biên.
Do đó, lý tưởng và nguyện vọng của tôi chỉ đơn giản là có đủ sức và tinh thần đi trên con đường này, dù ở bất kỳ vị trí hay lĩnh vực nào. Và tôi cũng chỉ mong muốn người khác có thể thấy ở tôi những điều đó là đủ.
8 năm làm việc ở Nickelodeon/Pararamount, sự gắn bó lâu dài như thế này là điều hiếm thấy ở một thế hệ thích nhảy việc như gen Z. Với kinh nghiệm của mình, anh nghĩ đâu là yếu tố tiên quyết khiến bản thân muốn làm việc lâu dài?
Tôi nghĩ mỗi cá nhân sẽ có các tiêu chí khác nhau để quyết định có gắn bó lâu dài với một vị trí hay lĩnh vực hay không. Với tôi, sự cảm tính của bản thân và sự chuyên nghiệp trong môi trường làm việc là hai yếu tố lớn nhất. Bởi vì chúng ta dành hầu hết thời gian trong ngày để làm việc, nếu không tìm thấy niềm vui hay môi trường chuyên nghiệp thì năng suất cũng như tinh thần sẽ giảm sút, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật. Tôi thường cho bản thân khoảng một năm để làm quen và thích nghi với môi trường làm việc mới. Bất kỳ công việc nào cũng cần có thời gian để học hỏi, bồi đắp bản lĩnh và kiểm tra giới hạn của chính mình.
10 năm làm việc ở nước ngoài, hành trình đó vẫn đang tiếp tục với một chương mới. Anh có nghĩ đến việc sẽ quay về Việt Nam trong tương lai không?
Theo kế hoạch ban đầu của tôi, sau 10 năm ở Mỹ, tôi sẽ dành 5 năm để thử nghiệm làm việc luân phiên hoặc song song tại Mỹ và Việt Nam. Bản thân tôi luôn muốn mang mô hình làm việc mình đã trải nghiệm để ứng dụng ở Việt Nam, đồng thời đưa công ty riêng do tôi thành lập ở New York là MOT Pictures về Việt Nam phát triển và hoạt động trong tương lai xa hơn. Tuy nhiên, tôi không giới hạn các lựa chọn của mình mà sẵn sàng chào đón những cơ hội, vì vậy tôi chấp nhận thay đổi kế hoạch để làm việc ở Estée Lauder.
Người ta cũng nói nhiều về việc người trẻ tài năng chọn ra nước ngoài làm việc thay vì ở quê hương mình. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này? Điều đó có từng là sự trăn trở của anh không?
Tôi nghĩ ra nước ngoài làm việc cũng tốt, bởi môi trường quốc tế là một nơi tuyệt vời để học hỏi, trải nghiệm những sự khác biệt và có thêm nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp.
Tôi biết rất nhiều người, trong đó có tôi, sau khi ra nước ngoài một thời gian đều muốn quay trở về quê hương, về nhà, về với những giá trị văn hóa thân thuộc ở nơi mình sinh ra.
Nhưng hơn hết, chúng tôi đều mong tích lũy thật nhiều kinh nghiệm quý giá từ bên ngoài để mang về nước nhà ứng dụng và cống hiến. Đó là tác động 2 chiều mà tôi thấy tích cực và đáng ủng hộ!