Nghệ thuật

Tư cách học thuật của Jean-Francoise Hubert hay “con vẹt đến từ phương Tây”

Sep 01, 2021 | By Ace Le

Từ vay mượn thơ phú lung tung để minh họa cho lối viết vô căn cứ đến vụ nguỵ tạo bằng chứng tranh, từ việc “sáng tạo” bà tổ nghề dệt nhuộm của Việt Nam đến bảng xếp hạng hoạ sỹ Đông Dương dựa trên đạo đức con cháu của họ. Không phải có nhãn “chuyên gia” là bác học tinh thông, không phải cứ lên “sàn ngoại” là sản phẩm được chứng thực chất lượng. Đã đến lúc người yêu nghệ thuật Việt không thể làm ngơ trước tư cách học thuật của một “chuyên gia nghệ thuật Châu Á cấp cao” từ nhà Christie’s

Trên: Ảnh ghép bức tranh có chữ ký Tạ Tỵ lên cánh cửa, do ông Jean-François Hubert đưa ra vào ngày 15.07.2016. Dưới: Bức ảnh gốc cung cấp bởi trang facebook Nghệ Thuật Xưa

Ai quan tâm tới nghệ thuật đều nhớ rõ vụ giả tranh đình đám nhất lịch sử mỹ thuật ta vào năm 2016, với tâm điểm xoay quanh “chuyên gia” Pháp Jean-Francoise Hubert bán cả lô 17 bức cho ông Vũ Xuân Chung, rồi tự photoshop ảnh cũ một cách ngây ngô làm bằng chứng giả [1a,b,c]. Cho đến hôm nay, ông Hubert chưa từng có một lời xin lỗi với cộng đồng nghệ thuật Việt.

Với đạo đức bại hoại như vậy, những tưởng khi đó, nhà Christie’s đã phải sa thải ông Hubert. Nhưng không, suốt 05 năm qua, ông này vẫn công tác tại đây, thậm chí còn được thăng chức lên “Chuyên gia cấp cao” năm 2018. Tôi chỉ để ý đến việc này khi chính ông ta gửi lời mời kết nối với tôi trên LinkedIn vào hai năm trước.

Trái: Lý lịch trên LinkedIn của Jean-Francois Hubert. Phải: Ông Hubert không những không bị sa thải, còn được thăng chức năm 2018 tại Christie’s.

Gần đây, khi tranh Đông Dương liên tiếp phá kỷ lục giá, ông Hubert vẫn viết tất cả các bài luận cho tranh Việt trên website của Christie’s. Khi nhìn lại chất lượng các bài ấy, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên vì sự cẩu thả tột độ của một người tự xưng đã nghiên cứu tranh Việt hơn 03 thập kỷ [2].

Bài viết này tổng hợp một số quan sát của tôi để nêu lên thực trạng vì tiền mà bất chấp tư cách học thuật (bên cạnh tư cách đạo đức) của cả ông Hubert và sàn Christie’s. Điểm sơ qua có 08 trường hợp đáng giật mình như sau.

1. Trò chơi dân gian “liễu” và sự “phong lưu” của Vũ Cao Đàm?

Trong bài luận bằng tiếng Anh (các bạn đọc bản gốc từ nguồn) về bức “Le thé” (c. 1930) của Vũ Cao Đàm [3a,b], gõ búa tháng 12.2020, ông Hubert viết (và tôi lược dịch) rằng bức này vẽ một phụ nữ lớn tuổi đang chơi một trò chơi tên là “liễu” với một cô bé. Ông ta viết tiếp rằng “liễu” là một trò chơi dân gian, và từ “liễu” vừa có nghĩa là “tôi hiểu” và “tôi chấp nhận” trong tiếng Việt, vừa là tên cây liễu, ám chỉ sự mềm dẻo cần thiết khi chơi. Ông ta tiếp tục trích đoạn tả cây liễu trong Kim Vân Kiều truyện để minh họa cho lập luận này, và móc nối qua sự “phong lưu” của Vũ Cao Đàm rồi đặt tên bài luận là “Người phong lưu”.

“Le thé” (1930) của Vũ Cao Đàm

Khi mới đọc xong, tôi cũng không biết phải nói gì, vì bài viết vừa lạc đề, vừa lủng củng, nhưng quan trọng nhất là có quá nhiều kiến thức sai lệch, ngụy tạo. Là người Việt Nam, ai xem qua bức tranh này cũng nhìn ra ngay rằng đây là trò chơi dân gian rải ranh cho trẻ em [4]. Còn tại sao nhà Christie’s lại để ông Hubert nghĩ ra cái tên “liễu”, và tại sao “liễu” lại có nghĩa là “tôi hiểu” và “tôi chấp nhận”, và tại sao ông liên kết nó đến sự phong lưu của Vũ Cao Đàm, thì vượt quá mọi logic tôi có thể hiểu được

2. Nguyễn Phan Chánh chỉ có 03 bức đề thơ?

Trong bài luận bức “Les Teinturières” (1931) của Nguyễn Phan Chánh [5a,b], gõ búa tháng 05.2021, ông Hubert viết rằng Nguyễn Phan Chánh rất hiếm khi đề thơ vào tranh, và đây là bức thứ 03 trong bộ ba bức được đề thơ duy nhất – hai bức kia là “La marchande de ốc” (1929) và “Les Couturières” (1930).

“Les Teinturières” (1931) của Nguyễn Phan Chánh

Nhận xét này thật là trượt vỡ lòng vì Nguyễn Phan Chánh rất thích đề thơ chữ Hán lên tranh, và có rất nhiều ví dụ như vậy – đã được nhiều bài viết liệt kê, ví dụ như bài trên báo Nhân Dân [6a] hoặc Soi.vn [6b]. Nếu không biết thì là cẩu thả. Còn nếu biết mà vẫn viết vậy, thì là cố tình mập mờ để âm mưu tăng độ “hiếm” cho tranh.

3. “Hộp trà bánh” trong tranh Lê Phổ?

Trong bài luận bức “La femme au panier” (c. 1938) của Lê Phổ [7a,b], gõ búa tháng 05.2021, ông Hubert viết rằng trong tráp cô gái đựng trầu cau, hương và một “cái hộp buộc dây đựng trà hoặc bánh”, những thức quan trọng trong dịp Tết.

Ông Hubert ơi, thưa với ông rằng, không có trà bánh nào hết, mà nó là cái bó giấy vàng mã để đốt cúng tổ tiên.

“La femme au panier” (1938) của Lê Phổ

4. Sự “háo hức” của Thế Lữ và “niềm biết ơn” của Cao Bá Nhạ?

Trong bài luận bức “Les Amaryllis” (1934) của Lê Phổ [8], ông Hubert viết rằng bức tĩnh vật thể hiện sự háo hức của Lê Phổ trước thềm chuyến thoát ly sang Pháp năm 1937, với nhiều kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng nơi đất khách, biểu trưng qua những nụ hoa sắp nở. Rồi như để thể hiện vốn liếng văn học Việt Nam thâm sâu, ông Hubert viết rằng sự lạc quan này rất giống tinh thần của một khổ thơ Thế Lữ:

“Tôi chỉ là người mơ ước thôi,

Là người mơ ước hão! Than ôi!

Bình-minh chói lói đâu đâu ấy,

Còn chốn lòng riêng u ám hoài.”

Không cần là chuyên gia văn học ta cũng biết “Bến sông đưa khách” là một bài thơ thất tình u ám, và nó chả thể hiện chút tinh thần lạc quan nào.

“Les Amaryllis” (1934) của Lê Phổ

Tương tự, trong bài luận bức “Nativité” (1941) cũng của Lê Phổ [9a,b], ông Hubert viết rằng bức tranh lấy cảm hứng từ Thiên chúa giáo, thể hiện niềm biết ơn của Lê Phổ với cuộc đời. Rồi ông ta liên tưởng niềm biết ơn ấy với tinh thần trong khổ thơ Cao Bá Nhạ:

“Hồn phần tử mười phân lưu lạc

Cõi phong ba mấy bước nổi chìm

Sóng đào kêu mãi không im

Giọt sương rả rích hầu êm lại tràn”

Đây là câu 207-300 trong “Tự tình khúc”, được Cao Bá Nhạ viết trong ngục với nỗi niềm lâm li bi thống để trần tình cho mình, vốn là người sống sót duy nhất sau khi cả họ Cao bị triều đình tru di 08 năm trước đó do Cao Bá Quát phò Lê thất bại. Việc so sánh tâm thế của Lê Phổ với Cao Bá Nhạ là một sự khập khiễng, thiếu hiểu biết về lịch sử Việt.

“Nativité” (1941) cũng của Lê Phổ

5. Houang Tao P’o là bà tổ nghề dệt, nhuộm bông Việt?

Trong bài luận bức “Les Teinturières” (c. 1945) của Lê Phổ [10a,b], gõ búa tháng 11.2019, ông Hubert tuyên bố rằng từ năm 679, một người phụ nữ Việt tên là Houang Tao P’o mang kỹ thuật trồng cây gỗ Vang (Caesalpinia Sappan) và kỹ nghệ dệt và nhuộm bông về Việt Nam từ Quảng Đông, Trung Quốc, sau này phát triển lên thành một mảng công nghiệp – văn hóa đặc thù.

“Les Teinturières” (1945) của Lê Phổ

Tôi không phải là người chuyên sâu về lịch sử thời trang, nhưng cũng đã có một số trao đổi với bạn bè trong giới nghiên cứu thời trang, và không ai từng nghe đến sự kiện trên. Do ông Hubert không ghi nguồn trích dẫn, nên tôi chưa thẩm tra được. Bạn nào có kiến thức liên quan, có thể tư vấn giúp. Nhưng như những gì tôi đọc được, lịch sử vải sợi Việt Nam đã có từ cách đây 2,300-2,400 năm, với sợi gai, lanh và tơ tằm có nhuộm màu [11].

6. Con vẹt đến từ phương Tây?

Trong bài luận bức “Femme au perroquet” (c. 1938) của Lê Phổ [12a,b], gõ búa tháng 07.2020, ông Hubert có những lập luận vô cùng lỏng lẻo. Ông ta nhận dạng con vẹt là loại vẹt mào đỏ, và nói rằng nó được du nhập tới Việt Nam từ châu Âu. Ông ta tả rằng con vẹt nhìn cô gái như một hiểm họa, nên xù mào vỗ cánh dọa nạt, còn cô gái cầm một bát chứa gì đó, “không rõ là hạt cho con vẹt hay là đồ ăn vặt cho cô?” Ông ta lập luận rằng cô gái thể hiện cho phương Đông, con vẹt thể hiện cho phương Tây. Cô gái thì bị Tây hóa, còn con vẹt thì đã bị bản địa hóa. Cả hai cuốn hút / sợ hãi lẫn nhau, và ăn thức ăn của nhau (!?). 

“Femme au perroquet” (1938) của Lê Phổ

Đây là một ví dụ điển hình cho sự phân tích quá đà, gượng gạo, vẽ ra cho có. Ngay trong chính trang wikipedia về loài vẹt mào đỏ mà ông Hubert dẫn trong blog mình [13], thông tin ghi rất rõ đây là loại vẹt bản địa của quần đảo Seram ở Indonesia, nên nó chẳng có gì liên quan đến châu Âu. Và ai nuôi chim cảnh sẽ biết, cái bát cô gái cầm là bát hạt kê cho chim ăn, chứ người chả ăn bao giờ. Con vẹt đói, háu ăn nên xòe cánh lên chứ chẳng phải dọa nạt ai – và nếu nó hung hãn, thì thường người ta để trong lồng hoặc xích chân chứ chẳng ai thả ra như trong tranh.

7. Bảng xếp hạng họa sỹ Đông Dương?

Trong một bài viết về lứa họa sỹ Đông Dương [14], ông Hubert đưa ra 04 tiêu chí để ông xếp hạng họ: a) chất lượng các tác phẩm, b) sự nhất quán trong phong độ, c) sự dễ dàng trong việc tiếp cận tác phẩm, và d) đạo đức người thừa kế. Với điểm từ 0-5 cho mỗi tiêu chí, ông ta tự đưa ra kết quả như sau (tôi rút gọn xuống một số ví dụ)

05 sao: Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí

04 sao: Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm

03 sao: Lê Văn Đệ, Lê Thị Lựu, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị

02 sao: Thang Trần Phềnh, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên

01 sao: Hoàng Lập Ngôn, Trần Phúc Duyên, Phan Kế An

Các sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương, khoảng 1930s

Bạn có thấy nực cười không khi một người có vấn đề về đạo đức lại đi xếp hạng các tác giả Việt Nam dựa trên đạo đức của con cháu họ? Và trong khi chấm Tô Ngọc Vân 04 sao, thì chính ông Hubert lại là người chứng thực bức giả “Dream of the following day” của Tô Ngọc Vân trên sàn Christie’s tháng 05.2017 [15]? Tôi chưa thấy trường hợp nào trơ trẽn hơn thế này.

Bên trái là bức tranh “The Young Beggar” của hoạ sỹ Tây Ban Nha ở thế kỷ XVII, Bartolome Esteban Murillo. Bên phải là bức “Dream of the following day”, được giới thiệu là tranh sơn dầu của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân trên sàn đấu giá Christie’s Hồng Kông ngày 28.05.2017

8. Mối quan hệ với bà chủ biệt phủ Bội Trân?

Trong ví dụ cuối, tôi xin thoát khỏi loạt tranh Đông Dương và quay về hiện tại. Việc bà Bội Trân vẽ rất nhiều tranh theo phong cách Nguyễn Trung không còn là chủ đề mới trong giới nghệ thuật, một việc ai cũng biết nhưng ít người dám vạch mặt chỉ tên [16]

Bà này và ông Hubert có mối thân tình từ lâu, và ông Hubert đã dành nhiều lời có cánh viết về bà này [17]. Ông ta kết bài luận bằng một câu thách thức “Bạn đọc thân mến, bạn hãy tự đi tìm đọc nốt bài thơ [của Paul Eluard] và tự hỏi mình xem: Ai là người có quyền bàn về Bội Trân?

Lời giới thiệu trên website của bà Bội Trân

Trên website chính thức của Bội Trân [18], ta đọc qua sẽ nhận ra ngay đoạn giới thiệu gần như chắc chắn được viết bởi ông Hubert, vẫn với lối viết lan man, vay mượn thơ phú lung tung. Ông ta mạnh tay dùng chữ “profound originality” (tính nguyên gốc/độc đáo sâu sắc) để tung hô tác phẩm của bà này. Có lẽ các xưởng chép tranh đều hoan hỉ khi đọc được những lời này.

Một bài thơ ông Hubert viết về bà Bội Trân trên website Bội Trân

Tranh “Thiếu nữ Huế” của Nguyễn Trung, có chứng nhận của tác giả

**

Nếu đủ kiên nhẫn đọc đến đây, chắc bạn cũng thấy vừa giận vừa buồn cười cho những lỗi sai quá sức cơ bản của vị “chuyên gia này”. Một cách trớ trêu, ông ta chính là hóa thân của hình ảnh “con vẹt đến từ phương Tây” mà ông ta tự nghĩ ra. 

Đây là lời cảnh tỉnh cho sự sính ngoại của dân ta. Không phải cứ Tây là tốt, không phải cứ có nhãn “chuyên gia” là thông thái, không phải cứ lên sàn ngoại là đồ chất lượng. Việc một ông/nhóm da trắng không biết tiếng Việt nhưng lại liên tục phát kiến ra những khái niệm văn hóa “dùm” cho người Việt, và làm tiền từ người Việt trên cơ sở đó chính là một lối thực dân kiểu mới cần được lên án mạnh mẽ. Các ông bà nên nhớ rằng, không có tiền của người Việt đổ vào, thì tiền hoa hồng của các ông bà cũng giảm rất mạnh trong những năm qua.

Bài viết này cũng là thư ngỏ cho một nhà lớn như Christie’s phải tự xem lại mình. Và cũng là lời kêu gọi mở cho các bạn người Việt làm nghiên cứu nghệ thuật – mảng hiện đại và Đông Dương đang rất cần thêm nhiều tài năng học thuật để phục vụ cho thị trường chúng ta. Đã đến lúc ta nhất quyết không thỏa hiệp với dạng thực dân kiểu mới và trí thức nửa mùa như thế này.

Nguồn:

[1a] Đà Nẵng Online: https://bit.ly/3ivh7ZZ

[1b] Tuổi Trẻ: https://bit.ly/37rCNQt

[1c] New York Times: https://nyti.ms/2TZJG8q

[2] Lời giới thiệu trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3yzg9RY

[3a] Bài gốc trên trang Christie’s https://bit.ly/3itaPtZ

[3b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3yxjvoN

[4] Trò rải ranh: https://bit.ly/3iwUDI6

[5a] Bài gốc trên trang Christie’s: https://bit.ly/3yzhPee

[5b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3jCC9oQ

[6a] Nhân Dân: https://bit.ly/3Ar3MrW

[6b] Soi: https://bit.ly/3yyY0DU

[7a] Bài gốc trên trang Christie’s: https://bit.ly/3s2MPkz

[7b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3xwZyx9

[8] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/37rwlJb

[9a] Bài gốc trên trang Christie’s: https://bit.ly/3ivkiAO

[9b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3ywd0m7

[10a] Bài gốc trên trang Christie’s: https://bit.ly/3fK6Bwl 

[10b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3jscuiw

[11] Lịch sử vải Việt: https://bit.ly/3CthZGv

[12a] Bài gốc trên trang Christie’s: https://bit.ly/3yAVsp4

[12b] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/3iunFbe

[13] Vẹt mào đỏ: https://bit.ly/37utxuO

[14] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/37pEAWa  

[15] Tin tức: https://bit.ly/2X8kv4X

[16] Blog Nguyễn Đình Đăng: https://bit.ly/3fDuFRt

[17] Bài gốc trên blog ông Hubert: https://bit.ly/2VAVqyX

[18] Website Bội Trân: https://bit.ly/3fHrUPc

Thực hiện: Ace Lê

Về tác giả: 

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.


 
Back to top