Nghệ thuật / Đấu giá

Giải phẫu hoa trong loạt tranh Christie’s 24-25.5.2021

May 26, 2021 | By Xu

Là một người yêu hoa lá, nhân các phiên đấu giá Evening Sale và Morning Session của Christie’s Hồng Kông trong hai ngày 24 – 25.05.2021 vừa qua, nhà nghiên cứu Ace Lê cùng những người bạn của mình, nghệ sỹ cắm hoa Rose Cao Pilipets và nhà thực vật học YM Ong, thảo luận và “giải phẫu” nguồn cảm hứng hoa cỏ của các danh hoạ.

Trong khi rất nhiều người chỉ quan tâm đến mức giá gõ búa lên đến triệu đô tỷ đồng của tranh lụa Việt, những nhà nghiên cứu yêu chuộng gió-hoa-tuyết-trăng này không lạm bàn đến chuyện định giá nghệ thuật, thay vào đó chú trọng vào chủ đề sáng tác.

Mai Thứ – Người họa sĩ vừa vẽ tranh vừa “cắm hoa”

Hai bức tĩnh vật của Mai Trung Thứ, “Bouquet de fleurs” và “Jardinière”, mực và màu bột trên lụa, cùng được vẽ vào năm 1972.

Bức đầu tiên gồm hồng đỏ (Rosa sp.) và diên vỹ (Iris sibirica) – loài hoa quen thuộc trong tranh Vincent van Gogh – cắm trong bình thủy tinh xanh, bên cạnh đặt ly nước rửa cọ vẽ, trên một tấm khăn trải bàn vàng. Cả hai loại hoa đều có bông và nụ, chớm nở và đang nở, thể hiện những thời điểm khác nhau trong cuộc nhân sinh.

Bouquet de fleurs (Flower Bouquet) signed ‘MAI THU’ and dated ‘72’ in Chinese (lower right), ink and gouache on silk in the original artist’s frame 47 x 30 cm. (18 1/2 x 11 3/4 in.), Painted in 1972. MAI TRUNG THU (1906-1980)

Bức “Jardinière” cũng có hai bông diên vỹ vươn cao, kế đến là hai bông đồng tiền (Gerbera jamesonii) một đỏ một vàng, với những lá thon xoăn rất đặc trưng ở tầng sát chậu. Loại hoa còn lại là hải quỳ (Anemone coronaria), một bông đỏ và ba bông lam, được nhận diện bởi cánh hoa khum tròn và nhụy vàng, đặc biệt là phần đài tua dua gần cuống hoa.

Jardinière (Jardiniere), signed ‘MAI THU’ and dated ’72’ in Chinese (lower left), ink and gouache on silk in the original artist’s frame, 46.5 x 20.5 cm. (18 1/4 x 8 1/8 in.), Painted in 1972. MAI TRUNG THU (1906-1980)

Đây không phải là chậu trồng hoa, mà là chậu gốm cắm hoa theo phong cách Nhật bản Ikebana, lúc ấy đã rất phổ biến tại châu Âu, mang nhiều triết lý Nho và Phật giáo. Ta chú ý chậu hoa được đặt xiên, với góc nhìn chếch chừng 5-10 độ mà không phải trực diện.

Bố cục của tranh cũng là bố cục của sắp đặt cắm hoa, dẫn mắt người xem lần theo từng điểm nhấn cao độ, màu sắc, hình khối. Mai Trung Thứ ở đây vừa là họa sỹ, vừa là nghệ sỹ cắm hoa.

Lê Phổ – Hoa, thiếu nữ và một nỗi hoài hương

Hai bức tĩnh vật của Lê Phổ “La Jeune Fille au Bouquet de Pivoines” (1966) và “Fleurs” (c. 1975). Bức đầu tiên là chất liệu tổng hợp trên lụa, bức sau là sơn dầu trên toan. Tuy cách nhau một thập kỷ nhưng ta thấy bố cục hai tranh tương đối xuyên suốt. Hoa vẫn là trọng tâm, cả hai bức đều có những nhánh tử đinh hương (Syringa vulgaris) vươn lên cao, đóng vai trò phân định nửa trên không gian.

La Jeune Fille au Bouquet de Pivoines (Young Girl with a Bouquet of Peonies), mixed media on silk laid on board, 72.8 x 49.9 cm. (28 5/8 x 19 5/8 in.), Painted in 1966. LE PHO (1907-2001)

Tương tự, bức 1975 cũng có mẫu đơn trắng ở trung tâm, nhưng xen kẽ là những bông uất kim cương (Tulipa sp.), với cánh hoa đỏ, nhuỵ đen và tinh tế nhất là đài hoa màu vàng. Nếu không tinh mắt để ý, sẽ rất dễ nhầm với hoa Hải quỳ trong bức “Jardinière” của Mai Thứ bên trên.

Fleurs (Flowers), oil on canvas, 130.5 x 89 cm. (51 3/8 x 35 in.), Executed circa 1975. LE PHO (1907-2001)

Cùng trong giai đoạn của bức 1975 (giai đoạn vẽ cho phòng tranh Wally Findlay) ấy là loạt ba bức tiếp theo của Lê Phổ: “Un paisible après-midi d’été” (c. 1975), “Aux Floralies” (c. 1975) và “Le Femme et les Seringas”, đều là sơn dầu trên toan.

Bức đầu mang tên “Chiều hạ yên ả”, ở bàn tròn gần với khán giả cũng đặt một chậu mẫu đơn lớn, với các nhân vật bố trí xung quanh tâm điểm hoa. Thiếu nữ đằng xa với tay lên cây bưởi (Citrus maxima) trĩu quả – tuy nhiên có vẻ là bưởi trái mùa, vì thường bưởi cho ra quả vào đầu xuân, đợt trước Tết ta. Hoặc là tranh bị đặt sai tên – phải là mùa xuân thì đúng hơn.

Xa xa có thể thấy mái nhà miền quê Bắc bộ, thể hiện niềm hoài hương của tác giả. Cùng với trang phục, đồ bày, tờ thư pháp trên bàn, bức tranh mang đậm kết hợp Đông-Tây quen thuộc trong tranh Đông Dương.

Un paisible après-midi d’été (A peaceful summer afternoon), oil on canvas, 115 x 148 cm. (45 ¼ x 58 ¼ in.), Painted circa 1975. LE PHO (1907-2001)

Bức thứ hai mang tên “Thưởng hoa”, với khóm hồng vàng ở trung tâm. Hai bên là hai bụi hoa phong lữ (Geranium Pelargonium), với nhiều hoa nhỏ mọc thành chùm trên một cành. Ngay dưới bụi hồng, tinh ý ta sẽ nhận ra một khóm hoa nhài (Jasminum sambac) nhỏ, cánh trắng nhụy vàng. Loại hoa này nhìn giống loại trong bức kế tiếp, nhưng phần nhiều là không phải, vì ở tranh này hoa nhỏ và mọc ở tầm thấp.

Aux Floralies (At the Flower Show), oil on canvas, 89 x 116 cm. (35 x 45 5/8 in.), Painted circa. 1975. LE PHO (1907-2001)

Bức thứ ba có tựa dịch ra là “Thiếu nữ bên lài vương miện ”. Hoa lài vương miện (Philadelphus coronarius) thực chất thuộc họ tú cầu, mọc cao như trong hình – họa sỹ tinh tế vẽ hoa có bốn cánh trắng và nhụy vàng đặc trưng, tỏa hương thơm mát. Thiếu nữ có vẻ chuộng mùi hương này, nên đã xếp ghế đỏ ra ngồi thưởng hoa. Góc bên trái có một khóm hoa đỏ mọc thành bụi sát đất, chúng tôi đoán là bụi hồng môn (Anthurium sp.). Cậu bé tinh nghịch chạy đùa dưới bụi chuối pháo (Heliconia rostrata).

Le Femme et les Seringas (Lady with Syringas), oil on canvas, 66 x 81 cm. (26 x 31 7/8 in.), LE PHO (1907-2001)

Tiếp đến, lại là Lê Phổ với hai bức lụa xuân “La femme au panier” (c. 1938) và “Le Printemps” (c. 1955). Không khó để nhận ra vườn hoa đào (Prunus persica) trong bức 1955 tựa “Xuân” như đang bao trùm cả không khí miền quê đầy sức sống.

Còn trong bức 1938 tựa “Thiếu nữ cắp tráp”, nhân vật mải miết rảo bước qua gốc hoa hồng trắng và đỏ, dường như quên không ngắm sắc đẹp rực rỡ ven đường. Trong tráp đựng trầu (Piper betle) và cau (Areca catechu).

Le Printemps (Spring), mixed media on silk laid on board, 72.5 x 49.5 cm. (28 1/2 x 19 1/2 in.), Painted circa 1955. LE PHO (1907-2001)

La femme au panier (Lady with a Basket), ink and gouache on silk, 44.5 x 29.5 cm. (17 1/2 x 11 5/8 in.), Painted circa 1938. LE PHO (1907-2001)

Alix Aymé – Giấc ngủ dưới nhành lay ơn

Bức sơn mài của Alix Aymé “L’enfant qui dort” vẽ tại Paris, có em bé ngủ gật dưới những nhánh lay ơn (Gladiolus × hortulanus) trắng. Đây thật ra không phải là một chủng loại thuần, mà hầu hết những giống lay ơn ta thấy hiện nay đều là kết quả lai giống (nên mới có chữ “x” trong tên). Nhìn vào cỡ hoa trong tranh, có thể đoán được đây là loại lai kiểu Grandiflora khá khó trồng, với hoa nở cỡ lớn, dài 10-15cm trên nhành dài 1.5-3m.

L’enfant qui dort (Sleeping Child), lacquer on panel, 70 x 45 cm. (27 1/2 x 17 3/4 in.), ALIX AYMÉ (1894-1989)

Georgette Chen – Phong lan trong trường phái Nanyang

Nhân tiện bàn tranh phối hợp phong cách Á-Âu, ta cũng nhắc tới bậc thầy Georgette Chen, nghệ sỹ phong cách Nam Dương (Nanyang) mà Ace Lê thích nhất, với bức sơn dầu “Orchid” (c.1963), vẽ chủng phong lan tam thể (Vanda tricolor), một chủng bản địa tại Đông Nam Á. 1963 là một năm trong giai đoạn Georgette Chen đã tới sinh sống và giảng dạy tại Singapore. Hai năm sau bức vẽ này, Singapore được thành lập, và sau này chọn hoa lan là quốc hoa cho mình.

Orchid (Vanda), oil on canvas, 65 x 54 cm. (25 5/8 x 21 1/4 in.), Painted circa 1963. GEORGETTE CHEN (1906-1993)

Sanyu – Cúc xanh lam và tinh thần của “tứ quân tử”

Một bậc thầy phong cách Á-Âu khác, Thường Ngọc (Sanyu), với bức sơn dầu trên gỗ masonite “Potted Chrysanthemums” (c. 1950s), vẽ chậu cúc hồng (Chrysanthemum × morifolium). Đây cũng là một chủng lai, được người Hoa trồng từ trước công nguyên, và là một trong “tứ quân tử” trong văn hóa Trung Hoa.

Potted Chrysanthemums, oil on masonite, 91.5 x 48 cm. (36 x 18 7/8 in.), Painted circa 1950s. SANYU (CHANG YU, 1895-1966)

Cuối thu, đầu đông khi hoa đã tàn, người ta thường cắt bụi cúc chỉ còn giữ gốc màu nâu như trong tranh, tuyết phủ cũng không việc gì. Thân cúc mọc bụi, và là mọc thẳng, nhưng với những cây qua nhiều mùa, có lẽ những nhánh sau mọc gấp khúc lên như ở trong tranh.

Thường Ngọc với con mắt của mình, ở đây đã vẽ cành và lá cây thành xanh lam chứ không đơn thuần tả thực, cũng là một biểu hiện của con mắt Âu vào chủ đề Á. Tuy từ đầu nói rằng không bàn đến giá, nhưng 25 triệu Mỹ kim cho chậu cúc này, thì không phải người quân tử nào cũng mang về ngắm được.

Thôi thì, ta hãy ngắm qua màn hình nhỏ.

Nguồn:

20th and 21st Century Art Evening Sale – Christie’s Hongkong 24.05.2021

20th and 21st Century Art Morning Session – Christie’s Hongkong 25.05.2021

Thực hiện: Ace Lê

Về tác giả:

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.


 
Back to top