Nghệ thuật / Sự kiện

Những bộ sưu tập ấn tượng nhất từ các nhà mốt tại Milan Design Week 2023 (Phần 2)

Apr 30, 2023 | By Van Anh Nguyen

Sự xuất hiện của những nhà mốt danh tiếng như thường lệ luôn mang đến kì vọng lớn tới giới mộ điệu tại Milan Design Week. Phần 2 của loạt bài giới thiệu những bộ sưu tập đầy ấn tượng từ Dior, Loewe, Armani cho đến Prada hay Bottega Veneta…

(Brioni)

Brioni

Cửa hàng mới mở cửa trở lại của Brioni ở Milan trở nên sống động hơn bao giờ hết với những di sản dệt may phong phú của MITA (Manifattura Italiana Tappeti Artistici) kết hợp với tầm nhìn hoàn hảo của giám đốc thiết kế Norbert Stumpfl về nghề thủ công để tạo tôn vinh những sự sáng tạo tuyệt vời nhất của nước Ý. Hai thương hiệu đã cộng tác với nhau từ năm 2019 khi Brioni bắt đầu mang các tác phẩm cũ và mới từ MITA đến các cửa hàng của mình trên khắp thế giới để giới thiệu về những nghệ sĩ được đánh giá cao nhất nước Ý và các tác phẩm của họ. Tại đây, các bản phác thảo lưu trữ như bản phác thảo năm 1935 của Gio Ponti cho tấm thảm “Seggioline” của ông đã được giới thiệu cùng với “Alberi” năm 1952 của Enrico Paulucci và “Astrazione” năm 1954 của Eugenio Carmi. Với mục đích thể hiện “tinh thần chung của sự sang trọng chậm rãi” của hai thương hiệu, những tác phẩm này tái hiện những ảnh hưởng độc đáo và liên tục của thiết kế Ý và sự sống bền lâu của chúng.

A-POC Able Issey Miyake

(Issey Miyake)

Người đứng đầu A-POC Able Issey Miyake Yoshiyuki Miyamae với mục tiêu thúc đẩy các giới hạn về đổi mới vật liệu đã thuê công ty thiết kế Nature Architects Inc để kết hợp các thuật toán thiết kế hướng chức năng dựa trên siêu vật liệu (các vật liệu bao gồm nguyên tố không tìm thấy trong tự nhiên) với công nghệ đột phá “Steam Stretch” của Issey Miyake. Trong phần trình bày những thành quả của sự hợp tác với các kiến ​​trúc sư Taisuke Oshima và Kai Suto tại cửa hàng Via Bagutta của thương hiệu, Miyamae chia sẻ về tầm quan trọng của sự hợp tác liên ngành nhằm “mang đến thời trang cho thế hệ sau”. Nếu dự án này mở rộng quy mô, chúng ta có thể mong đợi chứng kiến những loại vật liệu có thể thay đổi hình dạng dựa trên các nguyên tắc của origami, ví dụ một mảnh vật liệu phẳng biến thành khối cầu 3D. Điều này không chỉ định hình tương lai của quần áo mà còn phản ánh xu hướng thiết kế hiện nay. Tại Salone, thương hiệu này trưng bày các nguyên mẫu bao gồm thiết bị chiếu sáng và tòa nhà chọc trời, với mục tiêu đưa chúng vào ngành công nghiệp ô tô hay thậm chí không  vũ trụ. Theo Miyamae, điều quan trọng là “nghĩ về khả năng ứng dụng và phải bảo tồn [truyền thống], nhưng chúng tôi quan tâm hơn đến việc phát triển các truyền thống thành các chất liệu tương lai hơn.”

Loewe

(Loewe)

Những chiếc ghế gậy xứ Wales được Jonathan Anderson yêu thích được kết hợp với giấy, sợi xe, vải lông cừu, da, giấy bạc cách nhiệt… cho tác phẩm sắp đặt “Loewe Chairs” tại Palazzo Isimbardi. Bộ sưu tập gồm 30 mẫu thiết kế (22 trong số đó đã được thiết kế từ trước và 8 mẫu còn lại được thiết kế riêng cho sự kiện). Đây là dự án quy tụ các nghệ nhân chuyên nghiệp từ cả Loewe và trên toàn thế giới để biến chiếc ghế từ một thứ khiêm tốn thành sản phẩm cao cấp. Bản thân là một người đam mê sưu tập ghế gậy, Anderson đã có ý tưởng về dự án này từ lâu: “Tôi luôn bị ám ảnh bởi chúng bởi chúng là những thiết kế đáng kinh ngạc. Vì thế tôi muốn ứng dụng chúng như một sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại.” Tất cả 30 chiếc ghế đều sớm có người mua, nhưng một số tác phẩm khác lại chỉ có chức năng trưng bày. Điển hình như cấu trúc bằng đá, một trong những tác phẩm chính tại Salone. Lấy cảm hứng hình ảnh các kho thóc truyền thống của Tây Ban Nha có tên “hórreos” với hình dạng khác nhau tùy vào khu vực. Thiết kế cây nấm biến chúng thành những chiếc ghế đẩu, một biểu tượng khác trong tiết mục của Anderson nhằm phản ánh thời thơ ấu của nhà thiết kế này.

Missoni

(Missoni)

Sự kết hợp giữa hai trong số những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Lombardy là Missoni và bánh panettone chắc chắn luôn mang đến những bất ngờ thú vị. Giám đốc sáng tạo của Missoni Home Alberto Caliri đã tìm đến loại bánh kẹo nổi tiếng với những cảm hứng về hình khối. Nhà thiết kế của “Ciambellone” và “Panettone” nói: “Ý tưởng phía sau dự án này là với những hình khối đơn giản và nhờ về một cuộc sống trẻ trung, hạnh phúc. Những chiếc bánh rán và bánh panettone rất phổ biến ở Milan,” Anh nói thêm về việc mình muốn mang “một chút phép thuật vào bê tông”. Các tác phẩm được bao phủ trong những tấm vải hoa đặc trưng của thương hiệu, cùng khăn tắm nhiều màu, khảm gương toàn bộ, nhựa sơn mài và họa tiết mới có tên vải “Nastri”. Bộ sưu tập gồm sáu biến thể màu sắc kết hợp với nhau để tạo ra hiệu ứng 3D, trải dài từ ghế ngồi đến bộ sưu tập bộ đồ ăn “Nastri” mới.

Armani / Casa

(Armani)

Việc Giorgio Armani lần đầu mở cửa trụ sở Palazzo Orsini cho công chúng đến kèm với những sự hào hứng nhất định: địa điểm Via Borgonuovo thu hút 1.000 lượt khách trong hai tiếng rưỡi đầu tiên trong ngày khai trương vào thứ Ba (18/4/2023). Họ đến đây để xem bộ sưu tập ngoài trời đầu tiên của Armani/Casa, gồm ghế sofa “Terence”, ghế tắm nắng “Timothy”, bàn ăn “Thomas”, bàn phụ “Turner” và “Terry” và “Thelma”. Được chạm khắc từ gỗ tếch bằng kỹ thuật tương tự như với đồ nội thất liễu gai truyền thống và hoàn thiện bằng vải jacquard đa chiều nổi tiếng của Armani/Casa, những tác phẩm này được đặt trong khu vườn cung điện huyền diệu đi qua các mái hiên của sân trong với kiến trúc thế kỷ 17. Ở tầng trên của Palazzo, các vị khách được chào đón đến các phòng có tranh vẽ Appiani thường được sử dụng cho các phụ kiện thời trang cao cấp, đây là một không gian thích hợp để trưng bày bàn trang điểm “Antoinette” và bàn “Camilla” bằng xà cừ. Cuối cùng là những phụ kiện rất được yêu thích của thương hiệu này như những lá bài tarot có hình người mẫu mặc trang phục Armani và vòng chìa khóa castanet.

Prada

(Prada)

Đây là năm thứ hai liên tiếp Miuccia Prada kết hợp cùng công ty thiết kế Formafantasma để tổ chức Prada Frames, một hội nghị chuyên đề mời các kiến ​​trúc sư, bác sĩ, nhà thiết kế, nhà tâm lý học, nhà nhân chủng học, nhà hoạt động và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chia sẻ nghiên cứu của họ về mối quan hệ giữa thiết kế và môi trường. Chủ đề năm nay là “Vật liệu trong Flux” về chất thải – nguồn gốc cũng như chuỗi giá trị và các đặc tính biến đổi của nó. Từ công trình của nhà nhân chủng học người Anh Tim Ingold và phát hiện của ông rằng vật liệu là những thực thể không ngừng phát triển, bản thân ông cũng đã làm việc với những thiết kế Teatro Filodrammatici của Laveni và Avati và nội thất những năm 1960 của Luigi Caccia Dominioni. Ngoài ra, chất thải cũng được coi như một huyết mạch trong dòng vật chất toàn cầu và vai trò của nó trong các hệ thống giá trị cũng như thiết kế cần được đánh giá và khám phá thêm.

Dior

(Dior)

Tại Palazzo Citterio, Philippe Starck dùng tác phẩm của mình để thể hiện sự kính trọng với Monsieur Dior và chiếc ghế “Medallion” nổi tiếng của ngôi nhà. Năm nay, Dior by Starck giới thiệu chiếc ghế “Miss Dior”, gợi nhớ hai thiết kế vào năm ngoái là “Miss Dior Sweet Chair” và ghế bành “Monsieur Dior”, vốn được mô tả như sự “cân bằng hoàn hảo thông qua các khái niệm cơ bản về lực hấp dẫn và sự kết hợp giữa âm và dương”. Thiết kế được trưng bày trong một toile de Jouy làm bằng nhôm với sắc hồng, đen và cam huỳnh quang. Ý tưởng càng trở nên sống động với tác phẩm sắp đặt điêu khắc hình tròn (sản phẩm cộng tác với Soundwalk Collective) giúp những chiếc ghế nâng lên và hạ xuống theo các hướng ngược nhau. “Miss Dior và Monsieur Dior, Catherine và Christian Dior, em gái và anh trai, ghế ngồi và ghế bành, đây là câu chuyện về những bổ sung hoàn hảo,” Starck nói về tác phẩm của mình. Bộ sưu tập được hoàn thiện với, những chiếc bàn và ghế đẩu được điêu khắc tinh xảo từ chất liệu nhôm. Starck nói: “Nhôm là điểm khởi đầu để kiến tạo mọi thứ, thể hiện trí thông minh và sự tinh khiết của công nghệ cũng như sự nguyên bản của vật thể.”

Bottega Veneta

(Bottega Veneta)

Người yêu thời trang hẳn còn nhớ buổi trình diễn thời trang Mùa Hè 2023 của Bottega Veneta với những chiếc áo sơ mi bằng da, quần jean bằng da bê và đặc biệt là thiết kế sân khấu của Gaetano Pesce, và Milan Design Week 2023 lại là một dịp nữa để nhà mốt này toả sáng. Trong không gian cửa hàng tại Via Montenapoleone, Pesce được toàn quyền sáng tạo để xây dựng một cấu trúc giàn giáo khổng lồ với tấm bạt vẽ tay được phun nhựa thông tại chỗ và chiếu sáng ngược để nó trở thành một hang động đắm chìm. Với tiêu đề “Vieni a Vedere”, có nghĩa là “hãy đến và xem”, tác phẩm mang những vị khách qua một hành lang giống như một tổ kén để đến nơi những chiếc túi xách đầu tiên của Pesce (hai phiên bản cực kỳ hạn chế lấy cảm hứng từ ký ức về hai ngọn núi cạnh nhau của anh) ra đời.

Etro

(Etro)

Marco de Vincenzo (giám đốc sáng tạo của Etro) có rất nhiều tình bạn đến từ Instagram: “Bạn có thể tìm thấy ai đó đang làm những gì bạn nghĩ trong đầu theo một cách khác và đó là một cách để kết nối.” Một năm sau khi ngồi ở vị trí lãnh đạo thương hiệu Ý nổi tiếng với các bản in paisley và vải dệt đẹp mắt, tác phẩm gần đây của anh cũng xuất hiện trên trang của họa sĩ Amy Lincoln (New York). Bị thu hút bởi những khung cảnh mộng mơ đầy mê hoặc của hoạ sĩ này, Marco hợp tác cùng Amy Lincoln để tạo ra sáu chiếc chăn lấy cảm hứng từ tấm thảm cho bộ sưu tập mang tên ‘Woven Spectrum”. Bộ sưu tập được giới thiệu vào tuần này tại cửa hàng Brera của thương hiệu, nơi mỗi inch của các bức tường đều được bao phủ bởi nét vẽ của Lincoln. Từ cuộc gặp gỡ tình cờ, bộ đôi chia sẻ về sự căng thẳng tích cực giữa các phương tiện của mình. Theo De Vincenzo: “Nếu tôi tập trung quá nhiều vào thời trang, nó cũng đồng nghĩa với mặt kinh doanh. Vì thế đôi lúc việc mất kiểm soát và nhìn khác đi có thể nhắc nhở bạn rằng thời trang là nghệ thuật. Lincoln nói thêm: “Với tư cách là một nghệ sĩ, điều quan trọng là không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi yếu tố thị trường. Tôi nghĩ bạn muốn có thể kiếm đủ tiền để thực sự sống như một nghệ sĩ và có thể sáng tạo nghệ thuật, nhưng bạn cũng cần tạo ra thứ mà mình cảm thấy gắn bó nhất.”

Zegna

(Zegna)

Zegna đã tận dụng cơ hội tại Salone để ra mắt dịch vụ Zegna X mới hãng tạo ra từ sự hợp tác cùng Microsoft. Bản cập nhật tiên tiến nhất cho dịch vụ may đo đã cực kỳ phổ biến của nhà mốt này là một trình tạo phong cách 3D có khả năng thu thập các yêu cầu về phong cách cá nhân của khách hàng để tạo ra tới 49 tỷ cấu hình trang phục sang trọng được cá nhân hóa. Giám đốc tiếp thị và phát triển bền vững Edoardo Zegna cho biết: “Thứ đắt giá nhất mà chúng ta có trong cuộc sống là thời gian và chúng tôi có những khách hàng lớn với hầu bao rủng rỉnh và sẵn sàng mua hàng, họ chỉ không có thời gian cho việc đó.” Dịch vụ này sẽ có mặt tại cửa hàng của Zegna tại Milan vào năm tới, bên cạnh việc ra mắt trực tuyến để mọi người có thể trở thành nhà tạo mẫu của riêng mình. Đối với giám đốc nghệ thuật Alessandro Sartori, công nghệ này là sự bổ sung cho nghề may truyền thống mà ông và thương hiệu của mình theo đuổi.

(Theo Wallpaper)


 
Back to top