Salon Ánh Sáng: Một triển lãm nhóm Noirfoto của 6 nhiếp ảnh gia Việt mới và thành danh
Triển lãm nhóm Noirfoto mang tên “Salon Ánh Sáng” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/11 này tại Mai Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 12/12/2020.
Đây là một hoạt động dự kiến diễn ra thường niên tại Hà Nội và để tiếp nối cho các hoạt động nhiếp ảnh đã diễn ra tại Noirfoto Gallery, Tp. Hồ Chí Minh trong vài năm qua. Các triển lãm này là sự mở đầu một trào lưu nghệ thuật mới và tái định nghĩa khái niệm nhiếp ảnh ở Việt Nam như một công cụ và một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt nhưng không giới hạn. Các hoạt động đều nhằm mục đích truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức, cổ vũ và tạo điều kiện trưng bày cho mọi nghệ sĩ sử dụng công cụ và ngôn ngữ nhiếp ảnh trong sáng tác nghệ thuật.
Hành trình “ghi lại ánh Sáng” của 6 nhiếp ảnh gia
Photography là “ghi lại ánh sáng”; “Ánh Sáng” là yếu tố đầu tiên tạo nên một tác phẩm nhiếp ảnh. “Salon Ánh Sáng” lấy cảm hứng từ Tây Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – thời điểm nhiếp ảnh ra đời và phát triển cùng với nhiều công nghệ kỹ thuật khác trong các cuộc Đại Cách mạng Công nghiệp thứ 1 và thứ 2. Thời kỳ này cũng nở rộ những Salon nghệ thuật là nơi trưng bày những tác phẩm xuất sắc nhất của những nghệ sĩ cấp tiến đã làm thay đổi nghệ thuật, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Triển lãm ảnh lần này có sự tham gia của 6 nhiếp ảnh gia, mới và thành danh, với những chủ đề độc đáo, đa dạng và những kỹ thuật nhiếp ảnh chưa từng xuất hiện trong nước. Họ đã từng học tập và thực hành nhiếp ảnh ở nước ngoài hiện trở về hoạt động tại Việt Nam.
Phạm Tuấn Ngọc, đồng thời là người sáng lập Noirfoto, trưng bày bộ ảnh “Chloris” kỳ ảo nơi linh hồn hoa rời cánh hoa để tái sinh và trở nên bất tử, sử dụng kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh (lumen print) hoàn toàn mới tại Việt Nam. Bạch Nam Hải mang tới “Vui Cảnh Nước Nam” là phần tiếp theo của “Cát Nhân Viên Mãn” đã triển lãm tại Noirfoto Gallery tại tháng 07/2020 vừa rồi; trong bộ ảnh này, anh tiếp tục nhấn mạnh vẻ đẹp chân nguyên và đặc trưng của cảnh sắc cùng văn hóa người Việt.
Nguyễn Quang Bách tiếp tục hành trình tìm hiểu mối liên hệ giữa con người và cõi mộng ảo thông qua sự sặc sỡ và sống động của các nghi thức tâm linh trong “Kết Nối” mộc mạc mà sâu sắc với những kỹ xảo kỹ thuật số. Trần Quỳnh Anh không ngừng thể nghiệm với những chất liệu và kỹ thuật chemigram cũng hoàn toàn mới tại Việt Nam trong “23:59” là một bộ tác phẩm nhiếp ảnh trừu tượng hấp dẫn.
Cietisoo Nguyen ghi lại quá trình trải qua biến cố to lớn của cuộc đời và giãi bày chất chứa nội tâm bằng “Bức thư gửi mẹ” đầy cảm động được thực hiện trong hai năm, với ngôn ngữ hình ảnh siêu thực. Cuối cùng, Trần Phương Vũ cho ra mắt bộ tác phẩm đầu tay “Cái Phi Lý” sử dụng kỹ thuật hiệu ứng Sabattier và lấy cảm hứng từ thuyết hiện sinh theo quan điểm của nhà triết học Albert Camus.