Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Bạch Nam Hải: Ảnh là một hình thức lưu giữ ký ức để vượt lên “tính tạm thời” của vạn vật

Nov 24, 2020 | By Trang Ps

Lén lút, chi chít và u mặc, nghệ thuật nhiếp ảnh của Bạch Nam Hải khiến người ta phải từ tốn dừng lại, đăm chiêu và suy ngẫm hơn là đơn thuần thưởng thức. Tiếp nối bộ ảnh “Cát Nhân Viên Mãn” được triển lãm tại Noirfoto Gallery vào tháng 7/2020, tháng 11 này tại Hà Nội, anh sẽ giới thiệu đến công chúng bộ tiếp nối mang tên “Vui Cảnh Nước Nam.”  

Nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải được biết đến như một chuyên gia in ấn mỹ thuật quốc tế, đồng thời là nhà sáng lập tổ chức Hoa Ta với nhiều thương hiệu nhằm quảng bá nhiếp ảnh Việt Nam và các dòng thư họa truyền thống. Bên cạnh những phóng sự về các vấn đề xã hội, những sự kiện hay chân dung nhân vật, Nam Hải đề cao tầm quan trọng của nhiếp ảnh sáng tác.

Đối với anh, nhiếp ảnh sáng tác mới là tinh hoa trong sự nghiệp của mỗi nhiếp ảnh gia. Những tác phẩm này ngoài miêu tả bản chất khách quan của sự vật, còn phản ánh thế giới chủ quan của người cầm máy.

Chào nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải! Được biết sắp tới ngày 22/11 này tại Hà Nội, anh sẽ tham gia triển lãm nhóm Noirfoto “Salon Ánh Sáng” cùng 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh khác. Anh có thể giới thiệu một chút về bộ ảnh này?

“Vui Cảnh Nước Nam” là tên bộ ảnh mà tôi đem trưng bày trong triển lãm tới. Tươi sáng, được chụp với kỹ thuật điêu luyện và ngôn ngữ nhiếp ảnh riêng biệt, những tác phẩm tập trung nhấn mạnh vẻ đẹp chân nguyên và đặc trưng của cảnh sắc, sinh hoạt văn hóa con người Việt Nam hiện tại.

Những hình ảnh tưởng chừng không liên quan nhưng đôi khi lại đầy tính tương phản: từ tượng đá trăm năm nhuốm màu linh thiêng đến hội hè ngổn ngang nhiều màu sắc, từ đường nét kiến trúc vuông vắn thẳng tắp đến mấy con rối nước như biết nói, biết cười. Tất cả là những mảnh ghép thân quen kết nối thành một hình tượng Việt Nam “điển hình” – mà chính là điều tác giả quan tâm, trân quý và muốn gìn giữ.

Ảnh là một hình thức lưu giữ ký ức để vượt lên “tính tạm thời” của vạn vật – bởi mọi thứ rồi sẽ đổi thay. Những điều bình thường hôm nay mai kia sẽ trở nên xa lạ. Nhiếp ảnh vì lẽ đó trở thành bộ môn thị giác gần gũi nhất có thể vượt qua thời gian, không gian để đồng cảm được con người và các thế hệ khác nhau.

Tôi đặc biệt tò mò về “tính tạm thời” của vạn vật mà anh chia sẻ. Phải chăng đó là một trong những quan niệm tạo nên triết lý nhiếp ảnh của riêng anh?

Triết gia Heraclitus từng nói: “No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man.”  (tạm dịch: không ai đi qua một con sông hai lần giống hệt nhau, bởi vì dòng chảy luôn thay đổi, và con người cũng đổi khác.)

Người hay sông hay mọi thứ đều luôn thay đổi, ảnh cũng không ngoại lệ: vô thường. Tuỳ vào mỗi giai đoạn mà kỹ thuật, vốn sống và tâm tư của người cầm máy sẽ khác nhau; từ đó cho ra đời các tác phẩm phản ánh chính con người của họ tại thời điểm đó, hoàn cảnh đó.

Tôi thiết nghĩ, vốn dĩ, vạn vật chẳng có gì tuyệt đối giống nhau. Những hình ảnh mà tôi bén duyên chụp vừa thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan cùng cảm quan mỹ thuật của riêng mình vừa đậm tính độc lập cá nhân trong “thuật tư tưởng” và “óc tân kỳ”. Mà trong đó, sự thuần tuý của kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống, chú trọng sự nắn nót trong đường nét, góc cạnh, dù là hình ảnh có nhiều chi tiết đan xen đến rối loạn vẫn luôn tồn tại trật tự riêng. Nếu thấy được góc cạnh, hình khối thì sẽ thấy được sự kết nối giữa vạn vật và mở ra nhiều tầng lớp ý nghĩa/câu chuyện khác nhau.

Tôi may mắn khi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người có lối tư duy, cách sống, cách nghĩ rất riêng. Tôi muốn dùng nhiếp ảnh để kể lại câu chuyện cuộc đời họ, với niềm chân thành và tinh thần tràn đầy hy vọng. Những câu chuyện đó, mong rằng, sẽ được nhiều người biết đến – để cùng hiểu, thông cảm và chấp nhận sự khác biệt tồn tại giữa chúng ta. Đồng thời, cá nhân tôi cũng muốn đề cao nét đẹp sinh hoạt dân gian/đời thường – để mọi người thêm yêu quý và trân trọng giữ gìn nét văn hoá Việt.

Liệu có một câu chuyện cụ thể nào hình thành nên nhân sinh quan mới đầy độc đáo và thú vị không, thưa anh?

Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ Dzếnh, phản ánh tự sự của ông ấy. Đấy là một câu chuyện ông viết nhằm xin lỗi người anh trai của mình, bởi ông nhận ra rằng cuộc sống này ông mang nợ họ quá nhiều. Điều đó làm tôi suy nghĩ: “Mọi thứ từ đâu mà ra?” Mình lấy câu chuyện của người ta, sự vật của người ta để tạo ra bức ảnh. Nó trở thành một sự “bóc lột”. Tôi bỗng nhận ra, có lẽ, mình cũng đang nợ người tạo ra cái mình đang chụp và cần phải biết ơn và báo đáp họ.

Nhiếp ảnh là phát hiện cái đẹp và thể hiện cái đẹp ấy theo một cách khác, nhưng anh có bao giờ lại phán xét điều gì đó trước khi nhìn thấy cái đẹp không?

Thật khó để không phán xét cái đẹp. Cái đẹp là chủ quan. Mỗi người đều có nhận thức riêng về cái đẹp. Giờ đây, với tôi, cái đẹp nằm ở chỗ liệu điều đó có chóng chán hay không.

Với những triết lý nhiếp ảnh độc đáo ấy, liệu Bạch Nam Hải có một người thầy nào đó truyền cảm hứng cho tư tưởng của minh?

Có lẽ, ảnh hưởng lớn nhất đến từ việc đi học nhiếp ảnh và gặp được người thầy thời đại học, đồng thời là cố vấn của tôi – ông Michael Coyne. Tôi có cơ hội gặp trực tiếp, làm việc cùng ông ấy. Ông ấy tỏa ra ánh sáng hào quang khiến tôi khâm phục. Những triết lý nhiếp ảnh của Coyne giúp định hướng phong cách chụp của tôi.

Tôi nhớ, thầy từng chụp một bộ hình trong khu phố của mình với những người quen và không quen, nhưng ai nấy đều cá tính và tự tin thể hiện trước ống kính của ông: người thì phơi nắng, người chơi với trăn… Thầy vỗ vai tôi nói: “Chúng ta chẳng cần đi đâu xa để tìm kiếm những điều mới lạ! Xung quanh chúng ta là một thế giới mà ta chưa bao giờ thực sự khám phá.”

Tôi bỗng tỉnh ngộ, vì lúc ấy, tôi có lúc muốn đi chỗ nọ chỗ kia nhưng trường RMIT không cho phép vì quá mạo hiểm.  Vì bản thân nghĩ rằng, nơi xa ấy mới mang lại những bức ảnh độc đáo. Nhưng kể từ sau năm 2016, tôi chụp chậm lại, và bắt đầu với những điều giản đơn nhất. Tôi nhận ra, khi ấy, ảnh đời thường ngày quan trọng biết bao.

Điều mà Bạch Nam Hải thật sự hy vọng trong triển lãm lần này là gì?

Với những tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này, tôi mong muốn tìm thấy sự kết nối giữa tôi và người thụ hưởng: tìm ra tiếng nói chung, để chúng ta có thể bắt đầu những cuộc đối thoại sâu sắc và nghiêm túc hơn.

Lý do chủ yếu cho việc lựa chọn những bức ảnh triển lãm không dừng lại ở chỗ các bức hình đạt chuẩn mực yêu cầu kỹ thuật mà còn thể hiện nét đặc trưng trong đời sống người Việt Nam đương đại, từ cảnh quan đến tư tưởng.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh: NVCC

Triển lãm nhóm Noirfoto mang tên “Salon Ánh Sáng” được Art Republik và Luxuo đồng hành bảo trợ truyền thông sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/11 này tại Mai Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 12/12/2020.


 
Back to top