Nghệ thuật

Gallery thương mại lớn ở Singapore tổ chức triển lãm nhóm dành riêng cho 7 nghệ sĩ đương đại Việt Nam

Oct 23, 2020 | By Trang Ps

Theo bước chân của cây viết nghệ thuật độc lập Ace Lê, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng và khám phá loạt tác phẩm ấn tượng của 7 nghệ sĩ Việt Nam đương đại đang trưng bày tại triển lãm “Unlearning” ở Singapore. Danh sách nghệ sĩ bao gồm: Quỳnh Lâm, Bảo Vương, Lê Hoàng Bích Phượng, Tuyền Nguyễn, Cam Xanh, Nghĩa Đặng và Cao Hoàng Long. 

Khi nhận lời mời của Richard Koh Fine Art (RKFA) về việc khai mạc “Unlearning”, tôi cảm thấy vừa háo hức, vừa e dè! Một mặt, đây là lần đầu tiên, sau một thời gian dài, một phòng tranh thương mại lớn ở Singapore tổ chức một triển lãm nhóm dành riêng cho nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Mặt khác, tôi không chắc ý định của David Willis trong việc phá bỏ những khuôn mẫu mang tính phác họa của nghệ thuật Việt Nam với chủ đề giám tuyển lỏng lẻo như vậy có đủ giá trị học thuật cho những tác phẩm đã được chuyển đổi hay không, vì hầu hết các tác phẩm đương đại ý niệm có thể phù hợp.

Sau “Post-Doi Moi: Vietnamese Art After 1990” (2008) tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore đến triển lãm sắp tới mang tên “Trinh T. Minh-ha. Films” ở NTU Centre for Contemporary Art Singapore, cũng là triển lãm cuối cùng trước khi trung tâm này đóng cửa, Singapore đã liên tục tổ chức các cuộc đối thoại tích cực về nghệ thuật đương đại Việt Nam trong hơn một thập kỷ, dẫn đến một nghiên cứu và lưu trữ đầy ấn tượng. Tuy nhiên, thành công về mặt học thuật như vậy vẫn chưa thể chuyển sang lĩnh vực thương mại do nguồn cung lẻ tẻ.

Trong các hội chợ nghệ thuật như S.E.A Focus hay Art Stage Singapore, tác phẩm Việt Nam hầu như chỉ được trưng bày bởi các phòng tranh du lịch từ nước ta; và có ít hơn 5 thành viên của tổ chức Art Galleries Assocation Singapore đang chiêu mộ bất kỳ nghệ sĩ Việt Nam nào.

Trong khi đó, các gallery hạng 2 tràn ngập những bức tranh trang trí (hoặc đồ nhái) về cánh đồng lúa, hoặc khu phố cổ, những người phụ nữ mặc áo dài hay những đứa trẻ dân tộc cười ngộ nghĩnh… Trong bối cảnh đó, “Unlearning” là một dự án đầy tham vọng của một phòng tranh thương mại, mặc dù quy mô hãy còn khiêm tốn.

Chào đón chúng tôi ở lối vào là tác phẩm video câm của Quỳnh Lâm, ghi lại show diễn cá nhân của cô tại Gallery 1010, Tennessee, trong đó cô ấy viết đi viết lại “I am not a spy” (Tôi không phải là gián điệp) trên khắp bức tường và sàn nhà trong khi khán giả nhìn trộm từ bên ngoài. Cô cũng dàn dựng 4 camera CCTV nhãn hiệu Qsee để ghi lại màn trình diễn trực tiếp trên một chiếc TV cũ ở định dạng 4 kênh, giảm bớt còn 2 kênh tại RKFA. Bằng cách tái hiện trải nghiệm đau thương theo nhiều lớp, Quỳnh Lâm đã tái thương lượng thành công mối quan hệ giữa kiểm soát và quyền tự do, trong những lo lắng đan xen của cả hai phía trước máy quay.

Bước vào không gian chính là ba bức tranh sơn dầu của họa sĩ người Pháp gốc Việt – Bảo Vương, kể lại tình trạng kinh hoàng cả gia đình chạy trốn cùng khoảng 100 thuyền nhân sau chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam. Những tác phẩm này từng trưng bày tại “Another Crossing” (2019) tại Manzi Art Space, Hà Nội, kèm theo màn trình diễn “Water”, trong đó nghệ sĩ được cho là không ăn không uống trong 5 ngày. Hoàn cảnh di cư được thể hiện sinh động và có ý thức trong từng nét vẽ, sự phân chia nặng nề nhưng thơ mộng giữa màu đen và ánh sáng, nhịp điệu 3 chiều khiến người xem say mê và như bị mắc kẹt giữa trong khối tuyệt vọng và hy vọng.

Tôi từng có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm “The Milk Way” của Lê Hoàng Bích Phượng khi nó ra mắt lần đầu tiên trong “White Black & Gold” (2015) tại Japan Foundation, Hà Nội, đánh dấu sự mạo hiểm đầu tiên của nghệ sĩ trong lĩnh vực sử dụng gốm sứ như một phương tiện sáng tạo. Ở đây, tác phẩm được tái tạo chân thực với lắp đặt hoàn hảo, chiếm trọn bức tường không gian trung tâm. Kiến trúc dựa trên sự hiện sinh của nghệ sĩ chúng ta, với tư cách là một sinh thể, là những sáng tạo ngẫu nhiên giống như các hành tinh được nhóm lại trong cùng một thiên hà. Chúng ta tương tác với nhau nhưng chỉ hướng đến lợi ích bản thân, gây ra chứng hoang tưởng tập thể, biểu hiện qua 300 ngón tay hỗn loạn với các hình dạng, kích thước khác nhau. Họa sĩ chia sẻ: “Tôi tin rằng ý thức hòa bình tạo ra trật tự. Thực tế, đó là miền đất hứa của chúng tôi, bị bỏ rơi để theo đuổi những giấc mơ quanh co.”

Theo chiều kim đồng hồ, bức tường tiếp theo có hai bức vẽ cả Tuyền Nguyễn phản ánh trực tiếp khủng hoảng Covid-19. Anh tập trung chất liệu than đơn màu trên giấy, được lắp đặt trong khung như một cửa sổ nhìn vào thế giới khép kín ngột ngạt, trong đó, những bản ngã tuyệt vọng cố thoát ra ngoài.

Bên  cạnh Tuyền Nguyễn là tác phẩm điêu khắc “Declaration of Independence of Vietnam” của Cam Xanh. Sử dụng kén tằm được đánh dấu bằng những từ ngữ giải mã từ bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” thế kỷ X, cô muốn nhấn mạnh đến quá trình đấu tranh thoát khỏi thế lực chính trị lớn hơn, và ở một mức độ sâu sắc hơn, là khát vọng thoát ra khỏi giới hạn sáng tạo của nghệ sĩ.

tác phẩm sắp đặt Thebes theo phong cách tối giản của Nghĩa Đặng.

Ngoài ra, chúng tôi còn có dịp chiêm ngưỡng thêm các tác phẩm nổi bật của Nghĩa Đặng và Cao Hoàng Long. Nếu Nghĩa mang đến tác phẩm sắp đặt Thebes theo phong cách tối giản, dưới sự ảnh hưởng của nhà điêu khắc người Mỹ Eva Hesse thì Long trưng bày tác phẩm video Memories of 88, như một cách thể hiện ý niệm về tĩnh tại nội tâm.

Tác phẩm Memories of 88của Cao Hoàng Long.

“Unlearning” đã thành công trong việc dàn dựng loạt tác phẩm thú vị, thể hiện các vấn đề đa dạng với phương tiện sản xuất khác biệt. Điều đó chứng minh nghệ thuật đương đại Việt Nam không chỉ là những hình ảnh ráo rỗng và mang tính công thức.

Tuy nhiên, nếu phòng trưng bày đi sâu hơn vào câu chuyện cụ thể thay vì tập trung vào thực hành mang tính địa phương của 7 nghệ sĩ thì triển lãm sẽ trở nên trọn vẹn hơn.  Cuộc trưng bày này đã neo lại trong tôi những chiêm nghiệm mạnh mẽ về chủ nghĩa hiện sinh của các nghệ sĩ, thể hiện qua mối quan hệ cá nhân gắn bó sâu sắc với Việt Nam, vấn đề căng thẳng vật chất cũng như biểu tượng văn hóa và thân phận lầm lỡ…

Sự kiện sẽ tiếp tục diễn ra tại Richard Koh Fine Art, Singapore  đến hết ngày 24 tháng 10 năm 2020.

Lược dịch: Trang Ps | Bài & Ảnh: Ace Lê


 
Back to top