ART & CULTURE

Giải cứu Mona Lisa – Trận chiến bảo vệ Louvre và kho báu của Louvre trong suốt Thế Chiến II

Jan 27, 2023 | By Xu

Những kiệt tác của nền văn minh châu Âu, từng được đưa ra khỏi Bảo tàng Louvre khi Thế Chiến II bùng nổ và cất giấu ở những lâu đài bụi bặm nằm sâu trong vùng nông thôn nước Pháp, cách xa sự tàn phá của các cuộc ném bom.

Mùa thu năm 1939, trong đêm khuya, những đoàn xe tải bí mật mang theo những kiệt tác nghệ thuật và cổ vật quý giá của nước Pháp rời khỏi Bảo tàng Lourve, hướng đến nhiều lâu đài khác nhau ở miền nam và miền tây nước Pháp, hối hả chạy trốn khỏi bom đạn khói lửa đang chầu chực ập tới. Nhiều trong số những chiếc xe tải như vậy đã đi trên những con đường tắc nghẽn đầy những người tị nạn đang kinh hoàng trốn chạy khỏi cuộc tiến công của Đức Quốc xã. Đó là cuộc di tản nghệ thuật và cổ vật lớn nhất trong lịch sử.

“Saving Mona Lisa – The Batle to protect the Louvre and its treasures during World War II” (Tạm dịch: Giải cứu Mona Lisa – Trận chiến bảo vệ Louvre và kho báu của Louvre trong suốt Thế Chiến II), xuất bản lần đầu bởi ‎Heliopa Press, LLC (ngày 9 tháng 5 năm 2014), của Gerri Chanel, kể về một câu chuyện có thật. Tác giả là một nhà báo tự do, giáo sư đại học từng sinh sống 5 năm ở Pháp và trong thời gian đó cô bắt đầu nghiên cứu về “giải cứu Mona Lisa”.

Cuốn sách của Gerri Chanel thuật lại một hành trình tận tụy, gian nan và đầy hiểm nguy của những cư dân bình thường người Pháp. Họ chỉ là những nhân viên quản lý và chăm sóc bảo tàng. Khi quân Đức Quốc xã càng lúc càng tiến gần đến Paris vào năm 1940, họ gánh trên vai trọng trách bảo vệ Bảo tàng Louvre và những bảo vật vô giá của Louvre, bằng mọi giá chuyển những kiệt tác này đi xa và xa hơn về phía tây nam nước Pháp.

hiding artwork from the louvre around france

Từ những gì được viết trong “Saving Mona Lisa”, ta sẽ biết đến Jacques Jaujard như một người hùng. Gerri Chanel đã tiết lộ cách mà một công chức nhỏ bé như Jaujard Jaujard có thể thực hiện một chiến thuật thoả thuận trì hoãn với Đức Quốc Xã, tạo cơ hội để ông và các đồng nghiệp thực hiện kế hoạch đưa những kiệt tác quý giá – vốn được ví như linh hồn của Bảo tàng Louvre, như “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci hay “La Venus de Milo” (Tượng thần Vệ Nữ thành Milo) của điêu khắc gia Alexandros of Antioch, và những viên ngọc quý của Pháp, cùng hàng ngàn món đồ cổ quý giá khác – sơ tán khỏi thủ đô, từ đó tránh được nguy cơ bị huỷ hoại.

Jacques Jaujard

Đó là tháng 8 và tháng 9 năm 1939, Jacques Jaujard – lúc bấy giờ là phó giám đốc của Bảo tàng Quốc gia, cùng những người phụ trách của Bảo tàng Louvre cẩn thận đặt bức tranh nổi tiếng nhất thế giới vào một chiếc thùng gỗ đặc biệt có đệm và lót nhung đỏ, lặng lẽ đưa nó rời khỏi thủ đô và hướng đến thung lũng Loire. Không ngừng chạy trốn bom đạn, đầu tiên, “nàng Lisa” đến lâu đài Chambord, rồi đến Louvigny ở vùng Normandie, Tu Viện Loc Dieu ở quận Aveyron, Bảo tàng Montauban và cuối cùng đến lâu đài Montal. Từ năm 1939 đến 1945, “Mona Lisa” được chuyển đến 5 nơi cất giấu khác nhau ở những vùng nông thôn nước Pháp. Sau khi trở về Louvre, bức “Mona Lisa” đã được trưng bày lại ngay sau tháng 7 năm 1945.

“La Venus De Milo” (Tượng thần Vệ Nữ thành Milo) đã được quay về Louvre vào ngày 2 tháng 7 năm 1945, sau khi Đức Quốc xã bị trục xuất khỏi Pháp. Bức tượng bằng đá cẩm thạch, cao khoảng 203 cm, cánh tay và chân đế của tượng đã bị bỏ lại khi bức tượng được nông dân Yorgos Kentrotas phát hiện vào tháng 4 năm 1820.

“The Victory of Samothrace” (Tượng thần chiến thắng Samothrace) trở lại Bảo tàng Louvre sau khi được cất giữ trong một chiếc thùng gỗ suốt nhiều năm. Di sản của Hy Lạp cổ đại, một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch mô tả nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng, được đưa trở lại đúng vị trí ban đầu ở Louvre bằng ròng rọc để tránh gây ra bất kỳ sự tổn hại nào. Tác phẩm này được tạo ra vào khoảng thế kỷ II trước Công Nguyên và đã được trưng bày tại Louvre từ năm 1884 – sau khi được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện vào năm 1863, tại đảo Samothrace, phía Đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh.

Khoảnh khắc những lớp bao bọc được mở ra đã trở nên thật ý nghĩa, từng tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian quay trở lại vị trí mà chúng sẽ được ngước nhìn, tại những phòng trưng bày và điểm tham quan nổi tiếng thế giới ở Paris. Không chỉ là một sự trở về, mà còn là một cột mốc đánh dấu cuộc chiến ác liệt đã qua đi, giai đoạn chuyển giao trong lịch sử nhân loại lại bắt đầu.

Trong số các hình ảnh in trong sách “Saving Mona Lisa”, còn có ảnh của những chồng khung tranh đang lặng yên chờ đợi các kiệt tác của chúng quay trở về (chụp tại Bảo tàng Louvre vào năm 1945). Tuy nhiên, không phải bức tranh nào cũng có thể tháo rời khỏi khung và cuộn lại để dễ dàng mang đi. Những bức như “The Raft Of The Medusa” (Chiếc bè của Méduse; hay còn có tên là “Scène de Naufrage” ( Cảnh đắm tàu ​​)), một biểu tượng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp do họa sỹ Théodore Géricault thực hiện, vốn có chứa bitum trong sơn, loại sơn không bao giờ khô hoàn toàn, do đó cần phải được vận chuyển tuyệt đối cẩn thận bằng cách giữ thẳng đứng trên một xe chuyên dụng.

Chỉ riêng những bức ảnh đen trắng được công bố trong cuốn sách “Saving Mona Lisa – The Batle to protect the Louvre and its treasures during World War II” đã xứng đáng được coi là một cuộc triển lãm nghệ thuật. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc vô giá, ghi lại hành động phi thường của những còn người bình thường.

Khoảng 3.690 bức tranh và tác phẩm điêu khắc đã lên đường đi trú ẩn khi chiến tranh bùng nổ, với 37 đoàn xe rời thủ đô giữa đám đông người di tản.

Các vị Công Tước hào hiệp đã cho các nhân viên bảo tàng mượn nhà của họ trong suốt thời gian chiến tranh. Đó không chỉ là lòng tốt khi nhường chỗ ở cho lượng lớn tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một sự mạo hiểm. Vẫn luôn có những kẻ thèm muốn các bảo vật này và lần theo dấu vết. Khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào – từ nguy cơ ẩm ướt, đến bom đạn chiến tranh, hay khi có bất kỳ người Đức khả nghi nào đang tìm kiếm người Do Thái, hoặc thành viên quân Kháng Chiến – những nhân viên bảo tàng này sẽ nỗ lực giúp các tác phẩm tẩu thoát đến những khu vực xa xôi và an toàn hơn.

Bảo tàng Louvre thực sự đã thoát khỏi tình trạnh cướp bóc diễn ra trên khắp châu Âu, với các tác phẩm của Pablo Picasso, Henri Matisse và Otto Dix được vận chuyển trở lại Đức. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị đối xử tệ bạc, phần lớn các tác phẩm điêu khắc có nguồn gốc Cận Đông bị Đức Quốc xã niêm phong nhằm ngăn chặn công chúng tiếp cận với cái gọi là nghệ thuật “thoái hóa”. Năm 1943, Đức Quốc xã đã chém và đốt hơn 500 kiệt tác bị họ xếp vào loại “thoái hóa”, bao gồm các tác phẩm của Picasso và Paul Klee.

Jacques Jaujard đã không thể ngăn chặn những sự việc tồi tệ đó. Nhưng bằng mọi nỗ lực bảo vệ Louvre của ông, chỉ có một di sản bị thiệt hại nặng nề. Đó là tháng 5 năm 1945, một tù nhân người Đức đang bị vây nhốt trong sân Louvre, nghe thấy tiếng súng và trong sự tuyệt vọng cố tìm nơi ẩn trốn, đã xé xác ướp Ai Cập 4.500 năm tuổi thành từng mảnh.

Trong thời kỳ chiếm đóng, Bảo tàng Louvre vẫn được mở cửa như một nỗ lực của Đức Quốc xã nhằm chứng tỏ thủ đô của Pháp vẫn đang phát triển thịnh vượng. Nhưng cảnh tượng thực tế hẳn đã phản ánh thời cuộc rõ ràng hơn bao giờ hết, với những nhóm nhỏ du khách dạo quanh các phòng trưng bày gần như trống rỗng. Mãi cho đến sau ngày giải phóng 25 tháng 8 năm 1944, kho báu vĩ đại của Bảo tàng Louvre mới dần dần được lấp đầy trở lại trong những năm 1945-1947.

Quá trình ổn định hậu chiến của tất cả tác phẩm nghệ thuật đã cần đến vài năm, bởi chúng cần được di chuyển và đóng mở các lớp bảo vệ một cách cẩn thận. Ngày nay, Bảo tàng Louvre tiếp tục giữ vị thế là một trong những phòng trưng bày vĩ đại nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Ảnh: National Library/SAFARA

Ảnh: Pierre Jahan/Archives des museés nationaux

Ảnh: Pierre Jahan/Archives des museés nationaux

Nguồn: dailymail.co.uk


 
Back to top