Nghệ thuật / Đấu giá

Tranh cực thực, giá cực thực trong đối kháng Đông – Tây

Jul 22, 2021 | By Xu

Tại sao một bức tranh cực thực 17 năm tuổi xứ họ lại được giá gấp 04 lần kỷ lục tranh Việt Nam 100 năm tuổi? Ngoài yếu tố cung-cầu, còn có điều gì ẩn chứa? Bài viết phân tích ở góc độ thương mại-chính trị, trong đó cả tác giả và tác phẩm đều là những món hàng trong chiến lược vi mô và vĩ mô của nhà sưu tầm và thể chế cầm quyền.

“Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” (44 x 122 cm, 2004) của Lãnh Quân cán 12.6 triệu USD tại nhà China Guardian tháng 05.2021, phá kỷ lục giá tranh cực thực Trung Quốc

“Mona Lisa” (53 x 77 cm, 1503 – 1506) của Leonardo da Vinci, sơn dầu trên tấm gỗ, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

“Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” (2004) của Lãnh Quân (Leng Jun) cán 12.6 triệu USD tại Bắc Kinh đã từ hai tháng trước, nhưng mấy tuần qua lại khiến giới nghệ Việt Nam xôn xao hẳn lên với hai đầu cầu [1a, 1b] tranh luận xem trường phái cực thực có giá trị nghệ thuật hay không.

Sự phân lập này nên có, bởi các trường phái vốn sinh ra để đối chất và đối trọng lẫn nhau, qua đó phát triển tri thức. Nhưng còn một góc nhìn chưa được nhắc tới, đó là thị trường.

Với tôi, câu hỏi đau đáu hơn lại là: tại sao một bức đương đại mới 17 năm tuổi xứ họ lại được giá gấp 04 lần kỷ lục tranh Việt Nam 100 năm tuổi [2]? Ngoài yếu tố cung-cầu, còn có gì ở đây?

Bài viết này sẽ phân tích dưới con mắt chiến lược thương mại-chính trị ở cả cấp bậc nhà sưu tầm nói riêng và thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc nói chung.

Chân dung cô Phượng” (80 x 135,5 cm, 1930), sơn dầu trên vải, vẽ bởi hoạ sỹ Mai Trung Thứ. Nguồn ảnh: Sotheby’s

Trước hết, về vĩ mô, ta lùi lại một bước để hiểu những vận động nội tại của thị trường nghệ thuật đại lục trong nửa thế kỷ qua, với một vài cơn sóng lớn.

Sau chính sách đổi mới 1978, tới những năm cuối thập kỷ 80s cho đến hết 90s, đà phát triển còn dè dặt dưới nền kinh tế thuần Cộng sản. Tới những năm 00s, khi cộng đồng nghệ sỹ, giám tuyển và phê bình nghệ thuật đương đại đã trở nên uyên bác và đông đảo ở một mức nhất định, doanh thu từ đó bắt đầu tăng theo chiều thẳng đứng.

Một nghịch lý trong giai đoạn này là các tác phẩm nội địa thì được mua bởi nhà sưu tầm quốc tế, còn giới sưu tầm nội địa lại chuộng mua tác phẩm nghệ sỹ quốc tế. Trên đấu trường Hồng Kông thập kỷ này, số lượng người mua từ đại lục gấp đôi số lượng từ Anh Mỹ cộng lại, với giá trị gấp ba. Lý do thật dễ hiểu, bởi tranh là một kênh rửa tiền nhanh chóng và tiện lợi. Các tác phẩm quốc tế mua xong thường được để lại nước ngoài, do thuế nhập khẩu vào Hoa lục lên đến 34% tổng giá trị tranh.

Trong giai đoạn này, xu hướng mua tranh hầu hết là để đầu cơ, dẫn đến vấn nạn phá giá rồi hủy lệnh đã đấu xảy ra rất nhiều. Ví dụ, riêng năm 2006, Sotheby’s khởi kiện 13 khách đấu từ đại lục vì đấu xong không chịu trả tiền. Kể từ đó, các nhà đấu giá quốc tế lớn mới đặt ra điều kiện đặt cọc 20% cho các khách tham gia.

Tối 20.05.2021, China Guardian đã giơ búa tại đêm đấu giá nghệ thuật đương đại và hiện đại 2021, đưa tác phẩm nổi tiếng “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” của Lãnh Quân lên mức giá kỷ lục như ta biết, với khởi điểm khoảng 8.9 triệu USD. Nguồn: Sohu.com

Xu thế mua đồ ngoại chỉ chững lại trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, và đó cũng là lúc các nhà sưu tầm nội địa quay về với thị trường trong nước. Chính phủ Trung Quốc cũng nới tay hơn, tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nhân công khai bộ sưu tập của mình như một niềm tự hào quốc thể, góp phần định danh tên tuổi nghệ thuật đương đại nước này trên cán cân Á-Âu.

Từ năm 2009, Hội thảo Thường niên của Hội sưu tầm Nghệ thuật Đương đại Trung Quốc được thành lập, diễn ra cho tới nay. Ở các thành phố hạng một như Thượng Hải hay Bắc Kinh, có không dưới một chục bảo tàng đương đại tư nhân.

Khi nhìn lại, nếu năm 2000, thị trường nghệ thuật Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1% tổng giá trị thị trường toàn cầu, thì năm 2021, con số này đã là 20%, ngang bằng Anh, chỉ đứng sau Mỹ (42%) [3]. Với đà phát triển này, Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt qua phương Tây chỉ sau một thập kỷ nữa, với kỷ lục nối tiếp kỷ lục.

The Today Art Museum (TAM) được thành lập vào năm 2002, là bảo tàng nghệ thuật đương đại đầu tiên của Bắc Kinh. Tháng 05.2021, theo tài liệu do Cục Di Sản Văn Hoá Quốc Gia công bố, Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành “cường quốc bảo tàng” vào năm 2035, bằng cách thực hiện “Kế hoạch phát triển bảo tàng xuất sắc”, hay cụ thể là thành lập các bảo tàng đẳng cấp thế giới mang đặc trưng Trung Quốc.

Trong bức tranh vĩ mô đó, bên cạnh các bậc thầy cổ điển và hiện đại, thì những gương mặt đương đại cụ thể nào được chọn mặt gửi vàng, đều là kết quả của những yếu tố kết hợp thị trường-học thuật-chính trị phức tạp.

Ở cấp độ vi mô, khi các nhà sưu tầm / đầu tư coi nghệ thuật là hàng hóa, ta có thể mượn lăng kính 4Ps cơ bản của Philip Kotler để soi rõ trường hợp đang bàn tới.

1. Product – Sản phẩm

1(a). Tác giả

Ở giá triệu đô, mua tranh cũng là mua tên tuổi đính kèm. Lãnh Quân sinh năm 1963 tại Tứ Xuyên, là một tài năng hội họa sớm nở rộ. Năm 17 tuổi ông đỗ khoa Mỹ thuật Đại học Vũ Hán, và sau khi tốt nghiệp năm 1984 đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi phong cách hiện thực và cực thực, với mỗi tác phẩm mất vài tháng đến nửa năm để hoàn thiện.

Trong xưởng vẽ của hoạ sỹ Lãnh Quân tại số 86 phố Dongting, Vũ Hán. Nguồn: News.artron.net

Ông liên tục thắng nhiều giải thưởng hàn lâm nội địa, ví dụ bức “Di vật văn hóa – Thiết kế sản phẩm mới” (1993) và bức “Cảnh quan Thế kỷ số hai” (1995) thắng hai giải quan trọng tại Triển lãm Sơn dầu Trung Quốc. Hiện tại, Lãnh Quân cũng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Hồ Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Họa sỹ Hồ Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Họa sỹ Vũ Hán, và Hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Vũ Hán.

“Di vật văn hóa – Thiết kế sản phẩm mới” (1993), Lãnh Quân, thắng giải Tác phẩm mới Xuất sắc tại Triển lãm Sơn dầu Trung Quốc lần thứ Hai

Bức “Cảnh quan Thế kỷ số hai” (1995), Lãnh Quân, thắng Huy chương Vàng tại Triển lãm Sơn dầu Trung Quốc lần thứ Ba

Như vậy, lý lịch của Lãnh Quân là một lý lịch an toàn bậc nhất về mặt chính trị cho các nhà sưu tầm nội địa (so với các nghệ sỹ “có vấn đề” như Ai Weiwei). Về mặt hàn lâm, Lãnh Quân kế thừa kỹ thuật sơn dầu phương Tây, và được cho là đạt được trình độ xuất sắc về cực thực ở cả trong và ngoài nước, được giới truyền thông Trung Quốc gọi là “huyền thoại sơn dầu”. Tác giả này vừa khớp với chiến lược xây dựng bản dạng nghệ thuật quốc thể của các nhà sưu tầm nội địa.

1(b). Tác phẩm

Khác với những tác phẩm đoạt giải trước đó của Lãnh Quân vốn mang nhiều hơi thở chính trị và triết lý, “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” là một sự quay trở về với bản ngã của mỹ thuật, là vẽ chỉ để vẽ, chứ không phải để nghĩ. Vậy nên Lãnh Quân mới lấy cảm hứng từ bức tranh cổ điển của Leonardo da Vinci, và đặt ra câu hỏi về cái đẹp ở bối cảnh phương Đông. Đây cũng là bức tranh đầu tiên (2004) trong loạt này, đánh dấu cột mốc lịch sử trong sự nghiệp họa sỹ. Nó cũng đã thắng giải Xuất sắc trong Triển lãm Mỹ thuật Quốc gia lần thứ 10.

Việc đối thoại qua toan với bậc thầy phương Tây cũng là một lời khẳng định về vị thế của hội họa Trung Quốc, nên dưới con mắt của các nhà sưu tầm, nó cũng khớp với chiến lược ở mục trên. Bên cạnh đôi bàn tay và nụ cười, hai bức tranh không còn nhiều điểm chung. Bố cục tranh dọc giống như tranh cuộn cổ điển của Tàu, lại thêm dấu triện ở góc trên bên phải, đã ấn định rõ thêm yếu tố bản sắc này.

Trong một bài phỏng vấn với CGTN, họa sỹ này có nói: “Sơn dầu Trung Quốc có bản sắc riêng, vì Trung Quốc có hàng nghìn năm văn hiến. Chúng ta đã thẩm thấu kỹ thuật Tây phương rất nhanh, và đã đồng hóa nó để phù hợp với văn hoá và định hình phong cách của chính mình.” [4]

Như vậy, sự “phi chính trị” của Lãnh Quân thực chất lại rất chính trị, và cũng đã bị thị trường chính trị hóa, tạo ra những giá trị đong đếm và vô hình rất lớn kèm theo.

Lãnh Quân và mẫu trong bức “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” (2004), 17 năm sau

2. Place – Kênh phân phối

Với những bất ổn tại sân sau Hồng Kông và sự siết chặt của các nhà đấu giá quốc tế lớn tại đây như Sotheby’s và Christie’s với khách Hoa lục, việc thị trường nội địa Trung Quốc tự phát triển kênh đấu giá của mình là chiến lược đương nhiên.

Bức “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” được rao bán tại sàn đấu giá lớn bậc nhất Trung Quốc là China Guardian, ngang ngửa với một tên tuổi khác là Poly International. Cả hai đều đặt trụ sở tại Bắc Kinh (chứ không phải Thượng Hải). Thành lập năm 1993, China Guardian là nhà đấu giá có tuổi đời cao nhất tại nước này, và là nhà đấu giá lớn thứ tư trên thế giới.

Cơ cấu doanh thu và các nhà đấu giá hàng đầu Châu Á (2020). Nguồn: The Art Market in 2020/artprice.com

Nhà này vốn tập trung chính vào tranh thủy mặc, thư pháp và đồ cổ trong những thập kỷ đầu, nhưng kể từ khi Poly International ra đời năm 2005, cả hai bắt đầu đua nhau ở mảng đương đại. Trong hơn một chục kỷ lục giá gần đây tại China Guardian, hầu hết đều đến từ tranh thủy mặc hoặc thư pháp.

Việc tranh của Lãnh Quân bán qua kênh đấu giá là một hình thức hợp pháp hóa giao dịch cho phía mua và bán, đồng thời là một quân bài rất cần thiết nằm trong chiến lược tiếp tục bành trướng mảng đương đại của China Guardian để giành lại thị phần vốn bị Poly International áp đảo bấy lâu.

3. Price – Giá

Nói đến chuyện giá, đây là lúc ta cần giới thiệu nhân vật quan trọng không kém tác giả, đó là nhà sưu tầm tư nhân Thang Thư (Tang Ju). Với tầm nhìn xa và chiến lược, ông này đã mua bức “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” ngay lập tức, trực tiếp từ hoạ sỹ năm 2004 với giá 700 ngàn NDT, tức hơn 100 ngàn USD, rồi chờ đợi và bán được với giá gấp 115 lần sau 17 năm!

Nhưng trước khi đi vào mục tiếp theo là các chiến lược cụ thể để tăng được giá trị như vậy, ở mục này ta hãy chỉ đóng vai trò nhà đấu giá và người mua để định giá cho “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười”, và thước đo phổ biến nhất là lịch sử giao dịch các tác phẩm khác của chính Lãnh Quân qua từng giai đoạn.

“Cảnh quan Thế kỷ số ba” (1995), Lãnh Quân

Đáng chú ý, bức “Cảnh quan Thế kỷ số ba” (1995) cũng từng được mua từ tác giả với giá nguyên khởi 200 ngàn NDT, tức 30 ngàn USD, rồi được rao bán một lần năm 2011 với giá gấp 100 lần, tức 3 triệu USD. Năm nay, giá của nó đã được gõ búa ở 6.7 triệu USD, tức gấp đôi 10 năm trước đó.

Cùng loạt với “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười”, nhưng sáng tác một năm sau đó là “Chân dung Ronaldinho” (2005), cũng đã được gõ búa năm 2010 với giá 4.8 triệu USD.

“Chân dung Ronaldinho” (2005), 125 x 33 cm, Lãnh Quân, cũng đã được gõ búa năm 2010 với giá 4.8 triệu USD.

Như vậy, để tính giá của “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” thật không khó. Nếu lấy tỉ số tham chiếu của “Cảnh quan Thế kỷ số ba” (gấp đôi so với giá 2010-2011) và giá tham chiếu của “Chân dung Ronaldinho” (4.8 triệu USD) thì ta sẽ được 9.6 triệu USD, nhưng như phân tích ở trên, giá trị bản lề của “Mona Lisa” hơn hẳn “Ronaldinho” nên việc nó được mua ở 12.6 triệu USD (hơn 31%) là rất hợp lý, và giá này dự kiến sẽ còn tăng. Công thức là rất rõ ràng cho cả bên định giá và bên đặt lệnh.

4. Promotion – Quảng bá

Thang Thư là ai và đã làm gì trong 17 năm?

Sinh năm 1964, vị này là một trong những nhà thiết kế nội thất nổi tiếng tại Trung Quốc, là con của một họa sỹ. Ông là một trong những nhà sưu tầm theo chiến lược “quốc thể” nói trên, với tầm nhìn xa.

Nhà sưu tầm nghệ thuật Thang Thư (Ảnh: Dong Lin). Nguồn: Art.absolutemagazine.cn

Tác phẩm trên tường (từ trái sang): “Chân dung X” của Mao Yan, “Bản sao” của Yu Hong, “Cuộc sống bình thường” của Cao Li, “Áo mưa nhựa” của Chen Wenji, “Cầu vồng mùa xuân” của Shi Liang, tác phẩm điêu khắc “Tiếng sáo” của Wei Xiaoming (Ảnh: Dong Lin). Nguồn: Hiart.cn

Từ những thập kỷ 90s và 00s, Thang Thư đã bắt đầu tập trung sưu tập một số lượng lớn các tác phẩm thuộc phong cách hiện thực của các họa sỹ nội địa, trong đó có Lãnh Quân, một người bạn cùng lứa. Tính đến nay, bộ sưu tập của Thang Thư bao gồm hơn 500 tác phẩm của các tên tuổi lớn như Hạ Tiểu Vạn, Vương Nghi Đông hay La Trung Lập (người được coi là tiên phong cho nghệ thuật hiện/đương đại Trung Quốc).

Ông đã lên kế hoạch xây một bảo tàng chuyên về trường phái hiện thực Trung Quốc. Ta nên lưu ý, khác với phương Tây nơi có chính sách giảm thuế cho các bảo tàng và quỹ nghệ thuật phi lợi nhuận tư, tại Trung Quốc, nhà sưu tầm phải chịu toàn bộ chi phí thiết lập bảo tàng, nên mỗi dự án như vậy đều là một cam kết lớn.

Thang Thư cũng là một thành viên tích cực tham gia Hội thảo thường niên của giới sưu tầm đã nhắc tới ở trên. Trong suốt những thập kỷ qua, đều đặn vài năm một lần, Thang Thư đều cho mượn tác phẩm trong bộ sưu tập của mình cho các triển lãm và bảo tàng lớn.

“Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” của Lãnh Quân, được xem là một kho báu trong ngôi nhà “Thang Viên” của nhà sưu tầm Thang Thư. Bên phải là một tác phẩm điêu khắc của Xiang Jing (Ảnh: Dong Lin). Nguồn: Hiart.cn

Một ví dụ là triển lãm “Target: Contemporary Art Selected by the Collectors” [5] diễn ra suốt 03 năm 2016-2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Ngày nay tại Bắc Kinh, do tạp chí Target tổ chức và Zhang Yong giám tuyển, quy tụ các tác phẩm từ 06 bộ sưu tập lớn, trong đó có bộ của Thang Thư. Sự xuất hiện trong các triển lãm và ấn phẩm uy tín góp phần tăng giá trị cho bộ sưu tập và các tác phẩm lên đáng kể.

“Nàng tiên cá” (1999), một tác phẩm sơn dầu của nghệ sỹ Liu Ye (1984), từng được trưng bày tại triển lãm “Target: Contemporary Art Selected by the Collectors” (2016 – 2018).

Một nước đi khôn khéo nữa của Thang Thư là khi đã sở hữu bản chính cùng bản quyền trí tuệ, ông ta bèn cho in “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” ra làm nhiều bản cùng cỡ, để tham gia vào nhiều phiên đấu giá từ thiện và thương mại, với giá khoảng 30 ngàn USD mỗi bức [6a, 6b].

Riêng bản chính, ông ta giữ kín, sau 17 năm mới cho tái xuất giang hồ trong một chiến dịch quảng bá thương mại rầm rộ của nhà đấu giá, so sánh đối kháng trực tiếp nó với một tác phẩm Tây phương cùng phiên tối đó tại Bắc Kinh là “Cột” (1968) của Gerhard Richter.

“Cột” (205 x 100 cm, 1968), Gerhard Richter, cũng cán 12.6 triệu USD tại nhà China Guardian, ngày 20.05.2021, phá kỷ lục giá tranh ngoại quốc tại Trung Quốc

Và kết quả là cả hai bức sơn dầu đều được ngã giá bằng nhau, 12.6 triệu USD, phá ba kỷ lục. Bức của Lãnh Quân phá kỷ lục cá nhân của họa sỹ, và kỷ lục cho cực thực nội địa. Bức của Gerhard Richter phá kỷ lục cho tác phẩm của nghệ sỹ ngoại quốc tại thị trường đại lục. Sự đối kháng này cũng là một minh chứng nữa cho chiến lược gây dựng hình ảnh quốc thể cho Trung Quốc như đã nói ở trên.

***

Dù “Mona Lisa – Thiết kế nụ cười” có phá kỷ lục, Lãnh Quân cũng không được hưởng đồng nào trong giao dịch này, mà người hưởng là Thang Thư và China Guardian. Nhưng ở tuổi 57, Lãnh Quân không thiếu tiền, bởi tác phẩm của ông đã được nhiều người săn lùng và mua trực tiếp trong hai thập kỷ qua với giá triệu đô rồi, trong đó có Jack Ma.

Trường hợp kỷ lục giá ở đây vốn là một câu chuyện đan xen giữa hàn lâm, chính trị và thị trường, trong đó cả tác giả và tác phẩm đều là những món hàng trong chiến lược vi mô và vĩ mô của nhà sưu tầm và thể chế cầm quyền giữa cuộc đối kháng Đông-Tây. Biết được như vậy, để ta hiểu ai là người quyết định chính trong cuộc chơi này, và đối chiếu về thị trường Việt Nam trong bối cảnh lớn hơn.

Chú thích:

[1a] Bài của Lê Quảng Hà (nghệ sỹ theo trường phái biểu hiện)

[1b] Bài của Lê Thế Anh (nghệ sỹ theo trường phái hiện thực)

[2] “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ, đạt 3.1 triệu USD hồi tháng 04.2021

[3] Báo cáo Thị trường Nghệ thuật Toàn cầu 2021, Art Basel & UBS.

[4] Đọc thêm news.cgtn.com

[5] Đọc thêm todayartmuseum.com

[6a] Đọc thêm gallery.artron.net

[6b] Đọc thêm artnet.com

 

Tác giả: Ace Lê

Về tác giả:

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.

 


 
Back to top