ART & LIFE

Tranh cổ tích – thoát ly thời đại hay chỉ là một cuộc vui chơi trong ảo mộng phù du?

Jan 06, 2022 | By Xu

Những câu chuyện cổ tích nên được tôn trọng. … Một quốc gia không màu mè, không chút lãng mạn, thì không bao giờ từng, không bao giờ có thể, không bao giờ sẽ, giữ một vị trí tuyệt vời dưới ánh mặt trời” – Charles John Huffam Dickens, người viết văn nổi tiếng nhất thời đại Nữ Hoàng Victoria.

“Ariel” (1873) của C.W. Sharpe – một nghệ sỹ của thế kỷ XIX. Nguồn cảm hứng từ “The Tempest” – một vở kịch của William Shakespeare , có lẽ được viết vào năm 1610 – 1611, và được cho là một trong những vở kịch cuối cùng mà Shakespeare viết một mình. Nguồn: Wikidata

Tranh cổ tích (fairy painting) là một thể loại tranh và minh hoạ, chủ yếu mô tả các nàng tiên và bối cảnh câu chuyện cổ tích, thường chú trọng chăm chút vào từng chi tiết. Thể loại này phổ biến nhất và gần như gắn liền với hội hoạ thời Victoria ở Vương Quốc Anh, nhưng là hội hoạ đã trải qua một thời kỳ phục hưng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do đó tranh cổ tích cũng được coi là biểu trưng cho chủ nghĩa thoát ly khỏi thời đại Victoria, và bước sang kỷ nguyên Edwardian.

Mặc dù đôi khi trông có vẻ kỳ quái và ghê rợn, nhưng tranh cổ tích thực chất bắt nguồn từ những ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực văn học và sân khấu của chủ nghĩa nghệ thuật lãng mạn, cũng như trong các vấn đề văn hoá mà thời đại Victoria phải đối mặt. Những ảnh hưởng đáng kể nhất là chủ đề giả tưởng trong các vở kịch “A Midsummer Night’s Dream” và “The Tempest” của đại văn hào William Shakespeare. Các tác phẩm văn học khác, chẳng hạn như “The Faerie Queene” của Edmund Spenser và hình mẫu anh hùng “The Rape of the Lock” của Alexander Pope cũng được cho là góp phần ảnh hưởng, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều hoạ sỹ trường phái tranh cổ tích.

Tác phẩm của hoạ sỹ, nhà thơ, thần học gia người Anh, William Blake  (1757–1827), “Oberon, Titania and Puck with Fairies Dancing” (khoảng 1786), chất liệu màu nước và than chì trên giấy, kích thước 47,5 x 67,5 cm. Cảm hứng bắt nguồn từ vở “A Midsummer Night’s Dream” của William Shakespeare. Lưu trữ tại Tate Britain (N02686). Nguồn: Wikidata

“The Lily Fairy” (1888), trong tiếng Tây Ban Nha có tên là “El Hada del Lirio”. Tác phẩm của hoạ sỹ người Tây Ban Nha, đồng thời là công tước xứ Labranzano, Luis Ricardo Falero (1851 – 1896). Luis R.Falero chuyên vẽ phụ nữ khoả thân và bối cảnh thần thoại, phương Đông và giả tưởng. Nguồn: Wikidata

Những đổi mới trong việc dàn dựng bối cảnh sân khấu đã phổ biến các tác phẩm kịch đến với công chúng, với sự phát triển của đèn chiếu sáng và những cải tiến trong kỹ thuật tạo hiệu ứng. Những thay đổi văn hoá cũng là một yếu tố quan trọng. Công nghiệp hoá không ngừng đã bật gốc những giá trị truyền thống lâu đời, đẩy nhanh những tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát minh ra nhiếp ảnh đã khiến một số người khó chịu và bối rối. Theo sử gia nghệ thuật nổi tiếng người Anh, Jeremy Maas, việc chuyển sang các yếu tố thần thoại và giả tưởng, đặc biệt là thế giới cổ tích, cho phép các nghệ sỹ tránh né khỏi những đổi thay của thời cuộc.

Trong quyển “Victorian Fairy Painting” do Jeremy Maas biên tập, viết: “Không có loại tranh nào khác tập trung nhiều yếu tố đối lập của tinh thần thời Victoria như thế: mong muốn thoát khỏi những thê lương của cuộc sống ảm đạm hàng ngày; sự khuấy động của những thái độ mới đối với tình dục, bị bóp nghẹt bởi giáo điều tôn giáo, niềm đam mê đối với những thứ không thể nhìn thấy, cùng sự ra đời của phân tâm học, và sự phản kháng tiềm ẩn chống lại sự ra đời của nhiếp ảnh”. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những bức tranh cổ tích có ý nghĩa như một phản ứng trước những thay đổi văn hoá không/chưa được chấp nhận rộng rãi.

​​”A Fairy Tale” kèm lời tựa “All seemed to sleep, the timid hare on form” – Scott. Một tác phẩm của hoạ sỹ người Anh, Arthur Wardle (1864–1949). Kích thước 114,3 x 165,7 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân ở Châu Âu. Ảnh chụp bởi nhà đấu giá Christie’s, LotFinder: entry 5701810 (sale 1128, lot 4, London, King Street, 11 July 2013). Nguồn: Wikidata

Như Andrew Stuttaford – biên tập viên của tờ National Review “thốt lên” trong một bài báo (21.12.1998) nhân sự kiện triển lãm “Victorian Fairy Painting” ở New York khi ấy:

Ôi, thôi nào (tiết lộ đầy đủ: tôi là người Anh). Nàng tiên Foxy chỉ là một bản cập nhật của một thủ thuật cũ. Các nghệ sỹ trước đó đã sử dụng các chủ đề “cổ điển” (“Venus” ở đây, “Sabine Woman” ở kia) theo cách tương tự. Cuối cùng, những bức tranh này chỉ để vui vẻ. Như Charles Dickens đã hiểu, “Những câu chuyện cổ tích nên được tôn trọng. … Một quốc gia không màu mè, không chút lãng mạn, thì không bao giờ từng, không bao giờ có thể, không bao giờ sẽ, giữ một vị trí tuyệt vời dưới ánh mặt trời”. Những câu chuyện cổ tích có thể hơi đa cảm và uỷ mị, nhưng đối với hầu hết người hâm mộ trường phái này, các tiên nữ chỉ là một cuộc vui chơi trong thế giới khác, một phần rất nhỏ của một nền văn hóa rất phong phú, (mơ tưởng) nhiều hơn một chút so với nền khoa học viễn tưởng của một thời đại mà ở đó, trí tưởng tượng bị tụt hậu so với công nghệ”.

Để kể đến những nghệ sỹ đầu tiên được coi là đã đóng góp vào thể loại tranh cổ tích thì phải lùi về trước giai đoạn của Chủ Nghĩa Lãng Mạn và trước thời đại Victoria. Henry Fuseli (1741 – 1825) và William Blake (1757 – 1827) đã tạo ra các tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này, thậm chí có thể tính từ trước năm 1800. ​​

Tác phẩm “Titania and Bottom” của hoạ sỹ Henry Fuseli (1741–1825), ra đời từ ấn tượng sâu sắc của Fuseli khi được biết đến các vở kịch của Shakespeare (đặc biệt là sức hấp dẫn của “A Midsummer Night’s Dream”) trong thời sinh viên của ông ở Zürich. Sơn dầu trên toan. Kích thước 2.172 × 2.756 mm. Nguồn: Tate Britain (N01228).

Tuy nhiên, gắn bó nhất với tranh cổ tích là nghệ sỹ ngoại đạo Richard Dadd (1817 – 1886), một người bị nghi ngờ là tâm thần phân liệt. Dadd đã sáng tác hầu hết các tác phẩm của mình trong khi bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần Bethlem vì tội giết cha, và tiếp tục dành hơn 20 năm cuộc đời ở bệnh viện Broadmoor chỉ để vẽ tranh.

Tác phẩm của Richard Dadd. “Fairy Fellers’ Master-Stroke” (1855–1864). Sơn dầu trên toan. 54 × 39.5 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Tate Gallery ở London. Nguồn: Tate.org.uk

Thể loại tranh này cũng ảnh hưởng đến phong trào Tiền Raphael. Người đồng sáng lập John Everett Millais đã tạo ra chuỗi tranh cổ tích dựa trên “The Tempes” của Shakespeare, và kết thúc bằng tác phẩm “Ferdinand Lured by Ariel” năm 1849. Dante Gabriel Rossetti, một trong những thành viên đầu tiên của Hội Anh Em Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood) – do một nhóm các họa sỹ, nhà thơ, và các nhà phê bình nghệ thuật người Anh thành lập năm 1848 – đã có cách tiếp cận gợi cảm hơn đối với chủ đề này, trong cả hội hoạ và thơ ca. Những người khác tham gia vào phong trào Tiền Raphael, như Arthur Hughes và William Bell Scott, cùng đóng góp cho thể loại tranh cổ tích.

“Ophelia” (1851 – 1852), sơn dầu trên toan, kích thước 76,2 x 111,8 cm, một tác phẩm rất nổi tiếng của John Everett Millais (1829 – 1896). Ophelia là nhân vật trong vở “Hamlet” của William Shakespeare. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Tate Britain (N01506). Ảnh chụp bởi Tate, London, 2011. Nguồn: Wikimedia Commons

“Midsummer Eve” (1908) của Edward Robert Hughes (1851–1914). Tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân. Ảnh: birminghammuseums.org.uk. Nguồn: Wikimedia Commons

Năm 1917, “Cottingley Fairies” – loạt 5 bức ảnh được chụp bởi hai chị em họ sống ở Cottingley của nước Anh, Elsie Wright và Frances Griffiths – trong thời gian ngắn đã hồi sinh sự quan tâm đối với các chủ đề thần tiên. Những bức ảnh đã khiến nhà văn Arthur Conan Doyle (cha đẻ của Sherlock Holmes) chú ý, và ông đã sử dụng chúng để để minh hoạ cho một bài viết về nàng tiên và đăng trên ấn bản Giáng Sinh năm 1920 của tạp chí Strand. Doyle, với tư cách là một nhà tâm linh học, rất nhiệt tình với những bức ảnh “Cottingley Fairies”, giải thích rằng chúng là bằng chứng rõ ràng và có thể nhìn thấy được của các hiện tượng ngoại cảm. Phản ứng của công chúng ở thời này khá trái chiều, một số chấp nhận những hình ảnh này là thật, một số khác tin rằng chúng đã bị làm giả. Hơn nữa, sự suy yếu của Chủ Nghĩa Lãng Mạn và sự hỗn loạn của Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất đã nhanh chóng làm giảm sự quan tâm đối với các phong cách và chủ đề phổ biến trong thời đại Victoria.

“The Cottingley Fairies”. Bức ảnh đầu tiên trong số 5 bức ảnh do Elsie Wright (1901–1988) chụp năm 1917, trong ảnh là Frances Griffiths (1907–1986) và những sinh vật được cho là tiên nữ. Bản in bạc bằng gelatin nâu đỏ, Dominic Winter Auctioneers/PA. Nguồn: theguardian.com

Thể loại tranh cổ tích đã đạt đến độ “nở rộ cuối cùng” trong khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XX, với sự ra đời những cuốn truyện cổ tích có minh hoạ của Arthur Rackham (1867 – 1939) – một nhân vật hàng đầu trong thời kỳ hoàng kim của tranh minh họa sách ở Anh.

Tuy nhiên, mối quan tâm đến nghệ thuật giả tưởng và văn học kể từ những năm 1970 một lần nữa chứng kiến sự hồi sinh của các chủ đề và phong cách hội hoạ cổ tích thời Victoria, và thường là trong các bối cảnh tiểu thuyết. Trong khi các nghệ sỹ như Stephanie Pui-Mun Law đã tạo ra các thể loại minh hoạ cho bìa sách và trò chơi nhập vai, các tác phẩm của Brian Froud, cũng được biết đến với một loạt các cuốn sách cổ tích có minh hoạ được chuyển thể thành một số phim điện ảnh thành công, như “The Dark Crystal” (1982) và “Labyrinth” (1986). Những ý tưởng của Alan Lee và John Howe cho loạt phim “The Lord of the Rings” (2001 – 2003) cũng đã thay đổi quan niệm của mọi người về việc miêu tả các nền văn hoá cổ tích.

“The Dance in Cupid’s Alley” (1904), tranh minh hoạ của Arthur Rackham (1867–1939). Nguồn: tate.org.uk

“Forgotten Bells of Ys” (2011). Chất liệu: màu nước. ©2011, Stephanie Pui-Mun Law. Galleries : Fairytales & Mythology. Nguồn: shadowscapes.com

Cuốn sách “The Art of Faery” do David Riche viết vào năm 2003 và được cố vấn bởi Brian Froud, đã đóng góp vào sự nghiệp của 20 nghệ sỹ trường phái cổ tích trong phong trào phục hưng hiện đại, bao gồm Amy Brown, Myrea Pettit, Jasmine Becket-Griffith, Philippe Fernandez, James Browne và Jessica Galbreth, nhiều người trong số họ đã tiếp tục viết sách nghệ thuật cá nhân.

Các mô tả về “faery” (một sinh vật nhỏ trong thần thoại, thường được miêu tả là một phụ nữ nhỏ bé với đôi cánh côn trùng, được cho là ưa thích vui đùa và sống trong các khu rừng) cũng đã xâm nhập vào nền văn hoá đại chúng theo những cách khác nhau, bao gồm thiết kế quần áo, đồ gốm, tượng nhỏ, may vá thủ công, nghệ thuật tượng hình…Các sản phẩm nghệ thuật ứng dụng thuộc trường phái cổ tích cũng được tiếp thị tới thị trường quốc tế trực tuyến.

Một phần nguyên nhân thúc đẩy mức độ phổ biến đại chúng của trường phái cổ tích trong ba thập niên cuối thế kỷ XX, là do phong trào Kỷ Nguyên Mới (New Era) – phát triển nhanh chóng từ thập niên 70, và được cho là kết thúc vào những năm đầu thế kỷ XXI. Các hội chợ nghệ thuật theo chủ đề phục hưng và các quy ước về khoa học viễn tưởng cũng đã củng cố giá trị của nghệ thuật cổ tích hiện đại như một thể loại sưu tầm.


 
Back to top